Những gì được đòi hỏi ở một nhà Truyền giáo Bác ái là: sự lành mạnh của tâm hồn và thể xác, khả năng học hỏi, sự phán đoán tốt và một tính cách vui tươi.
- MẸ TERESA
Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy bán đi những gì anh có mà cho người nghèo… Rồi hãy đi theo tôi.
- CHÚA JESUS NÓI VỚI NGƯỜI GIÀU MUỐN THEO NGÀI (MARK 10;21)
Anh chị em chúng tôi được gọi là những nhà Truyền giáo Bác ái. Họ là những người còn rất trẻ được ơn gọi để làm sứ giả cho tình yêu của Chúa. Mỗi người truyền giáo là một người được gửi đến cùng sứ mệnh chuyển giao một thông điệp. Cũng như Chúa Jesus được Chúa Cha gửi đến, chúng tôi cũng được Ngài gửi đến và đổ đầy ơn thánh của Chúa để trở thành nhân chứng cho lòng thương yêu và trắc ẩn của Ngài, trước hết là trong cộng đồng của chúng tôi, kế đến là ở việc truyền giáo giữa những người nghèo nhất trên thế gian này.
Tôi đã biết rằng Chúa muốn điều gì đó ở tôi. Khi lần đầu tiên cảm nhận được khát vọng trở thành một nữ tu, tôi chỉ mới mười hai tuổi, sống cùng cha mẹ ở Skopje, Yugoslavia (bây giờ là Macedonia). Lúc ấy có một vài linh mục rất tốt đã giúp những bé trai bé gái quy hướng theo ơn gọi của Chúa. Đó cũng là lúc tôi nhận ra rằng ơn gọi của tôi là hướng tới người nghèo.
Từ năm mười hai đến năm mười tám tuổi là khoảng thời gian tôi mất đi khát vọng trở thành nữ tu. Nhưng đến năm mười tám tuổi, tôi quyết định rời xa gia đình và gia nhập dòng Đức Mẹ Loreto. Kể từ đó, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến quyết định này đúng hay sai, đơn giản đó là ý định của Chúa: Chính Ngài đã thực hiện sự lựa chọn ấy. Các xơ dòng Loreto đã hiến mình để dạy học, đó là sự truyền giáo chân thực cho Chúa Jesus. Nhưng ơn gọi đặc biệt của tôi là dành cho những người nghèo nhất. Đó là tiếng gọi từ bên trong thiên hướng của tôi, là mệnh lệnh khiến tôi từ giã Loreto – nơi tôi rất hạnh phúc – để lên đường phục vụ người nghèo trên đường phố.
Năm 1946, khi tôi đang ngồi trên xe lửa đến Darjeeling tham dự khóa tĩnh tâm, tôi đã cảm nhận được tiếng gọi thúc giục tôi từ bỏ mọi thứ để theo Chúa Jesus đến những vùng ngoại ô nghèo khổ để phục vụ những người cùng khổ nhất.
Cuộc sống tinh thần của chúng tôi là cuộc sống nương tựa vào Chúa. Công việc của chúng tôi là cầu nguyện vì chúng tôi thực hiện điều đó thông qua Chúa Jesus, trong Chúa Jesus và vì mục đích của Chúa Jesus.
Ơn gọi là một món quà của Chúa. Ngài đã nói: “Ta chọn con”. Và ơn gọi đó không là gì hơn ngoài việc thuộc về Chúa Jesus. Công việc chúng tôi được kêu gọi thực hiện chỉ là một cách để đặt tình yêu của chúng tôi dành cho Thiên Chúa vào hành động.
Tất cả những người trong giáo đoàn – nữ tu, linh mục, hay thậm chí cả Đức Giáo Hoàng – đều có cùng một ơn gọi: thuộc về Chúa Jesus. Là những nhà truyền giáo, chúng tôi phải là sứ giả tình yêu của Chúa; phải sẵn sàng ra đi vội vã như Đức Mẹ Maria để tìm kiếm những linh hồn lầm lạc; phải thắp lên ánh sáng và đem ánh sáng đó đến cho mọi người; phải đem muối ướp mặn cho đời; và đem đến những tâm hồn luôn âm ỉ một khát vọng: Chúa Jesus.
