Hãy học trước, rồi dạy sau.
-Tục ngữ Do Thái
Hồi nhỏ, tôi không phải là một đứa trẻ dễ dạy. Tôi hay sợ sệt, luôn ra vẻ “biết tuốt”, điên cuồng bảo vệ ý kiến của bản thân và kém tiếp thu những điều mới. Một lần, mẹ thả tôi ở lớp học ảo thuật tại thư viện địa phương trễ mất hai phút, và trong thời gian đó mọi người đã bắt đầu thực hiện trò ảo thuật với khăn tay. Tôi hoảng sợ quay đầu đuổi theo mẹ, nức nở khóc. Lúc đó có lẽ tôi khoảng tám hay chín tuổi, tức là đã quá lớn để hành xử “trẻ con” như vậy. Tôi cũng khóc nức nở khi tạm biệt bố mẹ ở trại hè. Và thành thật mà nói, tôi vẫn còn “mít ướt” đến tận khi học đại học, sau khi tạm biệt bố mẹ tại trường.
Tôi từng rất dễ bùng nổ. Khi học ở trường học ban ngày của người Do Thái Chính thống giáo, tôi đã khăng khăng rằng Adam và Eva không phải là người phàm trần thực sự, vì nếu đúng như vậy thì họ phải sống trong hang, có cung mày dày và cằm nhỏ chứ. (Tôi nghĩ họ là giống người Neanderthal mà tôi đã đọc ở đâu đấy, chứ không phải trong tài liệu của thư viện trường học.) Thế là tôi bị gọi lên phòng hiệu trưởng vì lối suy nghĩ dị giáo đó. Một lần khác, tôi hỏi vị giáo sĩ đang dạy lớp cầu nguyện của chúng tôi rằng vì sao các học sinh nữ trong trường lại phải đứng phía bên kia tấm bình phong dựng đằng sau thính phòng. Vị ấy nói làm thế sẽ giúp chúng tôi tập trung cầu nguyện tốt hơn, nhưng câu trả lời ấy chưa làm tôi thỏa mãn. Tôi liền cầm đầu cả đám nữ sinh trong lớp tiến gần nhất với tầm bình phong, rồi hát và lầm rầm thật to trong lúc cầu nguyện. Vị giáo sĩ đã nổi trận lôi đình, nhưng tôi chỉ đáp lại ông ta bằng cặp mắt thỏ con ngây thơ vô tội. Chúng tôi vẫn đang cầu nguyện cơ mà. Ông ta làm gì được nào?
Cái tính hay gây rối đó của tôi thật ra là do di truyền. Cha tôi vừa là nhà hoạt động chống sử dụng vũ khí và năng lượng hạt nhân, nên luôn sẵn sàng ngồi tù để bảo vệ niềm tin của mình, vừa là cây kể chuyện cười tinh quái, cũng vừa là người hay viết thư phàn nàn gửi tới các tập đoàn lớn. Trong lần suýt chết vì cơn đau tim vào năm ba chín tuổi, ông đã viết một bản chúc ngôn đạo đức cho tôi và em trai Andy bé bỏng của tôi. Trong đó, lời khuyên quan trọng nhất của ông là: “Đừng bao giờ, đừng bao giờ nghiêm trọng hóa mọi việc, đặc biệt là các vấn đề của bản thân.”
Ông viết tiếp:
Cha vô cùng tự hào về các con. Cha không cần các con phải hoàn hảo hơn nữa. Cha muốn các con làm những điều sau:
Trở thành người đúng như các con đã lựa chọn.
Giúp đỡ mọi người thật nhiệt thành. Hãy nhớ sự tương trợ chính là điều tối quan trọng quyết định sự sống còn và giá trị của Con Người trên thế giới này. Đặc biệt khi các con giúp người khác có cảm xúc tốt về bản thân họ, thì các con cũng sẽ có những cảm xúc tuyệt vời.
Nhớ ợ thật to khi ngồi ở bàn ăn. Đó là lời khen dành cho người đầu bếp đồng thời cũng là truyền thống lâu đời của nhà Ingall. Hãy dạy cho con của các con điều ấy.
Luôn luôn cười vang, ca hát và sáng tạo âm nhạc.
Đó thực sự là lời khuyên tốt nhất mà tôi từng biết. Cha tôi ra đi quá sớm, lúc ông mới sáu tư tuổi, nhưng năm nào tôi cũng mở bản chúc ngôn đạo đức này ra đọc ít nhất một lần, và lần nào cũng mỉm cười.
