Chắc chắn việc khuyến khích con cùng làm việc tốt sẽ lấy đi của bạn nhiều thời gian hơn so với khi bạn tự thực hiện. Vì những cơ bắp “làm việc tốt” của trẻ chưa phát triển nên bạn sẽ phải theo sát chúng qua từng bước đi để giúp chúng tháo gỡ những khúc mắc. Đó là một công việc vất vả, nhưng như Heschel nói: “Chúng ta không cần thêm những cuốn sách rao giảng. Chúng ta cần những người làm gương.” Đây là một biến thể của câu: “Bạn muốn người khác sống thế nào, hãy trở thành hiện thân của chính cuộc sống ấy.”
Đan xen những vấn đề đạo đức vào đời sống gia đình cũng là một cách làm hữu ích. Có một dự án mà hằng năm tôi và Josie luôn cùng chung tay thực hiện. Cuối cùng thì Josie cũng đồng cảm với những tâm tư mà tôi dành cho vụ hỏa hoạn của nhà máy Triangle. Đây là thảm họa tại nơi làm việc khủng khiếp nhất của thành phố New York trước khi xảy ra sự kiện ngày 11 - 9. Vào ngày 25 - 3 - 1911, một ngọn lửa bùng phát ở tầng thứ tám của nhà máy; 146 công nhân đã bị chết, trong đó chiếm đa phần là những cô gái người Do Thái và Italia trước đó bị chủ khóa nhốt trong phòng làm việc để không cho họ ăn cắp và trốn việc. Những chiếc thang cao nhất của bộ phận cứu hỏa cũng chỉ với được tới tầng thứ sáu. Khi ngọn lửa liếm tới, các cô chỉ còn biết bám vào gờ cửa sổ; một số tuyệt vọng nhảy xuống đường làm vỉa hè vỡ tan.
Gia đình tôi sống trong một tòa nhà chung cư cách nơi nhà máy tọa lạc không xa. Hơn thế nữa, chồng tôi còn có họ hàng xa với Max Steuer, vốn là một luật sư thành danh bị ganh ghét với vẻ thông minh đầy lạnh lùng, và đã chống lại những người chủ sở hữu nhà máy.
Josie nhanh chóng bị “mắc câu” sau khi nhặt một cuốn sách khá dễ đọc và không quá đáng sợ về nhà máy Triangle. Sách viết về một cô thợ người Italia và một cô thợ người Do Thái trong nhà máy đã làm bạn với nhau và cùng giúp nhau thoát khỏi đám cháy một cách đầy kịch tính. (Trước đó tôi đã đặt nó ở tầng thấp trên giá sách trong phòng con bé mà không nói lời nào. Vì nếu tôi nói: “Con đọc cuốn này đi” thì cuốn sách sẽ vẫn cứ nằm yên ở đó với một lớp bụi dày mà thôi. Chao, bà thật tuyệt Judy Blume ạ)! Vài tuần sau khi cháu đọc xong cuốn sách, tôi được biết về một dự án nghệ thuật có sự tham gia của nhiều người được đặt tên là “phấn” do một nghệ sĩ sống cùng khu phố với chúng tôi là Ruth Sergel khởi xướng. Hằng năm, cứ gần tới ngày tưởng niệm thảm kịch này, Ruth sẽ gửi email trong đó viết tên và địa chỉ của một nạn nhân trong vụ cháy Triangle tới bất kỳ ai muốn tham gia. Vào đúng ngày tưởng niệm, chúng tôi sẽ tỏa ra khắp thành phố để dùng phấn viết tên của nạn nhân ở trước khu nhà mà họ từng sống. Ở bên dưới mỗi cái tên, chúng tôi viết thêm tuổi, địa chỉ của người đó cùng câu: “Đã chết trong vụ cháy nhà máy Triangle, tháng 3 - 1911.” Trang web của Sergel có một bản đồ địa chỉ của tất cả các nạn nhân cho phép người xem có thể bấm chuột vào tương tác. Có thể thấy họ từng sống tập trung dày đặc ở các vùng East Village và Lower East Side, tức cùng khu vực sống với chúng tôi.
