Người trưởng thành nhất thiết phải nắm được một kỹ năng quan trọng là xác định thứ tự ưu tiên. Ngay từ nhỏ hãy dạy cho trẻ hiểu rằng không một ai có thể sở hữu mọi thứ họ muốn.
Mỗi lần viết cho các kênh truyền hình tôi đều được trả một khoản kha khá nhưng thường phải làm việc tới khuya và khóc rất nhiều. Tôi cũng từng làm việc cho các tạp chí in vào thời điểm loại hình này còn thịnh hành và thành công tới mức chủ bút sẵn sàng trả tiền để tôi viết độc quyền cho họ. Nhưng giờ đây số lượng tạp chí như vậy ngày càng ít, lại có thêm nhiều tay viết trẻ cạnh tranh và độc giả chuộng truyện ngắn thay vì các truyện dài của tôi. Năng lực kiếm tiền của tôi cũng theo đó mà sụt giảm đáng kể. Và các con tôi hiểu tất cả những điều đó.
Jonathan và tôi từng phân tích cho Josie và Maxie hiểu chúng tôi đã phải điều tiết cuộc sống ra sao để giảm bớt gánh nặng tài chính; và lối sống của các con sau này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới những mục tiêu của chúng. Chúng tôi đã yêu cầu các con suy ngẫm về những giá trị liên quan đến đồng tiền mà chúng tự đặt ra cho bản thân. Chúng thiên về kiểu công việc giàu cảm hứng nhưng thu nhập bấp bênh hay công việc lương cao nhưng buồn tẻ? Chúng thích sống ở những nơi náo nhiệt nhưng đắt đỏ, hay sôi động nhưng nguy hiểm, hay buồn tẻ nhưng hợp túi tiền? Chúng thích sống ở thành phố, hay ngoại ô, hay vùng quê?… và chúng sẽ chọn loại công việc gì để duy trì cuộc sống trong tất cả những kịch bản trên? Khi các con trả lời muốn trở thành nhà văn hoặc diễn viên, tôi liền hỏi chúng sẽ kiếm kế sinh nhai ra sao khi phải vật lộn trong thời gian hết việc? Chúng sẽ phải hy sinh những gì khi cam kết theo đuổi ước mơ?
Chẳng có ai bị tổn hại khi kìm nén lòng ham muốn để chờ đợi phần thưởng xứng đáng. Khuyến khích trẻ nỗ lực hết mình để đạt một mục tiêu hấp dẫn là bài rèn luyện chí khí hoàn hảo. Hãy bắt đầu từ những việc đơn giản, chẳng hạn như tiết kiệm tiền và lập kế hoạch kiếm tiền để mua một món đồ. Ngay cả trẻ nhỏ cũng có thể làm thêm việc gì đó để kiếm tiền. (Jonathan đã dạy Maxie cách quét danh thiếp kinh doanh bằng máy, sử dụng máy hủy giấy và pha cocktail cho các bữa tiệc. Cháu có thể pha một cốc gin và tonic rất ngon lành, hoặc một cốc Moscow Mule hay Bão tố và Bóng tối. Bạn có thể ghé qua nếm thử nhé).
Và cuối cùng, cần dạy cho trẻ hiểu rằng học tập là nhiệm vụ mà chúng phải tự gánh vác. Ai trong chúng ta cũng có công việc riêng phải thực hiện, và rất tiếc, chẳng công việc nào là hoàn toàn dễ dàng và hấp dẫn. Nhưng chúng ta vẫn phải hoàn thành chúng vì đó là nhiệm vụ của chúng ta. Nỗ lực hoàn thành cam kết sẽ tạo dựng những cảm xúc tốt lành và giúp chúng ta thành người tử tế. Tuy nhiên khi trẻ dần lớn lên, bạn có thể để chúng làm thêm ngoài giờ học.
Trong cuốn Make Your Kid a Money Cremins (Tạm dịch: Biến con thành thiên tài quản lý tiền), Beth Kobliner chỉ ra các nghiên cứu cho thấy những sinh viên làm thêm trong trường với thời lượng lên tới 20 giờ mỗi tuần đạt điểm cao hơn so với những sinh viên không làm thêm. Vì sao vậy? Có một giả thuyết là những công việc này khiến các em hào hứng tham gia và cam kết gắn bó hơn với nhà trường, và từ đó có động lực để nỗ lực hơn trong mọi lĩnh vực. (Với những sinh viên làm thêm ở bên ngoài trường đại học, mối tương quan điểm số - giờ làm không còn đúng nữa). Beth cũng dẫn lại một nghiên cứu quốc gia được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu thuộc chi nhánh Đại học California ở hạt Merced, theo đó những sinh viên tự trang trải một phần học phí cảm thấy dành nhiều tâm huyết hơn cho việc học. Cũng theo bà, nguyên nhân có thể là vì các em “đã cưỡi lên lưng hổ”. Hơn nữa, công việc làm thêm cũng giúp các em quản lý quỹ thời gian tốt hơn.