Ơn trời, mẹ tôi hiện nay vẫn còn sống. Bà có thái độ tôn trọng chính quyền hơn hẳn cha tôi. Bà cũng là người cẩn trọng hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn và dành nhiều niềm yêu thích cho công việc học hành đầy nhọc nhằn hơn. Khi tôi còn nhỏ, bà làm giám đốc Cục giáo dục Do Thái của bang, rồi sau đó được cấp học vị Tiến sĩ giáo dục ở tuổi ngũ tuần. Sau cùng, bà trở thành vị giáo sư sáng chói của Chủng viện thần học Do Thái. Bà dạy tôi về chủ nghĩa nữ quyền của người Do Thái và về những phụ nữ Do Thái vĩ đại trong các thời kỳ lịch sử. Bà còn dạy tôi hiểu những luân lý đầy quyền năng được phản ánh qua các cuốn sách của người Do Thái.
Đến khi tôi trở thành mẹ, đột nhiên tôi phải đối mặt với một bé gái cũng sáng láng, nhưng ương ngạnh và đầy mâu thuẫn như chính tôi hồi trước. Vì thế, mỗi lần tôi kể với mẹ về chuyện nuôi dạy con, bà thường cười khúc khích và nói: “Giờ thì đến lượt con rồi nhé!”. Tôi bắt đầu cân nhắc xem nên nuôi dạy con ra sao để con hấp thụ được những đức tính tốt đẹp nhất của cha mẹ tôi như ham đọc, biết tư duy và đứng lên chống lại sự bất công. Tuy nhiên tôi muốn con trở thành người có kiến thức thực tế như mẹ tôi hơn là người bất cần như cha tôi.
Quả thực Josie mới hai tuổi nhưng rất hung dữ. Con bé rất “du côn” khi ở khu sân chơi và bị phạt suốt ngày khi ở trường mẫu giáo. Thực lòng mà nói, thi thoảng tôi còn hơi sợ con bé. Tôi từng nghĩ cách nuôi dạy Josie tốt nhất là vờ coi con như chú chó Doberman: tức là đừng cho nó biết mình đang sợ nó.
Lúc đó tôi chẳng còn biết mình đang làm gì nữa. Tôi cũng không đọc sách nuôi dạy con. Nhưng tôi thường xuyên suy ngẫm về những câu chuyện và lịch sử Do Thái đã cùng mình lớn lên và nhận ra chúng sẽ cho tôi những lời khuyên vô cùng thông minh về việc nuôi dạy con cái. Rồi đến lượt Maxie ra đời. So với cô chị, bé dễ tính và dịu êm vô cùng. Và cuối cùng tôi khám phá ra rằng, dù là nuôi dạy một kị sĩ bé nhỏ lạnh lùng hay một chiến binh nhí hiếu động, thì trí tuệ Do Thái đều phát huy tác dụng rất tốt. Tôi nhớ có một câu tục ngữ Do Thái từng nói: “Khi đến với thế giới này, mỗi đứa trẻ sẽ mang theo những phước lành của riêng chúng”. Là một người cha/mẹ tốt có nghĩa là phải đủ linh hoạt để nhìn ra những phước lành ấy của cá nhân từng trẻ.
Khi Josie chưa đến một tuổi, tôi bắt đầu đảm nhận việc viết mục làm cha mẹ cho tờ The Forward đáng kính của người Do Thái. Mục ấy có tên “Người mẹ nhỏ bé ở ngôi làng phía Đông” (The East Village Mamale). Sau bảy năm, tôi lại chuyển sang tờ Tablet, tờ báo có văn phong sắc sảo và thiên về văn học hơn.
Trong một thời gian dài, tôi rất thích viết về các con của mình. Tôi viết những bài thơ tả thứ mùi trên đầu bé Josie khiến người đọc phải nhăn mặt, không ngớt lời tán tụng những lọn tóc xoăn rối tung như những vầng hào quang của cháu, và cao giọng dạy đời về sự dư thừa chủ nghĩa vật chất, sự dễ dãi, buông thả, cũng như các chương trình truyền hình cho trẻ em chất lượng kém. Tôi cũng viết những mẩu bài “ăn nhanh” và ngu ngốc cho một số tạp chí làm cha mẹ của Mỹ nhưng đều đi theo một công thức bắt buộc: (1) Chúa ơi công việc làm cha mẹ quả là vất vả với một đống đồ giặt bẩn thỉu bốc mùi; (2) nhưng rồi bé con của tôi toét miệng nở nụ cười hở lợi dễ thương cực độ và thế là mọi khó khăn tan biến.
