Bạn có biết ai là người không cười nhạo các bà mẹ Do Thái không? Đó chính là các bà mẹ Do Thái. Hình tượng bà mẹ Do Thái cổ nhất trong văn hóa đại chúng Mỹ là nhân vật Molly Goldberg. Nhân vật này được tạo nên bởi người phụ nữ có tên Gertrude Berg và được mô tả với rất nhiều tình yêu thương, cả trên đài phát thanh từ năm 1929 - 1949 và trên truyền hình từ năm 1949 - 1955, so với hình mẫu bà mẹ Do Thái tham lam, xấu xí và kỳ quặc mà những người đàn ông Do Thái tạo ra.
Molly Goldberg là “nữ chúa” của Nhà Goldberg, thích quan tâm đến chuyện của người khác, song lại tốt bụng và rất biết cách giải quyết các vấn đề. Không giống các bà mẹ Do Thái trên phim truyền hình sau này luôn chỉ đóng vai phụ (như Sophie Steinberg trong Bridget Loves Bernie (Tạm dịch: Bridges yêu Bernie), Ida Morgenstern trong Rhoda, Helen Seinfeld trong Seinfeld, Sylvia Bunchman trong Mad About You (Tạm dịch: Yêu điên cuồng), Sylvia Fine trong The Nanny (Tạm dịch: Cô bảo mẫu) và Bobby Adler trong Will and Grace (Tạm dịch: Will và Grace)), Molly Goldberg là nhân vật chính. Và tôi ngờ rằng vì người nhào nặn ra bà là một phụ nữ, nên bà mới không bị biến thành một nhân vật hoạt hình và mang đậm sắc thái hơn rất nhiều so với những nhân vật kế nhiệm sau này trong các bộ phim hài về bà mẹ Do Thái. Có một câu tục ngữ Do Thái thế này: “Trong một người Do Thái có 28% là nỗi sợ hãi, 2% là đường ngọt và 70% tinh thần tranh biện.” Đó chính là bà Goldberg. Các nhân vật biếm họa nối gót sau bà đều thiếu cả sự ngọt ngào của đường lẫn nỗi sợ hãi rất con người. Họ là những người chỉ có 100% tinh thần tranh biện, mà đa số lại là kiểu tranh biện không mấy duyên dáng và dễ thương. Đó là thứ tranh biện chỉ nhằm mục đích trợ giúp cho con cái họ và mang nặng tính ái kỷ.
Tôi biết rất rõ là các nhà văn cũng như mọi người bình thường khác đều rất lười biếng. Một khi ý niệm về một bà mẹ Do Thái tham lam đã thu hút được sự chú ý của đông đảo quần chúng, thì nó lập tức bị biến thành một dạng “tín hiệu tắt”, truyền tải cảm giác khó chịu và lạ lùng mà ẩn chứa đằng sau thường là tâm thế căm ghét phụ nữ. Công bằng mà nói, các bà mẹ từ các nền văn hóa khác nhau vẫn luôn bị khắc họa với tính cách cằn nhằn, khó chịu và hách dịch. Chúng ta đã được chứng kiến các Mẹ hổ luôn đòi hỏi và khước từ, hay các bà mẹ da đen độc đoán lúc nào cũng cao giọng, hoặc các bà mẹ Tây Ban Nha chuyên nạt nộ và la hét. Thật tình cờ, có vô số gã trai cùng gặp các vấn đề về mẹ. Tuy nhiên, khuôn mẫu bà mẹ Do Thái nhận được nhiều sự chú ý hơn bởi người Do Thái sở hữu các công ty truyền thông.