Tất cả chúng ta hãy tập để tâm vào việc ăn của mình: Lắng nghe những tín hiệu “đói” hoặc “no” của cơ thể, ngẫm về nguồn gốc thực phẩm và tỏ lòng biết ơn về những gì chúng ta đang có. Hãy xem thức ăn như chiếc cầu nối liền chúng ta với cơ thể và là một phương tiện để nuôi dưỡng cơ thể ấy. Xa hơn nữa, hãy nghĩ chúng ta nên cử động và đối xử với cơ thể mình ra sao để có được trải nghiệm những cảm xúc tuyệt vời và kỳ diệu.
Elana Sztockman là một nhà tư tưởng nữ quyền Chính thống giáo có tầm ảnh hưởng lớn. Bà còn tuân thủ các quy tắc tôn giáo với sự nghiêm cẩn vượt xa tôi. Nhưng tôi rất thích lời thừa nhận của bà về vai trò của bản thể hữu hình trong việc tạo ra cảm giác kết nối về tâm linh: “Vào lễ Shabbat, trong Birchot HaShachar (lễ ban phước buổi sáng), chúng tôi nói lời cảm ơn về những năng lực của cơ thể mình như bước đi, mở mắt, thức dậy và về việc có quần áo để che chắn cho cơ thể. Sự thừa nhận và trân trọng cơ thể này càng dẫn dắt tôi tới gần hơn với đạo Do Thái cho dù suốt từ ấu thơ tới nay tôi vẫn luôn phải chiến đấu với những vấn đề thể chất.”
Nếu bạn tin vào Chúa, hãy hiểu rằng tất cả chúng ta đều xứng đáng được nhận tình yêu thương và sự tôn trọng vì ai trong chúng ta khi sinh ra cũng đều được ngài ban cho một hình ảnh thiêng liêng. Còn nếu bạn không tin vào Chúa, hãy ngẫm về sự thần diệu và tinh xảo tuyệt đỉnh của cơ thể con người. Mọi tôn giáo đều rất dễ đi đến chỗ “nguyên tắc cứng nhắc” khi chú trọng quá mức vào tiểu tiết và nhất nhất làm đúng theo từng câu từng chữ ghi trong luật. Chúng ta có thể hiệu chỉnh những sai lệch ấy thông qua đời sống tâm linh. Tình dục cũng là một cách thể hiện sự trân trọng với cơ thể. Hãy đối xử với nó thật cẩn trọng, đem đến cho nó những cảm xúc tốt đẹp, hiểu rằng nó xứng đáng được hưởng khoái cảm chứ không phải sự trừng phạt. Và hãy trân trọng cơ thể của người khác.
Tôi nhắc lại, bạn có thể thoải mái loại bỏ yếu tố Chúa trời ra khỏi đời sống tâm linh của mình nếu muốn. Năm 1963, một giáo sĩ được đào tạo theo hướng cải cách có tên là Sherwin Wine đã thành lập nhóm Những người Do Thái nhân văn. Nhóm này đã tự thực hành một biến thể của đạo Do Thái trong đó hoàn toàn loại bỏ yếu tố Chúa trời. Những người Do Thái nhân văn cũng đồng quan điểm với lịch sử, văn hóa, và tương lai của người Do Thái tin rằng, mọi dân tộc đều mang sứ mệnh quan trọng ngang nhau và luân thường đạo lý không phải là những lời được truyền xuống từ trên cao bởi một Đấng tối cao hoặc một lực lượng nào đó mà chỉ là những quy tắc xoay quanh cuộc sống đời thường. Trong khi đó, nhóm Do Thái Tái xây dựng cùng với phần đông nhóm Do Thái Bảo thủ và Do Thái Cải cách lại tin vào quan điểm mang tính phi nhân cách hóa về Chúa trời. Nhà sáng lập nhóm Do Thái Tái xây dựng là Mordecai Kaplan (1881 - 1983) đã định nghĩa Chúa là tinh thần của con người với khả năng “thúc đẩy con người tự vượt qua giới hạn của bản thân… để vượt ra khỏi sự phàm tục và loại trừ mọi hình thức bạo lực và bóc lột trong xã hội loài người.” Ông gọi Chúa là “Thế lực trong vũ trụ đem đến cho cuộc sống loài người một định hướng cho phép họ phản ánh hình ảnh của Chúa.”
Tóm lại, bạn có thể sùng đạo và mang đời sống tâm linh phong phú mà không cần phải tin vào hình tượng của một đấng tâm linh nào. Thậm chí bạn có thể không cần tin vào bất kỳ cuốn sách tôn giáo nào! Nhưng bạn nhất định phải đối xử cẩn trọng và tử tế với bản thân và với những người xung quanh.