Không chỉ người Do Thái mới đấu tranh vì công bằng xã hội. Tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ giáo dục con mình biết quan tâm tới cuộc sống của những người xung quanh dù họ có khác biệt. Như Heschel từng nói: “Chúa không tạo ra thế giới với chỉ một màu hoa. Tất cả chúng ta đều được tạo ra từ hình dung của Chúa.”
Một bài học về tikkun olam: Tất cả chúng ta đều nên dạy trẻ em biết đứng lên khi có ai đó bị bắt nạt. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bắt nạt thường diễn ra trước một đám đông người xem (tần suất là 9/10 trường hợp), nhưng trong số đó chỉ có chưa đến 20% số trường hợp những trẻ chứng kiến việc bắt nạt dám đứng lên bảo vệ nạn nhân. Nhà tâm lý học Dorothy Espelage thuộc Đại học Illinois đã nhận thấy các học sinh nam lớp Sáu và Bảy không hề tỏ ra sẵn sàng can thiệp khi bạn chúng bắt nạt các học sinh khác. Nếu bạn có một đứa con được coi là “hay ho”, có nghĩa con sở hữu tiềm lực xã hội. Hãy dạy con biết đóng góp tiềm lực đó cho những lực lượng thiện! Và nếu môi trường học tập của con chưa khuyến khích được con làm những điều tử tế nhỏ bé, thì bạn là người đảm nhận trách nhiệm ấy.
Đừng bao giờ gièm pha, nói xấu người khác trước mặt con trẻ, đồng thời phân tích cho chúng hiểu tầm quan trọng của thái độ bao dung và chấp nhận sự khác biệt. Như Emily Bazelon đã chỉ ra trong cuốn Sticks and Stones (Tạm dịch: Lời nói không thể làm tổn thương), những nghiên cứu cho thấy cách tốt nhất để phòng chống nạn quấy nhiễu học sinh đồng giới là tẩy chay chúng. Chẳng hạn, nếu ghét điều ác nhưng vẫn đánh bạn với kẻ làm điều ác, bạn vẫn bị coi là tòng phạm. Các trường học và trại hè cần truyền tải tới học sinh thông điệp: gièm pha, chửi bới là hành vi phi đạo đức; các bậc phụ huynh nên nói chuyện với hiệu trưởng để quan điểm này được nhà trường chính thức công nhận.
Có lần, giáo viên môn tiếng Anh của tôi hồi lớp Mười từng giả vờ duỗi cổ tay mềm oặt rồi nghênh ngang đi lại trước mặt cả lớp để chế giễu một bạn bị tật. Ông ta nói, xem Wally Whitman(1) nhí của chúng ta đang gào thơ của mình trước biển kìa”. Thật không thể chấp nhận. Ngôn ngữ hận thù hiện vẫn là một bài toán khó đối với các giáo viên, huấn luyện viên và nhà tư vấn. Nhưng trong việc này cũng cần sự chung tay góp sức của các bậc phụ huynh. Các con tôi có một người cậu đồng tính, nên trong vấn đề này, chúng tôi “ra tay” sớm hơn so với người khác một bước. Tuy vậy, hồi Maxie lên bốn tuổi, tôi vẫn không yên tâm lắm về phản ứng của cháu khi chúng tôi đi thăm San Francisco và lái xe qua khu Castro, vốn là khu ở của người đồng tính. Khi chúng tôi dừng tại một trạm đèn giao thông, một “tiểu thư” bánh bèo với trang phục lộng lẫy đi ngang qua trước mũi xe. Maxie nhìn chằm chằm vào cô ta còn tôi thì lo lắng. Nhưng rồi Maxie hét lên qua cửa xe: “Cháu yêu cô! Tiểu thư màu sắc ạ!” (Tôi phải thừa nhận rằng bản thân mình chưa phải là một tấm gương hoàn hảo cho cháu trong vấn đề này. Tôi vẫn đang phải chật vật để gắng không dùng đến từ chậm phát triển. Tôi đã lớn lên cùng cụm từ ấy, và chúng cứ nhằm những lúc tôi mệt mỏi hoặc bất cẩn là lại buột ra khỏi miệng tôi. Từ đó thật kinh khủng và sai trái, và tôi luôn khiến các con hiểu rằng mẹ chúng rất xấu hổ khi thốt ra từ đó.
(1) Ý chỉ một nhà thơ nổi tiếng Walt Whitman. Wally là cách gọi thân mật (hoặc mỉa mai theo ý trong bài) của Walt.
Tikkun olam nên là một “ngôi nhà” chung. Người Do Thái đâu phải là dân tộc duy nhất chịu ngược đãi và sang chấn tinh thần, cho dù một số người trong cộng đồng chúng ta vẫn muốn dùng Thảm họa diệt chủng như một thứ quân át chủ bài để minh họa cho nỗi thống khổ của người Do Thái. Sáu triệu người bị thiêu! Nào, những nhóm người yếu thế khác, có nhóm nào đánh bại được con số đó không! Nhưng hãy đừng như vậy. Cuộc sống đâu phải là cuộc thi “ai phải chịu đựng nhiều hơn”. Nhiệm vụ của chúng ta là giáo dục con cái để chúng biết nỗ lực đấu tranh để chấm dứt những bất công mang tính hệ thống vẫn phát triển không ngừng trong cộng đồng văn hóa của bản thân chúng và trên toàn thế giới rộng lớn.
Cuốn Deuteronomy (Tạm dịch: Đệ Nhị luật) có ra lệnh: “Tzedek, tzedek tirdof”, nghĩa là: sự đúng đắn, sự đúng đắn là điều bạn nên theo đuổi. Chúng ta phải sửa chữa điều sai trái, hỗ trợ người yếu thế, và hàn gắn lại những thứ đã làm hỏng, dù công việc đó rất khó khăn và nhọc nhằn. Rất nhiều người dấn thân vào các hoạt động vì công bằng xã hội không thể lý giải nguyên nhân khiến họ hành động. Họ chỉ nói: “Đó đơn giản là việc đúng đắn cần làm.” Đây cũng là cách lý giải của rất nhiều vị ân nhân người Thiên Chúa giáo khi được hỏi vì sao họ lại liều mạng sống của bản thân để giúp đỡ người Do Thái sau Thảm họa diệt chủng. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu về cả nhóm người trợ giúp và nhóm người bàng quan trong suốt Thảm họa diệt chủng, thì phần lớn những vị ân nhân người Thiên Chúa giáo đều có chung một đặc điểm: Họ xuất thân từ những gia đình ngập tràn lòng yêu thương. Theo lời mẹ tôi thì middot (trong tiếng Hebrew nghĩa là “đức hạnh”), là thứ phải được “chứng kiến, chứ không phải dạy dỗ”. Khi được lớn lên trong bầu không khí nhân ái, bạn sẽ sẵn lòng lao vào hiểm nguy để giúp đỡ cả những người xa lạ. Đồng cảm là giá trị cao nhất mà tôi hướng đến trong quá trình nuôi dạy con.