Chúng ta cần phải ý thức một cách chính xác tiếng “Xin vâng” mà chúng ta đáp lại Thiên Chúa bao gồm những gì. “Xin vâng” có nghĩa là “Tôi xin dâng hiến” - dâng hiến hoàn toàn, trọn vẹn, không tính toán thiệt hơn, không cân nhắc do dự “Điều đó có đúng không? Có tiện cho ta không?”. Câu “Xin vâng” của chúng ta với Chúa không có những e dè như vậy.
Chúng ta sẽ chỉ cho phép một mình Chúa lập kế hoạch cho tương lai, vì ngày hôm qua đã qua đi, ngày mai thì chưa tới, và chúng ta chỉ có ngày hôm nay để làm cho Ngài được hiểu, được yêu thương và phục vụ.
Toàn bộ sự hiến dâng cho Chúa phải đến cả trong những điều bé nhỏ lẫn những việc lớn lao. Sự hiến dâng ấy không là gì ngoài một lời: Xin vâng! “Con xin nhận lấy bất cứ thứ gì Ngài trao cho con, và cũng sẵn lòng cho đi bất cứ thứ gì Ngài lấy”. Điều này không có nghĩa là làm những điều phi thường, hiểu những điều to tát – nó là một sự chấp nhận đơn giản, vì tôi đã trao bản thân mình cho Chúa, vì tôi thuộc về Ngài.
Nếu có gì đó thuộc về tôi, tôi sẽ có toàn quyền sử dụng nó như ý tôi muốn. Nhưng tôi thuộc về Chúa Jesus, vì thế Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn nơi tôi.
Toàn bộ sự hiến dâng phải hàm chứa lòng tin đầy yêu thương. Bạn không thể hiến dâng trọn vẹn trừ phi bạn tin tưởng một cách trọn vẹn và đầy tình thương yêu. Chúa Jesus đã tin Chúa Cha vì Ngài biết Chúa Cha, biết tình yêu của Chúa Cha.
“Cha ta và ta là một.”
“Cha ta ở trong ta, và ta ở trong Cha.”
“Ta không cô độc, vì Cha ta luôn ở cùng với ta.”
“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.”
Hãy đọc sách Phúc âm của Thánh John và xem có bao nhiêu lần Chúa Jesus đã dùng từ “Cha”.
Chúng ta phải dọn mình thanh sạch nếu chúng ta muốn Chúa ngự trị trong chúng ta. Chúng ta phải dâng hiến bản thân hoàn toàn cho Chúa đến mức Ngài có thể chiếm hữu chúng ta. Chúng ta phải “Cho bất cứ thứ gì Ngài nhận và nhận bất cứ thứ gì Ngài cho”.
Toàn bộ sự hy sinh ấy bao gồm dâng hiến trọn vẹn bản thân cho Chúa vì Chúa đã ban tặng bản thân Ngài cho ta. Nếu Chúa – người không chịu ơn ta về điều gì cả – sẵn sàng trao tặng cho ta bản thân Ngài, thì chúng ta có thể đáp lại bằng cách tặng cho Ngài một phần bản thân ta hay không?
Khi dâng hiến bản thân, tôi trao mình cho Chúa để Ngài có thể sống trong tôi. Chúng ta sẽ nghèo nàn biết bao nếu Chúa không cho chúng ta quyền trao tặng bản thân mình cho Ngài! Bây giờ, chúng tôi thật sự là những người giàu có! Thật dễ dàng chinh phục Chúa! Chúng tôi trao tặng bản thân mình cho Chúa, Chúa trở thành của chúng tôi, và giờ đây chúng tôi không có gì hơn ngoài Ngài.
Tin vào sự hư vô của bản thân và với phước lành của sự vâng phục, chúng tôi nỗ lực mọi điều nhưng không nghi ngờ điều gì cả, vì với Chúa mọi việc đều có thể.
Chúng ta thường nói với Chúa Jesus: “Xin hãy cho con cơ hội được cùng chia sẻ những nỗi đau của Ngài”. Nhưng khi ai đó vô ý với chúng ta, chúng ta thật dễ quên rằng đó chính là khoảnh khắc mà chúng ta có thể chia sẻ cùng Chúa! Hãy luôn nhớ rằng chính Chúa Jesus là người cho chúng ta cơ hội để làm điều gì đó tốt đẹp cho Ngài thông qua một người nào đó hay trong một tình huống nào đó mà chúng ta gặp phải hàng ngày.
