Sinh tại miền đông nam châu Âu vào năm 1910, Agnes Gonxha Bojaxhiu (Mẹ Teresa) đã trở thành một nữ tu sống giữa quần chúng nghèo khổ trong những khu ổ chuột ở Calcutta. Sinh thời, công việc của Mẹ trải rộng khắp thế giới, khiến Mẹ trở thành một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất và được kính trọng nhất thế kỷ 20. Là người nhận được rất nhiều giải thưởng, trong đó có giải Nobel Hòa bình và giải Vì Tiến bộ Tôn giáo, Mẹ Teresa có mối quen biết cá nhân với Đức Giáo Hoàng, các nguyên thủ quốc gia và hoàng thân quốc thích. Tuy nhiên, Mẹ không bao giờ do dự khi làm việc như một người đày tớ phục vụ cho những người nghèo khổ, bệnh tật. Ngày nay, trên toàn thế giới có hơn bốn nghìn anh chị em tu sĩ đang hoạt động trong 107 nhà do Hội Truyền giáo Bác ái của Mẹ sáng lập.
Lời mô tả của một đoạn thánh ca về những con chiên ngoan đạo của Chúa rất phù hợp với Mẹ Teresa: “Được trồng nơi nhà Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta. Già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả; tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn, để loan truyền rằng: Chúa thật là ngay thẳng, là núi đá cho tôi ẩn náu, nơi Ngài chẳng có chút bất công” (Thánh vịnh 92; 14-16 – Kinh thánh Cựu ước).
Ngày 16 tháng 8 năm 1910: Một bé gái ra đời trong gia đình Bojaxhiu. Đứa bé mà một ngày kia sẽ được biết đến dưới cái tên Mẹ Teresa đã được sinh ra ở Skopje, thủ đô nước cộng hòa Anbani thuộc Macedonia. Cô là con thứ ba, cũng là con út của ông Nikolle Bojaxhiu và bà Drana Bernai, kết hôn năm 1900. Chị gái của cô, Aga, sinh năm 1905 và anh trai, Lazar, sinh năm 1907.
Ngày 27 tháng 8 năm 1910: Cô bé được rửa tội tại nhà thờ giáo xứ Thánh Tâm Chúa Jesus và được đặt tên Gonxha (Agnes). Cha mẹ cô là những tín đồ Công giáo rất mộ đạo, nhất là người mẹ.
1919: Nikolle Bojaxhiu qua đời vì bị đầu độc sau khi tham dự một cuộc họp chính trị. Ông là một ủy viên hội đồng thành phố có niềm tin dân tộc mạnh mẽ.
1915-1924: Agnes trải qua quãng đời thơ ấu hạnh phúc. Cùng với anh trai và chị gái, Agnes học ở trường công lập. Cô học rất giỏi mặc dù sức khỏe có phần hơi yếu. Cô cũng tham gia các lớp giáo lý trong xứ đạo, gia nhập ca đoàn và là thành viên của hội Con Gái Đức Mẹ - một tổ chức Công giáo dành cho các bạn trẻ. Cô đặc biệt rất thích đọc sách về những nhà truyền giáo và đời sống các thánh.
Mẹ Teresa đúc kết cuộc sống gia đình mình suốt thời thơ ấu và thiếu niên như sau: “Tất cả chúng tôi đều rất hòa hợp, gắn bó với nhau, nhất là sau khi cha tôi mất đi. Chúng tôi sống vì nhau và ai cũng cố hết sức để làm cho nhau hạnh phúc. Gia đình chúng tôi rất gắn bó và hạnh phúc”.
Lazar, người con trai duy nhất trong gia đình đã nhận xét về đời sống đạo của mẹ và các chị em gái mình như sau: “Chúng tôi sống cạnh nhà thờ giáo xứ Thánh Tâm Chúa Jesus. Có những lúc, mẹ và chị em gái của tôi ở nhà thờ cũng nhiều như ở nhà vậy. Họ luôn tham gia ca đoàn, phụng sự tôn giáo và quan tâm đến những đề tài truyền giáo”.
Lazar cũng nhận xét về lòng hảo tâm của mẹ mình: “Bà không bao giờ để cho bất kỳ người nghèo nào ra khỏi cửa nhà chúng tôi với bàn tay không. Khi chúng tôi nhìn bà với vẻ lạ lẫm thì bà bảo: ‘Các con hãy tâm niệm trong đầu rằng dù họ không phải là bà con ruột thịt, nhưng nếu họ nghèo khó, thì họ vẫn là anh chị em của chúng ta’”.
