Những đứa trẻ vốn có sẵn tính tự lập thường luôn tự mình tiếp thu nhiều thông tin, kỹ năng trước khi hành động và muốn tự quyết định cuộc sống của mình. Vì vậy, khi nuôi dạy con, việc chúng ta cần làm là quan sát và bảo vệ trẻ khỏi những hiểm nguy, đồng thời để cho trẻ tự mình làm càng nhiều việc càng tốt.
Điều này cũng có thể được giải thích từ khía cạnh phát triển trí não. Trong não, vùng quyết định tình cảm (cảm xúc) hay động cơ (tính tích cực) là vùng dưới đồi hoặc vùng hạch hạnh nhân. Các vùng này sẽ bắt đầu có sự khác biệt khi trẻ được khoảng sáu tháng tuổi trở đi. Nếu từ trước đó, bé nhận được nhiều tình yêu thương từ mẹ, hệ thần kinh liên quan đến hệ viền mà chủ yếu là vùng hạch hạnh nhân sẽ phát triển tốt. Ngược lại, các dây thần kinh ở vùng não này rất dễ bị tổn thương bởi những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, sợ hãi, giận dữ, hơn nữa não lại có xu hướng trấn áp những tổn thương này bằng hoạt động của vỏ não, phần não chi phối lý tính của con người. Khi đó, hạch hạnh nhân không thể phát triển tốt hoặc bị hỏng khiến trẻ trở nên trầm cảm hoặc mất sinh khí.
Do vậy, tính cách hiền hòa hay tính tự giác của trẻ chịu tác động rất nhiều bởi cách mẹ tiếp xúc với bé cho đến khi bé được một tuổi rưỡi, đặc biệt là cho đến khi bé đã lớn và phạm vi hành động của bé được mở rộng ra.
Trong quá trình phát triển, bé sẽ tự nhận ra nhiều khả năng bên trong của bản thân và sẽ muốn thử thách. Trong số đó cũng có nhiều hành động mà từ phía người mẹ sẽ cảm thấy rất phiền hà, chẳng hạn như hành động bé bốc cơm ném ra ngoài khi ăn cơm.
Lúc này, nếu người mẹ không nhận ra đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển của con mà chỉ nghĩ đến tâm trạng người lớn rồi cho rằng làm như vậy là không ngoan ngoãn, rồi mắng trẻ không được làm vậy hoặc đánh trẻ thì sẽ như thế nào?
Trong quá trình phát triển trí não, bé sẽ biết cảm nhận thoải mái và khó chịu, có thể phân biệt được làm thế này thì sẽ cảm thấy dễ chịu, làm thế kia thì không thoải mái và dần dần hình thành điều kiện giúp bé tránh những điều không thoải mái, chọn những điều thoải mái.
Cho nên, những việc bị mẹ mắng: “Không được làm” thì bé sẽ không làm nữa và khi đó, não bé sẽ hình thành điều kiện: “Nếu mình thử khả năng của mình thì mình sẽ bị ghét”.
Thật ra, trẻ con vừa kiểm chứng từng việc mình đã làm: “Việc này có thể làm được, mình đã được khen” vừa mở rộng dần phạm vi hành động.Và trong quá trình trưởng thành, trẻ sẽ chọn ra cho mình một cách sống trong số những lựa chọn phong phú của mình.
Cho nên, việc ngắt đi những mầm non “khám phá” đầu tiên của trẻ thực chất không phải là dạy dỗ trẻ, mà chẳng khác nào ngược đãi trẻ.
Nếu cứ dạy trẻ theo kiểu đó, cha mẹ sẽ dần dần tước đi mất các khả năng của trẻ, trẻ sẽ trở thành một đứa con chỉ biết làm theo đúng những gì mẹ bảo, không biết cách bộc lộ bản thân, không thể tự mình hành động được.
Mặt khác, trẻ con là tấm gương phản chiếu người mẹ, nên thường bé sẽ có xu hướng trả lại người khác đúng những gì bé được nhận từ mẹ. Cho nên, có những bé trước mặt mẹ thì rất ngoan ngoãn hiền lành, nhưng lại hét lên với cô hàng xóm: “Cái bà chết tiệt này!”
Lúc này, người mẹ mới bắt đầu lo lắng: “Ôi con mình làm sao thế này?” nhưng thực ra, vấn đề không phải nằm ở trẻ mà một cách vô ý thức, mẹ đã hướng trẻ thành như thế.