Hãy xác lập tinh thần này cho con ngay từ khi còn nhỏ, tập cho chúng biết quan tâm tới mọi người xung quanh thay vì chỉ nghĩ tới bản thân. Tôi đã bắt đầu nói chuyện với Josie về những đứa trẻ không có gì để chơi khi cháu mới ba tuổi. Lúc đó cháu có nhiều đồ chơi tới mức chơi không xuể. Cách nhà chúng tôi ở bên kia con phố là một trại cho người vô gia cư. Tôi phân tích cho cháu về tầm quan trọng của việc chia sẻ những thứ chúng ta có, chẳng hạn như những món đồ chơi mà cháu ít thích nhất lại có thể khiến một đứa trẻ trong khu trại đó hạnh phúc tới mức nào.
Đúng như dự đoán, tôi cứ lôi món nào ra khỏi thùng đựng đồ chơi là món đó đột nhiên trở thành đồ chơi quan trọng nhất trong lịch sử các đồ chơi. Kèm theo đó là một màn nằm ra nhà mít ướt. Nhưng tôi vẫn giữ thái độ kiên quyết. Tôi yêu cầu cháu chọn rồi để riêng ra những món mà chúng tôi sẽ không bao giờ cho đi, sau đó làm sạch toàn bộ chỗ còn lại, rồi mang chúng sang khu trại phía bên kia đường và gõ cửa.
Một quý ông đáng mến nhiều tuổi hơn tôi với cặp kính dày cộp trên mắt ra mở cửa. Còn Josie rốt cục cũng tươi tỉnh hơn khi nhận ra mình đang được coi như một con người bé nhỏ cao quý. Cháu đứng cạnh tôi trong lúc tôi giải thích với người đàn ông về chỗ đồ chơi quyên tặng. Người đàn ông đón lấy chúng, cám ơn chúng tôi và nói: “Xin chị đợi một phút thôi!” Ông biến mất trong giây lát, sau đó quay lại với một ống siêu to đựng đầy bút dạ Magic Marker: “Còn đây, chúng tôi cũng có quà cho cháu đây!”
Đôi mắt Josie như muốn lồi ra khỏi tròng. Con bé gần như không được phép chơi bút dạ sau cái lần dùng chúng để vẽ đầy ra tường phòng khách. Sau lần đó, tôi chỉ cho phép cháu dùng loại bút này khi đang chịu phạt ngồi im tại chỗ với điều kiện phải xin phép. Quy định này được áp dụng cho đến khi cháu đủ lớn để được tin tưởng giao bút cho chơi thoải mái. Ấy thế mà giờ đây, để đổi lấy vài con thú bông mà cháu thậm chí đã không còn thích, người đàn ông này đã trả cho cháu cả một trái cấm cám dỗ nhất trên thế giới đối với bộ óc nhỏ xíu của cháu. Tôi những muốn nói với ông ta, Thưa ông! Ông đang làm hỏng hết cả bài học về sự hy sinh và hành động yêu thương nhân từ của tôi đấy ạ! Nhưng rồi tôi nghĩ mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân nên đã để cháu mang chỗ bút đó về nhà. Tôi lầm bầm: “Mẹ hi vọng con hiểu rằng không phải lúc nào làm việc tốt là chúng ta cũng được nhận bút dạ đâu đấy nhé”. Mãi về sau cháu mới thực sự hiểu rằng không phải việc tốt nào cũng được đền đáp xứng đáng. Dẫu vậy sau đó mấy năm, vẫn có lần cháu giả đò ngước mắt ra vẻ thánh thiện và thông báo cho tôi: “Con muốn cho người nghèo cái bàn chải đánh răng cũ của con.”
Đến lượt Maxie, cháu cũng thăm khu trại đó lần đầu tiên vào năm ba tuổi và cũng là người đàn ông đó ra mở cửa. Maxie trao cho ông một túi đựng quần áo đã chật và những đồ chơi cháu đã chán rồi nói: “Chúng cháu đang thực hiện một mitzvah! Giúp đỡ người khác là một mitzvah!”. Ông ta tỏ vẻ bối rối nhưng mỉm cười và nói lời cảm ơn. Sau đó cánh cửa đóng lại và hai mẹ con tôi quay đầu trở về. Bất ngờ cánh cửa lại mở tung và người đàn ông hét lên đầy phấn khích sau lưng chúng tôi câu: “Shalom! Shalom!”, “Shalom” trong tiếng Do Thái cổ nghĩa là xin chào, tạm biệt và hòa bình. Rõ ràng ông đã lục lọi trí nhớ và tìm được một từ mà ông đã học từ rất lâu. Đó là khoảnh khắc gắn bó giữa một em bé Do Thái và một ông già ngoại Do Thái, khoảnh khắc ấy mới ngọt ngào làm sao.
Không nhất thiết phải làm những điều bất ngờ hoặc sáng tạo mới là thực hiện tikkun olam, chỉ những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa mà bạn và con cũng đủ mang sức mạnh to lớn (chứ không phải kiểu Nào, chúng ta muốn giúp những người đói khát, giờ thì đi gom đồ ăn hết hạn nào!) Với trẻ thuộc nhóm gia đình có mức thu nhập cao, nhất thiết không được tạo cho trẻ suy nghĩ chúng là người hùng đang giải cứu những người bị đàn áp, hoặc chúng cao thượng khi hạ cố giao du với đám người thấp hèn. Hãy giúp con hiểu rằng có rất nhiều người đang nỗ lực nhằm tạo sự thay đổi ngay trong cộng đồng của họ. Họ là anh hùng chứ không phải nạn nhân. (Như một câu midrash rằng: “Người giàu giúp người nghèo, nhưng còn hơn thế nữa, người nghèo cũng giúp người giàu.” Hãy thấm nhuần cho trẻ ý thức rằng chúng không phải là người đi “giải cứu” hoặc “đấu tranh cho người nghèo” mà chỉ đang thực hiện vai trò lịch sử của mình. Bên cạnh đó, trẻ cũng cần được giáo dục đầy đủ về cộng đồng. Hãy để chúng tìm hiểu về các cộng đồng đa dạng và những bất công từng diễn ra trong lịch sử (đối với cả nhân loại chứ không riêng người Do Thái).