Cách đẻ tư thế tự do, lúc đứng, lúc ngồi thì lợi thế là có thể lợi dụng trọng lực để rặn em bé ra nên chỉ cần làm quen được thì sẽ thuận lợi hơn việc đẻ trên bàn đẻ rất nhiều. Quay lại bản chất vốn có của việc sinh đẻ là sinh ra một sinh mệnh đang muốn được chào đời thì tôi càng cảm nhận rằng việc đẻ theo tư thế tự do mới chính là cách tự nhiên, ban sơ nhất.
Việc đẻ trên bàn đẻ cũng có ý nghĩa là giúp dễ can thiệp y tế khi cần thiết, nhưng đôi khi chính việc can thiệp lại tạo ra những ca đẻ khó.
Chẳng hạn, sách giáo khoa có viết rằng: “Đối với trường hợp sinh con đầu lòng, nếu cuộc chuyển dạ kéo dài hơn 30 tiếng đồng hồ thì sẽ được định nghĩa là chuyển dạ lâu. Để tránh nguy hiểm cho mẹ và bé, ta cần xem xét truyền thuốc kích thích chuyển dạ hoặc thực hiện sinh hút.” Quả thật, có những trường hợp cần phải thực hiện các biện pháp trên nhưng đại đa số là không cần.
Có trường hợp em bé chui được đầu ra rồi dừng lại, nhịp tim của bé giảm, nhưng sắc mặt của bé vẫn tốt nên chúng ta có thể biết là bé vẫn đủ oxy.
Ngày trước, khi gặp trường hợp này, tôi sẽ xem là sinh khó và thực hiện các thủ thuật dự phòng. Nhưng bây giờ, tôi sẽ bình tĩnh quan sát tình hình bé rồi từ từ đưa bé ra.
Nếu em bé vẫn chưa hô hấp được nhưng vẫn đang nối với nhau thai bằng dây rốn và oxy vẫn đang được truyền vào bé thì nhìn chung, không có vấn đề đáng lo. Đừng vội cố gắng kéo em bé ra mà hãy kiên nhẫn theo dõi, có thể em bé sẽ trôi tuột ra trong đợt đau tiếp theo.
Có lần, trong một ca đẻ, đầu em bé đã ra rồi nhưng phải thật lâu mới chui hết cả người ra. Khi đó, khuôn mặt bé có vẻ rất mãn nguyện, còn gọi là Phật diện (Buddha face). Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một em bé có gương mặt mãn nguyện như vậy. Trong khi đó, em bé bị sinh hút thì có gương mặt giận dữ, đối nghịch hoàn toàn với biểu cảm này. Đừng hiểu rằng một ca đẻ thân thiện với em bé thì phải hi sinh tính an toàn. Ngược lại, quá trình sinh diễn ra một cách tự nhiên có thể giúp giảm số lượng những ca sinh bất thường.
Thời kỳ còn thực hiện nhiều ca sinh hút, người mẹ sau khi sinh rất hay bị băng huyết và một năm thường có khoảng vài ca phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện lớn. Từ khi phòng khám của tôi chuyển sang thực hiện sinh đẻ tự nhiên, việc cấp cứu hầu như không còn nữa.
Hơn nữa, khi thực hiện sinh hút, em bé thường sẽ bị uống phải nước ối. Nước ối bẩn vào trong phổi sẽ để lại di chứng sau này nên người ta phải đưa ống cao su vào mũi và miệng của bé để hút hết nước ối ra.
Trong trường hợp để chui ra từ từ theo nhịp của bé, lồng ngực của bé cũng co giãn nhịp nhàng để ra dần, nước ối đọng lại trong phổi cũng sẽ được đẩy ra một cách tự nhiên. Lúc này, bác sĩ chỉ cần lau đi nước ối dính trên người bé.
Một số bé có ký ức về thời điểm được sinh ra kể rằng khi làm thủ thuật hút nước, bé bị đau nên đã khóc. Quả thật đây là những thiết bị không mấy dễ chịu, chỉ nên dùng khi không còn cách nào khác. Tuy nhiên, trong y học hiện đại, dù nước ối của em bé không bẩn đi nữa, người ta vẫn làm theo quy trình là đưa thủ thuật hút nước ối vào. Điều này có thể dẫn tới những ảnh hưởng đối với tâm lý em bé sau này.