Năm mười hai tuổi, lần đầu tiên Agnes cảm thấy tiếng gọi nhẹ nhàng mời em đến với cuộc sống tu trì và truyền giáo, một tiếng gọi âm ỉ trong nhiều năm trời. Trong thời gian ấy, Agnes vẫn là một thành viên năng nổ của hội Con Gái Đức Mẹ. Với sự khuyến khích của linh mục trong xứ đạo của mình - các cha dòng Tên, cô càng quan tâm hơn đến công việc truyền giáo. Lazar - anh của Agnes, sang Áo để học tại một học viện quân sự để trở thành một sĩ quan kỵ binh.
1928: Sự quan tâm của Agnes đến công việc truyền giáo được xác nhận bằng một tiếng gọi rõ ràng mời cô theo đuổi đời sống của một nữ tu khi cô đang cầu nguyện trước tòa Đức Mẹ bổn mạng vùng Skopje: “Xin Đức Mẹ làm chủ cuộc đời con, giúp con tìm được ơn gọi của mình”. Với sự hướng dẫn và giúp đỡ của một thầy dòng Tên người Nam Tư, Agnes xin gia nhập dòng Đức Mẹ Loreto (thường được gọi là Dòng các bà Ireland), được Mary Ward thành lập vào thế kỷ mười sáu. Cô bị thu hút bởi công tác truyền giáo của hội dòng này tại Ấn Độ.
Ngày 26 tháng 9 năm 1928: Sau khi được chấp nhận tạm thời, Agnes khởi hành chuyến đi đến Dublin. Cô đi tàu qua các nước Nam Tư, Áo, Thụy Sĩ, Pháp, Anh và cuối cùng cô đến được Nhà Mẹ của dòng Đức Mẹ Loreto.
Ngày 1 tháng 12 năm 1928: Sau hai tháng học tiếng Anh cấp tốc, Agnes đi tàu thủy đến Ấn Độ và đến nơi vào ngày 6 tháng 1 năm 1929, sau 37 ngày lênh đênh trên biển. Agnes chỉ ở Calcutta một tuần, sau đó được chuyển đến Darjeeling, dưới chân dãy Himalaya, để bắt đầu thực tập.
Ngày 24 tháng 5 năm 1931: Sau hai năm tập sự, Agnes tuyên lời khấn tạm và trở thành một nữ tu của dòng Đức Mẹ Loreto, đổi tên rửa tội của mình thành Teresa.“Tôi đã chọn tên Teresa khi khấn dòng, nhưng đó không phải là tên thánh Teresa Avila vĩ đại. Tôi chọn tên Teresa Bông Hoa Nhỏ, để tưởng nhớ đến thánh Teresa thành Lisieux.”
1931-1937: Sau khi tuyên lời khấn tạm, xơ Teresa sống ở Calcutta với công việc là một giáo viên dạy địa lý và lịch sử tại Trường Thánh Mẫu Maria - một trường do dòng Đức Mẹ Loreto quản lý.
Ngày 24 tháng 5 năm 1937: Sau nhiều năm khấn tạm, xơ Teresa tuyên lời khấn trọn đời trong dòng Đức Mẹ Loreto, cuối cùng trở thành trưởng bộ môn của Trường Thánh Mẫu Maria. Mẹ Teresa đã tóm tắt cuộc sống của Mẹ trong dòng Đức Mẹ Loreto như sau: “Tôi là nữ tu hạnh phúc nhất ở Loreto. Tôi hiến dâng mình cho việc dạy học. Đó là một công việc tông đồ thật sự, được thực hiện vì lòng yêu mến Chúa. Tôi rất thích nó”.
Ngày 10 tháng 9 năm 1946: Chúa đã kêu gọi xơ Teresa phục vụ người nghèo. Mẹ Teresa gọi đó là “ngày linh hứng”. Mẹ nói: “Trong suốt quãng thời gian đi tàu từ Calcutta đến Darjeeling để tham dự khóa tĩnh tâm, tôi lặng lẽ cầu nguyện thì bỗng nhiên, tôi cảm nhận sâu sắc một tiếng gọi từ sâu thẳm tâm hồn mình. Thông điệp ấy rất rõ ràng. Tôi phải rời tu viện và hiến mình giúp đỡ người nghèo bằng cách sống giữa họ. Đó là một mệnh lệnh. Tôi biết mình phải đi đâu, nhưng tôi không biết cách để đi đến đó”.
