Sứ mệnh của chúng tôi là làm lan tỏa tình yêu của Chúa – không phải là một vị Chúa đã chết trên cây thập giá, mà là một Đấng tối cao đang sống – vị Chúa của tình yêu.
- MẸ TERESA
Hãy dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.
- CHÚA JESUS HIỆN RA NÓI VỚI MÔN ĐỆ (MATTHEW 28;20)
Chúng ta không nên quan tâm đến công cụ Chúa đã dùng để nói với chúng ta, mà hãy quan tâm đến những điều Ngài đang nói. Tôi chỉ là một cây bút chì nhỏ trong bàn tay Thiên Chúa. Ngày mai, nếu Ngài tìm thấy một người nào đó yếu ớt hơn, vô vọng hơn tôi, tôi nghĩ Ngài sẽ làm những điều cao cả hơn cho người đó so với những gì Ngài đã làm với tôi.
Tất cả chúng ta đều biết rằng có một Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể quay lại và bảo Ngài: “Thưa Cha, hãy giúp con. Con muốn thánh thiện, con muốn tốt đẹp, con muốn yêu thương”. Thánh thiện - đó không phải là món hàng xa xỉ chỉ dành cho một số ít người. Nó dành cho bạn, cho tôi và cho tất cả chúng ta. Nó là một bổn phận giản dị, vì nếu chúng ta biết yêu thương, chúng ta biết cách trở nên thánh thiện.
Bước đầu tiên để trở nên thánh thiện là mong muốn điều đó. Jesus muốn chúng ta thánh thiện như Chúa Cha. Để làm được điều đó, chúng ta phải thực hiện ước nguyện của Chúa với niềm vui.
“Tôi muốn thánh thiện” có nghĩa là: Tôi sẽ từ bỏ mọi thứ không thuộc về Chúa. Tôi sẽ từ bỏ bản thân tôi và dọn sạch khỏi trái tim những ham muốn vật chất. Tôi sẽ từ bỏ những đam mê của riêng tôi, từ bỏ những ham muốn nhất thời và lòng không kiên định, để trở thành người trung thành với ý nguyện của Chúa.
Để trở nên thánh thiện, chúng ta cần khiêm nhường và cầu nguyện. Chúa Jesus đã dạy ta cách cầu nguyện, và Ngài cũng bảo ta học hỏi từ Ngài để trở nên nhã nhặn và khiêm nhường. Chúng ta không thể làm được những điều này trừ phi chúng ta biết yên lặng là gì. Cả sự khiêm nhường và lời cầu nguyện đều bắt nguồn từ đôi tai, từ tâm trí và chiếc lưỡi đã sống trong thinh lặng cùng với Chúa, vì trong sự yên lặng của trái tim, Chúa cất lên tiếng nói.
Chúng ta hãy thực sự đón nhận khó khăn để có được bài học về lòng thánh thiện từ Chúa Jesus – người có một trái tim nhân ái và khiêm tốn. Bài học đầu tiên từ trái tim này là kiểm tra lương tâm của chúng ta, và theo sau đó là tình yêu và sự phục vụ.
Kiểm tra không phải là công việc của riêng chúng ta, mà là sự hợp tác giữa chúng ta cùng Chúa Jesus. Chúng ta không nên lãng phí thời gian cho việc vô ích là nhìn vào nỗi khổ cực của chúng ta, mà hãy dâng trái tim ta cho Chúa và để ánh sáng của Ngài soi rọi chúng ta.
Nếu bạn khiêm nhường, không điều gì chạm được vào bạn, dù đó là lời tán dương hay sự ghét bỏ, vì bạn biết rõ bạn là ai. Nếu bạn bị buộc tội, bạn sẽ không nản chí. Nếu ai đó gọi bạn là vị thánh, bạn cũng không tự ngưỡng mộ mình.
Không phải anh em đã chọn Thầy, mà chính Thầy đã chọn anh em…
- CHÚA JESUS HIỆN RA NÓI VỚI MÔN ĐỆ (John 15;16)
Tôi có cảm giác rằng cuộc thương khó(*) của Chúa Jesus luôn được tái hiện ở khắp mọi nơi. Chúng ta đều yêu mến Ngài, nhưng liệu có sẵn lòng chia sẻ cuộc thương khó ấy với Ngài hay không? Chúng ta có thật sự cảm thông với nỗi khổ đau của người đời, không chỉ những người đói ăn, thiếu mặc ở những nước nghèo, mà là nỗi đói khổ trên toàn thế giới? Với tôi, sự thống khổ về tinh thần, sự nghèo đói tình thương của thế giới phương Tây còn khó giải quyết hơn cả cái đói khát cơm áo thường nhật của những nước nghèo châu Á, châu Phi hay những nơi tận cùng thế giới. Khi tôi bắt gặp một người sắp chết đói bên đường, tôi có thể mang cho anh ta một chén cơm hay mẩu bánh mì là đã thỏa mãn được cơn đói của anh. Nhưng với một con người nản chí, cảm thấy mình vô ích hay không được yêu thương, hoặc một người lòng đầy lo sợ bị xã hội ruồng bỏ, thì người đó đang trải nghiệm một sự nghèo khổ còn đau đớn và sâu sắc hơn nhiều. Tìm phương thuốc cho sự thống khổ đó cũng khó hơn gấp vạn lần.
