Phần thưởng mà Chúa ban tặng cho sự hy sinh bản thân của chúng ta là chính Ngài.
- MẸ TERESA
Tất cả những ai đang vất vả mang lấy gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi.
Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng nhân hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi thì nhẹ nhàng.
CHÚA JESUS (MATTHEW 11;28-30)
Ý nghĩ của tôi thường hướng về những người đang phải chịu những bất hạnh, những đau đớn trong cuộc sống. Họ mới thật sự là những anh hùng, bởi sự chịu đựng ấy thật to lớn so với những khó khăn, trở ngại nhỏ nhoi của tôi.
Những người đau đớn trong bệnh tật, khổ đau trong bao thử thách to lớn của cuộc đời, hãy trú ẩn trong trái tim của Chúa. Ở đó, tôi và bạn sẽ tìm thấy sự bình an, tình yêu và sức mạnh.
Thỉnh thoảng, khi công việc của tôi quá khó khăn, tôi lại nghĩ đến các em bé ốm đau, côi cút trong nhà tôi, và tôi nói cùng Chúa: “Xin hãy nhìn những đứa trẻ của Ngài đang phải chịu khổ đau, và xin hãy trợ giúp cho công việc của con, vì chúng”. Tôi cảm thấy được an ủi ngay lập tức. Bạn thấy đấy, những đứa trẻ ấy là kho báu ẩn mình của chúng tôi, là sức mạnh bí mật của Hội Truyền giáo Bác ái. Tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc, và một sức mạnh mới bao trùm lên tâm hồn tôi.
Chỉ mới đây thôi, một “cơn bão” từ thiện đã đổ về Bengal. Thức ăn và quần áo được gửi đến từ khắp nơi trên thế giới - từ trường học, các công sở, từ những người đàn ông, phụ nữ, và cả trẻ em - để giúp người dân nơi đây chống chọi thảm họa gió mùa. Gió mùa thật khủng khiếp, nhưng nó mang lại điều đẹp đẽ. Nó mang đến sự chia sẻ. Nó mang đến sự quan tâm và ý thức rằng những người anh em của chúng ta đang chịu đau khổ vì thiên tai. Nhiều người đã quyết định làm điều gì đó để giúp đỡ. Có người nấu nướng tại nhà và chia sẻ với những người đói khát. Thật tuyệt khi được minh chứng rằng một điều không mấy tốt đẹp như một cơn bão, một đợt gió mùa lại giúp mang lại những tình cảm ấm áp, tốt đẹp như vậy trong trái tim nhiều người.
Nỗi đau không bao giờ hoàn toàn biến mất trong cuộc sống của chúng ta. Vì thế, đừng sợ đau khổ. Nỗi đau khổ của bạn là một phương tiện vĩ đại của tình yêu nếu bạn biết tận dụng nó, đặc biệt là nếu nỗi đau ấy là vì nền hòa bình trên thế giới. Tự đau khổ vì bản thân mình thật vô ích, nhưng sự đau khổ khi được chia sẻ với cuộc thương khó của Chúa Jesus lại là món quà tuyệt vời và là dấu hiệu của tình yêu. Nỗi đau của Chúa đã được chứng minh là một món quà, món quà cao đẹp nhất của tình yêu, vì thông qua nỗi đau của Ngài mà chúng ta chuộc được các lỗi lầm.
Thống khổ, đau đớn, phiền muộn, bẽ bàng, cô độc không là gì cả ngoài nụ hôn của Chúa Jesus – một dấu hiệu rằng bạn đã đến gần Ngài để Ngài có thể hôn bạn.
Hãy nhớ rằng cuộc thương khó của Chúa Jesus luôn chấm dứt trong niềm vui phục sinh của Ngài, vì thế khi bạn cảm thấy trong trái tim bạn nỗi đau của Chúa Jesus, hãy nhớ rằng sự phục sinh sẽ đến. Đừng bao giờ để điều gì lấp đầy bạn với nỗi phiền muộn khiến bạn quên đi niềm vui phục sinh của Chúa.
Trong hai mươi lăm năm, chúng tôi đã đưa bàn tay mình ra để giúp đỡ hơn ba mươi sáu ngàn người sống lay lắt trên đường phố, và giúp cho hơn mười tám ngàn người có một cái chết trong tình yêu thương và sự an lành.
Khi đưa những con người đau khổ ấy ra khỏi đường phố, chúng tôi cho họ cơm ăn. Cách đây vài đêm, chúng tôi đã nhặt được bốn người và đưa về nhà mở của mình. Một người trong số đó đang trong tình trạng thật tồi tệ: trên mình đầy thương tích và giòi bọ. Tôi bảo các chị em nữ tu rằng tôi sẽ chăm sóc người phụ nữ này trong khi họ chăm lo cho ba người kia. Và tôi thực sự đã làm điều đó với tất cả lòng yêu thương. Tôi đặt người phụ nữ ấy lên giường. Và rồi cô nắm lấy tay tôi. Một nụ cười thật đẹp xuất hiện trên gương mặt cô khi cô ấy thì thầm: “Cám ơn”, rồi tắt thở.