Rốt cục, mọi vấn đề đều dẫn chúng ta ngược trở về với câu hỏi của giáo sĩ Hillel: “Nếu không sống vì bản thân mình, thì ai sẽ sống cho tôi đây? Nhưng nếu chỉ sống cho riêng mình, thì tôi là ai cơ chứ?”
Hãy dạy con biết giúp đỡ những người khó khăn không chỉ bằng vật chất mà còn bằng cả tấm lòng. Như thế bạn đã tạo thêm điều tốt lành cho cả bạn, con bạn và thế giới nói chung. Nhà hoạt động đồng thời là người làm công tác xã hội trong lĩnh vực hỗ trợ dân định cư Jane Addams (1860 - 1935) từng có lần nói: “Trong dòng thủy triều lên xuống không ngừng của công lý và áp bức, tất cả chúng ta phải dùng hết sức bình sinh mà đào những con kênh, để cho vào những thời điểm thuận lợi, một phần nào đó trong dòng triều dâng ấy biết đâu sẽ được dẫn tới những mảnh đất cằn cỗi của cuộc sống.” Trên thực tế, tất cả chúng ta còn có thể làm gì hơn thế?
Phương pháp luận của mẹ Do Thái
1. Đan xen hoạt động từ thiện và những việc làm đúng đắn vào đời sống gia đình. Hãy phân tích cho trẻ về các doanh nghiệp đối đãi tốt với người lao động hoặc hỗ trợ cộng đồng, chẳng hạn như khu chợ của các nông dân sống trong cùng khu vực, cửa hàng bán thẻ tài trợ cho đội bóng đá thiếu nhi, cửa hàng bán đồ trang trí nhỏ quyên tặng các phiếu quà tặng cho buổi bán đấu giá của Hiệp hội Giáo viên - Phụ huynh. Bạn có thể cùng con mua hàng để ủng hộ họ. Khi đi du lịch, tránh mua quà lưu niệm sản xuất đại trà tẻ nhạt và kém chất lượng (có lẽ chúng đến từ Trung Quốc chứ không phải từ địa phương mà bạn đang thăm thú), thay vào đó, hãy chọn các cửa hàng kem địa phương hoặc khu đu quay ngựa gỗ, cửa hàng đồ cũ hoặc cửa hàng bán băng đĩa đã qua sử dụng.
2. Nhớ rằng trẻ con luôn để mắt tới mọi việc. Những người vô gia cư bên hè phố đang cầu khẩn chút lòng thương, còn bạn vừa lơ đãng quẳng món tiền từ thiện vào thùng đựng rác tái chế còn chưa mở nắp vừa lầm bầm buông lời chua cay; hoặc vừa coi thường vừa nói dối con khi than vãn hết tiền để từ chối mua đồ cho chúng trong khi bạn vẫn mang theo thẻ trong ví (và chúng đã nhìn thấy). Những cách hành xử đó sẽ khiến trẻ nhận ra khoảng cách lớn giữa những lời bạn nói và những việc bạn làm với đồng tiền của mình.
3. Giải thích cho trẻ hiểu về quảng cáo và tiếp thị. Khi trẻ dần lớn lên, hãy giải thích cho chúng về cơ chế bán hàng. Hằng ngày, có đủ loại thông điệp cả tế nhị lẫn bất lịch sự nhắm tới chúng ta để dẫn dụ chúng ta tiêu tiền. Hãy chỉ cho trẻ thấy những yếu tố chi phối tới quyết định chi tiêu của chúng trong cuộc sống.
4. Giải thích cho con về chức năng của thẻ tín dụng. Bạn cần dạy trẻ ngay từ nhỏ rằng những miếng nhựa phẳng nằm trong ví của cha mẹ chúng cũng chính là tiền chứ không phải một thứ phép màu nào hết. Hãy giải thích cho con cách vận hành của thẻ tín dụng và trò chuyện với chúng về việc chi tiêu trong khả năng cho phép.