Bố và mẹ chính là hai bánh xe trên chiếc xe mang tên “Nuôi dạy con”. Mẹ là người chấp nhận toàn bộ con người của trẻ, bố là người luôn vững vàng dẫn đường cho trẻ, hai người cùng lo cho cuộc sống. Đó chính là hình ảnh khiến trẻ cảm thấy an tâm.
Nhưng nói thế không có nghĩa là phải có đủ hai người mới có thể nuôi dạy con được. Gia đình chỉ có bố hoặc mẹ thì bố hoặc mẹ sẽ đóng cả hai vai trò, vừa chấp nhận toàn bộ con người trẻ, vừa chỉ dạy cho trẻ các quy tắc trong cuộc sống. Điều đó quả thật rất khó nhưng không có gì là không làm được.
Khi nhìn vào gia đình của những đứa trẻ luôn gây rắc rối, thường chúng ta thấy không phải do gia đình không đầy đủ bố mẹ, mà trong gia đình đầy đủ bố mẹ nhưng người mẹ thì can thiệp quá sâu còn vai trò của bố thì hầu như mờ nhạt. Người bố trốn tránh công việc nuôi dạy con nên người mẹ vừa ôm hận đối với chồng, vừa cố gắng một mình một cách bất lực.
Nếu người mẹ lúc nào cũng nói: “Bố con chẳng ra gì cả. Con đừng giống bố nhé” thì trẻ sẽ sống một cuộc sống lúc nào cũng căng thẳng. Và điều đó sẽ được thể hiện ra ở sự méo mó tâm hồn của trẻ khi chúng lớn lên.
Tôi hoàn toàn hiểu được tâm trạng của người mẹ khi muốn dồn hết những bực bội thường ngày lên các ông bố. Ở xã hội Nhật Bản xưa, hàng xóm láng giềng thường có những bà cô, bà thím thích quan tâm người khác và bằng cách này hay cách khác, họ hay giúp đỡ những bà mẹ mệt mỏi vì chưa quen với việc chăm con. Nhưng ngày nay, các bà mẹ thường phải ở nhà cả ngày một mình với con, không có ai hỏi han, không có người để hỏi ý kiến.
Điều này thật chẳng dễ chịu chút nào nên cuối cùng họ lại có xu hướng chỉ trích các ông bố. Nếu bố là người kém tích cực trong việc nuôi dạy con thì tình hình càng trầm trọng hơn. Nhưng nếu mẹ cứ lớn tiếng trách móc: “Anh cũng phải chăm con đi chứ” thì tình hình cũng chẳng tốt lên.
Vừa về đến nhà mà chỉ toàn những lời cằn nhằn than trách chực sẵn thì khoảng thời gian đáng lẽ để gia đình quây quần vui vẻ bên nhau lại kết thúc bằng những cuộc cãi vã. Bố sẽ càng cảm thấy không thoải mái khi về nhà rồi dần dần muốn chạy trốn khỏi con. Cứ như thế, cái vòng luẩn quẩn tiêu cực cứ lặp đi lặp lại.
Ngược lại, nếu mẹ khéo léo nắm bắt cơ hội thì hoàn toàn có thể thay đổi tình hình. Muốn làm được điều đó, trước hết người mẹ cần phải thực sự tận hưởng vui vẻ thời gian ở cạnh con. Đừng nghĩ rằng chỉ có một mình mình đang chăm sóc con từ một phía. Nếu để ý thấy bé cũng đang trò chuyện cùng mình, chắc chắn mẹ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Đồng thời mẹ hãy nói với bố rằng: “Bố không cần cố gắng về sớm đâu. Hai mẹ con chơi với nhau rất vui. Nhưng nếu bố về sớm được thì hai mẹ con vui lắm”, chắc chắn bố sẽ cố gắng gạt bỏ hết công việc để về nhà.
Thật ra, tình phụ tử có sức mạnh rất lớn. Một khi người đàn ông bắt đầu tham gia vào việc nuôi dạy con thì họ dồn năng lượng còn hơn cả phụ nữ.
Bản thân tôi, trước khi bắt đầu sự nghiệp, là người đưa đón con đi học nhà trẻ. Đây là khoảng thời gian vàng để tôi tận hưởng niềm vui được trò chuyện cùng con. Sau này tôi vẫn thường thầm ghen tỵ khi nghĩ tới việc các bà mẹ hàng ngày đều được trải qua khoảng thời gian tuyệt vời như thế này.
Nếu trẻ trở nên cực kỳ yêu bố thì người bố cũng sẽ cảm thấy việc nuôi dạy con rất vui và chắc chắn sẽ tự mình sắp xếp dành thời gian để cùng tham gia vào công việc này.
Trẻ con thường tiếp nhận nguyên vẹn những gì mẹ nói, nên mẹ cần để ý không nói xấu bố trước mặt trẻ.
Đồng thời, mẹ hãy thử cảm ơn bố: “Nhờ bố mà gia đình mình có thể sống vui vẻ thế này. Cảm ơn bố nhé”. Người bố sẽ cảm thấy vui hơn vì nhìn thấy được vai trò của mình trong gia đình và con trẻ cũng sẽ thấy an tâm.