Làm thế nào chúng ta biết Đức Chúa Jesus là người Do Thái? Ngài sống cùng mẹ tới năm 30 tuổi, rồi tham gia vào công việc kinh doanh của cha. Mẹ ngài lại còn luôn nghĩ ngài là Chúa.
- Một chuyện đùa cũ kỹ
Khi mới có con, tôi ghét bị gọi là mẹ tới mức khi vị bác sĩ nhi khoa xuề xòa gọi tôi như vậy, tôi chỉ muốn dí cái ống hút mũi của con vào mũi ông ta. Tôi nghĩ mình ghét từ đó vì nó phủ nhận bản thể của tôi. Nó biến tôi thành chiếc bình đựng nước, thành người mặc đồ cho trẻ sơ sinh, người đẩy xe và một nguồn cung cấp sữa. Nó khiến tôi có cảm giác mình chỉ là một người cho trẻ ăn nhạt nhòa trong một bộ phim khoa học viễn tưởng nào đó. Song, từ đó còn khiến tôi rùng mình bởi tôi đã thấm nhuần những ý niệm nhất định và đặc biệt cụ thể về khuôn mẫu một bà mẹ Do Thái trong tâm thức.
Khuôn mẫu của một bà mẹ Do Thái chẳng đẹp đẽ chút nào. Đó là người luôn thiếu thốn tình cảm, có vấn đề về thần kinh, rất đeo bám, hay săm soi tội lỗi của các con và được nhận dạng nhờ con. Tôi phải tìm cho ra vì sao chính cái từ bà mẹ Do Thái lại khiến tôi rùng mình và vì sao tôi lại cá nhân hóa khuôn mẫu này. Thực tế là muốn hiểu được vì sao cách nuôi dạy con của người Do Thái hiệu quả đến vậy trong suốt chiều dài lịch sử, mà lại bị làm cho nhạt nhòa, thì chúng ta cần phải xem xem thế giới nhìn nhận thế nào về một bà mẹ Do Thái, để từ đó mới đi sâu tìm hiểu những đặc tính của bà mẹ đó và những điều đúng đắn bà đã làm.
Ngày nay, hình ảnh bà mẹ Do Thái theo lối cổ nổi bật nhất có lẽ là nhân vật Sheila, mẹ của Kyle Broflovski trong bộ phim South Park (Tạm dịch: Công viên phía nam) - to béo, ồn ào, chất giọng đặc New Jersey với mái tóc “úp nồi”, lúc nào cũng phẫn nộ lắp bắp: “Gì, gì, gì thế?”, và luôn miệng càm ràm về Chủ nghĩa bài Do Thái. Tiếp theo là nhân vật Shelly Pfefferman trong Transparent (Tạm dịch: Trong suốt) của Judith Light - vừa ái kỷ vừa có vấn đề về thần kinh, rồi mẹ của Tovah Feldshuh hay loạt truyền hình Crazy Ex-Girlfriend (Tạm dịch: Cô bạn gái cũ điên loạn) của Rachel Bloom lúc nào cũng chỉ trích và đổ lỗi. Rồi tới năm 2015, lại xuất hiện mẹ của nhân vật Howard Wolowitz trong phim The Big Bang Theory (Tạm dịch: Thuyết Vụ nổ Big Bang), lúc nào cũng bới móc tội lỗi, hay làm người khác bị tổn thương, luôn coi con như một đứa trẻ, và thường choàng chiếc áo mặc ở nhà. Những nhân vật trên đều xuất phát từ những câu chuyện hài hước lẫn không hài hước, cùng những khuôn mẫu đã có từ lâu đời. Ngày nay, người Do Thái chúng ta chủ yếu bị nhìn nhận như những người da trắng tẻ nhạt thông thường, song từ trước khi có sự xuất hiện của hình mẫu Mẹ hổ “thật” hiện nay, cũng đã có thời chúng ta bị xem như một kiểu Mẹ hổ. Quay ngược về quá khứ, quan niệm về một bà mẹ Do Thái - một chiếc vòng kìm kẹp hay rền rĩ, khoa trương và luôn có nguy cơ gây rắc rối - đã từng là nguồn chất liệu bất tận cho những bộ truyện tranh hài của Catskill.
Q: Anh bồi bàn đã hỏi gì tại bàn của các bà mẹ Do Thái?
A: CÓ THỨ GÌ ổn không ạ?
Một bà mẹ Do Thái đang sải bước xuống phố cùng hai cậu con trai bé bỏng. Một người qua đường nói: “Ồ hai cậu bé dễ thương quá! Chúng mấy tuổi rồi bà?” Bà mẹ Do Thái liền trả lời: “Cậu bác sĩ lên ba còn cậu luật sư lên hai”.
Q: Vì sao các bà mẹ Do Thái lại tạo ra những vị ấy?
A: Vì họ có bao giờ để ai nói hết câu đâu.
Đa số các câu chuyện cười về các bà mẹ Do Thái này đều mang âm hưởng hài hước đặc trưng của Borscht Belt, nơi nghỉ dưỡng nay đã ngừng hoạt động của dân Do Thái, và là nơi rất nhiều diễn viên hài Mỹ bắt đầu nghiệp diễn hoặc từng đến biểu diễn đều đặn như Woody Allen, Lenny Bruce, Rodney Dangerfield, Phyllis Diller, Jerry Lewis, Zero Mostel, Carl Reiner, Don Rickles, Joan Rivers và Jerry Stiller. Ấy thế nhưng, trong khi các diễn viên nghỉ tại khu khách sạn này chế nhạo các bà mẹ Do Thái, thì các bà lại thường là người điều hành chính những khu khách sạn ấy. Đó chính là điểm để chúng ta bắt đầu nhận ra sự thật đằng sau những khuôn mẫu. Và tôi cho rằng đó cũng chính là điểm đáng để chúng ta noi gương ở họ.