Việc để mất em bé đối với người mẹ là một thử thách quá đau đớn. Nhưng chắc chắn em bé đã chọn một người mẹ có thể vượt qua được thử thách này để thụ thai.
Cũng có thể bé muốn truyền đạt một thông điệp nào đó đến bố mẹ cũng như những người xung quanh bằng việc vừa thụ thai đã mất đi. Tiếp nhận ý nghĩa về sự ra đi của bé như thế nào, làm thế nào để vượt qua thì mỗi gia đình hãy tự suy nghĩ, nhưng dù trường hợp nào đi nữa, chắc chắn đó là món quà mà bé đã để lại.
Như vậy, nếu cứ tự trách mình hoặc đổ lỗi cho sự yếu kém của y học, người mẹ sẽ bỏ lỡ mất thông điệp quan trọng mà bé gửi gắm.
Người bố cũng đừng trách mẹ: “Tại em làm thế nên mới bị như vậy đấy!”, hãy nhẹ nhàng chia sẻ với người mẹ, động viên vợ: “Anh biết sẽ rất đau khổ, nhưng chúng mình cùng vượt qua nhé”. Đó mới chính là điều mà người mẹ cần.
Có bà mẹ đã tâm sự với tôi một điều thật kỳ lạ là dường như đứa bé trước đây bị chết lưu lại được thụ thai một lần nữa vào mình. Trường hợp này, em bé sẽ thông báo cho mẹ một thông điệp nào đó, chẳng hạn như chọn cùng ngày thụ thai và ngày dự sinh với em bé trước đó.
Cô gái tôi đã từng đề cập ở Chương 1 đã kể rằng: “Ở trên trời, con đã nhìn thấy mẹ và đã chọn mẹ để thụ thai. Cũng có một bạn nữa rủ ‘Mình cùng xuống chỗ mẹ nhé’ rồi cùng con xuống đây nhưng giữa chừng bạn ấy bảo ‘Tớ mệt rồi. Nhưng rồi tớ cũng sẽ lại xuống chỗ mẹ’ rồi quay trở về.”
Tôi đã kể lại câu chuyện này cho những bà mẹ bị thai chết lưu và nói: “Lần này bé đã chọn cách chết lưu và tôi nghĩ chắc chắn đó là vì điều này là cần thiết đối với bé. Nếu mẹ ước thì có thể lần sau bé lại đến đấy.”
Nỗi đau mất em bé trong bụng không dễ gì nguôi ngoai được, nhưng có những bà mẹ khi nghe chuyện này đã nói: “Mất em bé thì thật là đau khổ, nhưng tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều rồi. Nỗi đau cũng đã nguôi bớt” và không lâu sau đã thụ thai trở lại.
Nếu như trước đây, tôi không biết phải nói gì với những bà mẹ đang vật vã với nỗi đau mặc dù trong lòng thật sự không muốn họ phải sống cuộc đời phía trước mà cứ ngoái nhìn lại đằng sau. Nhưng dù sao đi nữa, tôi nghĩ các bà mẹ sẽ trưởng thành thông qua những trải nghiệm đau đớn này.
Vậy nên, tôi cảm thấy may mắn vì mình đã thực hiện cuộc điều tra về ký ức trong bụng mẹ và thầm cảm ơn vì mình đã vô tình biết đến quan điểm tái sinh. Những đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh và lớn lên vùn vụt hay những đứa trẻ chết ngay khi còn trong bụng mẹ cũng đều từ thế giới bên kia đến và mang theo một món quà rất lớn là giúp cha mẹ và những người xung quanh trưởng thành.
Bản thân việc thụ thai một sinh linh mới và mang em bé trong mình cũng đã mang một ý nghĩa vô cùng to lớn. Nhiều bậc cha mẹ khi con lớn lên cũng thừa nhận rằng: “Tôi đã học từ nó để trưởng thành”. Quả thật, cha mẹ chỉ thật sự bắt đầu trưởng thành khi thụ thai em bé trong mình.