Nếu trái tim chúng ta vẫn nuôi niềm oán giận, hoặc nếu chúng ta không thể chấp nhận một trạng thái bẽ bàng, chúng ta sẽ không học được cách khiêm nhường. Tính khiêm nhường không thể chỉ được học từ sách vở. Chúa Jesus đã chấp nhận bị nhục mạ. Ngài đến để thực hiện ý nguyện của Thiên Chúa Cha, và Ngài đã làm điều đó từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc.
Chúng ta phải luôn giữ mối quan tâm của Ngài trong trái tim và khối óc của chúng ta, mang Chúa đến những nơi mà Ngài chưa từng đến; không quản ngại làm những điều Ngài đã làm; can đảm vượt qua hiểm nguy và cái chết cùng Ngài và cho Ngài; sẵn sàng chấp nhận dù phải chết đi hàng ngày nếu muốn dâng linh hồn cho Chúa; để trả giá mà Ngài đã trả cho các linh hồn – mãi sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu trên thế giới; tôn trọng và đánh giá cao những tập tục xa lạ của các dân tộc khác, điều kiện sinh hoạt và ngôn ngữ của họ; sẵn sàng thích nghi bản thân mình khi cần thiết; vui vẻ lao động cực nhọc và lấy làm vui sướng để hiến dâng bất cứ thứ gì có thể trong cuộc sống của mình.
Việc thấu hiểu và tuân giữ những ý nguyện của Chúa đem lại cho chúng tôi trách nhiệm cao cả là đấu tranh chống lại cái tôi và sự ham muốn an nhàn của riêng mình - những điều sẽ khiến chúng tôi chọn một cuộc sống tầm thường, vô nghĩa và nhàn nhã. Chúng tôi được ơn gọi đem cuộc sống của mình ra ganh đua với Chúa. Chúng tôi được ơn gọi trở thành những người lính mặc áo sari, đấu tranh phục vụ nhu cầu của giáo hội ngày nay.
Nhà thờ của Chúa cần những vị thánh. Nhân danh Chúa Jesus, chúng tôi sẽ tự do đi đến những đô thị và làng quê trên khắp thế gian, sống giữa cảnh bần cùng và nguy hiểm vây quanh, sẽ cùng với Mẹ Maria – Đức Mẹ Đồng trinh của Chúa Jesus, tìm kiếm những người nghèo nhất và truyền cho họ Tin Mừng của sự cứu rỗi linh hồn và hy vọng; để hát cùng họ những bài thánh ca của Chúa, mang đến cho họ tình yêu, sự thanh bình và niềm vui của Ngài. Trong tinh thần đó, đối với tất cả những gì do Thiên Chúa tạo ra, từ hành tinh xa xôi nhất đến biển sâu, từ tu viện đến nhà thờ, từ một bệnh viện của thành phố này đến nhà giam của thành phố khác, từ nguồn sông ở châu lục này đến hang núi cô độc ở châu lục khác, thậm chí ở thiên đường và cổng địa ngục, chúng tôi cầu nguyện cùng mỗi tạo vật của Chúa, cầu nguyện cho mỗi tạo vật của Chúa để cứu rỗi và thánh hóa từng tạo vật mà vì nó dòng máu của Con Thiên Chúa đã đổ ra.
Trong thế giới ngày nay, có những người đấu tranh vì công lý và quyền con người. Chúng tôi không có thời gian cho những việc đó, vì hàng ngày chúng tôi luôn bận rộn tiếp xúc với những người đói khát để đem đến cho họ tình yêu và chút đồ ăn thức uống.
Tôi có nên hiến thân để đấu tranh vì công lý khi những người bần cùng nhất sẽ chết ngay trước mặt tôi vì đói khát?
Tuy nhiên, tôi muốn khẳng định rõ ràng rằng tôi không hề có ý lên án những người đấu tranh vì công lý. Tôi tin rằng có những phương cách khác nhau để cùng phục vụ cho con người của Chúa. Với tôi, điều quan trọng là phục vụ những người bần cùng nhất. Bằng cách đi theo ơn gọi của một nhà Truyền giáo Bác ái, chúng tôi đứng trước thế giới như những sứ giả hòa bình qua việc truyền bá thông điệp của tình yêu bằng hành động xuyên qua mọi rào cản quốc tịch, tín ngưỡng và quốc gia.
Ở các khu nhà ổ chuột, các chị em nữ tu nhận ra đó là nơi mà họ sẽ gom được trẻ em đường phố, hay bất kỳ ai mà họ có thể giúp đỡ. Mối quan tâm đầu tiên của họ là tắm rửa, cho chúng ăn rồi dạy dỗ chúng, và chuẩn bị cho chúng đến trường. Tình yêu của Chúa phải được đem đến cho những đứa trẻ này theo một cách đơn giản, thú vị và hấp dẫn.
