Tình yêu có khả năng bảo bọc để không vướng bụi nhuốc nhơ. Tình yêu quét đi dơ bẩn khắp đường phố và hang cùng ngõ hẻm, vì một điều đơn giản: tình yêu có thể làm và phải làm điều đó.
- MẸ TERESA
Trong cuộc phỏng vấn này, Mẹ Teresa chân thành nói về hội dòng mà Mẹ đã sáng lập, về công việc “chăm sóc những người nghèo nhất” trên khắp thế gian, và về đức tin của Mẹ. Bài viết này được dựa trên nhiều cuộc chuyện trò giữa Mẹ Teresa và Jose Luis Bonzales-Balado.
Mẹ Teresa, Mẹ có thấy dễ dàng khi thực hiện công việc của mình giữa những người nghèo khó không?
Dĩ nhiên là việc này sẽ không dễ dàng gì nếu không có một đời sống cầu nguyện mãnh liệt và một tinh thần hy sinh. Cũng sẽ không dễ dàng chút nào nếu chúng tôi không thấy hình ảnh của Chúa Jesus vẫn đang phải chịu khổ đau trong cuộc thương khó của Ngài ở những người nghèo khó. Chúng tôi rất hạnh phúc nếu có thể giúp những người nghèo sống với nhau một cách yên bình. Với những người bị tước hết các nhu cầu cơ bản, thật khó để họ có thể sống hòa hợp và giúp đỡ những người xung quanh, hay không còn nhìn nhận láng giềng của mình là những kẻ cạnh tranh nguy hiểm. Đó chính là lý do tại sao chúng tôi không thể mang đến cho họ điều gì khác ngoại trừ tình yêu thương của chúng tôi, bằng cách nhìn thấy Chúa Jesus trong mỗi con người họ, dù họ có xung khắc với chúng tôi thế nào chăng nữa.
Làm thế nào Mẹ có được nhiều cộng sự như vậy?
Thiên Chúa đã gửi họ đến cho chúng tôi. Họ đến và quan sát. Có khi những người theo ơn gọi ấy đến từ những nơi rất xa xôi. Nhiều người lúc đầu biết đến chúng tôi chỉ từ những điều đọc được trên báo chí.
Với số nữ tu hiện nay, Mẹ có thể thực hiện được mọi công việc mà Mẹ muốn không?
Đáng tiếc là nhu cầu bao giờ cũng lớn hơn khả năng đáp ứng của chúng tôi.
Mẹ Teresa, điều gì khiến Mẹ liên tiếp mở thêm những nhà mới?
Nếu Thiên Chúa tiếp tục gửi cho chúng tôi nhiều người theo ơn gọi với một đức tin chắc chắn, chúng tôi tin rằng mục đích của Ngài không phải là để giấu kín họ trong các tu viện. Đúng hơn là Thiên Chúa muốn phát triển công việc giúp đỡ những người nghèo nhất trong số những người nghèo.
Mẹ dựa vào những tiêu chuẩn nào khi mở thêm các nhà ở Ấn Độ và những nước khác?
Chúng tôi chưa từng mở một căn nhà mới khi chưa được Đức Giám mục sở tại mời đến. Thực tế thì nhu cầu được cứu giúp hiện tại đã vượt quá khả năng đáp ứng của chúng tôi. Theo quy luật chung của hiến pháp dòng chúng tôi, khi nhận được lời mời mở một nhà mới, trước tiên chúng tôi sẽ đi tìm hiểu điều kiện sống của người nghèo trong khu vực ấy. Chúng tôi không bao giờ quyết định mở một nhà cứu tế vì lý do nào khác ngoài mục đích phục vụ người nghèo. Thông thường, quyết định khởi lập một nhà mới sẽ phụ thuộc vào những điều tìm hiểu này, ngoại trừ những trường hợp cực kỳ cần thiết.
Mẹ dành cho dung mạo bên ngoài một tầm quan trọng như thế nào?
