Theo giáo sư Iida Fumihiko, người tôi nhắc đến ở phần trước, người quyết định cuộc đời mình chính là bản thân mình. Ông có một giả thuyết rằng trước khi sinh ra, mỗi người tự viết ra cho mình một bộ bài tập. Những khó khăn xuất hiện trong cuộc sống không chỉ có duy nhất một câu trả lời, tùy lựa chọn con đường nào mà cuộc đời và tương lai sẽ đi theo hướng đó.
Con đường mà chúng ta đã chọn ở ngã rẽ đó có thể là con đường ngắn, cũng có thể là đường vòng; có thể là con dốc gập ghềnh nguy hiểm, cũng có thể là con đường tản bộ êm ả. Dù gì đi nữa, chúng ta cũng sẽ nếm trải những trải nghiệm cần được nếm trải, điều gì chưa học được sẽ chuyển tiếp sang kiếp sau. Tôi nghĩ cuộc sống của chúng ta là như vậy.
Điểm đáng trân trọng của cách nghĩ này nằm ở chỗ: chúng ta không phải là những cá thể bị động, bị xoay vần bởi thời đại hay xã hội, chính chúng ta có thể tự chọn hoàn cảnh cho mình. Chính mình đặt ra những bài toán để bản thân giải quyết thì chắc chắn, không có thử thách nào mà chúng ta không vượt qua được.
Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói thử thách cam go nhất chính là một đứa trẻ sinh ra bị tật nguyền. Trường hợp bị tật nặng, trẻ phải dựa hoàn toàn vào sự chăm sóc của người khác mới có thể sống được. Những đứa trẻ tự đặt ra cho mình một thử thách cao như vậy chẳng phải là mạnh mẽ lắm sao?
Những bà mẹ có con bị tật nguyền sẽ được thử thách với khó khăn lớn hơn nhiều so với những bà mẹ sinh con bình thường. Chính vì vậy, em bé đã chọn một bà mẹ có tinh thần mạnh mẽ có thể vượt qua được khó khăn lớn này để sinh ra.
Tôi thường thử dò hỏi các bà mẹ có con bị bệnh Down: “Có người cho rằng những đứa trẻ tật nguyền có một tâm hồn mạnh mẽ đến mức có thể chọn cho mình một cuộc đời đầy gian khổ, chị nghĩ sao?” Tất cả họ đều trả lời: “Đúng vậy đấy!”
Mọi người thường nói: “Chỉ mong em bé sinh ra đầy đủ bộ phận là được rồi.” Nhưng cách nghĩ này có thật sự đúng không? Nếu có những em bé buộc phải mang tật nguyền để đạt được mục đích nào đó trong đời thì chẳng phải bản thân trải nghiệm ấy của trẻ cũng có ý nghĩa sao?
Nếu suy nghĩ rằng mang tật nguyền là không tốt thì khi một đứa trẻ tật nguyền chào đời, các bác sĩ sẽ chìm trong cảm giác chán chường, bất lực. Bác sĩ mà còn cảm thấy như vậy thì người mẹ sẽ còn sốc đến dường nào?
Trước mắt là cả một cuộc đời để bước đi cùng con, vậy mà ngay từ điểm xuất phát, người mẹ đã cảm thấy bất lực như vậy thì quả là một vấn đề lớn. Sinh con và nuôi dạy con là một cơ hội tuyệt vời để nhìn lại cuộc đời. Vì vậy, nếu bạn thụ thai một em bé như vậy thì có nghĩa đó là cơ hội mà trời đã ban cho bạn, bạn cần phải tận dụng tối đa nó.
Ở Mỹ, người ta gọi người tật nguyền là Những người dám thách thức (Challenging Persons) với ý nghĩa coi họ là những người dám đương đầu với số phận. Tôi thấy điều này rất hợp lý. Quả thật, chúng ta không bao giờ có thể kể hết những tấm gương người tật nguyền có cách sống tuyệt vời. Nhiệm vụ của chúng ta là giúp đỡ những trái tim dũng cảm, mạnh mẽ đang cố gắng vượt qua những thử thách vô cùng gian nan mà họ đã chọn, cùng họ học, cùng họ trưởng thành.