(*) Theo Kinh Thánh, Chúa Jesus đã phải chịu cuộc thương khó: bị một môn đệ phản bội, trải qua những giây phút cô đơn trước lúc lâm chung, bị đám thượng tế người Do Thái bắt giữ và chịu khổ hình theo lệnh của đế chế La Mã; bị đóng đinh vào cây thánh giá, bị đánh đập, hành hạ, phỉ báng... Chúa Jesus đã chết trên cây thánh giá và sau đó ba ngày, Ngài Phục Sinh.
Người đời khao khát Chúa. Người đời luôn đói khát tình yêu. Chúng ta có ý thức được điều đó? Chúng ta có thấy điều đó? Đôi mắt chúng ta có thực sự nhận ra điều đó không? Nhiều khi chúng ta nhìn, song chúng ta không thấy. Vì vậy, hãy dùng cả trái tim cho đôi mắt mình. Có như vậy, bạn mới thấy được nỗi đau và sự thống khổ của thế gian này.
Vì không thể nhìn thấy Thiên Chúa, nên chúng ta chẳng thể bày tỏ tình yêu đối với Ngài. Nhưng chúng ta nhìn thấy đồng loại của mình, và chúng ta có thể làm cho họ những gì chúng ta sẽ làm cho Chúa Jesus nếu Ngài xuất hiện. Chúng ta hãy mở lòng với Chúa, để Ngài có thể dùng đến chúng ta như một công cụ yêu thương trong tay Ngài. Điều chúng ta cần làm, đó là hãy đặt tình yêu vào hành động. Chúng ta hãy bắt đầu với gia đình mình, với những người xóm giềng gần gũi. Điều này nghe có vẻ thật khó, nhưng đó chính là công việc của chúng ta trong vai trò là cộng sự của Chúa Jesus.
Để yêu thương một người, chúng ta phải đến gần và thấu hiểu người đó. Đừng đợi để làm điều gì đó to tát hơn, đừng đợi để yêu thật nhiều người. Hãy bắt đầu với một con người cụ thể. Với tôi, mỗi con người trên thế giới này đều là duy nhất.
Ước nguyện toàn vẹn mà Chúa dành cho chúng ta là: phải trở nên thánh thiện. Lòng thánh thiện là món quà lớn nhất mà Chúa có thể dành cho chúng ta, vì Ngài đã tạo ra chúng ta. Sự phục tùng, đối với một người có tình yêu, còn hơn là một bổn phận, đó là bí quyết của lòng thánh thiện.
Tất cả chúng ta đều được gọi nên thánh. Nghe có vẻ thật lớn lao, nhưng không có gì phi thường về lời kêu gọi này cả. Tất cả chúng ta đều được tạo ra trong hình ảnh của Chúa để yêu thương và được yêu thương.
Chúa Jesus mong muốn sự hoàn thiện của chúng ta với nhiệt tâm không tả xiết. “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (Kinh thánh – Thư thứ I gửi tín hữu Thessalonians). Tâm linh Ngài ngập tràn một niềm khát khao mãnh liệt được thấy chúng ta ngày càng thánh thiện.
Hàng ngày chúng ta phải làm mới lại quyết tâm của mình và tự đánh thức lòng nhiệt thành đối với cuộc sống, như thể đó là ngày đầu tiên chúng ta được nhìn thấy vầng mặt trời, thấy chim muông và hoa cỏ tươi đẹp. Hãy bắt đầu ngày mới bằng cách nói: “Lạy Chúa, xin Ngài hãy giúp con, hãy cho con ơn huệ để sống tốt hơn, để làm được nhiều hơn, vì những gì con đã làm được đến nay không là gì cả”. Chúng ta không thể làm mới mà không có sự khiêm nhường để nhận ra chúng ta chỉ là những hạt cát nhỏ nhoi cần có niềm tin và ơn phước để chiến thắng bản thân và chiến thắng lòng người.
Đừng sợ. Cuộc sống phải có nỗi thống khổ, phải có sự đau đớn – một dấu hiệu rõ ràng là Chúa Jesus đã kéo bạn đến gần trái tim của Ngài đến mức Ngài có thể chia sẻ nỗi đau đớn của Ngài cùng bạn. Không có Chúa, chúng ta chỉ có thể trải rộng nỗi đau khổ xung quanh chúng ta mà thôi.