Rất ít hoặc không chút nào cả. Về vấn đề trang phục, mặc dù bộ sari là một phần trong tu phục thường nhật, chúng tôi vẫn sẵn sàng thay đổi hoặc không mặc chúng nữa nếu chúng tôi nhận ra rằng mọi người không chấp nhận cách ăn mặc như thế. Chúng tôi sẽ chọn một loại trang phục khác được những người nghèo chấp nhận hơn ở bất kỳ nơi nào chúng tôi được mời gọi để thực hiện công việc của mình.
Sức mạnh nào đã giúp Mẹ thực hiện công việc của mình?
Ngay từ lúc đầu, chúng tôi đã được truyền thụ rằng hãy khám phá Chúa Jesus trong hình hài đau khổ của những người nghèo khó, bệnh tật, bị ruồng bỏ. Chúa Jesus đến với chúng tôi dưới mọi hình hài: những người sắp chết, người bại liệt, phong cùi, người tàn tật, trẻ mồ côi,... Chính đức tin đã làm cho công việc của chúng tôi trở nên dễ dàng, hay ít ra cũng dễ chịu đựng hơn – những công việc vốn đòi hỏi một sự chuẩn bị đặc biệt và một ơn gọi đặc biệt. Không có đức tin, những công việc này sẽ trở thành một trở ngại cho đời sống tôn giáo của chúng tôi, bởi chúng tôi phải gánh chịu những lời báng bổ, sự độc ác, và chủ nghĩa vô thần ở khắp nơi.
Trong công việc của mình, Mẹ dành cho các vấn đề tôn giáo tầm quan trọng như thế nào?
Chúng tôi không chỉ là những công tác viên xã hội, mà còn là những nhà truyền giáo. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng truyền giáo một cách đặc biệt thông qua các công việc của mình để Thiên Chúa hiện thân trong những việc ấy. Chúng tôi dạy giáo lý cho trẻ em trong các cô nhi viện của chúng tôi. Với những người lớn, chúng tôi chỉ chủ động khi họ xin chỉ dẫn hoặc thắc mắc về những vấn đề tôn giáo. Tất cả các xơ đều được huấn luyện căn bản về giáo lý trong suốt thời gian thực tập và sẽ được huấn luyện nâng cao trong những năm sau đó. Chúng tôi không muốn thế chỗ những người có khả năng hơn mình trong một số vấn đề. Ví dụ, chúng tôi để những vấn đề hóc búa hơn cho các linh mục, cũng như những vấn đề trực tiếp liên quan đến công việc của họ. Còn về các tiêu chuẩn chúng tôi dùng để xác định sự trợ giúp, đó là không bao giờ căn cứ vào tín ngưỡng của những người cùng khổ mà chỉ dựa vào chính nhu cầu của họ mà thôi. Chúng tôi không quan tâm đến tín ngưỡng của những người được chúng tôi giúp đỡ, mà chỉ quan tâm đến mức độ khẩn thiết của nhu cầu.
Những nhà Truyền giáo Bác ái có ưu tiên nào đối với những người được giúp đỡ không?
Nếu có thì sự ưu tiên ấy là dành cho người nghèo khó cùng cực nhất, những người bị bỏ rơi không ai chăm sóc, trẻ mồ côi, người sắp chết, những người bị phong cùi.
Theo một số người, công việc của các nhà Truyền giáo Bác ái ở nhà dành cho người hấp hối thực chất chỉ là sự kéo dài tình trạng khốn khổ của những người được chăm sóc mà thôi. Những người này sau khi bình phục lại quay về đường phố, nơi họ lại gặp những vấn đề khó khăn và bệnh tật như trước. Mẹ nghĩ sao về điều này?
