Ngay cả đối với những bà mẹ không thường xuyên nói chuyện với em bé trong bụng, những bà mẹ sinh khó, hay những bà mẹ không tiếp xúc với em bé ngay lúc mới sinh ra, có rất nhiều phương pháp để thắt chặt mối liên kết giữa mẹ và bé.
Một trong những phương pháp đó là mát-xa cho bé. Đây là một trong những phương pháp tuyệt vời tạo ra cơ hội tiếp xúc thân mật cho mẹ và bé, giúp mẹ và bé cảm nhận được mối liên kết mẹ con.
Thật ra, xúc giác là giác quan xuất hiện từ khi thai nhi được 8 tuần tuổi, là giác quan đầu tiên mà con người có được. Làn da của em bé vừa mới chào đời đã rất mẫn cảm, đến mức người ta gọi nó là “bộ não thứ hai”. Ngay bên dưới lớp da là các dây thần kinh chạy ngang dọc, truyền đạt đến não các kích thích như nóng, lạnh, cảm giác có người khác sờ vào da…
Như chúng ta đều biết, các loài động vật như chó hay mèo sau khi đẻ thường liếm vào cơ thể con để tạo kích thích. Với loài người cũng vậy, sự tiếp xúc không những giúp nâng cao khả năng miễn dịch của bé mà còn đem lại sự yên bình cho tâm hồn của bé. Với ý nghĩa đó, việc tiếp xúc giữa mẹ và bé có vai trò rất quan trọng. Không chỉ đối với bé mà ngay cả đối với mẹ cũng vậy, khi ôm em bé ấm áp vào lòng, mẹ sẽ cảm thấy rất dễ chịu và cảm nhận được mối liên kết mẹ con rất thật, trong lòng dâng trào tình yêu thương.
Có báo cáo cho rằng, đối với những em bé sinh thiếu tháng và được nuôi trong lồng kính, mỗi ngày cô hộ lý chỉ cần chạm vào bé khoảng mười lăm phút, bé sẽ bú sữa tốt hơn và phát triển nhanh hơn.
Ngoài ra, khi mát xa cho bé, chúng ta nên thoa dầu lên tay rồi vuốt ve toàn thân bé. Lúc này, dầu mát-xa còn có tác dụng giúp bé ra mồ hôi, từ đó thải chất độc ra ngoài. Việc này đặc biệt tốt với những bé bú mẹ vì vú mẹ được tạo thành từ mỡ, trong mỡ có chứa rất nhiều chất như dioxin, PCB (polychlorinated biphenyl), kim loại nặng và các hợp chất khác. Đối với bé hay bị nổi mẩn ngứa, mát-xa cũng giúp da bé mịn màng hơn.
Bên cạnh đó, một phương pháp khác giúp thắt chặt mối liên kết mẹ con mà chúng tôi cũng rất quan tâm đó là tập lướt ván. Phương pháp này rất thích hợp với những bé có tính nhút nhát hoặc bị cong vẹo cột sống.
Tập lướt ván là bài tập trong đó một vật chẳng hạn như tấm ván lướt sóng được thả lên mặt nước, người đứng lên đó sẽ giữ thăng bằng. Đối với các em bé, người mẹ sẽ đỡ nhẹ cho bé đứng.
Để giúp các mẹ có thể dễ dàng thực hiện phương pháp này chúng tôi đã nghĩ ra một cách đơn giản đó là sử dụng chiếc mâm. Chúng ta sẽ thả một cái hộp nhựa vào bồn tắm rồi đặt cái mâm lên đó. Em bé sơ sinh chỉ nặng khoảng chừng 3kg nên chỉ cần đặt hai cái hộp nhựa 3 lít là chúng ta hoàn toàn có thể nâng được cơ thể bé.
Khi đỡ bé ở trên chiếc mâm, bé sẽ có động tác giống như cố bỏ chân xuống để đứng, rồi sau đó sẽ đạp hai chân lên xuống.
Thông thường, em bé mới sinh ra đã có phản xạ cử động chân như đi bộ khi ta đặt cơ thể bé thẳng đứng so với mặt đất và cho chân bé chạm xuống đất. Đây là một động tác thuộc về bản năng, được gọi là phản xạ bước đi (phản xạ duỗi chéo).
Tập phản xạ bước đi không chỉ giúp bé phát triển năng lực thể chất mà còn giúp bé ổn định cảm xúc. Tập lướt ván cũng có tác dụng tương tự, thậm chí còn thấy hiệu quả nhanh hơn cả tập bước đi.
Nếu tập cho bé đứng trên mâm mỗi ngày 30 phút thì một tháng tuổi thôi là em bé đã có thể giữ vững cổ rồi.
Với những bé bị bệnh Down, 6 tháng tuổi cơ thể còn mềm oặt, mỗi ngày tập hai mươi phút sẽ giúp cột sống của bé có thể thẳng lên.
Có nhiều bé ban đầu không thích nhưng sau một thời gian thì quen dần và còn tự chơi bằng cách lướt qua lướt lại cái mâm hoặc hét lên thích thú. Không cần phải tập phản xạ bước đi mà chỉ cần tập đứng và đung đưa như vậy thôi cũng có thể giúp cho thần kinh não năng động hơn. Có rất nhiều người còn nói rằng, sau khi cho bé tập đứng như vậy, bé sẽ ngủ rất ngon và không còn khóc đêm nữa.
Về cơ chế tác động của bài tập này đến thể chất lẫn tinh thần của trẻ thì đến nay, chúng tôi cũng chưa thể lí giải cụ thể. Nhưng rõ ràng, ai trong chúng ta cũng đã từng cảm nhận rằng khi chỉnh sửa tư thế ngay ngắn hoặc khi vận động cơ thể, tinh thần của chúng ta sẽ sảng khoái hơn.
Có lẽ các vận động đó khiến não làm việc tích cực hơn, giúp rèn luyện các vùng não liên quan đến cảm xúc như hạch hạnh nhân, hồi hải mã, hay vùng dưới đồi…, nhờ đó giúp ta có thể kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
Hiệu quả lớn nhất của bài tập này không phải ở việc bé đứng lên mâm mà nằm ở chỗ mẹ và bé có thời gian để đối diện với nhau. Chiếc mâm lắc lư qua lại trên mặt nước làm bé thích thú nhưng thật ra chính nhờ có mẹ nâng đỡ vững vàng nên bé mới có thể yên tâm chơi đùa.
Khi cho bé đứng trên mâm, mẹ hãy tập trung tinh thần, ngồi ngang tầm với bé và nhìn vào bé. Trong sinh hoạt thường ngày chắc khó có cơ hội để mẹ và bé dành trọn thời gian để nhìn nhau như vậy. Do đó, tập đứng trên mâm chính là một cơ hội tuyệt vời để mẹ và bé nhìn nhau, trò chuyện với nhau dịu dàng và da chạm da với nhau. Không cần phải để ý kỹ thuật thực hành, mẹ chỉ cần ghi nhớ điều này thôi: cần phải truyền đạt tình yêu thương sâu sắc của mình cho bé.