Ở phòng khám của tôi, nếu ca sinh không gặp bất trắc gì, em bé sẽ được để nguyên dây rốn và đặt trên ngực mẹ để mẹ ôm. Lúc này, ngực và bụng mẹ sẽ để trần để mẹ và bé được da tiếp da.
Khi đó, những em bé đang khóc cũng sẽ ngừng khóc và nằm yên khoan khoái trong lòng mẹ. Để yên một lúc, bé sẽ tự động nhoài về phía ngực bắt đầu tìm vú mẹ. Lúc này, hormone prolactin và hormone sản xuất sữa đang được tiết ra rất nhiều. Hơn nữa, khi bé mút vú, hormone oxytocin cũng sẽ được tiết ra.
Lượng prolactin và oxytocin đều cao có nghĩa là mối liên kết giữa con người với con người đang rất mạnh mẽ. Do đó, việc này cũng sẽ tạo ảnh hưởng tốt cho quá trình nuôi con bằng sữa mẹ sau này.
Đừng vội đem cân đo bé, hãy để mẹ và bé từ từ tận hưởng khoảng thời gian quan trọng ngay sau khi bé chào đời. Khi thực hiện các xử lý như khâu vết rạch tầng sinh môn hay cắt dây rốn cho bé, hãy cứ để mẹ ôm bé.
Thông thường người ta sẽ cắt dây rốn ngay sau khi em bé vừa lọt lòng. Đó là vì người ta muốn tránh nguy cơ bé bị đa hồng cầu (là tình trạng nguy hiểm gây ra do máu của người mẹ được chuyển vào bé quá nhiều qua dây rốn) dẫn đến hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan hoặc chứng vàng da ở trẻ sơ sinh, nếu nặng sẽ dẫn đến thiểu năng trí tuệ.
Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do trong các ca sinh thông thường, người ta tách em bé vừa mới lọt lòng ra khỏi mẹ rồi đặt em bé xuống giường. Đương nhiên, lúc này máu sẽ được truyền từ nơi cao đến nơi thấp thông qua dây rốn. Vì vậy, nếu đặt bé nằm thấp hơn mẹ, máu sẽ truyền ào ạt từ mẹ sang bé khiến máu dễ bị đặc lại.
Ngược lại, nếu áp dụng phương pháp chăm sóc kangaroo, bé sẽ được đặt nằm trên ngực mẹ nên không phải lo lắng máu bị truyền vào bé quá nhiều, do đó cũng không cần phải cắt dây rốn sớm.