Thực ra, khi viết về các con cũng là lúc tôi viết về bản thân mình. Nhưng khi chúng lớn dần lên, tôi ngày càng thấy không thoải mái khi chia sẻ những câu chuyện về chúng. Khi chúng biết tự nhận thức, tự kiểm soát, biết lo âu, có đam mê và tiêu chuẩn đạo đức riêng, tôi bắt đầu cảm thấy bản thân và chúng không có cùng một câu chuyện để kể nữa. Vì thế vào năm các con tôi, đứa lên bảy và đứa lên mười, tôi quyết định sẽ không viết về chúng nữa trừ phi được chúng cho phép.
Đối với nhiều bà mẹ có những hoàn cảnh sống khác nhau, thì viết là một cách để xử lý những thách thức trong công cuộc làm mẹ, trút bỏ những nỗi niềm, và để hiểu sâu sắc hơn về cách cư xử của bản thân và con cái. Tôi chắc chắn không phải là người tiên phong trên con đường này. Cho phép tôi được giới thiệu đến bạn một bà mẹ/nhà văn người Do Thái khác, người đã trút những tâm tư của mình vào những trang nhật ký. Người phụ nữ này có một cuộc đời đầy biến cố: Bà lập gia đình từ khi còn trẻ, sinh con, rất biết cách cân bằng giữa gia đình và công việc đồng thời luôn đánh giá sự việc bằng góc nhìn hài hước. Hai vợ chồng bà yêu nhau say đắm. Họ là tri kỷ của nhau cả trong tri thức và xúc cảm. Ông chia sẻ với bà mọi vấn đề trong công việc kinh doanh xuất nhập khẩu, còn bà giúp ông điều hành công việc ấy. Bà cho ông lời khuyên, giúp ông phác thảo hợp đồng và giữ gìn những cuốn sách. Buồn thay, ông đã mất khi còn trẻ. Khi được hỏi liệu ông có yêu cầu sau cuối nào không, ông thì thào: “Vợ tôi đã biết tất cả rồi”.
Thế là bỗng nhiên, người viết nhật ký của chúng ta trở thành một goá phụ khi mới bước sang tuổi tứ tuần. Đó cũng là lúc bà bắt đầu viết. Bà viết để “dập tắt và xua đuổi những suy tư u sầu vẫn đến trong đầu suốt những đêm không ngủ”. Bà tiếp quản công việc kinh doanh của chồng và phát triển nó lớn mạnh hơn gấp nhiều lần so với quy mô ban đầu; đi đến những sàn giao dịch chứng khoán và các thị trường trên khắp châu Âu và nước Nga; và trở nên vô cùng giàu có. Các con của bà cũng bước sang giai đoạn trưởng thành, kết hôn trong hạnh phúc và gây dựng cả sự nghiệp lẫn gia đình riêng. Vài người trong số họ mang đến cho bà chút rắc rối, còn lại thì không. Trong nhật ký của bà chứa đầy những bài học đạo đức. Chúng thể hiện niềm tin của bà đối với vai trò của giáo dục và những giao dịch kinh doanh dựa trên nền tảng đạo đức; chúng kể những câu chuyện về công việc cùng niềm vui và sự thỏa nguyện mà việc viết mang đến cho bà.
Tên của bà là Glückel of Hameln. Những cuốn nhật ký của bà giờ đây đã được gần ba trăm tuổi, song cho đến nay, chúng vẫn nguyên giá trị như khi được “tuôn trào” khỏi đầu bút vào những năm cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. Đó là thành phẩm cô đọng hoàn hảo từ toàn bộ quá trình làm mẹ của một người mẹ Do Thái qua nhiều thế kỷ, đồng thời là minh chứng cho những giá trị làm nên con người Do Thái ngày hôm nay.
