Chẳng có ai vừa sinh ra đã biết cách cư xử phải phép khi đi ăn nhà hàng. Vậy muốn học cách cư xử đó, bạn phải đi tới nhà hàng. Chúng ta chọn một địa điểm bình dân, xuất phát vào lúc chập tối khi chưa đông đúc và con còn vui vẻ, rồi giải thích cho con hiểu cách chúng ta hành xử, sau đó bạn đưa cho chúng vài món tiêu khiển như chút ngũ cốc Cheerios hoặc bút sáp để chúng thực hành. Và nếu chúng ta dạy dỗ con thật tốt, thì khi lui tới nhà hàng với tư cách người lớn, chúng sẽ hào phóng đưa tiền boa, không lớn tiếng với nhân viên phục vụ, không cười đùa ầm ĩ, không liến thoắng trên điện thoại trong suốt bữa ăn, hoặc chu môi chụp ảnh tự sướng.
Bạn có thể áp dụng kiểu giáo dục “mưa dầm thấm lâu” này để hướng trẻ tiếp cận giáo đường hoặc nhà thờ. Hãy đưa con tới những buổi lễ được tổ chức một cách cởi mở, dễ tiếp cận, diễn ra trong thời gian ngắn với không khí vui vẻ và sôi nổi. Khi trẻ dần lớn lên, bạn có thể tổ chức những buổi vui chơi, gặp gỡ cùng các gia đình khác, chẳng hạn kết hợp đi dạo hoặc ăn nhẹ khi làm lễ.
Trong Derekh Chayyim (Tạm dịch: Lối sống, một bài thơ về đạo đức), tác giả Menahem de Lozano sống ở Jerusalem trong những năm đầu thế kỷ 17 đã viết: “Ngày nay trẻ con tới giáo đường để giáng sự trừng phạt lên những người đã đưa chúng đến đây. Chúng tới để làm ô uế sự thiêng liêng trong ngôi nhà của Chúa và chơi đùa như thể đang ở ngoài phố. Chúng tự vui vẻ cười đùa, đánh lộn lẫn nhau, đứa này cười đứa kia khóc, đứa này nói đứa kia la hét, chúng chạy hết chỗ nọ đến chỗ kia. Một số đứa thậm chí còn tè cả ra giáo đường... Cũng có khi một người cha (hoặc mẹ) đưa cho đứa trẻ một cuốn sách, nhưng nó sẽ ném ngay cuốn sách ấy xuống đất hoặc xé tan thành nhiều mảnh. Kết cục là những âm thanh xuẩn ngốc của chúng khiến những người đang hành lễ bị mất hết tập trung, còn tên thánh thì bị báng bổ. Người nào mang những đứa trẻ kiểu này tới giáo đường còn xa mới xứng đáng được tưởng thưởng, mà họ nên lo tới sự trừng phạt... Còn đứa trẻ sẽ lớn lên cùng lối hành xử tệ hại đó và những phẩm chất quái gở.”
Tất nhiên tè ở giáo đường là điều không nên, nhưng đa số chúng ta đều muốn có một không khí thờ cúng thư giãn hơn. Hồi Josie chưa đến một tuổi, tôi đưa cháu đến một giáo đường rồi phải rời đi vì ngồi sau một quý bà cao tuổi trong lễ Kabbalat Shabbat (lễ chào mừng dịp lễ Shabbat) diễn ra vào tối thứ Sáu. Cứ mỗi lần Josie thầm thì là bà ta lại gườm gườm nhìn tôi. Chúng tôi chuyển đến buổi lễ khác được tổ chức tại gia mà tưởng như đang tham dự một câu lạc bộ riêng tư nào đó bởi thậm chí không ai chào chúng tôi lấy một câu. Cuối cùng, chúng tôi lại chuyển đến một giáo đường khác với thái độ chào đón hơn.
Giờ đây, cả hai cô con gái của tôi đều cảm thấy thoải mái khi đến giáo đường. Chúng dự các buổi lễ dành cho trẻ em, tham gia lễ Bar và Bat Mitzvah của các bạn, thưởng thức món “pizza trong lều” (ăn tối trong lều tạm sukkah dựng trong giáo đường vào mùa thu), trét đầy mặt trong bữa tiệc kem vào lễ Shavuot (ngày hội vụ mùa với truyền thống sử dụng các chế phẩm từ sữa), và biểu diễn trong các vở kịch của trường học Do Thái và trong Purim shpiel (một vở kịch ngốc nghếch kể câu chuyện về lễ Purim). Josie giờ đây có thể đọc làu làu Ngũ Thư khi đã trở thành một Bat Mitzvah Josie. Maxie thì vẫn chưa đến cái đích ấy; tôi thường để cháu mang theo một cuốn Ngũ Thư mỗi khi chúng tôi đi dự lễ trưởng thành. (Nhưng cháu không hề ném nó xuống đất hoặc xé tan thành nhiều mảnh), và mỗi lần như vậy cháu đều cảm thấy được một điều gì đó. Còn những buổi lễ ở trại hè Do Thái thì khiến cháu thích thú hơn hẳn khi được cùng sống trong lều với toàn bạn bè đồng trang lứa và tất cả cùng cất tiếng hát bằng toàn bộ niềm nhiệt huyết bé bỏng của mình. Tôi đã biến trại hè thành một thứ vũ khí ngầm để tạo dựng cho các con đời sống tâm linh và dạy chúng biết quan tâm tới người khác. Tôi thường chọn những trại không hào nhoáng mà gần gũi như một gia đình và đặc biệt chú trọng tới tinh thần tikkun olam.
Cả người lớn cũng có thể học hỏi không ngừng trong lĩnh vực tâm linh. Khi Josie làm lễ Bat Mitzvah, cháu đã hỏi tôi xem liệu tôi có muốn cùng cháu đọc Ngũ Thư hay không. Lúc đó tôi thấy hoảng sợ. Tôi chưa bao giờ làm như vậy trước đây. Hồi tôi làm lễ Bat Mitzvah, giáo đường mà cha mẹ tôi đi theo không cho phép các cô gái được đọc Ngũ Thư. Ngày nay, giáo đường này đã chấp nhận cho phụ nữ và cộng đồng Do Thái LGBT được quyền tham gia trọn vẹn vào đời sống nghi lễ với một cách thức mà chưa từng có tiền lệ. Ngay cả các thể chế cũng đang trên đà tiến hóa. Tôi đã đối diện với nỗi sợ hãi của bản thân và học cách đọc phần Ngũ Thư của mình. Một cảm giác vô cùng trọng đại dâng lên trong tôi khi được chạm tay vào những cuộn sách cổ đại mang ý nghĩa lịch sử, tụng những câu kinh bất hủ bằng giai điệu quen thuộc với toàn bộ cộng đồng Do Thái trên toàn địa cầu và tham gia vào một sự kiện mang ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cả cuộc sống của người Do Thái lẫn hành trình nuôi dạy con của mình.