Tôi cho rằng tôn giáo bao hàm các tác phẩm tập thể, âm nhạc, những nỗ lực tập thể, và trên tất cả, tôn giáo là bộ xương sống của công bằng xã hội.
Trong đạo Do Thái có một khái niệm rất quan trọng là tikkun olam. Cụm từ này thường được dịch là “hàn gắn thế giới”, có nghĩa là những hành động tử tế, giàu lòng yêu thương, và sự tham gia vào quá trình tạo hóa luôn vận động không ngừng. Nhà thần bí học ở thế kỷ 16 Isaac Luria từng kể một câu chuyện về Chúa trời như sau: để tạo ra thế giới, trước tiên ngài phải tạo một khoảng để thu nhỏ phần bản thể thần thánh của mình. Câu chuyện này ngược với thuyết Vụ nổ Big Bang.
Cha mẹ lùi bước để nhường chỗ cho con phát triển. Cũng hệt như vậy, Chúa trời lùi lại để tạo thêm không gian cho sự tốt lành và những hành vi đại diện nhân cách (human agency) sinh sôi nảy nở. Theo truyền thuyết sáng thế này, Chúa trời đã trút toàn bộ ánh sáng thần thánh của ngài vào những chiếc bình, nhưng quyền năng của ngài mạnh tới nỗi làm chúng vỡ tan, những mảnh vỡ văng đi khắp thế giới. Với tư cách con người và với tư cách là cha mẹ, chúng ta có nhiệm vụ phải hoàn thành công việc tạo dựng thần thánh ấy bằng cách thu nhặt những mảnh vỡ tốt lành. Chúng ta phải sửa chữa thế giới.
Tikkun olam là bổn phận mà chúng ta không có quyền lựa chọn. Cuốn Đạo đức của những người cha có nói: “Bạn không có nghĩa vụ phải hoàn thành công việc ấy nhưng cũng không được tự ý bỏ dở nó”. Tất cả chúng ta đều phải thực hiện xong phần việc của mình.
Tôi rất khó chịu khi có ai đó thích chí cười sung sướng mỗi khi nói câu: “Tôi là người cực kỳ, cực kỳ thiên về tâm linh.” Bởi vì tôn giáo là một môn thể thao đồng đội trong đó tâm linh chỉ là một lối chơi. Mục đích tối thượng của con người khi chọn đi theo một truyền thống đức tin là để kết nối với điều gì đó lớn lao hơn chính bản thân họ: để sống thiện, học tập và truyền thụ, và tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc. Khi bàn đến từ “Tâm linh”, văn hóa phương Tây thường gắn với sự tự tha thứ. Trong bộ phim Eat, Pray, Love (Tạm dịch: Ăn, cầu nguyện và yêu), có một cảnh nhân vật chính đang ngồi thiền trên mái nhà, cô mường tượng trong tâm trí cảnh người chồng cũ tha thứ cho mình. Bạn không có quyền quyết định về việc mình được tha thứ bởi đó phải là món quà do người khác ban tặng. Bạn chỉ được phép xin lỗi. Hãy nghĩ đến người khác, đừng nghĩ đến bản thể của mình.
Thiền có thể là một cách hay để tập trung và thư thái tâm trí, nhưng thiền chưa thể giúp chúng ta đi đến mục đích cuối cùng. Martin Buber từng nói: “Tất cả những thực thể sống chân chính sẽ gặp gỡ nhau”. Đời sống tâm linh chân chính không diễn ra trong tâm tưởng hoặc trong những không gian mơ mộng đong đầy ao ước.
