Hãy để trẻ em nghĩ rằng mọi nghĩa cử tốt đẹp dù nhỏ đều được coi trọng; mọi lời nói đều ẩn chứa sức mạnh; và bất chấp tất cả những sự vô lý, nỗi bực tức và sự thất vọng, tất cả chúng ta vẫn thực hiện bổn phận “bù đắp cho thế giới” của mình. Trên tất cả, hãy sống như thể cuộc sống là một tác phẩm nghệ thuật và xin hãy nhớ đó chính là ý nghĩa của cuộc sống.
- Abraham Joshua Heschel
Tâm linh là một lĩnh vực vốn không hề đơn giản với bất kỳ ai. Nhưng với người Do Thái, đây còn là một vấn đề nan giải. Trước khi được lấy làm tên của một đất nước, từ Israel từng là tên của một dân tộc - và mang nghĩa là “người đang đấu tranh với Chúa”. Câu chuyện trong Ngũ Thư diễn kể rằng: Sau nhiều năm cướp quyền thừa kế của anh trai mình là Esau, Jacob cuối cùng cũng chuẩn bị tinh thần để đối mặt với anh. Vào buổi tối trước ngày gặp mặt, một thiên thần đến và vật nhau với Jacob. Jacob giành phần thắng và ra điều kiện thiên thần phải ban cho chàng một phước lành thì chàng mới thả cho đi. Thiên thần thực hiện điều kiện ấy và nói với Jacob rằng tên chàng từ giờ sẽ là Israel bởi vì chàng đã chiến đấu với đức tin mà vẫn đứng vững. Câu chuyện này biểu đạt một sự thật: Sự đấu tranh với đức tin luôn là một bộ phận không thể tách rời trong quá trình đi tìm bản ngã của mỗi cá nhân.
Đấu tranh và giằng co là một phần không thể thiếu của đời sống tâm linh. Đó là một quá trình đầy cực nhọc và thử thách, một bộ phận thuộc bản năng gắn kết khăng khít với các bộ phận khác. Tâm linh không nên nhuốm màu chủ nghĩa cá nhân hoặc ái kỷ, cũng không cần một không gian phảng phất mùi hoắc hương hoặc những luồng năng lượng tốt.
Vậy thế nào là tâm linh? Đạo Do Thái thừa nhận rằng tâm linh không nên là một hành động đơn lẻ chỉ hoàn toàn tập trung vào bản thể mỗi cá nhân. Trong đạo Do Thái, tâm linh gắn bó mật thiết với cộng đồng và hành động. Martin Buber từng nói: “Khi hai con người đồng cảm với nhau một cách đích thực và nhân văn, giữa họ sẽ xuất hiện một luồng xung điện mạnh và đó chính là Chúa trời”. Đời sống tâm linh chân chính không chỉ xoay quanh mối quan hệ giữa chúng ta với bản thể của mình hoặc với thần thánh mà còn bao gồm cả mối quan hệ giữa người với người. Cảm giác gắn kết với những người xung quanh đóng một vai trò tối quan trọng. Đó cũng là nguyên do vì sao lại có nhiều người Do Thái trở thành bác sĩ, nhà khoa học và các nhà hoạt động vì công bằng xã hội đến vậy. Đức hạnh không nằm sẵn trong bộ gien di truyền của chúng ta (cũng giống như quan điểm của tôi đối với sự thông minh của người Do Thái, đó là người Do Thái không hề có bất kỳ nguyên liệu sơ khởi nào có chất lượng tốt hơn những dân tộc khác); chính những giá trị được trao truyền đã đem đến cho toàn thể cộng đồng chúng ta thành tựu ấy. Đó cũng là lý do khiến chúng ta trở thành những nghệ sĩ, nhạc sĩ và người biểu diễn thành công; chúng ta thấu hiểu những điều kiện của con người vì từ tấm bé đã được dạy phải biết quan tâm đến cảm xúc của người khác.