Những cuốn nhật ký của Glückel cho thấy: Trong lịch sử, các bà mẹ Do Thái đã đề cao giáo dục, đời sống tâm linh và các nghi lễ như thế nào; họ tin tưởng vào việc thúc đẩy tính tự lập và khả năng chịu trách nhiệm cá nhân ở con cái ra sao; và họ đã mong mỏi con cái sẽ có nhiều hành động hợp đạo đức tới mức nào. Từ đó, có thể thấy cộng đồng người Do Thái trước đây đã tin chắc rằng, các bà mẹ nên đi làm kiếm tiền nếu họ muốn hoặc thấy cần, và họ cũng có quyền được có đời sống tri thức lẫn tâm linh riêng. Phụ nữ Do Thái vẫn luôn tự kiếm kế sinh nhai và duy trì sự sống cho bản thân. Và cũng như Glückel, chúng ta luôn say mê ngôn từ, truyền giảng và tranh biện. Và rõ ràng là những đặc điểm này thay đổi không nhiều kể từ những năm cuối thế kỷ 17 đến nay.
Khi Glückel trở thành goá bụa, bà có tới tám đứa con vẫn cần phải nuôi dạy. Vì thế, bà đã làm việc phải làm: Trả tiền cho các hoá đơn, bán đấu giá cổ phần công ty, làm việc với các chủ nợ và bắt tay vào gây dựng lại cơ ngơi sau 30 ngày khóc thương người chồng quá cố. Rồi bà đưa thêm tất lụa vào danh sách các mặt hàng kinh doanh trước đó như đá quý, kim loại quý. Cuối cùng, bà trở thành nữ doanh nhân trong lĩnh vực phụ kiện và đồ lót thời đó. Bà tiến hành công việc kinh doanh ở Amsterdam, Berlin, Leipzig, Paris và thường xuyên phải đi tới những nơi như Sàn giao dịch chứng khoán Hamburg, nơi được cho là quá nguy hiểm đối với phụ nữ.
Giọng văn tường thuật của Glückel cứ thay đổi chóng mặt từ tự bi kịch hoá sang tự kiềm chế và ngược lại. Bà gay gắt chỉ trích bản thân vì đã không viết trung thực hơn, rồi sau đó lại tự biện hộ là đang có con nhỏ. Trọng trách làm mẹ mới mẻ khiến bà cảm thấy mình phải “nhận một gánh nặng to lớn hơn bất kỳ ai khác trên thế giới này, và phải chịu đựng rất nhiều từ con cái”. Đôi khi bà bị ám ảnh quá mức bởi đồng tiền, nên cứ càm ràm liên tục không ngừng. Nhưng cũng có lúc bà kể chuyện ma và tán chuyện rất duyên dáng.
Tóm lại, Glückel khác xa so với khuôn mẫu của một bà mẹ Do Thái thông thường: nông cạn, luôn đòi hỏi, hay khoe khoang, yêu bản thân đến cực đoan. Những thành kiến đáng ghét này phát triển cực thịnh vào những năm 1960 đến những năm 1980 với cơn sốt chuyện cười về các bà mẹ Do Thái, cùng với chuyện cười về những cô nàng tóc vàng hoe, những nàng công chúa Mỹ gốc Do Thái và chuyện cười Ba Lan. Nhờ đó mà hình mẫu các bà mẹ Do Thái được ví như những “phụ huynh trực thăng”, tức đeo bám con, thiếu thốn tình cảm, lượn vè vè khắp nơi để săm soi tội lỗi và luôn tin rằng những đứa con báu vật của mình mới là hoàn hảo, mới nên được quảng cáo rộng khắp.
Nhưng khuôn mẫu này lại không đúng với thực tế. Chúng chỉ là sản phẩm được tạo ra tại một thời điểm và địa điểm nhất định trong lịch sử. Hãy mở rộng góc nhìn để tìm hiểu về các bà mẹ Do Thái trên khắp các quốc gia và qua các thế kỷ, và hãy nhìn họ bằng một nhãn quan rộng hơn so với những thông tin mà khoảng giai đoạn lịch sử nhỏ bé của nước Mỹ đem tới. Và thật tình cờ, những phương pháp nuôi dạy con của người Do Thái lại rất phù hợp với những nghiên cứu hiện đại về thúc đẩy tính sáng tạo, tính nhân văn và tri thức ở trẻ. Chúng lý giải vì sao người Do Thái lại rất thành công trong nhiều năm qua. Không phải tự nhiên mà cộng đồng người Do Thái dù chỉ chiếm chưa đến 1% dân số thế giới song lại có mặt ở:
• 170 trong số 850 người giành giải Nobel.
