Trong Kinh thánh, Chúa trò chuyện với Elijah bằng “tiếng nói của lương tâm”. Trong những câu chuyện truyền lại từ thời xa xưa khác, Chúa hiện hình dưới dạng một cơn lốc, một trận động đất, một đám cháy. Nhưng khi thực sự muốn kết nối với Elijah, ngài lại nói với ông bằng một lời thì thầm dịu dàng. Theo tôi giai thoại này mang ý nghĩa: Giống việc nuôi dạy con, tôn giáo tưởng như là những đề tài trọng đại, đao to búa lớn. Tuy vậy, đời sống tôn giáo hoặc quá trình nuôi dạy con của bạn không nhất thiết phải gồm toàn những đợt sóng “khải huyền” và “điều kỳ diệu” cứ liên tục xô nhau trào đến. Tôn giáo và làm cha mẹ tức là luôn lặng lẽ sống hết mình cho hiện tại, suy nghĩ thấu đáo và nỗ lực kết nối trong từng ngày từng giờ.
Dù không muốn tỏ ra học đòi theo đạo Phật, nhưng sống trọn vẹn từng khoảnh khắc thực sự là việc rất khó. Đó là cả một cuộc chiến đấu trong suốt quá trình nuôi dạy con. Mỗi khi ra quyết định, tôi sẽ luôn luôn phải đấu tranh tư tưởng để không phải lờ đi những quy định đạo đức, không đầu hàng mà thuận theo tính ác đang gào thét trong tiềm thức của cả bản thân tôi và các con.
Với những người làm cha mẹ ngày nay, cuộc chiến đấu ấy không chỉ thuần tuý vì mục đích giúp con mình sinh tồn hoặc tạo điều kiện để chúng phát triển thuận lợi trong môi trường sống. Chúng ta còn phải nỗ lực hết mình để dạy chúng biết chống lại điều xấu. Xét về mặt lịch sử, người Do Thái trước nay vẫn luôn cố gắng hết sức để dạy con thành người tốt, và đã thực hiện việc đó rất thành công. Hãy nghe theo lời dạy của dân tộc chúng tôi, con bạn có thể không được nhận giải Nobel nhưng chắc chắn sẽ thành một con người tốt.
Có ý kiến lo ngại rằng ngày nay, những yếu tố đã từng khiến người Do Thái thành công rực rỡ như trình độ học vấn, kiến thức sâu rộng về lịch sử, tính độc lập, tính kỷ luật, sự lập dị, tính hài hước, sự linh hoạt, kiến thức thiết thực về tài chính, và tính kỷ luật trong đời sống tâm linh ngày nay đang gặp phải nhiều nguy cơ hơn so với quá khứ. Những lo ngại ấy là hoàn toàn chính đáng. Suốt một thời kỳ dài, người Mỹ gốc Do Thái đã trở thành một bộ phận của lối sống tương đối dễ dàng và thoải mái. Giờ đây khi cảm thấy chẳng còn nhu cầu thôi thúc nào buộc mình phải khác biệt và sắc bén, thì liệu chúng ta còn có thể gìn giữ những tố chất ấy? Thế nhưng bằng một cách nào đó, chúng ta vẫn duy trì chúng, ít nhất là cho đến nay. Trong số những người Mỹ trên sáu lăm tuổi từng có cha (mẹ) là người Do Thái, có 25% đã trở thành người Do Thái và thuộc cộng đồng người Do Thái ngày nay. Ngược lại, trong số những người trưởng thành dưới ba mươi tuổi có cha (mẹ) là người Do Thái, có tới 59% đã trở thành người Do Thái và gia nhập vào cộng đồng người Do Thái ngày nay.
Trước các cuộc hôn nhân liên tôn giáo, phần đa các thủ lĩnh Do Thái đều hốt hoảng gào thét báo động. Nhưng trong lịch sử, tỷ lệ hôn nhân liên tôn giáo của chúng ta cũng đã từng ở mức cao. Khi không bị bủa vây bởi lòng thù hận, con người có xu thế hướng ra bên ngoài dân tộc mình để tìm bạn trăm năm. Trong trường hợp của thế hệ chúng ta, cứ chiểu theo vòng quay của lịch sử, thì người Do Thái rốt cục vẫn luôn bị tái thù ghét, phải co cụm và gồng mình lên để chống đỡ, để rồi sau đó một lần nữa lại hướng sự tập trung vào tôn giáo, nghi thức, đức tin và văn hóa. Không phải tôi đang quá bi quan, song thực trạng tội ác do thù ghét xuất phát từ những người bài Do Thái Semitic đang gia tăng mạnh ở châu Âu có lẽ chính là dấu hiệu cho thấy con lắc lại bắt đầu lặp lại vòng quay của nó.
Bất chấp thực trạng ấy, người Do Thái cần dừng cư xử như thể cơn khủng hoảng danh tính Do Thái chưa từng có tiền lệ này đúng là việc chưa từng có tiền lệ. Chúng ta đang sống ở một kỷ nguyên vàng son trong đó văn hóa Do Thái rất được coi trọng: những món ăn của người Do Thái dòng Ashkenazic và Sephardic, âm nhạc Do Thái, mối quan tâm dành cho ngôn ngữ Do Thái cổ đang hồi sinh, và mối quan tâm đối với lịch sử, văn học và nghệ thuật Do Thái. Dù chúng ta vẫn đề cao việc kể chuyện và chia sẻ những câu chuyện về văn hóa và gia đình, song tôi không mấy đồng tình với quan niệm “để duy trì bản sắc một dân tộc, nhất thiết chỉ nên cầu nguyện và tụ họp với những người giống bạn”. Các bà mẹ Do Thái từ trước tới nay vẫn luôn truyền tải các giá trị và thói quen kể chuyện. Trong một thế giới đa nguyên, chúng ta cần chia sẻ kho truyện của mình đồng thời trân trọng kho truyện của mọi người xung quanh.
Hãy học theo người ông Abraham của chúng ta, đạo Do Thái cần phải chào đón tất cả những ai đến với túp lều của mình. Đạo của chúng ta cũng giống như món cholent hoặc shakshuka (đó thấy không, tôi vừa chọn một món của phái Ashkenazic cùng với một món của phái Sephardic đó thôi!), chúng phong phú, phức tạp, giàu hương vị, với sự kết hợp đa nguyên liệu. Và nếu người này quan tâm nhiều hơn đến tôn giáo trong khi người khác quan tâm nhiều hơn đến văn hóa, thì cũng có sao, vì đạo của chúng ta có cả hai “món” đó.
Bất kể bạn theo truyền thống đức tin nào (hoặc thậm chí nếu bạn không theo truyền thống đức tin nào), thì tôi hy vọng rằng giữa chúng ta vẫn có một hệ tư tưởng chung được gây dựng từ truyện kể và sách vở. Tôi hy vọng rằng những phương pháp nuôi dạy con vẫn luôn giúp trẻ em Do Thái thấm nhuần các giá trị đạo đức và tạo động lực để chúng trở thành người tử tế tốt bụng và thành công sẽ được bạn lựa chọn. Tôi cũng hy vọng rằng, với những giá trị và kiến thức thực tế đã tỏ ra vô cùng hiệu quả trong quá khứ khi giúp các bà mẹ Do Thái hun đúc nên những con người đồng cảm, thành công, sáng tạo, độc lập và có tư duy phản biện trước những tư tưởng cố hữu, thì trong tương lai, chúng sẽ tiếp tục giúp thêm nhiều thế hệ con cháu, ngay cả khi thế giới có không ngừng xoay vần biến đổi.