Tất cả chúng ta là những cá thể riêng biệt và trải nghiệm tâm linh của mỗi cá thể ấy cũng cần mang sắc thái riêng. Có nhiều cách để tồn tại trong thế giới này và có nhiều cách để kết nối với Chúa trời và nhân loại. Đối với tôi, duy trì chế độ ăn kosher là một hành động tâm linh thiết thực. Một người Do Thái mộ đạo chân chính có thể cho tôi là người vô cùng nửa vời. Tôi khăng khăng chỉ mua thịt theo luật ăn kosher nhưng lại chẳng hề quan tâm nếu chồng tôi có nấu xúc xích bratwurst, một món ăn từ thời tổ tiên của gia đình anh. Thay vì phải có hai bộ đĩa ăn: một bộ tuyền màu trắng sữa còn một bộ để ăn thịt, thì chúng tôi chỉ có một bộ. Tôi không ăn thịt lợn hoặc hải sản có vỏ, nhưng cũng không quan tâm nếu có bất kể người nào trong gia đình mình ăn chúng. Tôi rất thích một phong trào khá mới mẻ có tên gọi “kashrut có đạo đức” (kashrut tức là hành động gìn giữ chế độ ăn kosher). Ngoài những tiêu chí truyền thống như độ sắc của dao, độ sạch của vết cắt hoặc chất lượng thịt bò, phong trào “kashrut có đạo đức” còn coi trọng việc đối xử nhân đạo và trả lương công bằng cho công nhân. Như vậy, một cơ sở chỉ được coi là chấp hành luật kosher khi vừa tuân thủ các quy tắc giết mổ, vừa đảm bảo đồng lương hợp lý và điều kiện làm việc thích hợp cho người lao động. Để tránh công đoạn kiểm tra thông tin lằng nhằng phức tạp, tôi thường chọn cách đơn giản là mua thịt hữu cơ chăn thả tự nhiên và không chứa hooc-môn. Loại thịt này có độ tin cậy cao hơn vì bạn có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Thế sao tôi không bỏ quách kiểu ăn kosher đó đi? Thế có đơn giản hơn không? Tôi vẫn chưa thể từ bỏ được, bởi vì mỗi lần ăn như vậy tôi lại nhớ đến những quy tắc hào hiệp viển vông đậm chất Đông-ki-sốt của mình. Chúng như tiếng nói tâm linh nhắc tôi nhớ về chất Do Thái trong con người tôi và những quyết định của tôi trong đời sống hằng ngày.