Bất cứ khi nào có thể, chúng tôi cố gắng không giới hạn sự chăm sóc của mình trong phạm vi y tế, mà còn cố gắng phục hồi về mặt nhân bản và xã hội cho những người được giúp đỡ. Đúng là có nhiều trường hợp những người đã bình phục lại thích được tự do trên đường phố hơn là sống trong không gian khép kín của chúng tôi, và chúng tôi không thể ngăn cản họ được. Chúng tôi hành động với niềm tin rằng mỗi khi cho người nghèo ăn tức là chúng tôi đang dâng thức ăn cho Chúa Jesus. Bất cứ khi nào chúng tôi cho một người trần truồng mặc quần áo là chúng tôi đang mặc quần áo cho chính Chúa Jesus. Mỗi khi chúng tôi cho người sắp chết một nơi nương tựa là chúng tôi đang cho chính Chúa Jesus một nơi trú ngụ.
Có người khẳng định rằng trình độ y tế của Hội Truyền giáo Bác ái quá sơ đẳng đối với những người có trách nhiệm chăm sóc các bệnh nhân trầm trọng.
Tôi hiểu điều đó. Trình độ y tế của chúng tôi có giới hạn, nhưng trong hầu hết các trường hợp, chúng tôi cố gắng giúp đỡ và chăm sóc những người bệnh mà chưa chắc sự chăm sóc y tế cơ bản có thể làm được.
Người ta cũng nói rằng sự săn sóc mà Mẹ dành cho những trường hợp không còn hy vọng gì nữa có thể sẽ có ích hơn nếu chuyển sang cho những ai còn cơ hội sống sót.
Chúng tôi cố gắng giúp đỡ tất cả những ai cần được chăm sóc, nhưng chúng tôi có ưu tiên cho những ai cần giúp đỡ nhiều nhất. Chúng tôi không hề quay lưng lại với bất kỳ ai. Không ai bị đặt ra ngoài ý nguyện phục vụ của chúng tôi. Trong mỗi người anh em đang phải chịu đựng nỗi thống khổ, chúng tôi thấy được hình ảnh Chúa Jesus đang đau khổ. Cho dù chúng tôi phải thu hẹp sự chăm sóc của mình cho một số người do hoàn cảnh bắt buộc hay nguồn lực hạn chế, thì khát vọng của chúng tôi vẫn là mở rộng đức bác ái của mình.
Có phải đôi khi Mẹ không làm gì nhiều, hay không thể làm gì nhiều cho những người hấp hối?
Ít nhất thì chúng tôi cũng có thể để lại cho họ ấn tượng về một điều gì đó tốt đẹp: rằng vẫn có những người sẵn lòng yêu mến họ thật sự, bởi vì những người đang hấp hối cũng là con của Chúa, và họ xứng đáng được yêu thương bằng hoặc thậm chí nhiều hơn người khác.
Mẹ có bao giờ nhận được sự hằn học, ác cảm trên khuôn mặt của những người đã phải chịu đựng quá nhiều đau khổ không?
Có chứ, công việc của chúng tôi chủ yếu xoay quanh những người sắp chết, người già cơ cực, người nghèo, trẻ mồ côi đói khổ và những người mắc bệnh phong cùi. Chúng tôi không phủ nhận rằng trong nhiều trường hợp những công việc ấy gây cho chúng tôi rất nhiều khó khăn. Không phải lúc nào chúng tôi cũng thực hiện được công việc của mình dưới những điều kiện dễ chịu. Nhưng tất cả chúng tôi đều cảm thấy thoải mái khi làm việc giữa những người nghèo hơn là giữa những người giàu. Đây là công việc suốt đời của chúng tôi. Trong thời gian tập sự kéo dài hai năm, chúng tôi dành nửa ngày để thực hiện công việc giúp đỡ người nghèo. Các thực tập sinh làm việc dưới sự giám sát của những xơ lớn tuổi hơn. Sau đó, trước khi khấn trọn, chúng tôi lại trải qua nhiều năm để phục vụ người nghèo. Công việc đó gần như đã trở thành một thói quen của chúng tôi, khiến cho cuộc sống dễ dàng hơn, trở thành bản năng, tự nhiên chứ không cứng nhắc.
