Tôi đã đọc được trong một cuốn sách rằng: “Mục tiêu của giáo dục phải là một người đến tuổi ba mươi sẽ có đủ năng lực sống và đủ động lực để sống”. Câu này đã làm lóe lên trong đầu tôi một ý nghĩ khác: “Mục tiêu của giáo dục là một người đến ba mươi tuổi sẽ có thể cảm thấy hạnh phúc và sống một cuộc sống tự lập”. Nghe ra thì có vẻ như là điều hiển nhiên, một mục tiêu dễ dàng đạt được trong tầm tay nhưng hàm chứa triết lý cốt lõi của việc nuôi dạy con.
Từ trước đến nay, người ta dễ lầm tưởng rằng “giáo dục là nhồi nhét kiến thức để trẻ em trở thành những người vĩ đại”. Tuy nhiên, bản chất của giáo dục chính là trang bị tính tự lập và khả năng tự quyết định hướng đi của cuộc đời cho trẻ.
Ở thời đại ngày nay, khi chúng ta không thể dựa vào những khái niệm cố hữu nữa, điều chúng ta cần làm là không lặp lại cách làm cũ. Sự sáng tạo nhằm tạo ra cái gì đó hoàn toàn mới, phù hợp với môi trường sống mới, dựa trên những cuộc gặp gỡ mới trong đời, mới thực sự là điều quan trọng; làm được những gì mình thấy hạnh phúc, đồng thời cũng giúp những người xung quanh hạnh phúc, mới thực sự là sống. Trong quá trình đó, có nhiều vấn đề mà chúng ta không thể giải quyết được nếu chỉ dựa vào những năng lực như trí nhớ tốt hay tính toán chính xác, những năng lực chỉ dùng để giải quyết đích xác cho một số vấn đề có sẵn nào đó thôi. Chúng ta phải tự mình tìm ra cách giải quyết cho những vấn đề mới này.
Một trung tâm nghiên cứu giáo dục muốn đào tạo ra những đứa trẻ học giỏi và làm tốt các bài kiểm tra nên từ nhỏ các bé đã phải luyện tập rất nhiều, thậm chí các bé mẫu giáo còn giải bài tập của sinh viên đại học. Nghĩa là những năng lực chỉ cần luyện tập thôi là được. Tuy nhiên, thử nhìn xung quanh mình, chúng ta sẽ thấy những đứa trẻ chỉ giỏi làm bài kiểm tra thôi cũng chưa hẳn là sẽ hạnh phúc.
Nếu cứ suy nghĩ rằng chỉ cần vào được trường này hay vào được công ty nọ là chắc chắn sẽ tốt thì đến một ngày khi chúng ta vấp ngã, hoặc khi thời thế thay đổi, bỗng dưng chúng ta không còn chỗ đứng nào trong xã hội nữa.
Khi bản thân biết rõ mình muốn sống một cuộc sống như thế nào, chúng ta sẽ nhận ra rằng có rất nhiều con đường để đi. Học đại học cũng được, không học cũng không sao, đi du học cũng tốt. Chính việc tự mình quyết định con đường đi cho mình với nhiều lựa chọn như vậy cũng đã mang ý nghĩa lớn.
Cha mẹ thường có xu hướng nhìn trong phạm vi nhỏ hẹp mà mình đang sống và khuyên con mình hãy sống như thế này, như thế kia. Đó cũng có thể là tâm lý của cha mẹ không muốn con chịu khổ cực hoặc phải đi đường lòng vòng.
Tuy nhiên, làm như vậy thì có thật sự là hạnh phúc cho con không? Bản thân đứa trẻ cũng phải tự mình tích luỹ lũy nhiều kinh nghiệm, rồi từ đó sẽ tự mình cảm thấy khát khao làm điều gì đó, còn không thì dẫu có làm gì đi nữa trẻ cũng chẳng thể nào tiếp thu được gì.
Trong việc học cũng vậy, không phải học để được cha mẹ, thầy cô khen hay để khỏi bị mắng, chúng ta cần cho trẻ học vì tự trẻ cảm thấy thú vị.
Cuộc sống đầy ắp những điều tươi đẹp. Chúng ta muốn diễn đạt cái đẹp lung linh ấy, muốn tìm hiểu cách thức tổ chức của chúng, muốn truyền đạt cho những người xung quanh cảm xúc ấy. Chính “niềm vui” ấy là năng lượng để chúng ta sống.