Để trang bị tính tự lập cho trẻ thì điều quan trọng nhất là cho trẻ cảm giác an tâm trọn vẹn. Cách tốt nhất để thực hiện điều này là sự tiếp xúc. Nền tảng cơ bản của nuôi dạy con không phải là điều gì cao siêu mà chỉ đơn giản là cái ôm thôi.
Khi mẹ ôm chặt trẻ vào lòng, trẻ không cần phải bám vào mẹ nữa. Và khi trẻ hiểu rằng mẹ luôn chấp nhận toàn bộ con người mình, dù có gì xảy ra đi nữa mình cũng có thể trở về bên mẹ, trẻ sẽ cảm thấy yên tâm để bước ra thế giới bên ngoài, để thử thách khả năng của mình.
Ngược lại, nếu trẻ ít được tiếp xúc với mẹ và không có cảm giác mình đang được bảo vệ, năng lượng của trẻ trước tiên sẽ được dồn cho việc tìm kiếm sự an tâm và trẻ sẽ không còn đủ năng lượng cho việc thực hiện những mạo hiểm mới mẻ nữa.
Khi trẻ đến gần mẹ, mẹ hãy ôm lấy trẻ. Nếu trẻ bị giật mình hoảng hốt vì điều gì đó hoặc có chuyện buồn, trước hết mẹ hãy ôm trẻ. Các bà mẹ hãy luôn nhớ lấy điều căn bản này.
Khi một đứa trẻ có thể tự mình di chuyển, đầu tiên bé chỉ bò xung quanh mẹ mà thôi. Dần dần bé sẽ đi xa khỏi mẹ và bắt đầu hành động một mình. Và đến lúc có thể biết đi, bé cũng luôn kiểm tra xem mẹ có ngồi ở đấy hay không và không đi quá xa mẹ.
Lớn lên một chút nữa, trẻ có thể đi xa hơn một chút, nhưng cũng sẽ ngay lập tức quay về, chạy lẫm chẫm quanh mẹ và đòi mẹ bế. Đó chính là cách để trẻ luôn cảm thấy an tâm, luôn chắc chắn rằng mình đang được bảo vệ.
Lúc này, mẹ hãy ôm chặt trẻ nhé. Có thể trẻ sẽ thấy hài lòng và muốn tách ra để chạy đi tiếp. Nhưng lúc đó, mẹ cũng đừng vội buông ra, cứ hãy ôm thật chặt bé thêm một giây nữa, cho đến khi bé đòi mẹ buông ra. Còn nếu mẹ buông bé ra ngay, bé sẽ cảm thấy hơi hụt hẫng: “Ủa, mẹ không ôm mình nữa sao?”
Trẻ rồi cũng sẽ tự mình rời xa bố mẹ. Thời gian mà trẻ ở bên cạnh bố mẹ chỉ là một khoảng ngắn trong cuộc đời mà thôi. Nuôi dạy con không gì khác chính là quá trình mà hai mẹ con lúc nào cũng quấn quýt nhau sẽ dần dần rời xa nhau.
Đối với người mẹ đang trong thời kỳ nuôi dạy con, mỗi ngày đều qua đi trong mớ hỗn độn nên nhiều khi mẹ thở dài mong cho con mau lớn để có thể nhàn một chút. Nhưng rồi sẽ đến lúc trẻ rời xa tổ ấm, đến lúc đó, những tháng ngày quấn quýt bên con sẽ không thể nào quay lại được nữa.
Được áp má vào đôi má phúng phính của con là đặc quyền mà người mẹ chỉ hưởng được trong lúc này thôi.
Thời kỳ nuôi dạy con dù có vất vả đến đâu đi nữa, nó cũng sẽ là một trong những thời kỳ huy hoàng nhất đời người, và đến một ngày bạn sẽ luôn hoài niệm về khoảng thời gian đó. Vì vậy, bạn hãy tận hưởng trọn vẹn khoảng thời gian ngắn ngủi này.