Nuôi dạy con là quá trình phản ánh y hệt những quan điểm sống của thế hệ bố mẹ. Thế hệ bố mẹ hiện nay lớn lên trong hoàn cảnh ông bà, những người thuộc thế hệ trước, tuyệt nhiên không muốn con mình lặp lại những cực khổ vật chất mà mình đã từng nếm trải nên đã cho con được hưởng thụ một cuộc sống đầy đủ vật chất. Thử nhìn lại, chúng ta có thể thấy rằng thế hệ này đã sống hạnh phúc đúng như bố mẹ họ mong muốn.
Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn thấy nhiều hệ lụy của điều đó trong môi trường sống thời nay. Nói như vậy không có nghĩa là các ông bố bà mẹ thời nay đã sai, đó chỉ là kết quả khi mỗi thời đại áp dụng những điều họ nghĩ là tốt ở thời của họ vào cách nuôi dạy con của mình mà thôi.
Nếu những điều mình nghĩ là tốt xuất hiện vấn đề thì hãy đối diện với nó và chọn ra cách giải quyết tốt ở thời đại mới là được.
Để trẻ có thể lớn lên vô tư, trong sáng, bố mẹ cần phải có khoảng trống thời gian và tâm hồn nhất định dành cho trẻ. Nhưng ai trong chúng ta cũng có một vết thương lòng thời quá khứ không thể nào chữa khỏi, nên đôi khi vô ý làm đau lòng trẻ mà không biết.
Chúng ta dễ có xu hướng lặp lại với trẻ những điều cha mẹ đã làm với mình, theo cả nghĩa tốt lẫn nghĩa không tốt rồi hối hận: “Thôi chết rồi, ước gì mình đừng nói thế!” Dù bạn có ân hận đến đâu đi nữa, một khi câu nói đó đã đi vào đầu của trẻ rồi thì không cách nào xóa được và trẻ cũng sẽ bị tổn thương giống như bạn đã từng bị tổn thương.
Nhưng nếu cứ tự trách mình về việc đó thì người mẹ sẽ rơi vào suy nghĩ tiêu cực. Dù trẻ bị tổn thương trong quan hệ với bố mẹ đi nữa, có thể đối với trẻ, điều đó lại trở thành động lực kích thích trẻ phải sống tốt. Gia đình cũng chính là nơi để chúng ta học cách làm thế nào để biến nỗi đau thành trải nghiệm giúp chúng ta quan tâm lẫn nhau, hiểu nhau hơn.
Đương nhiên, trẻ lớn lên trong gia đình bố mẹ hạnh phúc viên mãn thường có thể sống một cuộc đời suôn sẻ. Nếu trẻ không có bố mẹ hoặc trẻ sống với bố hoặc mẹ do hai người ly hôn, trẻ vẫn có thể được dạy dỗ đàng hoàng. Nếu trẻ được sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh bất đắc dĩ như trên, đứa trẻ có thể có tâm hồn mạnh mẽ và đã chọn cho mình một cuộc đời như vậy để học những điều mà chỉ trong hoàn cảnh đó mới có thể học được.
Trong việc nuôi dạy con, không có tiêu chuẩn nào quy định phải thế này hay thế kia cả. Vì không có quy tắc nào nên đó chính là điểm thú vị của việc nuôi dạy con. Chỉ cần trẻ trưởng thành là được nên cách thực hiện nào cũng tốt cả. Nói cách khác, có gia đình nuôi dạy con nghiêm khắc, cũng có gia đình nuôi dạy con theo kiểu để con tự do tự tại, cách nuôi dạy con càng đa dạng thì xã hội mới càng năng động.
Đối với những người lớn mang vết thương trong tâm hồn, việc có con là một cơ hội để một lần nữa trải nghiệm về sự giao tiếp cũng như các cuộc xung đột giữa cha mẹ và con cái, đồng thời giải thoát mình khỏi ngục tù tâm hồn của chính mình.
Tóm lược Chương 5
1. Giáo dục là đào tạo để một người đến tuổi ba mươi có đủ năng lực sống, đủ khả năng tự tồn tại và sống vui vẻ.
2. Dành nhiều tình yêu cho trẻ từ lúc nhỏ, chẳng hạn như ôm trẻ thật nhiều, sẽ thúc đẩy sự tự lập ở trẻ.
3. Hãy cho trẻ thể hiện cảm xúc ra bên ngoài, chẳng hạn khi trẻ muốn khóc, hãy cho trẻ khóc thật thoải mái. Trẻ đến thời kỳ phản kháng nghĩa là việc nuôi dạy con của mẹ đã thành công. Việc dạy dỗ quyết định quan điểm sống sau này của trẻ là công việc quan trọng của bố.
4. Trẻ con là tấm gương phản chiếu của người lớn. Bản thân bố mẹ phải đủ dũng khí để dứt bỏ những chỗ chưa tốt của mình.