Về bản chất, một ca sinh đẻ có liên quan đến sinh tử một đời của cả mẹ lẫn con. Sinh con không phải là chuyến tàu lượn tốc hành không bao giờ trật bánh. Trong công viên vui chơi giải trí thì chúng ta có thể vui chơi thoải mái với tiền đề: dù đáng sợ nhưng không bao giờ chết. Nhưng trong một sự kiện của tự nhiên mang tên “sinh nở”, việc trật bánh khỏi đường ray luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ranh giới rất mong manh.
Cho nên, nếu chỉ chọn sinh tự nhiên bởi đó là một xu hướng đang thịnh hành thì khi có vấn đề xảy ra, bạn sẽ không thể kiểm soát được cảm xúc của mình và chỉ trích xung quanh. Chính điều đó sẽ trở thành rào chắn ngăn cản sự tiếp xúc giữa mẹ và bé. Nếu chọn phương pháp sinh tự nhiên, tôi mong các mẹ hãy hiểu ý nghĩa thực sự của nó rồi chọn.
Ở các nhà hộ sinh tạo được quan hệ tốt với các bà mẹ, khi họ đã thành tâm thành ý chăm sóc mà vẫn bị thai chết lưu, nhiều bà mẹ cũng vẫn nói với các hộ lý: “Đứa sau cũng mong được chị giúp nhé”. Ca đỡ đẻ được các bà mẹ thấu hiểu như thế thì dẫu thai chết lưu và mọi người đều cảm thấy đau khổ đi nữa cũng có thể xem là một ca đỡ đẻ tốt. Và y học thực thụ nên dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau như vậy.
Một ca sinh đẻ chưa kết thúc thì chưa biết còn có gì xảy ra nữa không. Có nhiều trường hợp mặc dù quá trình mang thai thuận lợi nhưng đến khi sinh thì liên tục xảy ra nhiều vấn đề không ngờ trước được. Cũng có khi, những điều được học ở lớp học tiền sản hay trong sách hướng dẫn sinh đẻ hoàn toàn không áp dụng được. Do đó, các cơ sở y tế hay các nhà hộ sinh, ngoài việc phân công nhiệm vụ, cũng nên tạo điều kiện để các bên hiểu và thông cảm cho nhau, hợp tác với nhau. Một ca sinh vừa được áp dụng những tri thức tự nhiên từ xưa đến nay, vừa được hưởng những thành tựu tiên tiến của kỹ thuật y học là một ca sinh đẻ thật sự tốt cho cơ thể và tâm hồn của bé.
Một thành tựu kỹ thuật giúp chúng ta có thể an tâm hơn nhiều trong môi trường sinh đẻ hiện nay là kỹ thuật chẩn đoán thai nhi. Đặc biệt trong những năm gần đây, những kỹ thuật này phát triển đến mức có thể dự đoán được phần nào những dị tật của thai nhi từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Gần đây, xu hướng các bác sĩ nhi khoa tham gia theo dõi em bé từ khi còn trong bụng mẹ và tiếp tục chữa trị cho bé sau khi ra đời đang trở nên phổ biến.
Siêu âm tim thai giúp phát hiện dị tật tim từ khi bé còn nằm trong bụng mẹ là một ví dụ dễ thấy nhất. Nếu có thể biết trước như vậy, các bác sĩ có thể chuẩn bị phẫu thuật từ trước lúc sinh để khi bé vừa chào đời thì có thể tiến hành được ngay. Nếu là trước đây, những trường hợp như vậy sẽ không thể nào qua khỏi nhưng ngày nay, việc xử lý kịp thời sẽ phát huy tác dụng và các bác sĩ sẽ cứu được em bé.
Trường hợp biết chắc chắn là không thể nào cứu được bé, các bác sĩ sẽ không cần phải thực hiện các xử lý vô ích để cứu bé. Thay vào đó chúng ta sẽ có thời gian để chăm sóc tốt cho mẹ và bé: báo trước cho người mẹ để chuẩn bị tâm lý và sẽ để cho mẹ ôm chặt bé đến khi bé trút hơi thở cuối cùng. Có những người rất mong có em bé nhưng mãi không thụ thai được, có thể vì chưa tới thời điểm, cũng có thể họ cần trải nghiệm điều gì đó thông qua việc không thể có thai. Hoặc cũng có thể kiếp này họ đã chọn một cuộc đời không có con để thực hiện một sứ mệnh nào khác.