Tâm lý có ảnh hưởng rất nhiều đến mức độ cảm thấy đau. Nhiều khi mẹ đẻ hoặc mẹ chồng cùng vào phòng sinh rồi ý kiến: “Ngày xưa mẹ đẻ dễ lắm. Con như thế này, như thế kia là không được rồi” làm cho người mẹ bị ảnh hưởng tâm lý và trở thành sinh khó.
Tuy nhiên, mặc cho những người xung quanh nói gì, người mẹ hãy tự tin vào mối liên kết giữa mẹ và bé, nếu cảm thấy bất an thì thử trò chuyện hỏi ý kiến em bé xem sao.
Tuy nhiên, có nhiều người mẹ không thể quên được cảm giác đau của đợt đau trước đó nên mặc dù cơn đau đó đã đi qua rồi nhưng cảm giác đau vẫn còn.
Hơn nữa, mẹ càng lo lắng thì càng cảm thấy đau hơn. Có nhiều mẹ cứ tưởng tượng đến cơn đau tiếp theo, mải lo lắng không biết em bé sinh ra có khỏe mạnh hay không thì sẽ cảm thấy đau từ rất sớm, trước khi những cơn đau đẻ thật sự bắt đầu do không còn cảm nhận được hormone làm dịu cơn đau nữa.
Khi nghĩ đến điều này, tôi chợt thấy cơn đau đẻ giống như một đời người. Đời người cũng có những con dốc, khi leo lên rất gian nan nhưng khi vượt qua rồi, bạn sẽ cảm thấy rất nhẹ nhõm và sung sướng. Trong cuộc đời, chúng ta phải vượt qua từng con dốc để dần trưởng thành.
Thế nhưng, những người cứ bị day dứt bởi nỗi đau trong quá khứ và mải lo lắng sợ hãi tương lai chưa đến thì lúc yên bình nhất, khi ở giữa các con dốc, họ cũng sẽ không thể nào cảm nhận được niềm hạnh phúc nhỏ nhoi đang ở bên cạnh mình.
Nhờ cuộc sinh nở, mà chỉ trong một ngày, người mẹ có thể trải nghiệm được một đời người thu nhỏ. Nhiều người mẹ mong muốn được sinh con theo cách tự nhiên nhất, tôi nghĩ có lẽ bởi vì họ hiểu được ý nghĩa của việc sinh con bằng chính bản năng của một con người.
Xã hội hiện đại có xu hướng bài trừ những thứ tiêu cực như đau, khổ. Nhìn những người mẹ phải chịu đau đớn trong cơn chuyển dạ, người ta cảm thấy muốn giúp người mẹ loại bỏ cơn đau đó, vì thế mà phương pháp đẻ không đau ra đời.
Tuy nhiên, khi được tiêm thuốc giảm đau, beta- endorphin sẽ không được tiết ra nên mẹ và bé có thể sẽ không cảm nhận được cảm giác khoan khoái nữa. Ngay từ đầu đời, bé đã đánh mất cơ hội được trải nghiệm cảm giác vượt qua một con dốc (mặc dù rất đau đớn) và niềm hạnh phúc đang đón chờ phía sau. Đó quả là một mất mát lớn đối với bé.
Hơn nữa, những trường hợp khi người mẹ vừa tận hưởng cảm giác dễ chịu vừa ngủ thiếp đi thì các bác sĩ liền thúc giục: “Cơn đau yếu thế này thì không đẻ được đâu. Phải cho bé ra càng sớm càng tốt” rồi truyền thuốc kích thích trở dạ.
Thực tế, đối với sản phụ, nhiều khi việc tận hưởng khoảng thời gian thoải mái và yên tĩnh nghỉ ngơi như thế sẽ giúp họ lấy lại sức lực để vượt qua cơn đau tiếp theo. Vả lại, cũng có khi em bé ra chậm vì em bé muốn như vậy. Nếu can thiệp quá sớm thì ngược lại, sẽ tạo áp lực cho cả mẹ và bé.
Cảm giác đau đớn khi chuyển dạ là một cảm giác kỳ lạ, ẩn chứa một cơ chế không hề đơn giản mà chúng ta không thể nào hình dung hết được.