Để bồi đắp cho trẻ một đời sống tâm linh lành mạnh, bạn cũng có thể phân tích cho chúng hiểu những lợi thế và phước lành mà chúng đang được hưởng. Dự án phổ biến lòng quan tâm của Đại học Havard dẫn lại một nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên thể hiện lòng biết ơn thường có khuynh hướng nổi trội hơn về các đức tính: hào phóng, giàu lòng trắc ẩn, sẵn lòng giúp đỡ người khác và vị tha. Cuộc sống của họ cũng có xu hướng khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Theo nghiên cứu của Sonja Lyubomirsky, giáo sư tâm lý học thuộc chi nhánh Đại học California tại Riverside đồng thời là bạn cùng lớp với tôi thời còn học ở Havard, những người thường xuyên tỏ lòng biết ơn thường được ghi nhận là dồi dào năng lượng hơn và giàu lòng hy vọng hơn, bản thân họ cũng thuật lại rằng những cảm xúc tích cực đến với họ thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, họ cũng có xu hướng tha thứ nhanh hơn và ít thiên về vật chất hơn.
Một nghiên cứu năm 2003 yêu cầu những người tham gia đếm những phước lành của bản thân họ đúng theo nghĩa đen. Trong suốt 10 tuần lễ, nhóm này được yêu cầu cứ mỗi tuần một lần viết ra giấy 5 điều mà họ cảm thấy biết ơn vì được hưởng. Còn các nhóm tình nguyện viên khác thì được yêu cầu suy nghĩ về 5 tình huống khó chịu hoặc 5 sự kiện chính trong tuần. So với các nhóm được kiểm soát, sau khi nghiên cứu kết thúc, nhóm “biết ơn” cảm thấy lạc quan và thỏa mãn hơn với cuộc sống; họ tự thấy sức khỏe bản thân được cải thiện, bớt đi những cơn đau đầu, và họ tăng cường tập thể dục. Các nghiên cứu khác cũng nhận thấy những người thể hiện lòng biết ơn có xu hướng quan tâm và phấn khích hơn trước thế giới xung quanh và lạc quan hơn về cuộc sống của bản thân. Theo những lời kể ghi lại được từ nghiên cứu, họ cũng thường xuyên giúp đỡ người khác cảm thấy gắn kết với những người xung quanh hơn và họ thậm chí còn ngủ ngon hơn.
Nếu tất cả chúng ta đều thực sự để tâm bộc lộ niềm tự hào sâu sắc thay vì phàn nàn ca thán thì sao nhỉ? Nếu chúng ta chú trọng rèn con tính hào phóng và biết suy nghĩ thấu đáo thay vì mang tư tưởng cạnh tranh quá mức và suốt ngày chỉ nghĩ về điểm số thì sao nhỉ? Biết đâu chúng ta lại chẳng tạo nên những đứa trẻ vừa tài giỏi vừa ấn tượng.
Phương pháp luận của mẹ Do Thái
Khi trẻ còn nhỏ, hành động đúng đắn phải trở thành mệnh lệnh. Hãy cho trẻ cùng đi với bạn tới thăm một người ốm trong bệnh viện (chúng có thể chỉ cần chào họ rồi ngồi bên ngoài chơi iPhone của bạn cũng được). Hoặc yêu cầu con cùng bạn làm bánh sandwich và tặng cho những người đói khổ trong công viên. Thu thập những chai dầu gội và sữa tắm nhỏ trong các khách sạn hoặc từ những người thường xuyên đi du lịch và quyên góp chúng cho một khu trại nào đó (nhưng trước đó hãy gọi cho họ để chắc chắn rằng đó là món đồ hữu dụng). Những trẻ lớn hơn có thể quyên tặng áo choàng cho người nghèo, bện dây hoặc vòng đeo tay để gây quỹ từ thiện, hoặc giúp một người hàng xóm cao tuổi dắt chó đi dạo khi tuyết đang rơi ngoài trời. Và hãy yêu cầu tất cả trẻ em phải biết nói làm ơn và cảm ơn.
Động viên trẻ tạo hòa khí giữa mọi người. Trong tiếng Do Thái cổ, hành động này được gọi là Hava’at Shalom ben Adam I’Havero. Trẻ có thể: Giúp bạn bè hòa giải, cố gắng kìm chế cơn giận trước những cư xử không hay của người khác đối với chúng, hoặc chia sẻ bữa quà chiều ít ỏi với anh (chị) em.
Quan tâm tới môi trường toàn cầu. Trẻ em rất thích giảng giải cho người lớn về chủ nghĩa bảo vệ môi trường. Bạn mà chẳng may vừa đánh răng vừa để vòi nước chảy thì “chết” với chúng. Vào những lúc trẻ muốn tỏ ra hiểu biết hơn cha mẹ ấy, bạn có thể hướng chúng tới giá trị Bal Tashkhit, tức là tránh lãng phí. Hãy cùng con tham gia vào các chiến dịch làm sạch biển và công viên, dạy chúng biết thải bỏ và tái chế đúng cách mọi loại rác cả ở trường và ở nhà, quyên góp cây giống của vườn nhà cho khu vườn cộng đồng, và cùng con dạo chơi trong thiên nhiên để trân trọng những điều kỳ diệu của thế giới.
Cho trẻ thấy cách bạn thực hiện công việc tình nguyện. Hãy cho trẻ thấy rằng hoạt động phục vụ cộng đồng là một giá trị thiết yếu độc lập chứ không phải để bợ đỡ ai đó, cũng không nhằm nâng cao giá trị bản thân hoặc phô bày trong hồ sơ tuyển sinh đại học.