Kể từ khi Josie bảy tuổi tới nay (cháu đã mười bốn tuổi), hằng năm cháu đều tham gia viết phấn với tôi. Thời kỳ đầu khi số người tham gia còn ít ỏi, mỗi người chúng tôi phải viết nhiều cái tên. Giờ đây khi có đông người biết về dự án của Ruth, mỗi chúng tôi chỉ đảm nhận một tên. Mẹ con tôi tiếp nhận thông tin của Kate Leone, cô chết khi mười bốn tuổi và là nạn nhân trẻ nhất trong vụ cháy. Josie cảm nhận một mối gắn bó giữa cháu và cô bé này nên ngay khi bắt đầu tham gia cháu đã viết tên của cô. Bằng bản năng, cháu cảm nhận được những mất mát của Kate. Cháu nói: “Con sẽ tiếp tục lớn lên còn Kate thì vĩnh viễn mang tuổi mười bốn. Năm nay con sẽ thêm một tuổi còn bạn ấy không bao giờ có được điều đó.” Việc viết phấn ngay lập tức mang đến cho chúng tôi rất nhiều trải nghiệm. Chúng tôi cúi xuống hoặc nằm bò ra đất trước ánh nhìn tò mò của mọi người xung quanh với cảm giác mình đang thu hút sự chú ý, cố gắng viết thật gọn gàng, suy nghĩ xem nên dán những tờ rơi ghi thông tin ở chỗ nào. Khi viết trước những địa chỉ đã không còn tồn tại hoặc một tòa nhà đã bị biến thành con quái vật khoác vẻ ngoài trưởng giả, bạn sẽ thu được nhiều thông tin hữu ích về những biến cố trong khu vực đó. Có năm chúng tôi viết cho Rosie Brenman và cô em gái Surka. (Theo cuốn Triangle: The Fire That Changed America (Tạm dịch: Triangle: Vụ cháy đã làm thay đổi nước Mỹ)) của David Von Drehle, người em trai Joseph của họ cũng làm trong nhà máy Triangle nhưng đã thoát được ngọn lửa). Rồi một nạn nhân nữa cũng sống tại cùng địa chỉ đó là cô bé mười tám tuổi Fannie Hollander. Không biết các em có từng cùng nhau đi bộ tới chỗ làm không nhỉ? Biết đâu Fannie từng “say nắng” Joseph, biết đâu chị em nhà Brenman từng khúc khích sau lưng Fannie về kiểu tóc của cô bé. Dự án gợi lên trong chúng tôi nhiều suy tư cả về cái chết lẫn cuộc sống của các nạn nhân.
Dự án “phấn” cũng là một hành động theo tinh thần tikkun olam, biểu hiện ở chỗ đó là một hành động vinh danh và tưởng nhớ, là lời nhắc nhở rằng chúng ta phải không ngừng bảo vệ cho những người yếu thế và rằng tình trạng bóc lột người lao động tàn tệ như vậy tới nay vẫn còn tồn tại. Chúng tôi đã được gặp gỡ và hòa mình cùng những cặp cha mẹ và con cái khác, rồi tán gẫu với những người có bậc cửa bị chúng tôi viết phấn. Có năm chúng tôi gặp một nghệ sĩ graffiti tên là Angel Ortiz. Anh đã từng làm cùng với Keith Haring thời còn niên thiếu. Khi Josie viết tên của Kate thì Ortiz vẽ những em bé rạng rỡ cùng những dòng chữ ngoằn nghèo xung quanh tên cô bé.
“Phấn” cũng là một cách để tôi và Josie cùng trò chuyện về phong trào lao động - toàn bộ tinh hoa của tinh thần tikkun olam. Phụ nữ Do Thái từng là người hùng của phong trào này, họ đã nỗ lực đấu tranh nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho công nhân nghèo thuộc mọi hoàn cảnh xuất thân. Đó là những Rose Schneiderman (người đồng sáng lập Liên đoàn tự do dân sự Mỹ (ACLU) và đã tạo ra cụm từ “bánh mì và hoa hồng” theo tinh thần của câu “nữ công nhân cần mẩu bánh mì, nhưng cô ấy cũng cần cả những bông hồng nữa”); là Clara Lemlich (nhân vật chính của bộ truyện tranh thiếu nhi rất dễ thương Clara dũng cảm mà tôi đã nhắc đến ở các chương trước. Người phụ nữ bé nhỏ này đã dẫn đầu đoàn đình công của công nhân nhà máy may áo bờ-lu sơ-mi kết hợp tại thành phố New York); Belle Moskowitz (người đã cố vấn cho nhà cầm quyền thành phố New York lúc đó là Al Smith về các vấn đề sức khỏe cộng đồng, nghèo đói và giáo dục); cùng rất nhiều phụ nữ Do Thái đã đấu tranh không mệt mỏi để chấm dứt lao động trẻ em, tạo môi trường làm việc an toàn hơn với giờ làm việc hợp lý hơn, và giúp công nhân được trả lương công bằng cũng như được hưởng đầy đủ quyền lợi. Hiển nhiên, trong quãng thời gian sau đó, phụ nữ Do Thái lại trở thành thủ lĩnh của phong trào nữ quyền: Emma Goldman, Annie Nathan Meyer, Maud Nathan, Betty Friedan, Bella Abzug, Shulamith Firestone, Susan Brownmiller, Susan Faludi, Gloria Steinem, Letty Cottin Pogrebin, và rất nhiều người khác nữa. Họ đã nỗ lực đấu tranh để phụ nữ được nhận mức lương tương xứng với sức lao động đồng thời được đảm bảo các quyền về an toàn, tự trị và quyền được kiểm soát thân thể của bản thân.
Vào năm 1917, Belle Moskowitz đã nói: “Với phụ nữ Do Thái, nghĩ cho người khác là một việc tự nhiên như hơi thở vậy”. Còn bạn, bạn có thể cùng con đọc sách hoặc truyện kể về tấm gương tiêu biểu cho những hành vi tốt đẹp mà bạn muốn khơi gợi ở chúng; trò chuyện với chúng về những hành động cao đẹp trong cộng đồng và trên thế giới.