Mẹ nghĩ sứ mệnh cứu giúp của mình có ý nghĩa như thế nào?
Công việc phục vụ của chúng tôi không chỉ giới hạn trong việc trợ giúp về mặt vật chất, mà còn là đem lại bất cứ điều gì cần thiết để ngay cả những người nghèo khó nhất cũng không cảm thấy bị bỏ rơi. Chúng tôi muốn công việc của mình làm được những gì mà một quan chức cấp cao trong đất nước này đã có lần nói với các nữ tu: “Chính Chúa Jesus một lần nữa đang đi giữa chúng ta và làm những điều tốt cho con người”.
Mẹ đã làm gì cho những người bị phong cùi?
Chúng tôi đã trợ giúp cho hơn hai mươi ngàn người mắc bệnh này ở Calcutta, và năm mươi ngàn người ở khắp Ấn Độ. Chúng tôi nhận thấy rằng sự trợ giúp này chẳng đáng là bao trong một đất nước có đến bốn triệu bệnh nhân phong cùi. Việc đầu tiên mà chúng tôi làm cho những người nhận sự giúp đỡ của chúng tôi là thuyết phục rằng thật sự họ đang mắc căn bệnh này. Chúng tôi cung cấp cho họ thuốc men cần thiết và cố gắng cứu chữa cho họ. Ngày nay, những người bị phong cùi không nhất thiết phải sống cách ly nữa. Nếu được kịp thời giúp đỡ, họ có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Vì vậy, ngay từ ban đầu, chúng tôi cố thuyết phục những người này đương đầu với căn bệnh của chính họ. Ở Ấn Độ, bệnh phong cùi bị xem là một sự trừng phạt của Thượng Đế. Quan niệm này thuộc về tín ngưỡng của dân tộc. Các chị em nữ tu chúng tôi cố làm mọi việc có thể để chữa bệnh và giúp họ thoát khỏi quan niệm ấy.
Mẹ chủ yếu nhận được sự trợ cấp từ ai?
Tạ ơn Chúa, từ tất cả mọi người. Chúng tôi có những nhà hảo tâm và cộng sự viên là những người theo đạo Hindu, Hồi giáo, Bái Hỏa giáo, Do Thái giáo, Phật giáo, Tin Lành, và tất nhiên là cả những tín đồ Thiên Chúa giáo.
Đã bao giờ xảy ra trường hợp Mẹ cạn sạch nguồn cung cấp cho công việc của mình chưa?
Chúng tôi không bao giờ có dư nhưng cũng chẳng bao giờ thiếu những gì cần thiết. Đôi khi, sự việc diễn ra như một phép lạ. Chúng tôi thức dậy mà chẳng còn gì và lấy làm khổ tâm vì không thể giúp đỡ những người cùng cực. Nhưng chỉ vài giờ sau, hầu như lúc nào chúng tôi cũng nhận được những món quyên góp bất ngờ đến từ những ân nhân vô danh; từ những tín đồ Công giáo, Tin Lành, Phật giáo, Do Thái, Bái Hỏa giáo, Hồi giáo và đạo Hindu; từ những người có tín ngưỡng đến người không theo tín ngưỡng nào; từ người giàu và người nghèo.
Công việc của Mẹ được thực hiện như thế nào?
Bản thân công việc đó thì chẳng có gì quan trọng. Chúng tôi nghĩ rằng giá trị của công việc được xuất phát từ tình yêu đối với Thiên Chúa. Không thể yêu Thiên Chúa mà không yêu đồng loại. Đồng thời, không một nhà Truyền giáo Bác ái nào có thể quên những lời Chúa Jesus đã nói: “Ta đói và ngươi đã cho ta ăn” (Matthew 25;35). Những gì mà chúng tôi đang cố gắng làm là cho ăn, cho mặc, và viếng thăm Chúa Jesus đang hiện thân trong những người bệnh tật, hấp hối, bị phong cùi, và những trẻ em bị bỏ rơi.
