Có rất nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến thời điểm cắt dây rốn. Hiện nay, trang web của WHO (www.who. int/en/) có giới thiệu cả hai quan điểm. Một bên là quan điểm truyền thống vẫn đang phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, cho rằng nên chậm cắt dây rốn. Một bên là quan điểm y học phương Tây cho rằng nên cắt sớm. Và cuối cùng, WHO đưa ra kết luận rằng phương pháp nào cũng được, không có hại gì cả.
Tuy nhiên, tôi lại nghĩ rằng chậm cắt dây rốn sẽ an toàn hơn. Lúc em bé còn nằm trong bụng mẹ, dây rốn là con đường giúp bé nhận oxy từ mẹ. Khi vừa lọt lòng mẹ, mặc dù bé phải tự mình thở bằng phổi nhưng dây rốn vẫn tiếp tục làm công việc cung cấp oxy cho bé, kể cả sau khi bé đã chui ra ngoài. Do đó, ngay sau khi vừa sinh ra, trong khi bé vẫn chưa kịp hô hấp, nếu sợi dây rốn vẫn còn nối với nhau thai thì oxy vẫn được cung cấp cho bé nên không lo bé bị thiếu oxy. Nếu cắt mất dây rốn, tạm thời bé sẽ ở trong tình trạng không có oxy.
Thực tế, tại phòng khám của tôi, nhiều trường hợp bé bị dây rốn quấn cổ và khi chui ra có vẻ bị ngạt, da nhợt nhạt. Khi đó, tôi vẫn cho để nguyên dây rốn, chỉ gỡ ra chứ không cắt rồi đặt bé nằm trên ngực mẹ. Một lát sau da mặt bé dần chuyển sang sắc hồng hào mặc dù bé vẫn chưa hô hấp được.
Đó là do dây rốn bị quấn đã được gỡ ra nên oxy từ nhau thai được truyền đến em bé dễ dàng hơn, giúp tình trạng cơ thể trở nên tốt hơn, làm da chuyển dần sang hồng hào trong khi bé vẫn chưa thể tự hô hấp được. Trong thời gian đó, hô hấp của bé cũng sẽ dần dần trở nên ổn định.
Việc cắt dây rốn sớm còn ẩn chứa một mối nguy hiểm khác nữa. Lúc bé còn ở trong bụng mẹ, máu từ tim mẹ sẽ được truyền sang nhau thai, đồng thời máu từ tim bé cũng sẽ được truyền đến nhau thai để trao đổi oxy.
Quá trình này được gọi là tuần hoàn thai nhi, kéo dài từ lúc bé bắt đầu hô hấp cho đến lúc cơ chế hoạt động của tim bé thay đổi, thường từ ba mươi phút đến vài tiếng đồng hồ. Do đó, nếu cắt mất dây rốn sớm, dòng chảy của mạch máu sẽ bị rối loạn, dễ dẫn đến tình trạng nguy hiểm.
Hơn nữa, dây rốn chứa rất nhiều tế bào gốc có vai trò sản xuất máu. Trong lúc dây rốn vẫn còn đập, các tế bào gốc này vẫn còn được chuyển vào bé. Vì thế, ở phòng khám của tôi, khi nào dây rốn ngừng đập và bé đã hô hấp tốt thì tôi mới bắt đầu từ từ cắt dây rốn.
Về thời điểm cắt dây rốn, không chỉ về mặt y học mà cả về mặt phát triển tâm lý cho bé, chúng ta đều có thể thấy rằng chậm cắt dây rốn vẫn tốt hơn.
Thiên nhiên đã trang bị cho bé nhau thai để bé có thể vượt qua thử thách đầu tiên khi vừa sinh ra: đó là tự mình hô hấp rồi dần thích nghi với các thay đổi bên trong cơ thể.
Nếu chúng ta cắt dây rốn của bé sớm trong lúc cơ thể bé vẫn chưa sẵn sàng thì một lượng lớn oxy tràn vào phổi bé, khiến bé hoảng sợ, giật mình và phát ra thành tiếng khóc mà chúng ta gọi là tiếng khóc chào đời.
Trường hợp cắt dây rốn sớm, nếu bé không cất tiếng khóc chào đời thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng nên người ta thường tìm cách làm cho bé khóc để kích thích phổi hoạt động.
Do đó, từ xưa đến nay người ta thường làm các biện pháp như dốc ngược bé xuống rồi đánh vào mông bé.
Nhưng nếu dây rốn vẫn còn nối với nhau thai thì oxy vẫn được cung cấp đủ, dù bé không cất tiếng khóc chào đời cũng không sao. Hơn nữa, có những bé chui tọt ra rất nhanh và rất thỏa mãn nên không khóc, thậm chí còn mỉm cười nữa. Lúc này, chúng ta không cần phải cố vỗ mông bé, đánh bé làm cho bé khóc.
Ở khía cạnh tâm lý, hô hấp là một quá trình gắn liền không thể tách rời với sự sống, nó tiếp nhận những phúc lộc từ bên ngoài và loại bỏ đi những thứ cũ trong mình. Hơn nữa, dây rốn bị cắt nghĩa là bé phải độc lập với mẹ và thực hiện pha mạo hiểm đầu đời của mình. Do đó, cũng có lý thuyết cho rằng cắt dây rốn quá sớm sẽ gây tổn thương tâm lý của bé. Sau này trong cuộc đời, khi phải đối diện với một cục diện mới, bé sẽ khó vượt qua làn sóng thay đổi.