Cha tôi từng phán thế này: “Đừng làm một chazzer!” Trong tiếng Do Thái, từ đó có nghĩa là “con lợn”. Có vô số nguyên nhân khiến một người bị gọi là chazzer, có thể vì họ tham tiền bạc, hoặc lấy nhiều hơn so với phần ăn của mình, hoặc dù đã có chỗ đỗ xe khá ổn song cứ cố tìm cho được chỗ tốt hơn nữa chỉ vì ngại đi bộ thêm vài bước chân.
“Đừng làm một chazzer” là một triết lý sống khá thú vị. Hãy nghĩ xem vì sao bạn lại muốn có một thứ gì đó, và ngẫm thật kỹ xem vì sao bạn lại muốn có nó tới như vậy. Liệu cả bạn và trẻ có hiểu sự khác nhau giữa “những thứ cần” và “những thứ muốn” không? Bạn cần quần để mặc, nhưng bạn muốn phải có quần đẹp, hợp mốt, sành điệu để khoe mẽ và thể hiện bản thân.
Beth Kobliner là một tác giả thông tuệ chuyên về mảng tài chính cá nhân, cô đã viết cuốn Make Your Kid a Money Genius (Tạm dịch: Biến con thành thiên tài quản lý tiền). Sau lần trò chuyện với cô, tôi nói với Josie rằng tôi sẽ chỉ mua quần mới cho cháu khi thấy cháu thực sự thiếu quần và cũng sẽ chỉ chọn các thương hiệu bình dân như Old Navy, Forever 21 hoặc Uniqlo. Con bé thích quần áo mang phong cách hoài cổ (vintage) giống tôi nên thỉnh thoảng hai mẹ con tôi cũng dạo qua khu “hàng thùng”(1) cho vui, nhưng cháu hiểu rằng cháu sẽ phải tự dùng tiền tiêu vặt của mình để chi trả cho những món đồ cháu thích nhưng không thực sự cần thiết.
(1) Khu bán quần áo cũ với giá cực rẻ.
Có một sự thật thú vị là trong tiếng Do Thái cổ, từ beged mang nghĩa “một món đồ phục trang” lại có cùng gốc rễ với một từ khác mang nghĩa “sự phản bội”. (Trong suốt thời gian thực hiện nghi thức tế lễ vào các dịp lễ Rosh Hashanah và Yom Kippur hằng năm, chúng tôi sẽ nói câu bagadnu tức là “chúng tôi đã phản bội” rồi vừa đọc lời cầu nguyện Ashamnu vừa tự đấm vào ngực. Lời cầu nguyện này về cơ bản giống như một lời thú tội kiểu Do Thái. Điểm khác so với đạo Công giáo là sẽ không có linh mục để nói cho chúng tôi biết cần phải đọc bao nhiêu lời cầu nguyện tới Đức Mẹ Đồng trinh và Đức Chúa trời để tội lỗi của mình được ân xá. Như vậy, chúng tôi sẽ phải tự ăn năn xám hối và chịu hậu quả về những việc mình đã làm; xin lỗi những người mà chúng tôi đã gây ra hành động sai trái; và hy vọng không bị Chúa trời giáng đòn trừng phạt ngay lập tức).
Không phải ngẫu nhiên mà quần áo lại bị gắn với sự phản bội. Sau khi xảy ra câu chuyện ở vườn Địa đàng, quần áo đã trở thành ngọn nguồn của mọi lo âu, là nguồn cơn gây ra mọi mối lo về sự gian dối, lừa đảo và tính quỷ quyệt, xảo trá. Ngay từ lần đầu tiên được nhắc đến trong Ngũ Thư, quần áo đã bị gắn liền với sự phản bội của Adam và Eva đối với niềm tin của Chúa, nỗi hổ thẹn khi ở trạng thái trần truồng và niềm khát khao tháo chạy để trốn tránh hậu quả. Quần áo thường được liên hệ với lời nói dối đầu tiên, hình phạt đầu tiên và hình phạt bị trục xuất khỏi thiên đường theo một cách rất tinh vi. Vậy thì: Hỡi những thanh niên thời hiện đại! Hãy nhìn đi, sự phản bội đang hiển lộ dưới hình dạng chiếc quần jeans hàng hiệu của các con đó!
Nhưng công bằng mà nói, khi còn trẻ, chúng ta rất dễ tin rằng chỉ cần diện một bộ cánh thật hợp mốt từ đầu đến chân là ta sẽ được số đông tán thưởng và có được hạnh phúc. Chính nền văn hóa hiện đại đã truyền tới ta thông điệp ấy. Mọi người thường hy vọng họ sẽ từ bỏ lối suy nghĩ này khi đã trưởng thành, nhưng từ những khoản lợi nhuận khổng lồ của các nhà sản xuất hàng hiệu có thể thấy rất nhiều người vẫn chưa thoát khỏi suy nghĩ ấy. Với một đứa trẻ đang theo đuổi những giá trị thấp kém hoặc tin rằng trang phục đắt tiền mới là con đường dẫn tới hạnh phúc thì những lời mắng mỏ, dọa dẫm chỉ là hạ sách. Thay vào đó hãy ngẫm xem chúng đang nhận được thông điệp gì từ bạn, từ cộng đồng trường học, từ truyền thông đại chúng? Bạn có thể nhẹ nhàng phân tích cho con hiểu lý do dẫn đến lối tiêu tiền hiện nay của mình không? Và bạn có thể thành thật giãi bày với chúng những mong muốn của mình không? Theo tôi, chúng ta cần chỉ cho trẻ thấy ngay cả những người lớn với quyền lực tối thượng trong tay như cha mẹ chúng cũng có bao ước ao thầm kín phải kìm nén lại (như một đôi giày hàng hiệu, một kì nghỉ xa hoa hay một bức tranh đắt tiền).
Và một lần nữa, “hãy lựa chọn trận chiến” mà bạn thấy cần phải sống mái tới cùng. Khi đã cho trẻ tiền tiêu vặt thì đừng càm ràm, cằn nhằn hay làu bàu vì chúng chỉ mua toàn đồ chơi. Có chuyên gia cho rằng nên gắn tiền tiêu vặt của trẻ với việc nhà, lại có chuyên gia khác khuyên làm ngược lại. Thành thật mà nói, tôi nghĩ trong việc này chẳng thể phân định rạch ròi ai đúng ai sai. Tôi chỉ biết rằng trẻ nhất định phải trích một khoản kha khá trong tiền tiêu vặt của chúng để làm từ thiện.