Ấy vậy nhưng không hiểu nguyên do vì đâu mà sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các bà mẹ Do Thái lại trở thành đối tượng bị nhạo báng. Nguyên nhân nằm ở nhiều yếu tố cùng một lúc: Người Do Thái bắt đầu di chuyển ra vùng ngoại ô - miền đất hứa với những thảm cỏ và dân ngoại Do Thái; những cậu trai Do Thái bắt đầu dùng cách nói của “người Mỹ có văn hóa”, trong khi các bà mẹ đang siêu bối rối của chúng vẫn duy trì nhịp điệu nói chuyện theo kiểu cố quốc. Thêm vào đó, những tin tức khủng khiếp về cái chết của sáu triệu người Do Thái ở hải ngoại khiến các bà mẹ Do Thái bị sốc và khiếp sợ, và vì vậy họ đã theo sát con mình, có lẽ là nhiều hơn mức bình thường.
Thực sự, tôi không nghĩ rằng ai đó lại có thể phóng đại những hậu họa về mặt tâm lý của thảm họa diệt chủng. Người Do Thái trên khắp nước Mỹ lúc đó nhìn thấy vực thẳm to lớn giữa bên này là cuộc sống sung túc, còn bên kia là cuộc xóa sổ thế giới Do Thái vừa mới được tiến hành ở nơi chỉ cách họ một đại dương. Trong những khuôn mẫu thường ẩn chứa một phần sự thật... và khuôn mẫu về bà mẹ Do Thái cũng không là ngoại lệ. Tôi tin chắc rằng, vào những năm 1950 và 1960, các bà mẹ Do Thái có phần đeo bám con hơn. Tôi cho rằng mối lo hậu diệt chủng có thể là nguyên nhân biến họ thành các nhân vật trong tranh biếm họa. Chưa kể người Do Thái ở Mỹ đang trải qua giai đoạn đô thị hóa tăng cường, cùng những đồng hóa và tiến bộ về kinh tế của dân Do Thái.
Song lý do khiến khuôn mẫu này thực sự được nhân rộng lại nằm ở những thay đổi từ ngành truyền thông. Các nhà văn nam người Do Thái được tự do kể câu chuyện của riêng mình, nên đã tạo ra những nhân vật bà mẹ Do Thái “la sát” và thích kiểm soát. Các hãng truyền hình lượm được hình mẫu này và quảng bá nó rộng rãi. Vào những năm 1960, 77% hộ gia đình Mỹ đã mua chiếc ti-vi đầu tiên. Vậy là đột nhiên, những cậu trai Do Thái từng gặp khúc mắc với mẹ có thứ mà các “ông lớn” truyền thông ngày nay vẫn gọi là bệ phóng.
Cũng trong khoảng thời gian này trỗi dậy quan điểm phản anh hùng trong giới tiểu thuyết. Đột nhiên, rất nhiều nhà văn nam trẻ người Do Thái được trao quyền và cơ hội để bày tỏ cảm xúc điên tiết và khó chịu về mẹ của mình. Những tác phẩm của các nhà văn như Hermann Wouk, Philip Roth và Saul Bellow hoặc những nhà văn trào phúng như Woody Allen và Jackie Mason đều thể hiện nhiều cấp độ khác nhau của chủ nghĩa giới tính cùng những cảm xúc đầy mâu thuẫn về các bà mẹ của mình. Về cơ bản, ở đây chúng ta có cả đống những gã trai lập dị đang đến tuổi trưởng thành, nhưng lại thấy mình chỉ như ngoài cuộc trong cộng đồng Do Thái đang nhanh chóng hội nhập vào một xã hội rộng lớn hơn. Ở tác phẩm của mình, họ tạo ra những nhân vật nửa tự thuật và thế vai luôn khao khát có một bà mẹ đỡ khó chịu hơn, bớt độc đoán hơn và ít cằn nhằn hơn với khả năng “hòa trộn” tốt hơn. Họ thường xuyên đổ lỗi cho phụ nữ nếu thấy bị hất cẳng và thiếu tố chất khi sống ở Mỹ.