Thật là một sự cao cả của tình yêu. Người phụ nữ ấy đói tình yêu, và cô đã nhận được tình yêu đó trước khi từ giã cõi đời. Cô chỉ nói hai tiếng thôi, nhưng sự thấu hiểu tình yêu của cô đã được biểu lộ trọn vẹn trong hai tiếng đó.
Ở New York, chúng tôi có một ngôi nhà dành cho bệnh nhân AIDS – những người đang hấp hối vì thứ mà tôi gọi là “bệnh phong hủi của phương Tây”. Tôi bắt đầu mở ngôi nhà này vào đêm Giáng sinh như một món quà dâng lên Chúa Jesus nhân sinh nhật của Ngài. Chúng tôi bắt đầu với mười lăm giường cho những bệnh nhân AIDS nghèo đói và bốn thanh niên mà chúng tôi đã đem ra khỏi nhà giam vì họ không muốn chết ở đó. Họ là những vị khách đầu tiên của chúng tôi. Tôi đã làm một nhà nguyện nhỏ cho họ. Ở đó, những thanh niên này vốn không gần gũi với Chúa Jesus trước đây có thể quay lại với Ngài nếu họ muốn. Tạ ơn phước lành và tình yêu của Chúa, trái tim của họ đã hoàn toàn thay đổi.
Một lần tôi đến thăm khi một người trong số họ phải vào bệnh viện. Anh ta nói với tôi: “Mẹ Teresa, Mẹ là bạn của tôi. Tôi muốn nói riêng với Mẹ điều này”. Thế là các chị nữ tu đi ra, và anh ta bắt đầu nói. Người đàn ông đó nói gì với tôi? Đó là một người chưa bao giờ xưng tội hay lãnh nhận bí tích Thánh thể trong suốt hai mươi lăm năm của cuộc đời mình. Trong tất cả những năm tháng ấy, anh ta chẳng có gì để làm với Chúa Jesus. Anh ta nói với tôi: “Mẹ biết không, Mẹ Teresa, khi tôi bị một cơn đau đầu khủng khiếp, tôi so sánh nó với nỗi đau mà Chúa Jesus phải chịu khi bọn chúng đội cho Ngài vương miện vòng gai. Khi tôi bị đau lưng ghê gớm, tôi so sánh nó với cơn đau của Chúa Jesus khi bị roi quất vào. Khi tôi bị đau tay và chân không chịu nổi, tôi lại so sánh nó với nỗi đau của Chúa khi bọn chúng đóng đinh Ngài trên cây thánh giá. Tôi xin Mẹ hãy đưa tôi về nhà. Tôi muốn được chết bên Mẹ”.
Tôi đã được các bác sĩ cho phép mang anh ta về nhà cùng tôi. Và tôi đưa anh ta đến nhà nguyện. Chưa bao giờ tôi nghe có ai đó nói với Chúa như người thanh niên này đã nói. Có một tình yêu đầy cảm thông giữa anh ta và Chúa Jesus. Ba ngày sau đó, anh ta qua đời.
Thật khó có thể hiểu được sự thay đổi mà người thanh niên đó đã trải qua. Điều gì đã mang đến sự thay đổi đó? Có lẽ tình yêu thương đầy dịu dàng của các nữ tu đã giúp anh ta hiểu rằng Chúa yêu thương anh ta.
Có một chuyện đã xảy ra cho một nữ tu của chúng tôi khi cô ấy được gửi đi học. Vào ngày chuẩn bị nhận bằng, cô ấy qua đời. Khi hấp hối, cô ấy hỏi: “Tại sao Chúa Jesus lại gọi tôi nhanh như vậy?”. Và bề trên của cô trả lời: “Chúa Jesus cần con, chứ không phải công việc của con”. Cô ấy đã hoàn toàn thanh thản và hạnh phúc sau câu nói đó.
Vào khoảnh khắc của cái chết, chúng ta sẽ không được phán xét dựa trên khối lượng công việc chúng ta đã làm, mà bởi sức nặng của tình yêu mà chúng ta đặt vào công việc đó. Tình yêu ấy nên bắt nguồn từ sự hy sinh bản thân, và nó phải được cảm nhận ở điểm đau đớn.
Cái chết, suy cho cùng chính là con đường nhanh nhất và dễ dàng nhất để trở về với Chúa. Giá như chúng ta có thể làm cho mọi người hiểu rằng chúng ta đến từ Chúa và rằng chúng ta phải trở về với Chúa!
Cái chết chính là khoảnh khắc quyết định trong cuộc đời của mỗi con người chúng ta. Nó giống như lễ đăng quang của chúng ta: chết trong thanh bình với Chúa.
Cái chết có thể là một điều đẹp đẽ. Nó giống như một chuyến trở về nhà. Với người thanh niên kể trên, anh ta đã trở về nhà Chúa.
Tôi thấy mình mỏi mòn vì nỗi khát khao được trông thấy Thiên Chúa, và tôi biết không có cách nào để tìm được sự sống ấy ngoài con đường đi qua cái chết. Nơi tâm linh tôi lóe sáng và ẩn hiện trong ánh sáng thần linh những tầm nhìn rạng ngời và vinh quang của thế giới mà tôi đến.
- THÁNH TERESA AVILA