Về phần mình, trong tôn giáo, tôi tự thấy bản thân gắn kết nhiều nhất với hai khía cạnh là ca hát và tinh thần tikkun olam. Tôi hát cũng thường thôi. Song đối với cá nhân tôi, khi cất giọng để ca một bài hát là lúc tôi thấy mình kết nối với tâm linh cao nhất. Tôi không có dịp được hát đồng ca thường xuyên trừ những lúc cùng cả gia đình cùng cất vang bài “Schadenfreude” trong bộ phim ca nhạc Avenue Q (Tạm dịch: Đại lộ Q) trên xe ô-tô. Tôi cũng từng hát để dỗ con vào giấc ngủ nhưng giờ chúng cũng lớn cả rồi. (Thỉnh thoảng Maxie vẫn đòi tôi hát cho cháu nghe bài Softy Kitty (Tạm dịch: Mèo con mềm mại) trong phim The Big Bang Theory (Tạm dịch: Thuyết Vụ nổ Big Bang) vào giờ đi ngủ). Vốn là người Do Thái Bảo thủ nên gần như tới bất kỳ giáo đường nào của người Do Thái Bảo Thủ hoặc Do Thái Cải cách, tôi cũng đều cảm thấy nơi đó như nhà của mình. Các bài hát của họ đều quen thuộc với tôi và đem lại cho tôi cảm giác gắn bó cả về mặt cảm xúc, tâm linh, cơ thể và hòa âm với những người xung quanh khi chúng tôi cùng nhau cất tiếng hát. Ngay cả khi tôi không quen biết những người đang cùng cầu nguyện với mình, tôi vẫn là một phần trong cộng đồng của họ và họ cũng là một phần trong cộng đồng của tôi một khi chúng tôi cùng nhau hát. Ca hát cũng chính là hoạt động mà tôi nhớ nhung nhất khi không còn được dự trại hè Do Thái.
Đối với tôi, yếu tố Chúa trời trong các hoạt động này hầu như chỉ là phụ. (Đối với những người Do Thái khác, yếu tố ấy còn hoàn toàn vắng bóng và điều đó cũng chẳng hề gì). Tôi không cầu nguyện với hy vọng sẽ nhận được câu trả lời. Tôi có xu hướng nghĩ về Chúa trời như một lực lượng trong phim Star Wars, chỉ khác là lực lượng này không thể bắt người khác phải tuân theo ý của mình. Cứ nghĩ tới việc Chúa trời cố ý lạnh nhạt trước lời cầu nguyện của những người đang có con mang trọng bệnh hoặc câu nói “Sự chịu đựng này là để phục vụ cho mục đích cao cả hơn”, tôi lại cảm thấy chúng dường như là những điều vô cùng độc ác. Mẹ tôi luôn nói: “Chúa đâu phải là quản gia.” Dù ý niệm của bạn về Chúa là thế nào thì Chúa cũng đâu phải một thực thể đang chờ chực đâu đó chỉ để phục tùng ý nguyện của bạn. Khi nghe các vận động viên nói nhờ có Chúa giúp nên họ mới chiến thắng, tôi thường tự hỏi thế sao Chúa lại bỏ rơi đội kia nhỉ.
Có lẽ Chúa giống như một kiểu ý chí tự do dẫn dắt chúng ta biết lựa chọn những điều tốt đẹp, biết lắng nghe tính thiện trong con người mình. Có lẽ Chúa chính là niềm khao khát được sống vị tha vô hình được thôi thúc nhờ những động lực có liên quan tới quá trình tiến hóa. Có lẽ đó là một quá trình mà vị trí của nó đã được thiết lập sẵn trong suốt Vụ bổ Big Bang có điểm bắt đầu và kết thúc cụ thể, còn ở quãng giữa là tất tần tật các loại khả năng. Thành thực mà nói, tôi cũng không biết nữa và tôi cũng không quan tâm. Ý nghĩ có một thế lực vĩ đại nào đó đang hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta cũng có lúc khiến tôi thấy thoải mái, nhưng thường thì nó làm tôi cảm thấy điên tiết nhiều hơn, và tôi hầu như còn chẳng buồn nghĩ về nó. Những người có trí thông minh vượt xa tôi đã từng phải trăn trở với câu hỏi vì sao phải cầu nguyện khi mà họ còn chẳng rõ là Chúa có đến can thiệp giúp mình hay không. Ai đó đã có lần hỏi Abraham Joshua Heschel thế này. “Nếu Chúa sẽ không can dự, nếu Chúa sẽ không can thiệp, nếu Chúa sẽ không ra tay cứu giúp, thì lời cầu nguyện có vai trò gì kia chứ?” và Heschel đã trả lời: “Trước hết, chúng ta đừng hiểu lầm bản chất của việc cầu nguyện... Mục đích chủ chốt của cầu nguyện không phải để đưa ra những yêu cầu. Mục đích cơ bản của cầu nguyện là để khen ngợi, ca hát và tụng kinh. Bài hát chính là phần thiết yếu nhất của một lời cầu nguyện mà nếu không có nó con người sẽ không thể sống nổi.”