Mẹ có thể cho biết về công việc của mẹ với những trẻ em bị bỏ rơi?
Vâng, chúng tôi bắt đầu với trẻ em và đến bây giờ vẫn ở bên các em, mặc dù đó không phải là đối tượng duy nhất cần giúp đỡ của chúng tôi. Bất hạnh thay, số trẻ mồ côi và bị bỏ rơi không bao giờ giảm cả. Trong những năm đầu tiên thực hiện công việc của mình, một lần nọ một cảnh sát đã mang đến cho chúng tôi một nhóm trẻ em bị bắt vì tội trộm cắp. Chúng còn quá nhỏ nên không thể ngồi tù cùng với những tội phạm thông thường được. Tôi đã hỏi xem vì sao các em làm như vậy. Các em đã giải thích rằng từ năm đến tám giờ mỗi tối, người lớn dạy chúng những bài học về cách trộm cướp.
Các em được Mẹ cứu giúp sẽ có một tương lai như thế nào?
Tôi không nghĩ có cách nào khác tốt hơn để giúp Ấn Độ ngoài việc chuẩn bị một ngày mai tươi sáng hơn cho trẻ em của ngày hôm nay. Chúng tôi chăm sóc những em cùng cực nhất, những đứa trẻ nhặt được trong các khu nhà ổ chuột. Mỗi em chỉ cần được trợ cấp vài đô-la mỗi tháng. Thật là cảm động khi thấy trẻ em từ những quốc gia khác như Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Ý,… đóng góp những đồng tiền dành dụm của các em cho các bạn đồng trang lứa không may này của mình. Chúng tôi mở một tài khoản tiết kiệm cho mỗi đứa trẻ mà chúng tôi nhận nuôi. Khi lớn lên và nếu có khả năng, đứa trẻ ấy sẽ được học cao. Còn những em chúng tôi nhận thấy không có khả năng học cao hơn thì sẽ được học nghề để sau này có thể tự kiếm sống.
Đại diện cho Hội Truyền giáo Bác ái, Mẹ phản ứng như thế nào khi chứng kiến cảnh bất công tàn bạo?
Mọi người đều có thể nhận thấy bất công vẫn còn đầy rẫy trong xã hội ngày nay. Các tổ chức lớn phải có nhiệm vụ cung cấp hay đề xuất những phương cách nâng cao tiêu chuẩn sống cho lớp quần chúng đang chịu đựng bất công. Hàng ngày, chúng tôi tiếp xúc với những người bị xã hội chối bỏ. Mục đích đầu tiên của chúng tôi là giúp những người này vươn đến một sự phát triển nhân cách căn bản. Chúng tôi cố phục hồi phẩm giá mà đúng ra họ phải có với tư cách là một con người.
Mẹ có nhận được sự trợ giúp nào từ chính phủ Ấn Độ không?
Chúng tôi không nhận được bất kỳ sự viện trợ trực tiếp nào cả, nhưng phải công nhận rằng chính phủ đã hỗ trợ chúng tôi rất hiệu quả bằng sự tin tưởng, quý mến và tôn trọng. Họ giúp đỡ chúng tôi trên rất nhiều phương diện, chẳng hạn như cấp đất để phục vụ công việc của chúng tôi và đi lại miễn phí trên tuyến xe lửa quốc gia.
Mẹ có nhận được khoản miễn giảm nào từ chính phủ Ấn Độ không? Mẹ có được phép tự do nhập khẩu mọi thứ không?