Tất cả chúng ta đều nóng lòng mong đợi được lên thiên đường nơi Chúa đang ngự trị, nhưng chúng ta có khả năng được ở thiên đường cùng Ngài ngay từ bây giờ, để hạnh phúc cùng Ngài ngay trong khoảnh khắc hiện tại. Thế nhưng, hạnh phúc cùng Ngài bây giờ có nghĩa là yêu thương như Ngài yêu thương, giúp đỡ như Ngài giúp đỡ, ban tặng như Ngài ban tặng, phục vụ như Ngài phục vụ, cứu rỗi như Ngài cứu rỗi, ở cùng Ngài hai mươi bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày, chạm vào Ngài dưới một hình hài đau khổ mà Ngài đã ngụy trang.
Chúa Jesus sẽ cùng bạn làm những điều cao cả nếu bạn để cho Ngài làm điều đó, và nếu bạn không cố cản trở Ngài. Chúng ta cản trở những dự định của Chúa khi chúng ta chỉ biết đến bản thân mình, chỉ sống cho mình mà thôi. Hãy nghiêm khắc với bản thân bạn, và hãy cẩn trọng với việc chỉ biết nhận mà không biết cho đi. Con người có thể nên thánh bởi những ý tưởng tuyệt vời, những điều đẹp đẽ, vì vậy, phải kiên quyết dẹp bỏ bất cứ điều gì kéo bạn ra khỏi thực tại của những điều mà bạn đã trao cho Chúa.
Hãy xin Chúa ở bên ta trong những khoảnh khắc cám dỗ. Đừng ngại, Thiên Chúa yêu thương chúng ta và không bao giờ quên giúp chúng ta - những đứa con bé nhỏ của Ngài. Nếu bạn hiểu được tình yêu dịu dàng của Chúa, bạn sẽ nhận thấy rằng trên đời này không có gì để tuyệt vọng hay nản chí. Bạn là điều quý giá đối với Thiên Chúa. Ngài yêu bạn, và tình yêu ấy sâu sắc đến nỗi Ngài đã khắc bạn lên lòng bàn tay. Khi bạn thấy tim mình thao thức, khi bạn thấy tim mình tổn thương, khi bạn thấy tim mình đổ vỡ, hãy luôn tâm niệm: “Ta là điều quý giá đối với Thiên Chúa. Ngài yêu ta. Ngài đã gọi ta bằng tên ta. Ta là của Ngài. Ngài thực sự yêu ta”. Và để chứng minh tình yêu đó mà Chúa đã chết trên cây thánh giá. Tất cả là vì chúng ta.
Ở Ấn Độ, một số quan chức có hỏi tôi rằng: “Không phải Mẹ muốn biến tất cả chúng tôi thành người Thiên Chúa giáo đấy chứ?”. Tôi trả lời: “Đương nhiên là tôi muốn ban tặng kho báu mà tôi có cho mọi người, nhưng tôi không thể. Tôi chỉ có thể cầu nguyện cho mọi người mà thôi”.
Một lần khác, có người hỏi tôi: “Tại sao Mẹ lại ra nước ngoài? Chẳng lẽ Mẹ không có đủ người nghèo ở Ấn Độ sao?”. Thế là tôi trả lời: “Chúa Jesus bảo chúng tôi đi và thuyết giảng cho mọi người ở tất cả các quốc gia”. Đó là lý do tại sao chúng tôi đi khắp thế giới để rao giảng tình yêu và lòng trắc ẩn của Ngài.
Lại lần khác nữa, một bác sĩ Ấn Độ, khi thấy cảnh một nữ tu chăm sóc cho người bệnh mà giới y khoa đã tuyên bố là vô phương cứu chữa, đã nói: “Tôi đã đến đây mà không có Chúa, nhưng bây giờ tôi trở về cùng Chúa”.
Công việc lương tâm được thực hiện bằng sự tự nguyện và tình yêu. Bạn hãy đem nó cho người khác, họ sẽ thấm thía điều đó.
Giây phút tôi nhận biết Thiên Chúa hiện hữu, tôi biết tôi không thể làm gì khác hơn ngoài việc sống cho riêng mình Ngài…
Đức tin tước bỏ mặt nạ khỏi thế giới này và biểu lộ Thiên Chúa trong vạn vật. Đức tin làm cho không gì là không thể, và làm cho những từ ngữ như lo âu, nguy hiểm và sợ hãi trở nên vô nghĩa, nhờ đó người tín hữu sống cuộc đời thanh bình và yên ả, với một niềm vui bất tận - như con trẻ trong vòng tay âu yếm của mẹ.
- CHARLES DE FOUCAULD