Đối với một em bé ra đời trong một ca đẻ đau đớn, việc mẹ cần làm là hãy cùng cảm nhận nỗi đau đớn của bé và diễn đạt để bé hiểu rằng mẹ đồng cảm với bé: “Lúc con sinh ra thật là gian nan quá nhỉ?”
Khi bé than đau hoặc vất vả, mẹ cũng hãy trò chuyện với bé rằng: “Ừ, mẹ hiểu. Thật là đau con nhỉ? Lúc đó mẹ cũng đau lắm”. Khi nhận thấy có mẹ đồng cảm với mình, bé sẽ hài lòng chấp nhận điều đó.
Kết quả điều tra về ký ức lúc sinh ra của bé cũng đã có mẩu chuyện thế này. Có một em bé từ khi sinh cho đến một tháng tuổi, bao giờ cũng khóc vào một giờ cố định. Khi nhận ra đó chính là giờ em bé được sinh ra, người mẹ thử trò chuyện với bé: “Có phải lúc sinh ra con đau lắm không?”. Không ngờ, bé làm bộ mặt giống như đang trả lời: “Vâng ạ” rồi từ đó trở đi chẳng bao giờ bé khóc vào giờ đó nữa.
Em bé này được sinh ra trong một ca sinh rất khó. Sau khi sinh, người mẹ bị co giật toàn thân và được trị liệu mát-xa nên hầu như không có thời gian chăm sóc bé. Em bé cũng được đưa ngay vào lồng kính. “Chắc con gái tôi lúc đó muốn được quan tâm nhưng không ai xung quanh hết nên có thể cháu đã rất đau đớn”, người mẹ nói.
Nếu không có lý do nào mà bé cứ khóc hoài một kiểu khóc hơi lạ, có thể bé đang muốn truyền đạt cho mẹ về một ký ức đau buồn nào đó. Nếu người mẹ đón nhận điều đó, vết thương lòng của bé sẽ vơi đi rất nhiều.
Hiện tượng này cũng khá giống với phương pháp trị liệu tâm lý bằng cách thôi miên hồi quy. Trong phương pháp trị liệu thôi miên hồi quy, người ta cũng giúp bệnh nhân nhớ lại các sự kiện nào đó trong quá khứ khiến họ bị tổn thương, nhờ đó giúp họ có thể giải quyết vấn đề hiện tại.
Đặc biệt, có nhiều bé khi được hỏi về ký ức lúc sinh ra, bé liền chuyển đề tài hoặc tỏ rõ thái độ không muốn nhắc đến. Lúc đó, mẹ đừng cố gắng ép bé nói, hãy im lặng ôm bé vào lòng như thể ôm lấy từng vết thương trong lòng của bé vậy.
Xu hướng này thấy rõ nhất là ở các bé sinh bằng phương pháp mổ lấy thai. Theo kết quả điều tra, trong số năm bé được sinh ra bằng phương pháp mổ lấy thai thì chỉ có một bé trả lời rằng có ký ức, tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với các bé được sinh thường.
Người ta nói rằng hormone oxytocin làm co bóp tử cung khiến cho ký ức của bé bị mờ đi. Do đó, những trường hợp sinh mổ thì hormone này không được tiết ra, vì vậy có nhiều khả năng các bé sinh mổ vẫn còn lưu giữ ký ức. Chưa biết thuyết này có đúng hay không, tuy nhiên việc hầu như các bé đều trả lời không nhớ có thể được giải thích là do bé quá sốc nên đã niêm phong vùng ký ức đó rồi.
Bé trai duy nhất trả lời “còn nhớ” miêu tả trong bài tập làm văn lớp một rằng: “Khi con ở trong bụng mẹ, có con dao chọc vào, sau đó con bị một người áo trắng đeo kính nắm lấy chân và đánh vào mông con. Khi vừa chui ra khỏi cái bọc của mẹ, con nghe thấy một tiếng nổ ‘Pằng!’ Sợ quá, con đã khóc lên, lúc này người ta đưa vào miệng con một cái ống cao su, con thấy đau quá nên đã khóc thật to.”
Nếu đứng ở vị trí của bé, khi đột nhiên có một con dao chọc vào, chắc chắn bé cảm thấy sợ hãi như thể tính mạng đang bị đe dọa.
Những ca sinh càng khó thì bé càng phải chịu nhiều đau đớn khi sinh ra. Vì vậy mẹ càng phải đón nhận em bé một cách trọn vẹn.
Nếu người mẹ cứ mải trách mình: “Sao lại ra thế này?” thì vô hình trung, mẹ đang phủ định em bé khi đã chọn cách sinh ra như vậy.
Khi nuôi dạy con, rất nhiều chuyện không ngờ đến cứ liên tiếp xảy ra. Và có nhiều lúc bạn không biết phải làm thế nào. Tuy nhiên, cũng giống như chuyển dạ thì đau nhưng có tiết hormone khiến ta có cảm giác dễ chịu, có khi chính sự vất vả lại đem lại cho chúng ta niềm vui. Bạn hãy nuôi dưỡng cho mình khả năng cảm nhận niềm vui trong cực khổ.
Dẫu bạn có là ông bố, bà mẹ chưa hoàn hảo đi chăng nữa thì em bé đã biết điều đó và vẫn chọn đến với bạn. Em bé vốn yêu bố mẹ mình vô điều kiện. Và bố mẹ hãy cùng bé trải qua các cảm xúc ngạc nhiên, lo lắng, hạnh phúc và cùng bé trưởng thành.
Tóm lược chương 4
1. Nuôi dạy con có vô số phương pháp. Vì thế, hãy tập trung vào việc tạo mối liên kết với em bé hơn là suy nghĩ quá nhiều về phương pháp nuôi dạy con.
2. Khi em bé vừa sinh ra, hãy cố gắng ôm em bé càng sớm càng tốt. Không nên đeo khẩu trang khiến bé sợ hãi.
3. Các phương pháp hiệu quả để thắt chặt mối quan hệ giữa mẹ và bé là mát-xa toàn thân hoặc tập lướt ván cho bé.
4. Kết quả điều tra cho thấy, em bé sinh ra bằng phương pháp mổ lấy thai vẫn có mối quan hệ sâu sắc với mẹ. Qua đó, có thể thấy rằng dù sinh bằng phương pháp nào thì mẹ và bé vẫn có nhiều cách để thắt chặt tình cảm với nhau.
5. Khi bé trò chuyện về ký ức trong bụng mẹ tức là bé đang muốn mẹ nhận ra một điều gì đó.
6. Em bé yêu mẹ và bố vô điều kiện.