Có lẽ phần này sẽ hơi phũ phàng đối với các bà mẹ dự định sinh con bởi tôi muốn đề cập đến dị tật và thai chết lưu. Tôi nói tới chủ đề này cũng là vì những thay đổi trong suy nghĩ của mình với tư cách một bác sĩ sản khoa và một con người.
Chúng ta thường tránh không nhìn vào những mặt tiêu cực trong đời như tật nguyền, bệnh, cái chết… Nhưng chính vì vậy mà chúng ta không thể nếm trải được hết những trải nghiệm phong phú của cuộc sống.
Sinh và tử là hai trạng thái gắn kết với nhau không thể tách rời nên nếu xem cái chết là điều cấm kỵ không nhắc tới thì chúng ta chỉ có thể cảm nhận được một nửa niềm vui của sinh mệnh mà thôi.
Một trong những nguyên nhân mà sinh đẻ thời nay làm gián đoạn mối liên kết mẹ con là người ta chỉ xem cái chết là sự thất bại. Ở phòng đẻ, người ta chỉ ưu tiên quan tâm đến tính mạng nên không còn thời gian để quan tâm đến chất lượng sống.
Chính vì việc giảm rủi ro trở thành mục tiêu tối quan trọng nên có những trường hợp chỉ cần chờ đợi thêm một chút nữa thì em bé sẽ ra, nhưng để chắc chắn, người ta truyền thuốc kích thích chuyển dạ hoặc sớm chuyển sang sinh hút. Chưa hết, ngay khi em bé vừa chui ra, người ta ngay lập tức tách bé ra khỏi mẹ để đem đi hút nước ối.
Hầu hết các bác sĩ sản khoa đều đinh ninh rằng phận sự của họ chỉ là đảm bảo cho sản phụ không tử vong hay thai không chết lưu là đủ. Ngay bản thân tôi ngày xưa cũng đã từng có suy nghĩ như vậy.
Cho nên khi nghe bác sĩ Yoshimura ở tỷnh Aichi, người đang thực hành phương pháp sinh tự nhiên, phát biểu: “Thai chết lưu không phải do lỗi của bác sĩ sản khoa”, tôi đã thật sự rất sốc. Thành thật mà nói, lần đầu tiên khi nghe phát biểu như vậy, cảm giác của tôi là muốn cãi lại. Cách nghĩ này chắc chắn sẽ khiến các bậc cha mẹ và những người thân trong gia đình đang chuẩn bị đón em bé chào đời cảm thấy phẫn nộ. Nhưng dần dần, tôi cũng đã hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu nói đó.
Khi hiểu được những gì vị bác sĩ này muốn nói và trong tâm thế chấp nhận toàn bộ suy nghĩ ấy, lần đầu tiên tôi mới nhìn ra được bản chất thật sự của việc sinh con. Nếu lỡ không may trẻ chết đi thì cũng có thể đó là số mệnh mà chính trẻ đã chọn. Cho nên tôi dần chuyển sang ý nghĩ hãy để cho trẻ tự quyết định trong khả năng của chính mình.
Và khi bắt đầu chấp nhận suy nghĩ về thai chết lưu, việc đứng ở phòng sinh đối với tôi không còn là cực hình nữa mà chuyển thành niềm vui và tôi dần cảm thấy rằng sinh đẻ là một chuỗi sinh mệnh kéo dài đến tận thế hệ sau.
Đương nhiên, sinh mệnh quan trọng như thế nào thì ai cũng hiểu, không phải bàn cãi nữa và các bác sĩ cần phải nỗ lực hết mình để đảm bảo điều đó. Tuy nhiên, dù đã chọn bác sĩ giỏi nhất rồi, bé vẫn có thể bị chết.
Sinh tử là sự vận hành của tự nhiên nên chúng ta không thể nào xóa bỏ hoàn toàn việc thai chết lưu. Tuy nhiên, nếu chỉ giới hạn vai trò cuả y học là cứu mạng và cho rằng việc trẻ sinh ra khỏe mạnh là đương nhiên thì những em bé chết đi lại chính là nạn nhân của y học.
Nhưng thực sự có phải như vậy không? Những trường hợp dù đã dốc hết sức vẫn không thể cứu được thì chúng ta không thể tích cực chấp nhận số mệnh đó được hay sao?
Nếu chấp nhận quan điểm về con người có thể tái sinh thì chúng ta có thể nghĩ rằng, khi một em bé sinh ra, cùng với việc chọn bố mẹ, bé đã biết mình cần học hỏi điều gì ở kiếp sau nữa.
Những bé đã chết khi vẫn còn đang nằm trong bụng mẹ có thể đã chọn cho mình đề tài học hỏi là lớn lên trong bụng mẹ thôi. Còn những bé chết ngay sau khi vừa sinh ra thì có thể đã chọn đề tài chỉ cần sinh ra thôi là được.
Đối với những em bé đó, việc chết đi không phải là thất bại mà chỉ đơn thuần là bé đã đạt được mục tiêu và trở về lại với thế giới bên kia.