Khi tôi còn bé, bà tôi có cuốn sách mang tên How to Be a Jewish Mother (Tạm dịch: Làm thế nào để trở thành một bà mẹ Do Thái) được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1965. Cuốn sách do một nhà văn hài tên là Dan Greenburg viết, và lúc bé, tôi đã cho rằng cuốn sách ấy thật vui nhộn. Tôi thích những bức tranh vẽ trong đó, mô tả cách phải mặc đồ ra sao khi xuống nước để không bị chết đuối hay cách nhồi nhét một chiếc sandwich thật đẫy để con cái không bị chết đói. Bên cạnh đó còn có những mục như “Làm sao cho cảm giác tội lỗi phát huy hiệu quả” hay “Kỹ thuật tỏ thái độ khó chịu cơ bản”, hoặc “Bảy điều cơ bản mẹ cần hy sinh cho con trai”. Cuốn sách đưa ra những lời khuyên như: “Cứ để trẻ nghe thấy bạn thở dài hằng ngày; chúng sẽ biết mình vừa làm gì khiến bạn khó chịu ngay cả khi bạn còn chưa biết”, và: “Đừng để con biết bạn bị ngất hai lần vì mệt trong siêu thị, nhưng phải đảm bảo là chúng biết bạn đang cố giấu chúng điều đó.” Từ những năm 1950 tới những năm 1980 xuất hiện đầy rẫy những câu chuyện cười kiểu như vậy trong văn hóa đại chúng, gián tiếp chỉ trích các bà mẹ Do Thái một cách đầy ác ý vì đã bao bọc con quá mức, vị chủng và luôn khoe khoang sáo rỗng về con. Chúng đích thị phản ánh mối lo lắng của người Mỹ về những giá trị, và đổ lỗi cho các bà mẹ luôn là cách làm dễ dàng nhất. Chúng ta có lo là con cái mình đang sống theo chủ nghĩa vật chất quá mức? Chúng ta có hoảng sợ vì thấy đồng bào mình chưa đủ sùng đạo? LỖI TẠI MẸ!
Công bằng mà nói, người Do Thái vẫn thường bị lúng túng và hoảng sợ trước những người phụ nữ nói chung chứ không chỉ riêng các bà mẹ. Nhà sử học hài hước và vui tính Jenna Weissman Joselit đã viết về mối lo lắng của dân Do Thái liên quan đến “Cô gái xóm Do Thái” - một phụ nữ trẻ thuộc tầng lớp lao động có gu thẩm mỹ kém, luôn trát lên mặt lớp trang điểm dày cộp, bị ám ảnh quá mức bởi quần áo và lúc nào cũng nói oang oang. Ngoài ra, còn nhiều cuốn sách khác cũng nhắc đến nhân vật này ngay từ những năm đầu thế kỷ 20. Fannie Hurst, một tiểu thuyết gia ăn khách (và là một người Do Thái không sùng đạo, từng cho là Cô gái xóm Do Thái lòe loẹt và ồn ào là do “tính cách hung hăng và trí tưởng tượng quá phong phú của người Do Thái”. Tuy thế, ngay cả những người không biết xếp vào hạng nào và bị coi là “hỏng bét” này cũng thường cố gắng để vượt lên trên hoàn cảnh, trước sự ngơ ngác của những người căm ghét họ. Hurst viết đầy ngạo mạn: “Khi tôi đi xuống khu phía Đông và nhìn lên những khuôn mặt nhợt nhạt da trắng cùng những bộ váy áo ngu ngốc và tầm thường tới vô vọng, thì lòng tôi tràn ngập những băn khoăn và ngưỡng mộ vì những cô gái này sao lại có thể đạt được những thành tựu tuyệt vời đến vậy”. Tỏ ra kinh sợ về trang phục và lối cư xử của những phụ nữ trẻ, rồi lại bị sốc trước những thành công của họ vẫn luôn là kiểu suy nghĩ thời thượng.
Hình mẫu Cô gái xóm Do Thái tiếp tục phát triển thành hình mẫu Công chúa Mỹ gốc Do Thái - một khuôn mẫu đối nghịch với khuôn mẫu bà mẹ Mỹ gốc Do Thái. Alan Dundes, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, đã nghiên cứu những truyện cười liên quan tới cả hai hình mẫu này và gọi chúng là JAM và JAP. Hình mẫu JAM là những mẹ tự phủ nhận bản thân tới cực độ, bị ám ảnh bởi việc lo ăn uống cho gia đình và không thể để con cháu mình tự lo liệu. Còn hình mẫu JAP lại là những mẹ chỉ quan tâm tới vẻ hào nhoáng bên ngoài, ích kỷ, nông cạn, không hề có ý định dành cảm xúc cho đồng loại và luôn ám ảnh làm móng. Quả là hai thái cực đối lập đúng không? Vậy nhưng cả hình mẫu JAM và JAP đều là những “con quỷ” hút cạn tiền bạc và cảm xúc, và cả hai đều phản ánh thói kỳ thị phụ nữ đã ăn sâu bám rễ trong tâm trí.
Bởi vì thật kỳ lạ, trong khi những câu chuyện cười và những cuốn sách chế nhạo các bà mẹ Do Thái lập dị, mang tư tưởng bộ tộc và không chịu làm việc mọc ra như nấm, thì trên thực tế, sự tham gia của họ vào lực lượng lao động lại gia tăng. Nhà xã hội học Riv-Ellen Prell đã ghi chép được vào năm 1957, có 26% phụ nữ Mỹ gốc Do Thái trong độ tuổi từ 25 - 34 và 34% trong độ tuổi từ 35 - 44 nằm trong lực lượng lao động. Vào năm 1990, các con số này tăng lên lần lượt là 76% và 75%. Điều này chỉ ra là trong khi đàn ông Do Thái đang khắc họa chân dung phụ nữ Do Thái như những kẻ ăn bám lệ thuộc, thì thực ra họ lại đang gia nhập trở lại vào lực lượng lao động.