Nếu một nữ tu không có được sự dịu dàng và cung cách tĩnh lặng, tôi không cho phép cô ấy đến thăm người nghèo. Người nghèo đã có quá nhiều lý do để sầu muộn, làm sao chúng ta có thể mang đến cho họ thêm nỗi ưu phiền do cung cách tồi tệ của cá nhân chúng ta?
Thế gian này có quá nhiều bất hạnh và cảnh cơ hàn. Bản chất con người của chúng ta ở lại với chúng ta từ đầu đến cuối. Chúng ta phải làm việc chăm chỉ hàng ngày để chế ngự bản thân.
Chúng ta phải xin ơn Chúa để yêu thương nhau, vì Chúa Jesus đã nói: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (John 15;12). Để có thể làm điều đó, chị em nữ tu chúng tôi sống cuộc đời cầu nguyện và dâng hiến. Đó là lý do tại sao chúng tôi bắt đầu một ngày bằng bí tích Thánh thể và tĩnh tâm.
Mỗi buổi tối, khi đã làm xong công việc của mình, chúng tôi tụ họp ở nhà nguyện trong một giờ trọn vẹn. Trong bóng đêm yên tĩnh, chúng tôi tìm thấy sự yên bình trong sự hiện diện của Chúa. Giờ khắc riêng tư cùng Chúa Jesus là một điều vô cùng đẹp đẽ. Tôi đã thấy sự thay đổi lớn trong giáo đoàn của chúng tôi từ ngày chúng tôi bắt đầu xưng tụng mỗi ngày. Tình yêu của chúng tôi dành cho Chúa Jesus ngày càng thân thiết hơn. Tình yêu của chúng tôi dành cho nhau ngày càng cảm thông hơn. Tình yêu của chúng tôi dành cho người nghèo cũng ngày càng xót thương hơn.
Các anh chị em đạo hữu của chúng tôi làm việc cho những người cùng cực nhất – những người bệnh tật, hấp hối, phong cùi, những đứa trẻ bị bỏ rơi… Nhưng tôi có thể nói với bạn rằng trong tất cả những năm tháng ấy, tôi chưa từng nghe người nghèo càu nhàu nguyền rủa, cũng chưa từng thấy ai trong số họ ngã lòng vì sầu muộn. Người nghèo là những người cao cả, họ có thể chấp nhận những điều rất khó khăn đến với mình.
Sự lãnh đạm của những người đi qua mà không cứu lấy những mảnh đời cùng cực là lời xác nhận cho sự kém hiểu biết và thiếu đức tin. Nếu tin rằng người nằm trên nền đất là anh chị em của mình, tôi nghĩ chắc chắn họ sẽ làm một điều gì đó. Đáng tiếc là họ không biết lòng trắc ẩn là gì, và họ không hiểu được những con người đó cũng chính là con cái của Thiên Chúa. Nếu họ hiểu, họ sẽ ngay lập tức ý thức được sự cao quý của những con người đang nằm vất vưởng bên lề đường kia. Họ sẽ yêu những người ấy một cách tự nhiên, và tình yêu ấy sẽ dẫn dắt họ chìa tay ra để phục vụ.
Đối với thế giới, dường như thật ngốc nghếch làm sao khi chúng tôi thích thú tận hưởng những thức ăn nghèo khó, ăn những món bánh nhạt nhẽo và khô khan; chỉ có ba bộ áo bằng vải thô hay những chiếc áo dòng cũ kỹ vá chằng vá đụp mà lại còn từ chối có thêm; đi giày bất kể hình dáng và màu sắc gì; chỉ tắm rửa bằng một thùng nước trong phòng tắm nhỏ; không dùng quạt trong khi nóng toát mồ hôi; chịu đói khát; không giải trí để giải tỏa căng thẳng sau một ngày làm việc vất vả; đi trong mưa và nắng nóng; đi xe đạp, đi những chặng đường dài bằng xe lửa hạng hai, những chuyến tàu đông đúc hạng ba; từ bỏ nệm êm chăn ấm làm dịu êm cơ thể mỏi mệt để quỳ gối trên những tấm thảm mỏng và thô nhám trong phòng nguyện; vui sướng được nằm trong bệnh viện giữa những người nghèo của Chúa. Chúng tôi có thể dễ dàng có phòng riêng, có thể dễ dàng thuê người giúp việc để bản thân chỉ làm những việc nhẹ. Đối với nhiều người, chúng tôi đã lãng phí thời gian quý giá và chôn vùi tài năng của chúng tôi.
