Tiếp xúc giữa mẹ và bé không chỉ có cái ôm da thịt. Mẹ cũng hãy ôm trọn cả trái tim của trẻ nữa nhé.
Để có thể lắng nghe trẻ muốn nói gì thì cần phải luyện tập. Những trẻ nhỏ chưa đủ ngôn từ nên nhiều khi không thể diễn đạt hết ý nghĩ của mình. Lúc này, mẹ đừng la mắng trẻ, cũng đừng cướp lời trẻ, mớm lời trẻ, hãy lặng yên áp trẻ vào lòng mình, ôm lấy trái tim trẻ bằng cả tấm lòng.
Chẳng hạn, nếu trẻ vừa khóc vừa trở về từ nhà trẻ, trước hết, mẹ hãy nhẹ nhàng ôm lấy trẻ và hỏi: “Có chuyện gì vậy con?”
Giả sử trẻ kể với mẹ: “Bạn đó đã làm như vậy với con”, trước hết mẹ hãy cùng cảm nhận y nguyên cái cảm giác buồn hoặc bực tức ấy của trẻ.
Khi trẻ đã hiểu rằng mẹ đồng cảm với mình, mẹ chỉ cần gật đầu tán đồng với trẻ, chẳng hạn: “Ừ, thương con quá!”, thì trẻ sẽ cảm thấy an ủi và tâm trạng buồn bực sẽ vơi đi rất nhiều.
Ngược lại, nếu những cảm xúc tiêu cực đó bị lặp lại thì trẻ sẽ căng thẳng vô cùng. Việc khóc khi muốn khóc chính là một phản ứng quan trọng để trẻ bộc lộ bản thân.
Ở phòng khám của tôi, mỗi khi tiêm thuốc cho bé, tôi thường nói với bé: “Cháu hãy khóc thật to cho thoải mái đi rồi hẵng về nhé!” Khi tiêm cho bé, tôi vừa tiêm vừa nói: “Bây giờ bác sẽ tiêm cho cháu. Sẽ đau đấy, nhưng cháu hãy cố lên!”, sau đó bé được khóc thoải mái, dốc hết những bức xúc trong lòng rồi trở lại bình thường, lúc bước ra khỏi phòng khám còn cười thật tươi nữa.
Nhưng nếu mẹ đánh lừa trẻ kiểu như: “Mẹ dắt con đi mua kem nhé” hoặc trấn áp cảm xúc của trẻ: “Con trai mà khóc nhè!”, trong lòng trẻ sẽ đọng lại các cảm giác buồn bực, thất vọng.
Có thể mở lòng, tự do thể hiện cảm xúc chính là những tiền đề cực kỳ quan trọng để có một cuộc sống vô tư. Người mẹ hãy chú ý đừng tước đoạt mất khả năng bộc lộ bản thân vốn có này của bé nhé.
Để bố mẹ và trẻ hiểu được nhau, trước hết hai bên cần phải có ý muốn hiểu tâm trạng của đối phương. Tốt nhất là trò chuyện với trẻ từ khi trẻ còn nằm bụng mẹ, đến khi trẻ được một tuổi rưỡi thì phải hình thành được thói quen trò chuyện giữa bố mẹ và con cái.
Tuy nhiên, xây dựng mối liên kết với con không bao giờ là muộn cả. Khi nhận ra đã muộn, hãy càng trân trọng sự tiếp xúc với trẻ, cố gắng tiến gần đến tâm hồn của trẻ.
Tôi từng nói với một người mẹ có cậu con trai học lớp năm rất nổi loạn rằng: “Chị hãy ôm cậu ấy thật chặt.” Lúc đó, người mẹ liền trả lời: “Ôi không đâu! Tôi thậm chí không thể tưởng tượng được chuyện đấy!” Nghe vậy, tôi thật sự rất sốc. Nghĩ tới việc cậu bé đáng thương không hề được mẹ chấp nhận đã phải chịu cảm giác buồn và cô đơn đến nhường nào, tôi thấy lòng mình quặn lại.
Tôi từng được nghe câu chuyện sau từ một cô giáo dạy cấp ba: Khi cô ấy ôm một cậu học sinh nổi loạn vào lòng, cậu ấy đứng yên không nhúc nhích. Hơn nữa, cậu ấy còn đề nghị: “Cô ơi, em gọi các bạn khác nữa được không?” rồi dẫn nhóm bạn quậy phá của mình đến, từng bạn một xếp hàng để được cô giáo ôm. Chỉ cần vậy thôi là các cậu bé ấy đã cảm thấy nhẹ nhõm. Đến học sinh cấp ba mà còn như vậy thì đối với trẻ nhỏ tuổi hơn, cái ôm sẽ càng có tác dụng hơn.
Từ lúc còn nhỏ nếu trẻ không được sống trong cảm giác an tâm nhờ tiếp xúc thường xuyên với mẹ thì sự tự lập của trẻ sẽ bị tổn thương bởi nỗi cô đơn. Thế hệ thuộc thời kỳ bùng nổ trẻ em của Mỹ là một ví dụ điển hình. Vào thời đó, Mỹ và các nước phát triển đang thực hiện kiểu sinh đẻ tách rời mẹ và bé. Thật khôi hài là chính cách nuôi dạy con nhằm giáo dục những đứa trẻ tự lập lại tạo ra những người lớn không thể tự lập.
Sau thời đó, Mỹ vẫn khuyến khích cho trẻ ngủ riêng hoặc tăng thời gian trẻ ở một mình để giáo dục tính tự lập cho trẻ. Tuy nhiên về sau người ta nhận thấy rằng chẳng những là trẻ không hình thành được tính tự lập mà còn khiến cho trẻ bị tổn thương tâm hồn.
Trong xã hội Nhật Bản ngày nay, trẻ con cũng thường có xu hướng tạo thành bè nhóm và cực kỳ sợ việc bị ruồng rẫy. Việc này về cơ bản cũng giống với hiện tượng ở trên. Tạo bè nhóm chính là một cách trải nghiệm lại những điều chưa có trong gia đình mình.
Những người tự tin nghĩ rằng: “Mình thật may mắn đã được sinh ra trên đời này” và thường không cần ở trong nhóm cũng có thể sống được. Nhưng những người chưa từng bao giờ được mẹ ôm chặt vào lòng vô điều kiện, luôn bất an tự vấn: “Mình có nên sinh ra trên đời này không?” và thường không xác định được mình là ai. Do đó, họ sẽ đấu tranh để tìm thấy mình bằng cách ở trong một nhóm nào đó và hành động giống những người trong đó.
Những suy nghĩ kết tội hay áp đặt kiểu như: “Tại vì con như vậy nên mới ra thế này đấy” hay “Nếu không làm như thế này, thế kia thì sẽ là một đứa trẻ hư” chỉ khiến cho trẻ suy nghĩ: “Một đứa như mình có nên sống không?”. Lợi thì chẳng thấy đâu mà chỉ thấy toàn hại!
Ngược lại, những đứa trẻ được nhìn bằng cái nhìn rộng lượng hơn: “Dù con có giỏi hay không mẹ cũng yêu con rất nhiều” trẻ sẽ lớn lên một cách vô tư, trong sáng không áp lực gì. Kết quả là trẻ sẽ phát huy được năng lực của mình.
Nuôi dạy con không có nghĩa là chỉ bảo con làm cái này cái nọ mà đôi khi chỉ cần ở cạnh trẻ, sẻ chia cùng trẻ, đồng cảm với trẻ. Cha mẹ thường kỳ vọng ở con, muốn con như thế này như thế khác, nhưng chính điều đó lại làm cản trở sự phát triển của trẻ.