Trong lịch sử, các bà mẹ Do Thái vẫn luôn truyền đạt tới con cái họ các giá trị của Torah, Avodah và Gemilut Hasadim (đó là học Ngũ Thư, nỗ lực làm việc và làm những điều tốt cho mọi người xung quanh). Những giá trị ấy vẫn hoàn toàn phù hợp với cuộc sống hiện đại ngày nay. Tôi tin rằng dù bạn là người theo thuyết vô thần, thuyết bất khả tri, hoặc thậm chí là người ngoại Do Thái, thì bạn vẫn có thể nhấn mạnh vào những giá trị trên. Với tôi, Ngũ Thư không chỉ xoay quanh việc học một bộ sách mà có nghĩa là luôn suy ngẫm về lịch sử và các giá trị. Còn với các bạn, tôi cho rằng Ngũ Thư đồng nghĩa với các giá trị: dạy và học, có kiến thức về lịch sử nguồn cội của bản thân, và lựa chọn thái độ tìm tòi học hỏi thay vì phớt lờ cho qua.
Như chúng ta đã phân tích, đạo Do Thái là một tôn giáo lấy gia đình làm trung tâm. Những nhiệm vụ quan trọng như đốt nến trong lễ Shabbat và Lễ Vượt Qua, chăm sóc cả gia đình theo chế độ ăn kosher hay nấu ăn trong các ngày lễ truyền thống đều có xu hướng thuộc phạm vi điều hành của người mẹ. Có nghiên cứu cho thấy ở nước Mỹ ngày nay, phụ nữ có xu hướng sùng đạo hơn nam giới xét theo các tiêu chí: sự cam kết, mức độ tham gia và lòng tin. Trong những gia đình có vợ là người Do Thái còn chồng là ngoại Do Thái, khả năng con cái họ mang bản sắc Do Thái cao hơn rất nhiều so với các gia đình có chồng là người Do Thái còn vợ là ngoại Do Thái. Theo một nghiên cứu năm 2002 về các tân sinh viên, các sinh viên có mẹ là người Do Thái có xu hướng mang bản sắc Do Thái cao gấp hơn hai lần so với những sinh viên có bố là người Do Thái. Nói một cách ngắn gọn, phụ nữ mới là người dạy con trẻ lòng sùng đạo, đời sống tâm linh phong phú, hoặc sự gắn kết với một truyền thống đức tin.
Trẻ em thích cảm giác được gắn bó với một truyền thống đức tin nào đó. (Ngay cả khi chúng thấy nhàm chán hoặc đứng ngồi không yên trong suốt những buổi lễ tôn giáo hằng tuần). Theo nghiên cứu mới đây nhất của Viện Pew về Bức tranh toàn cảnh về sự biến đổi tôn giáo của nước Mỹ, có 79% số trẻ nói rằng các em coi trọng tôn giáo. Tôi nghĩ, tôn giáo khiến trẻ cảm thấy được kết nối với một điều gì đó lớn lao hơn chính bản thân chúng; tôn giáo còn tạo dựng cho chúng bản sắc riêng, giúp chúng thư thái và đem đến cho chúng một cộng đồng. Người làm cha mẹ chúng ta có thể giúp con trẻ cảm nhận những ý nghĩa ấy thông qua ca hát, hoạt động tình nguyện nhóm, thực hiện nghi lễ tập thể với những người có cùng chung hệ giá trị, kể chuyện về truyền thống gia đình và lịch sử tôn giáo hoặc chuyện hài ẩn chứa các giá trị đạo đức.
Bên cạnh đó, trẻ sẽ cảm nhận về tâm linh sâu sắc hơn khi chúng thực sự để tâm và tham gia các nghi thức. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Havard và Đại học Minnesota bang Minneapolis, bạn sẽ chịu tác động mạnh hơn khi trực tiếp thực hiện nghi lễ thay vì đứng ngoài quan sát. Ví dụ như chúng ta sẽ thích uống nước chanh hơn khi tự tay pha cho mình một cốc. Hãy để trẻ tham gia vào mọi nghi thức trong cuộc sống của gia đình: nấu ăn, dọn bàn ăn, kiểm tra mũ bảo hiểm, xích, lốp và phanh trước khi cả nhà cùng dạo chơi bằng xe đạp. Jonathan và Maxie đều có tình yêu bất tận dành cho việc trồng cây trong hộp. Mỗi lần chăm sóc cây cối là mỗi lần hai cha con cùng cảm nhận sự gắn bó trầm mặc và bản năng với mẹ trái đất. Về phần mình, tôi chỉ thấy công việc này cũng thú vị chứ không quá đam mê. Quả là mỗi người một cảm nhận.
Khi ngắm nhìn con trầm trồ trước thế giới, cảm nhận của chính bạn cũng sẽ được bồi đắp thêm. Hồi Josie gần bốn tuổi, có lần tôi hỏi cháu có nhớ về màn bắn pháo hoa Ngày Quốc khánh năm trước không. Ngay lập tức cháu đã há hốc miệng rồi nói: “Có chứ mẹ! Con leo lên mái nhà rồi ngắm pháo hoa cứ bay lên, bay lên, bay lên mãi; rồi nhiều thêm, nhiều thêm, nhiều thêm nữa; rồi nổ bốp, bốp, bốp như bong bóng xà phòng ấy; mà lúc nào cũng lại có nhiều thêm, nhiều thêm, nhiều thêm nữa.” Một câu nhận xét tình cờ trở thành một bài thơ. Lâu lắm rồi tôi mới suy tư về những cảm xúc ấu thơ kỳ diệu của mình về pháo hoa. Một lần khác khi Maxie hai tuổi, lần đầu tiên cháu được nhìn thấy cả một cành nho chưa cắt rời. (Trước đó có lần Josie từng “tọng” nguyên một cái bánh quy có hạt sô-cô-la vào miệng rồi bị hóc. Tôi đã phải làm sơ cứu Heimlich cho cháu khi đang trên máy bay tới Wiscosin. Từ đó tôi bị ám ảnh tới mức luôn luôn cắt đôi quả nho). Hôm đó cháu mở hộp đựng đồ ăn trưa của chị sau khi đi học về và nhìn thấy một chùm nho nguyên cành. Thế là tôi được chứng kiến một loạt cảm xúc lẫn lộn biểu hiện trên gương mặt con bé. Cuối cùng cháu nói: “Nho… bóng bay?” Tôi cảm thấy mình như đang được chứng kiến cháu tìm ra chân lý vũ trụ vậy. Chúng ta cần cố gắng dành thời gian để cùng con nâng niu những khoảnh khắc nhỏ bé này.