Trong những lát cắt vĩ đại của lịch sử Do Thái, đàn ông lo học hành nghiên cứu còn phụ nữ lo làm lụng.
Người Do Thái đề cao giá trị của bộ não vì đó là tất cả những gì chúng ta có. Chúng ta từng là một tộc người lang thang. Trong suốt những giai đoạn lịch sử được ghi chép lại, hầu như cứ lúc nào người Do Thái thoải mái dừng chân ở một nơi, thì họ liền bị hất cẳng ngay ra khỏi nơi ấy. Người Do Thái bị trục xuất khỏi nước Anh vào thế kỷ 13, khỏi Pháp và Hungary vào thế kỷ 14, khỏi Áo, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vào thế kỷ 15 - đó mới chỉ là những ví dụ mào đầu. Trong các truyện dân gian của người Do Thái phái Hasidic thì luôn đầy rẫy những người lang thang và những bài học được truyền dạy trong lúc đang di chuyển. Phần lớn danh tính của người Do Thái vẫn luôn bị gắn với cảnh không nhà không cửa và mối lo không biết đâu là nơi an toàn để có thể hạ chiếc mũ của mình. Chúng hiện hữu ngay trong những cuốn sách cổ của tổ tiên chúng ta, và trên thực tế cuộc sống của chính chúng ta trong suốt lịch sử. Liền ngay sau mỗi giai đoạn thư thái và xa hoa là một cuộc thảm sát và trục xuất. Người Do Thái dần học được rằng thật khó để có thể tin tưởng vào những điều tốt đẹp và những quãng thời gian yên bình.
Trải qua nhiều thế kỷ trên khắp các quốc gia, người Do Thái từng bị cấm sở hữu đất đai, bị cấm tham gia nhiều ngành nghề, và là đối tượng nhắm tới của những bộ luật và khoản thuế mang tính phân biệt đối xử. Khi gặp hoàn cảnh sống tồi tệ và khó đoán định, bạn chỉ có thể đặt lòng tin vào nguồn lực nội tại: trí tuệ, trình độ học vấn và tâm linh. Và như vậy, đàn ông học tập nghiên cứu - tức là thực hiện những điều được người Do Thái thực sự trân quý. Điều đó thật tuyệt, nhưng cũng phải có ai đó đặt miếng bánh mì lên bàn ăn chứ. Và thế là cánh phụ nữ phải đảm nhận làm trụ cột kiếm sống trong gia đình. Vào những thời khắc khó khăn, các bà mẹ Do Thái luôn tiến lên phía trước.
Tuy nhiên, những thời khắc khó khăn ấy không phải lúc nào cũng kéo dài triền miên. Mặc dù hầu hết mọi người (trong đó có cả người Do Thái) đều cho rằng lịch sử dân tộc Do Thái là một chuỗi những cuộc tàn sát và bức hại, song vẫn có rất nhiều giai đoạn ở một số quốc gia khác nhau, làm một người Do Thái cũng không phải là một điều quá tệ hại. Trong những giai đoạn tươi đẹp ấy, phụ nữ Do Thái sở hữu bất động sản, biện hộ cho các vụ án tại tòa, sáng tạo nghệ thuật, tự viết sách cầu nguyện của riêng mình và điều hành các công việc kinh doanh. Bên cạnh đó, họ còn nuôi dạy những đứa trẻ mà sau này trở thành những triết gia, nhà soạn nhạc, tiểu thuyết gia, thương gia, nhà khoa học và nhà từ thiện xuất chúng.
Vào thế kỷ thứ 6 và thứ 5 trước Công nguyên (TCN), một số người Do Thái có cuộc sống khá xa xỉ. Người Ai Cập gốc Do Thái từng có những ngôi nhà hào nhoáng thời thượng, cuộc sống thế tục phong phú nhưng hài hòa trong dòng chảy văn hóa hội nhập, và cũng thích những bộ quần áo đẹp. Người Do Thái ở Jerusalem lúc đó thường cằn nhằn vì nghĩ bản thân chưa đủ sùng đạo và rất dễ có nguy cơ kết hôn liên tôn giáo. Tương tự như vậy, vào những thời kỳ khác nhau tại Ba Tư, hay ở các xã hội chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Pháp và Anh, người Do Thái sống tại các thành thị cũng hòa nhập vào âm hưởng của đời sống chung ấy. Cụ thể là họ liên kết với những người hàng xóm ngoại Do Thái và tận hưởng những thành tựu của nền văn hóa đa số.
Theo ghi chép thì ngay từ giai đoạn đầu, phụ nữ Do Thái đã nắm quyền lực về chính trị và kinh tế. Trên hòn đảo Elephantine ở Ai Cập, một phụ nữ tên là Mibtahiah, sinh năm 476 TCN, đã sở hữu một ngôi nhà riêng. Bà kết hôn hai lần và cả hai lần đều tốt bụng cho phép chồng sử dụng nhà của mình.
Trong những môi trường tồn tại những thái cực khác biệt gay gắt, vừa thân thiện vừa bài trừ, thì các bà mẹ Do Thái vẫn cố gắng xoay sở để duy trì cuộc sống gia đình cả về mặt kinh tế lẫn chính trị, và nuôi dạy những đứa trẻ đầy ấn tượng như sáng tạo, được giáo dục ở trình độ cao và mang nhiều tham vọng. Như vậy, hẳn là trong cách họ nuôi dạy con cái phải có những điều đúng đắn. Vậy không lẽ chúng ta lại không muốn đi theo con đường ấy?