1948: Việc rời bỏ dòng Đức Mẹ Loreto thật khó khăn và đau đớn đối với xơ Teresa. Để làm được điều đó, xơ phải được sự cho phép đặc biệt từ Tòa Thánh Rome sau khi đã nhận được sự chấp thuận theo luật dòng tu. Cuối cùng, Mẹ cũng được cho phép sống như một nữ tu bên ngoài tu viện. Mẹ rời khỏi nhà dòng vào ngày 16 tháng 8, sau khi cởi bỏ tu phục của dòng Đức Mẹ Loreto và khoác lên người chiếc áo sari trắng như những người phụ nữ Ấn Độ nghèo khó nhất. Chiếc sari có đường viền xanh tượng trưng cho khát vọng noi gương Đức Mẹ Đồng trinh Maria. Mẹ Teresa rời Calcutta để tham gia một khóa học cấp tốc ba tháng về y tá căn bản, rồi trở lại để thực hiện khát vọng dâng mình phục vụ những người khốn cùng nhất trong các khu nhà ổ chuột của Calcutta. Cũng trong năm đó, Mẹ nộp đơn xin làm công dân Ấn Độ suốt đời và được chấp thuận.
Ngày 19 tháng 3 năm 1949: Người đầu tiên xin theo Mẹ Teresa. Subashini Das, một học sinh cũ của Mẹ đột nhiên viếng thăm và bảo rằng cô muốn đi theo lý tưởng của Mẹ. Cô là nữ tu đầu tiên của dòng tu mà ở thời điểm ấy vẫn chưa được hình thành.
Ngày 10 tháng 7 năm 1950: Hội Truyền giáo Bác Ái được Tòa Thánh Rome phê chuẩn. Những thiếu nữ khác theo chân Subashini Das ngày càng nhiều. Mẹ Teresa kể: “Sau năm 1949, tôi chứng kiến rất nhiều thiếu nữ lần lượt tìm đến xin gia nhập. Tất cả họ đều là học trò cũ của tôi. Họ muốn hiến dâng cho Chúa tất cả những gì mình có, và họ thật sự khao khát làm điều đó”.
Ngày 7 tháng 10 năm 1950: Vào ngày lễ Mẹ Mân Côi, Tòa Thánh Rome đã phê chuẩn Hội Truyền giáo Bác ái. Mười phụ nữ bắt đầu quá trình thực tập sinh kéo dài hai năm.
Năm 1952: Nhà hấp hối dành cho người cùng khổ được thành lập. Lúc đó, trong nhà dòng có gần ba mươi chị em. Khoảng mười hai chị đã tuyên khấn trọn đời. Cũng có mười hai chị khác là thực tập sinh và số còn lại là chủng sinh. Các nữ tu vẫn cần một tu viện cho riêng họ. Lúc ấy họ vẫn là “khách trọ” trong một căn hộ thuê, được ông Michael Gomes hiến tặng. Họ hiến mình cho công việc học tập và tu trì, trong khi vẫn chăm sóc trẻ em ở các khu nhà ổ chuột bị bỏ rơi, những người bệnh tật và những người nghèo khó đang chờ chết. Mẹ Teresa cố xoay xở để có được một ngôi nhà phục vụ cho những người hấp hối nghèo khó ở Kalighat, một đền thờ Hindu nằm ở trung tâm thành phố Calcutta. Ngôi nhà được khai trương vào ngày 22 tháng 8 nhân dịp lễ Đức Mẹ Maria, và lập tức bị quá tải. Tình trạng quá tải này kéo dài suốt nhiều năm mặc dù luôn có người “xuất viện” vì nhà luôn luôn nhận thêm người mới. Ngôi nhà được đặt tên là Nirmal Hriday: Nhà của Trái tim Thanh khiết – một cái tên có thể chấp nhận được đối với người theo đạo Hindu vì phần đông những người đến ngôi nhà này theo đạo Hindu.