Vâng, cuộc sống của chúng tôi là hoàn toàn lãng phí nếu chỉ soi xét dưới ánh sáng của lý trí. Cuộc sống của chúng tôi sẽ vô nghĩa, trừ phi chúng tôi nhìn thấy Chúa Jesus trong cảnh nghèo khó của Ngài.
Công việc cao đẹp của chúng tôi với người nghèo và vì người nghèo là một đặc ân và là một món quà của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đến với người nghèo bằng tình yêu, với khát vọng trao Chúa cho họ, mang niềm vui của Chúa Jesus (vốn là sức mạnh của chúng ta) đến nhà của họ; và nếu họ nhìn thấy trong chúng ta bản thân Chúa cùng tình yêu và lòng trắc ẩn của Ngài, thì thế gian này sẽ tràn đầy tình yêu và hòa bình.
Quả thực, sự dịu dàng trong tình yêu của Chúa là điều phi thường nhất. Khi nhìn vào cây thánh giá, chúng ta biết Chúa Jesus yêu ta biết nhường nào. Khi nhìn vào tủ đựng bánh thánh, chúng ta biết Ngài yêu chúng ta đến nhường nào. Hãy ở một mình bên Chúa, rồi thì trái tim bạn sẽ cảm nhận được niềm vui mà chỉ Chúa mới có thể cho bạn.
Hãy mang tình yêu với Chúa vào cuộc sống của bạn. Bạn sẽ nhận thấy một sự đổi thay trong cuộc sống ấy, trong gia đình bạn, trong giáo xứ của bạn và trong môi trường của bạn. Giáo hội là mỗi người trong chúng ta – là bạn và tôi.
Chúa Jesus đã nói: “Ta đã gọi con bằng chính tên con. Con là của ta. Con là báu vật trong mắt ta. Ta yêu con”. Nếu bạn yêu Chúa Jesus, bạn sẽ dễ dàng thuộc về Chúa trọn vẹn và trao tặng Chúa cho tất cả những ai mà bạn thấy.
Chúa yêu tôi. Tôi không ở đây chỉ để điền vào chỗ trống, để chỉ là một con số trong cuộc đời này. Ngài đã chọn tôi cho một mục đích, và tôi biết mục đích đó.
Lạy Chúa:
Xin hãy giúp con chiếu tỏa ánh sáng của Chúa bất cứ nơi nào con đi qua.
Xin hãy đổ tràn trong tâm hồn con Thánh Thần và sự sống của Ngài.
Xin hãy xâm nhập và làm chủ trọn vẹn bản thân con, sao cho trọn đời con chỉ có thể là ánh hào quang của Ngài.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua con và hiện diện trong con, sao cho mỗi tâm hồn mà con gặp có thể cảm nhận được sự hiện diện của Ngài trong con.
Lạy Chúa, xin hãy để người khác khi nhìn vào con, sẽ không thấy con mà chỉ thấy Ngài thôi!
Xin hãy ở lại với con và lúc đó con sẽ bắt đầu chiếu tỏa như Ngài đã làm, để sự chiếu tỏa đó thành ánh sáng cho người khác.
Lạy Chúa, ánh sáng đến hoàn toàn từ Chúa, không có gì trong ánh sáng ấy là của con. Chính Chúa là Đấng soi sáng kẻ khác qua con.
Xin hãy để con tỏ lòng tôn kính Ngài theo cách mà Ngài muốn, bằng sự chiếu sáng vào những người sống quanh con.
Xin hãy để con rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói mà bằng gương sống, với sức thu hút mạnh mẽ và sự lôi cuốn của lòng cảm thông từ những việc con làm, một bằng chứng trọn vẹn cho tình yêu mà trái tim con dành cho Chúa.
Amen.
- ĐỨC HỒNG Y JOHN HENRY NEWMAN
(Một trong những lời cầu nguyện yêu thích nhất của Mẹ Teresa, được cầu nguyện hàng ngày trong Hội Truyền giáo Bác ái.)
Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối mà sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống.
- CHÚA JESUS NÓI VỚI NGƯỜI DO THÁI (JOHN 8;12)