Không phải tất cả mọi thứ, chỉ có lương thực, thuốc men, thiết bị y tế, quần áo, và những thứ khác cần thiết cho công việc của chúng tôi như đồ nội thất, máy đánh chữ và máy may. Còn lại chúng tôi vẫn phải xin giấy phép nhập khẩu. Chúng tôi nhận những đồ này như quà tặng, và chúng đều được chuyển đến cho người nghèo. Không có gì là giao dịch thương mại cả. Tất cả đều được phân phối đến những ai có nhu cầu, không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng hay tôn giáo, và thực sự là có quá nhiều người có nhu cầu! Điều duy nhất chúng tôi phải làm là xác nhận với chính phủ rằng đây là những tặng vật. Vì chính phủ biết mọi thứ đi đến đâu nên chúng tôi nhận được những giấy phép cần thiết. Họ công nhận rằng không có gì chảy vào túi riêng của chúng tôi cả. Mọi thứ đều được gửi trở lại cho những người nghèo khổ nhất. Đó là lý do tại sao họ tin tưởng và cấp cho chúng tôi những giấy phép cần thiết.
Mẹ xử lý như thế nào với những thứ nhận được?
Chúng tôi có một sổ ghi chép tất cả những khoản chi tiêu cũng như những gì nhận được và mục đích của chúng. Chúng tôi đều có ghi chú riêng lên những món quà ấy. Ví dụ, nếu ai đó hiến tặng một trăm rupi cho bệnh nhân phong cùi, thì chúng tôi không sử dụng số tiền ấy vào mục đích khác. Chúng tôi cố thực hiện ý nguyện của người quyên góp.
Dường như chính phủ Ấn Độ đang tăng cường thiết lập những giới hạn chặt chẽ hơn đối với các nhà truyền giáo nước ngoài. Mẹ có bị ảnh hưởng vì điều này không?
Chúng tôi là một tổ chức Ấn Độ chính thống. Nhà-mẹ của chúng tôi đặt tại Ấn Độ. Vì thế, chúng tôi không rơi vào những giới hạn đó. Đồng thời, chúng tôi cũng tránh truyền giáo thông qua các hình thức khác ngoài công việc của chúng tôi. Công việc của chúng tôi chính là bằng chứng. Nếu người mà chúng tôi giúp đỡ muốn trở thành tín đồ Công giáo thì anh ta phải gặp một linh mục. Nếu có một mục đích tôn giáo nào trong công việc của chúng tôi thì mục đích đó không có gì ngoài việc mang tất cả những người mà chúng tôi tiếp xúc lại gần với Thiên Chúa hơn mà thôi.
Mẹ có nhận được sự trợ giúp nào từ những người khác không?
Ồ, có chứ! Chúng tôi nhờ cậy sự giúp đỡ của người khác ngay từ ban đầu. Chúng tôi gọi họ là các cộng sự viên. Chúng tôi có nhiều loại cộng sự viên, bắt đầu là những trẻ em ở nhiều nước khác nhau chia sẻ tiền tiết kiệm của chúng hay số tiền các em quyên góp được để ủng hộ trẻ em Ấn Độ. Mặc dù những nhà truyền giáo chúng tôi trực tiếp tiếp xúc với người nghèo, nhưng thật sự chúng tôi sẽ làm được rất ít nếu không có sự giúp đỡ rộng rãi của hàng ngàn cộng sự viên và bạn bè trên khắp thế giới.
Không phải dòng tu nào cũng biết cách trung thành với tinh thần nguyên thủy khi được thành lập. Các nhà Truyền giáo Bác ái có thể cũng đánh mất tinh thần ấy hay không?
Lời khấn thứ tư trao cho chúng tôi sứ mệnh phục vụ miễn phí cho những người nghèo khổ cùng cực. Điều này bảo vệ chúng tôi khỏi mối nguy hiểm mà anh vừa đề cập. Sứ mệnh của chúng tôi rõ ràng đến mức không thể có sự hiểu lầm nào được. Người nghèo biết họ là ai và họ đang ở đâu. Họ là lý do cho sự hiện diện của hội dòng và công việc của chúng tôi. Trong Chúa Jesus, họ là lý do tồn tại của chúng tôi.
Mẹ có bao giờ bị cám dỗ bởi ý tưởng làm việc giữa những người giàu có, nơi mà mọi thứ sẽ dễ dàng hơn?