Năm 1953: Nhà Mẹ của Hội Truyền giáo Bác ái được thành lập, tọa lạc ở số 54 đường Lower Circular, Calcutta. Ngôi nhà khá rộng rãi và có vị trí thuận lợi cho những công việc của họ. Nhà Mẹ sẽ trở thành trụ sở chính của Hội Truyền giáo Bác ái. Sau này, các nữ tu còn thuê rồi mua lại một ngôi nhà cho các trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi trong các khu ổ chuột. Rất nhiều cha mẹ của những em này đã chết trong các nhà hấp hối cho người cùng khó. Ngay từ đầu, các nữ tu cũng muốn mở một ngôi nhà cho những bệnh nhân phong cùi mà họ đang chăm sóc. Tuy nhiên, do sự phản đối của số đông dân chúng, nên họ phải lập các “trạm xá di động” cho những bệnh nhân này. Về sau, các xơ mới có thể mở những trung tâm phục hồi dành cho các bệnh nhân phong cùi, gọi là Titagahr và Shanti Nagar, ở ngoại ô Calcutta.
1962: Mẹ Teresa vinh dự đón nhận giải thưởng Padna Sri (Dòng tu Hoa sen) do chính phủ Ấn Độ trao tặng, và giải Magsaysay của Tổ chức SEATO thuộc các quốc gia Đông Nam Á trao tặng. Dù Mẹ được công nhận ở châu Á, nhưng phương Tây vẫn chưa biết gì nhiều về Mẹ.
Ngày 1 tháng 2 năm 1965: Hội Truyền giáo Bác ái được công nhận rộng rãi. Cho đến thời điểm này, hội dòng đã tồn tại được mười lăm năm và có những bước phát triển mạnh mẽ lạ thường. Dòng có khoảng ba trăm nữ tu, trong đó có nhiều người mang quốc tịch châu Âu thuộc các nước khác nhau. Hội dòng cũng có nhiều nhà. Tất cả các nhà của Hội Truyền giáo Bác ái vẫn tọa lạc ở Ấn Độ và trực thuộc sự quản lý của các giám mục nhà thờ Công giáo địa phương. Với sự ủng hộ của nhiều giám mục, Đức Giáo Hoàng Paul VI đã ban sắc khen cho Hội Truyền giáo Bác ái và nâng lên thành dòng thuộc quyền Tòa Thánh. Sắc lệnh này, cùng với lời mời của Đức Tổng Giám mục Barquisimeto, Venezuela, xin Mẹ Teresa mở một nhà thuộc giáo khu của ông, đã giúp cho Hội Truyền giáo Bác ái có khả năng mở rộng công tác truyền giáo của mình.
1965-1971: Các nhà mới được mở thêm trên khắp thế giới. Nhà ở Venezuela là ngôi nhà đầu tiên “ở nước ngoài” của Mẹ Teresa. Trong suốt những năm sau đó, thêm nhiều nhà nữa được thành lập ở châu Phi, Úc (Melbourne và Adelaide), và ở châu Âu (Anh và Ý), như một sự hưởng ứng lời kêu gọi của các Tổng Giám mục nhà thờ địa phương. Nhà đầu tiên của Hội Truyền giáo Bác ái ở Rome, Ý được xây dựng để đáp lại lời mời của Đức Giáo Hoàng Paul VI với tư cách Giám mục Giáo phận Rome. Đức Giáo Hoàng là một người rất ngưỡng mộ và là ân nhân đối với công việc của Mẹ Teresa. Đức Giáo Hoàng đã trao cho Mẹ quyền công dân Vatican để tạo điều kiện thuận lợi cho những chuyến đi truyền giáo của Mẹ. Năm 1971, Hội Truyền giáo Bác ái đã có năm mươi nhà.
Ngày 3 tháng 3 năm 1969: Đức Giáo Hoàng Paul VI phê chuẩn luật thánh đối với các cộng sự viên, và từ đây họ chính thức là hội viên của Hội Truyền giáo Bác ái.
Ngày 26 tháng 3 năm 1969: Hội Cộng sự viên Truyền giáo Bác ái chính thức được thành lập. Hội Cộng sự viên của Mẹ Teresa – một tổ chức quốc tế của các anh chị em phi giáo hội - trở thành một thực thể tinh thần và một yếu tố quan trọng để hỗ trợ hoạt động của Hội Truyền giáo Bác ái. Rất khó, nếu nói là không thể, để xác định được con số chính xác của Hội do sự phát triển liên tục. Có các cộng sự viên đã tham dự từ khi Hội Truyền giáo Bác ái lần đầu tiên được thành lập.
