Khi nuôi dạy con, có rất nhiều việc không theo ý muốn của mình. Những người mẹ càng nghiêm túc nghiên cứu thì càng có xu hướng chỉ chú ý đến một vấn đề nào đó, ví dụ như nuôi con bằng sữa mẹ. Người ta nói nuôi con bằng sữa mẹ tốt là vì trong sữa mẹ có chứa nhiều thành phần miễn dịch, bên cạnh đó cho con bú sẽ giúp mẹ có thời gian ôm bé, nhìn và tiếp xúc với bé.
Tuy nhiên, cứ cho rằng “phải cho bú bằng sữa mẹ” rồi chỉ trích các bà mẹ không cho con bú bằng sữa mẹ khiến họ khổ tâm thì đó là sai lầm. Nếu chỉ vì không có sữa mà người mẹ phải luôn sống trong cảm giác tội lỗi như thế thì tốt hơn hết là nên cho bé bú sữa công thức và để cho người mẹ sống trong tâm trạng thoải mái, yên ổn. Tuy nhiên, trong thời kỳ mang thai nếu thực hiện chăm sóc luyện tập tốt, thì hầu như có thể cho con bú mẹ hoàn toàn mà không cần dùng đến sữa bên ngoài.
Có những người mẹ khi sinh xong rồi mới biết về việc em bé trong bụng cũng có ký ức nên cứ hối hận về thời gian mang thai. Hoặc cũng có những người biết được lợi ích của việc sinh đẻ tự nhiên và hình dung về một ca sinh đẻ lý tưởng cho mình nhưng khi không làm được như thế thì cứ tự dằn vặt rằng mình.
Như tôi đã trình bày trước đó, đúng là cách thức sinh hoạt khi mang thai hoặc phương pháp sinh đẻ có ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển thể chất và tâm hồn của bé sau này. Tuy nhiên, khi nuôi con, hoàn toàn không có quy định nào kiểu “phải làm thế này thế kia mới được”. Khi nuôi dạy con, các mẹ nên suy nghĩ thoải mái hơn, kiểu như: sinh đẻ tự nhiên thì dĩ nhiên là sẽ tốt hơn, nhưng nếu không được thì cũng không sao.
Sinh con không phải là đích cuối. Đó chỉ là một cột mốc mẹ và bé phải đi qua trong quá trình trưởng thành. Nếu chỉ chăm chăm chú ý đến việc sinh con, mẹ sẽ làm gián đoạn mất quy trình nuôi dạy con sau này. Điều quan trọng là hãy đón nhận tất cả những gì xảy ra và học được điều gì đó từ chuyện ấy.
Vấn đề của đẻ mổ hoặc những ca khó chính là những định kiến cho rằng “mình không thể sinh theo cách tốt nhất cho con được, mình đúng là một người mẹ không tốt”. Điều này gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến em bé.
Cứ mải suy nghĩ đến những chuyện như: “Tại cách sinh con của mình mà giờ bị như vậy” hay “mình nuôi dạy con không tốt là do cách sinh”, “do lỗi của người A, B nào đó đã khuyên mình sinh ở bệnh viện đó” thì rốt cuộc, mẹ sẽ bị rơi vào vòng luẩn quẩn tiêu cực.
Nếu cứ đổ trách nhiệm cho người khác, cho hoàn cảnh như vậy thì không chừng một ngày nào đó, con bạn cũng sẽ bắt đầu trách bố mẹ: “Con đâu có bảo bố mẹ sinh ra con đâu. Giờ con bị thế này là do bố mẹ đấy!”
Còn nếu bạn suy nghĩ việc em bé sinh ra là việc hiển nhiên, mình đẻ theo cách đó cũng là chuyện không thể tránh khỏi thì bạn sẽ cảm thấy có động lực tự giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của mình.
Hơn nữa, giả sử em bé lúc ở trong bụng mẹ không được thoải mái và lúc sinh ra phải chịu nhiều đau đớn thì cũng không hẳn việc đó sẽ tác động xấu đến cả cuộc đời của bé sau này. Nếu đối với bé, thử thách càng khó khăn mới càng có ý nghĩa thì chính những trải nghiệm buồn, cô đơn khi ở trong bụng mẹ hoặc cách sinh ra đầy đau đớn lại là những con dốc đầu tiên trong cuộc đời mà bé đã đặt ra.
Theo kết quả nghiên cứu của một trung tâm nghiên cứu, khi điều tra trên vài trăm cặp mẹ con về mối liên kết giữa mẹ và bé, một kết quả thú vị là ba cặp mẹ con có mối liên kết sâu sắc nhất đều là những trường hợp sinh mổ lấy thai.
Có thể những người mẹ này vì sinh mổ nên sau đó đã cố gắng chăm chỉ tiếp xúc với con, nhờ vậy mà họ nuôi dạy con tốt hơn.
Do đó, chúng ta không nên cứ trăn trở về cách đẻ tốt hay không tốt mà hãy suy nghĩ xem cần phải liên kết với em bé như thế nào.
Không phải cứ sinh thường thì mối liên kết giữa mẹ và bé sẽ tốt mà chính cách tiếp xúc của mẹ với bé mới là mấu chốt quyết định.