Người nghèo mới là lý do cho sự tồn tại của chúng tôi. Chúng tôi được sinh ra là để phục vụ họ và chúng tôi chỉ hiến dâng bản thân cho họ, không hề bị cám dỗ để quay lưng lại với họ.
Mẹ có cố gắng bày tỏ thông điệp tôn giáo đặc biệt nào thông qua công việc của mình không?
Tình yêu không có thông điệp nào khác ngoài chính ý nghĩa của nó. Mỗi ngày, chúng tôi cố gắng sống cùng tình yêu của Chúa Jesus một cách rất cụ thể. Nếu có rao giảng thì chúng tôi chỉ rao giảng bằng việc làm chứ không bằng lời nói. Đó là minh chứng cho đức tin của chúng tôi.
Mẹ có cảm thấy được mọi người yêu thương không?
Có chứ, chúng tôi thường xuyên cảm nhận được điều đó cho dù điều kiện sống khắc nghiệt của nhiều người được chúng tôi giúp đỡ khiến họ không nhận ra tình yêu vô điều kiện mà chúng tôi dành cho họ. Họ thấy chúng tôi đang sống giữa họ, trong cảnh nghèo nàn như họ. Họ đánh giá rất cao điều đó. Tuy nhiên, mọi việc không phải lúc nào cũng yên bình. Đôi khi cũng có sự bộc phát lòng ghen tị hay thiếu kiên nhẫn khi chúng tôi không thể cho họ mọi thứ mà họ cần, hay khi họ thấy rằng chúng tôi đang cho những người túng quẫn hơn họ chính thứ mà họ muốn. Khi điều đó xảy ra, chúng tôi biết cố lý luận với họ vào lúc ấy chỉ vô nghĩa mà thôi. Tốt nhất là khuyên họ nên bình tĩnh. Hầu như họ luôn thay đổi thái độ một khi đã bình tĩnh lại.
Mẹ có chứng kiến những người được Mẹ giúp đỡ cải đạo sang Công giáo không?
Có, một vài người đã đổi đạo, nhưng chúng tôi không hề cố khuyến khích họ một cách trực tiếp. Bằng việc rèn luyện đức ái của người Thiên Chúa giáo, chúng tôi đến gần Chúa hơn và chúng tôi cũng cố giúp những người khác đến gần với Ngài hơn mà không đặt bất cứ áp lực tôn giáo nào lên họ. Khi họ đón nhận tình yêu tức là họ đón nhận Thiên Chúa và ngược lại. Sẽ là một sai lầm nếu chúng tôi quên rằng mình đang sống tại Ấn Độ, giữa những con người luôn tự hào về truyền thống văn hóa và tôn giáo của dân tộc mình. Chính vì lý do này mà họ luôn ngờ vực bất kỳ một hình thức truyền đạo nào.
Những nhà Truyền giáo Bác ái có những mối liên lạc nào với gia đình của họ?
Một khi chúng tôi dâng mình để phục vụ người nghèo thì họ trở thành gia đình của chúng tôi. Lẽ tự nhiên, chúng tôi không chối bỏ quan hệ huyết thống với gia đình ruột thịt của mình, nhưng điều kiện để tiếp xúc với họ rất hạn chế. Chỉ trong những hoàn cảnh đặc biệt, như trước khi rời đất nước mình vì một sứ mệnh ở nước ngoài thì chúng tôi mới về thăm nhà. Chúng tôi không thể thường xuyên tiếp xúc với gia đình, trước tiên là vì sự túng thiếu: chúng tôi không có nhiều tiền cho những chuyến đi. Thứ hai là không ai trong số chúng tôi có thể rời bỏ công việc phục vụ và chăm sóc người bệnh, người sắp chết, bệnh nhân phong, và những trẻ mồ côi khi không có ai khác chăm sóc họ.
Mẹ nghĩ gì về việc nhận các giải thưởng?