Thập niên 1970: Mẹ Teresa nhận được nhiều giải thưởng quốc tế lớn. Ngòi bút và tiếng nói của Malcolm Muggeridge - một nhà báo người Anh - đã giúp Mẹ Teresa trở nên nổi tiếng ở phương Tây, không chỉ ở cộng đồng Thiên Chúa giáo mà trong cả xã hội. Kết quả là Mẹ được trao giải thưởng Người Bác ái Nhân lành (Good Samaritan Award) ở Mỹ, giải Vì Tiến bộ Tôn giáo ở Anh, và giải Hòa bình của Đức Giáo Hoàng John XXIII tại Tòa Thánh Vatican.
Ngày 12 tháng 7 năm 1972: Thân mẫu của Mẹ Teresa, bà Drana Bernai, mất tại Anbani. Trước khi mất, bà có nguyện vọng rời Anbani để đến thăm con gái ở Ấn Độ cũng như người con trai đang sống tại Sicily, nhưng chính phủ Anbani đã từ chối không cấp giấy xuất cảnh cho bà.
1974: Chị gái duy nhất của Mẹ Teresa, bà Aga Bojaxhiu, mất ở Anbani mà không có cơ hội được gặp cả em gái lẫn em trai của mình.
Ngày 17 tháng 10 năm 1979: Mẹ Teresa được trao giải thưởng cao quý nhất thế giới: Giải Nobel Hòa bình. Tuy nhiên, tính giản dị trong cách sinh hoạt và sự khiêm tốn của Mẹ vẫn không hề biến đổi.
Ngày 10 tháng 12 năm 1979: Mẹ Teresa nhận Giải Nobel Hòa bình từ tay Vua Olaf V của Na Uy, nhân danh những người nghèo mà Mẹ đại diện và những người mà Mẹ đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho họ.
1980-1985: Hội Truyền giáo Bác ái mở thêm nhiều nhà mới và được chúc lành với nhiều ơn gọi mới. Năm 1980 có mười bốn nhà ngoài Ấn Độ, ở rất nhiều nơi như Libăng, Tây Đức, Nam Tư, Mexico, Brazil, Peru, Kenya, Haiti, Tây Ban Nha, Ethiopia, Bỉ, New Guinea và Achentina. Sau khi được trao giải Nobel Hòa bình, tốc độ mở rộng hoạt động của Hội Truyền giáo Bác ái thật đáng ngạc nhiên: Mười tám nhà mới được xây dựng năm 1981, mười hai nhà năm 1982 và mười bốn nhà năm 1983. Hội Truyền giáo Bác ái cũng được chúc lành qua các ơn gọi mới ngày càng tăng, làm cho hội dòng trở thành một ngoại lệ trong thời đại mà ơn gọi của các dòng tu nói chung bị giảm sút.
1986-1989: Dòng tu của Mẹ Teresa vào được cả những quốc gia vốn trước đây khép kín với các nhà truyền giáo. Hội Truyền giáo Bác ái được phép mở các nhà ở Ethiopia và Nam Yemen. Hội dòng cũng được phép đến Nicaragua, Cuba và Liên Xô.
Tháng 2 năm 1986: Đức Giáo Hoàng John Paul II đến Calcutta để thăm Mẹ Teresa và tận mắt xem công việc của Hội Truyền giáo Bác ái.
Ngày 21 tháng 5 năm 1988: Hội Truyền giáo Bác ái mở một nhà cư trú cho những người vô gia cư ở Rome tại Vatican. Nhà này được gọi là “Món quà của Đức Mẹ Maria” để kỷ niệm năm Thánh Mẫu. Nhà trú này có bảy mươi hai giường, hai phòng ăn - một cho những người thường trú và một cho những người ghé qua. Nhà trú này cũng có một phòng khách, một bệnh xá và sân hiên đối diện với sảnh đường Đức Giáo Hoàng Paul VI.
1988-1989: Mẹ Teresa phải vào bệnh viện hai lần vì bệnh tim. Đây không phải là lần đầu tiên Mẹ lao lực quá mức và phải vào bệnh viện. Ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng nhắc Mẹ hãy giữ gìn sức khỏe. Các bác sĩ của Mẹ đã phải lắp một máy điều hòa nhịp tim và buộc Mẹ phải nghỉ ngơi trong sáu tháng.