• 21% trong số các sinh viên của các trường đại học hàng đầu nước Mỹ (Ivy League).
• 26% trong số những người được Trung tâm Kennedy vinh danh.
• 37% trong số những đạo diễn được Viện hàn lâm trao giải thưởng.
• 51% trong số những người đoạt giải Pulitzer ở mảng tiểu thuyết phi hư cấu.
Đừng dừng lại đơn thuần ở lịch sử nước Mỹ hiện đại, chúng ta hãy cùng nhau quay về thời Trung cổ. Từ năm 1150 tới năm 1350, có 95 trong số 625 nhà khoa học có tiếng tăm làm việc ở khắp nơi trên thế giới là người Do Thái. (Số liệu thống kê này là kết quả nghiên cứu của một sử gia khoa học ngoại Do Thái tên là George Starton). Những con số này hiển nhiên không tương xứng với số dân Do Thái. Theo những phân tích của nhà khoa học chính trị bảo thủ Charles Murray, số gương mặt đại diện cho người Do Thái xuất hiện trong văn học châu Âu từ năm 1870 đến năm 1950 nhiều gấp bốn lần nếu xét tới số dân Do Thái tại châu Âu lúc đó. Trong âm nhạc, mức độ tỷ lệ nghịch trên còn lên tới năm lần; trong toán học là 12 lần; trong triết học là 14 lần. Tôi không cần số liệu thống kê của thêm một ai nữa để chứng minh rằng việc nuôi dạy con theo phong cách Do Thái giúp đứa trẻ không những thành công mà còn trở nên tử tế. Từ nhiều nguồn tài liệu lịch sử, có thể thấy nuôi con theo phong cách Do Thái không chỉ tốt cho đứa trẻ mà còn tốt cho cả các bậc cha mẹ. Những cuốn sách vô cùng khác biệt, từ kinh Torah (bộ Ngũ Thư của Moses, thường được cộng đồng ngoại Do Thái biết đến với cái tên Cựu Ước (Old Testament)), Talmud (cuốn sách yếu lược gồm các bộ luật và lời bình luận của người Do Thái), những lời cầu nguyện và thư tịch từ thời Trung cổ, những tác phẩm tâm linh ở thế kỷ 17, triết lý giáo dục của Mỹ và Anh Quốc ở thế kỷ 19, và kho truyện kể được các bà mẹ Do Thái truyền miệng trong suốt lịch sử, tất cả đều kể cùng một câu chuyện, đó là làm mẹ theo kiểu Do Thái không có nghĩa là tự phủ nhận bản thân hay tử vì đạo. Công việc ấy đề cao giá trị của đời sống tình cảm và tri thức ở người phụ nữ, từ đó mang lại lợi ích cho toàn bộ nền văn hóa. Đồng thời nó cũng giúp tạo ra những đứa trẻ độc lập, sáng tạo và chăm chỉ.
Để tôi nói luôn nhé: Phương pháp nuôi dạy con kiểu Do Thái chính là nguyên nhân đưa đến những thành công rực rỡ của người Do Thái. Song, như cách nói trong một câu khẩu hiệu cũ của hãng bánh mì lúa mạch đen Levy, bạn đâu cần phải là người Do Thái mới có thể làm mẹ theo kiểu Do Thái.
Trong chương đầu tiên của cuốn sách này, tôi sẽ bàn một chút tới nguồn gốc dẫn đến những định kiến sai lầm về các bà mẹ Do Thái. (Nhưng hãy bỏ qua phần này nếu bạn muốn đọc phần lời khuyên của tôi về những điều nên làm và nếu bạn là kiểu người thích chén món tráng miệng trước tiên). Trong 9 chương nối tiếp sau đó, tôi sẽ giới thiệu về hoàn cảnh lịch sử, những giai thoại cá nhân và các phương cách đối nhân xử thế được rút ra từ những cuốn sách của người Do Thái. Qua đó, bạn đọc thuộc mọi đức tin có thể hiểu cách áp dụng phương pháp làm mẹ kiểu Do Thái vào cuộc sống của chính các bạn, để từ đó nuôi dạy nên những đứa trẻ với khả năng tự chủ về kinh tế tốt hơn, đạo đức hơn và giỏi giang hơn.
Hãy ngẫm về Glückel, rồi đọc tiếp nhé.