Câu trả lời trước giờ của tôi vẫn luôn là: Tôi không xứng đáng với chúng. Tôi vui lòng nhận các giải thưởng đó không chỉ để công nhận lòng tốt của những người trao thưởng, mà bởi tôi còn nghĩ đến việc những giải thưởng này có ý nghĩa thế nào đối với người nghèo và bệnh nhân phong của chúng tôi. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng những giải thưởng này góp phần rất nhiều trong việc giúp mọi người hướng tới công việc mà chúng tôi – Hội Truyền Giáo Bác ái – thực hiện giữa những con người nghèo khổ nhất.
LẠY CHÚA JESUS
Ngài đã chịu khổ nạn, xin cho phép con ngày hôm nay cũng như mọi ngày, có thể nhìn thấy Chúa trong những người bệnh tật, và bằng việc chăm sóc cho họ, con có thể phụng sự chính Ngài.
Dù Chúa có ẩn mình trong hình hài của những kẻ giận dữ, phạm tội hay mất trí, xin hãy giúp con vẫn có thể nhận ra Ngài và nói: “Lạy Chúa Jesus, người chịu khổ chịu nạn, thật ngọt ngào biết bao khi được phục vụ Ngài”.
Lạy Chúa, xin hãy cho con cái nhìn của đức tin, để công việc của con sẽ không bao giờ tẻ nhạt. Con sẽ tìm thấy niềm vui khi ấp ủ những ý nghĩ và khao khát nhỏ bé này cho tất cả người nghèo chịu khổ đau.
Hỡi những người bệnh tật, với tôi, các bạn vẫn là người quý báu, thương yêu, vì các bạn là hiện thân của Chúa Jesus. Đó là đặc ân mà tôi được trao ban để có thể chăm sóc cho bạn!
Lạy Chúa, vì Ngài là Đức Jesus chịu khổ chịu nạn, xin hãy rủ lòng kiên nhẫn, khoan dung với những lỗi lầm của con, xin Ngài hãy nhìn vào mục đích của con, đó là được yêu Chúa và phục vụ Chúa trong hình hài của từng đứa con khổ đau của Ngài.
Lạy Chúa, xin hãy cho con thêm đức tin. Xin hãy ban phước lành cho nỗ lực và công việc của con, bây giờ và mãi mãi.
- MẸ TERESA
ĐIỀU ĐẸP ĐẼ VỚI CHÚA
Hãy đến cùng tôi trong thế giới lầm than này,
Trong vùng đất mà con người không ngừng hấp hối,
Trong thế giới tàn bạo này.
Bạn có thấy họ đang chết đói không – lòng bác ái của bạn đâu rồi?
Họ cười và khóc, họ cũng là những người như bạn và như tôi,
Họ cần sự giúp đỡ chứ không chỉ là lòng cảm thông.
Hãy chỉ cho mỗi người điều đẹp đẽ với Chúa trên cao,
Điều đẹp đẽ để bày tỏ tình yêu của bạn,
Điều đẹp đẽ với Chúa trên cao,
Điều đẹp đẽ để bày tỏ tình yêu của bạn.
Một ngày qua đi, và đêm thật dài với tất cả mọi người.
Một bé thơ đang khóc, có thể vì em muốn sống để nhìn ánh mặt trời,
Nhưng em biết rằng buổi sáng ấy có thể sẽ không bao giờ đến.
Trên khắp thế gian này, anh em chúng ta đang sống trong nghèo khó,
Họ ở khắp mọi nơi, nếu đôi mắt chúng ta có thể nhìn thấy,
Vì thế hãy nhìn quanh và tỉnh táo.
Hãy bày tỏ với con người tình yêu mà Chúa đã bày tỏ với bạn,
Hãy nuôi những con chiên của Ngài như Ngài đã nuôi từng người trong các bạn,
Ngài yêu họ nhiều như Ngài yêu bạn.
- MẸ TERESA