Ngày 16 tháng 4 năm 1990: Vì lý do sức khỏe là chủ yếu, Mẹ Teresa đã từ chức bề trên tổng quyền của dòng Truyền giáo Bác ái. Được giảm bớt trách nhiệm, Mẹ có thể dành nhiều thời gian hơn để đi thăm các nhà dòng ở khắp nơi.
Tháng 9 năm 1990: Mặc dù đã 80 tuổi và sức khỏe yếu, Mẹ được mời gọi khoan nghỉ hưu và tái đắc cử trong chức bề trên tổng quyền của dòng Truyền giáo Bác ái.
Tháng 1 năm 1991: Mẹ Teresa khẩn nài hai vị lãnh đạo nhà nước Mỹ và Iraq đẩy lùi cuộc Chiến tranh vùng Vịnh. Không lâu sau khi cuộc chiến nổ ra, các Tổng thống George Bush và Saddam Hussein đã nhận được lời yêu cầu khẩn thiết gây xúc động mãnh liệt của Mẹ. Hai nhóm chị em nữ tu đã đến Baghdad để chăm sóc cho những người bị chiến tranh làm hại.
1991-1993: Sức khỏe của Mẹ Teresa giảm sút. Bệnh tim đã khiến Mẹ ngã quỵ lần đầu tiên ở Tijuana, Mexico và một lần nữa ở Delhi, Ấn Độ. Bất chấp bệnh tật, Mẹ lại tiếp tục công việc khi được mời quay lại Bắc Kinh vào tháng 10 năm 1993.
Ngày 30 tháng 8 năm 1993: Sức khỏe sa sút buộc Mẹ Teresa phải chỉ đạo rằng chỉ những người làm việc trực tiếp với Hội Truyền giáo Bác ái mới có thể tiếp tục làm sứ mệnh của các cộng sự viên theo ơn gọi. Tất cả những người không còn ràng buộc chính thức với Hội Truyền giáo Bác ái được giải tán.
Ngày 3 tháng 2 năm 1994: Chương trình Điểm tâm Cầu nguyện Quốc gia tại thủ đô Washington, Mỹ. Được sự ủng hộ của Tổng thống Clinton và Phu nhân cùng Phó Tổng thống Gore và Phu nhân, Mẹ Teresa thuyết trình trước hàng ngàn người quan tâm sâu sắc về thông điệp kêu gọi hòa bình của mình. Sau đó, Tổng thống Clinton cảm hơn Mẹ vì “một cuộc đời tận tụy” – sự tận tụy mà theo tổng thống, Mẹ đã “sống thực sự”.
Tháng 4 năm 1996: Sau khi bị ngã khỏi giường ở trụ sở Hội Truyền giáo Bác ái, Mẹ Teresa được đưa vào bệnh viện vì gãy xương cổ.
Tháng 8 năm 1996: Mẹ Teresa phải nhập viện ở Calcutta vì bệnh sốt rét. Cơn sốt đã làm trầm trọng thêm bệnh tim lâu nay trong người Mẹ, và Mẹ đã bị nhiễm trùng phổi do sử dụng máy hô hấp nhân tạo trong một thời gian dài. Sau một vài lần nhập viện và ra viện, Mẹ được phép quay trở lại công việc.
Tháng 10 năm 1996: Tổng thống Bill Clinton ký quyết định công nhận Mẹ Teresa là công dân danh dự của Hoa Kỳ. Theo Tổng thống Clinton, Mẹ Teresa đã “mang đến tình yêu và niềm hy vọng cho cuộc đời của hàng triệu trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi trên khắp thế giới”.
Tháng 3 năm 1997: Xơ Nirmala được bầu làm người kế nhiệm Mẹ Teresa.
Tháng 6 năm 1997: Mẹ Teresa nhận được Huy chương Vàng Danh dự Quốc hội.
Tháng 9 năm 1997: Mẹ Teresa bị một cơn đau tim nặng và lặng lẽ qua đời tại nhà của Mẹ ở Calcutta. Trước đó, nhiều người đã bảo Mẹ hãy dừng công việc lại và nghỉ ngơi, nhưng Mẹ luôn nói rằng: “Tôi còn ngàn thu để yên nghỉ”.