TÔI BẮT ĐẦU VIẾT cuốn sách này ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống – sau khi tôi và Michelle lên chuyên cơ Không lực Một lần cuối và bay về hướng tây để bắt đầu thời gian nghỉ ngơi vốn đã bị trì hoãn quá lâu. Tâm trạng trên chuyến bay đầy xốn xang. Cả hai chúng tôi đều kiệt quệ, cả sức lực lẫn cảm xúc, không chỉ bởi tám năm lao động miệt mài vừa qua mà còn bởi kết quả bầu cử không như mong đợi, khi một người hoàn toàn chống lại mọi thứ mà chúng tôi ủng hộ đã được chọn làm người kế nhiệm tôi. Dù thế, sau khi đã hoàn tất chặng đua của mình, chúng tôi chọn cách hài lòng khi biết rằng mình đã làm hết sức – và rằng dù có bao nhiêu điều chưa đạt được trên cương vị tổng thống đi nữa, dù có những dự án tôi đã đặt nhiều hy vọng nhưng đã không hoàn thành, đất nước này cũng đã mang một dáng vóc tốt hơn so với thời điểm tôi bắt đầu công việc. Trong suốt một tháng, tôi và Michelle dậy muộn, ăn tối thư thả, dạo bộ thật lâu, đi tắm biển, ngẫm lại đường đời, vun vén lại tình thân, khám phá lại tình yêu và lên kế hoạch cho hồi sau tuy ít sự kiện hơn nhưng hy vọng sẽ không kém mãn nguyện. Cho tới lúc tôi sẵn sàng trở lại làm việc và ngồi xuống cùng với một cây bút và sổ ghi chép màu vàng (tôi vẫn thích dùng bút viết ra mọi thứ, vì nhận thấy máy tính biến những bản nháp thô nhất của tôi trở nên quá trơn tru và khoác lên những ý nghĩ chưa thấu đáo lớp mặt nạ của sự tinh tươm), trong đầu tôi đã có một dàn ý mạch lạc cho cuốn sách.
Đầu tiên và trên hết, tôi hy vọng có thể kể lại một cách chân thực thời gian tại nhiệm của tôi – không chỉ là một ghi chép có tính lịch sử về những sự kiện quan trọng diễn ra dưới sự giám sát của tôi và về những nhân vật quan trọng tương tác với tôi mà còn có cả những dòng chảy chính trị, kinh tế và văn hóa đan chéo nhau đã giúp định hình nên những thách thức mà chính quyền của tôi đã phải đối mặt và những lựa chọn mà tôi cùng với đội ngũ của mình đã thực hiện để đối phó. Những lúc có thể, tôi muốn truyền cho bạn đọc cảm giác làm tổng thống của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ là như thế nào; tôi muốn vén tấm màn lên một chút và lưu ý với mọi người rằng, với tất cả quyền lực và sự hào nhoáng, làm tổng thống vẫn chỉ là một công việc và chính quyền liên bang của chúng ta là một tổ chức của con người giống như bất kỳ tổ chức nào khác, những người làm việc trong Nhà Trắng cả nam lẫn nữ đều trải nghiệm cùng những sự thỏa mãn, nỗi thất vọng, những va chạm chốn công sở, những chuyện ngớ ngẩn và những thắng lợi nho nhỏ như các công dân đồng bào khác. Cuối cùng, tôi muốn kể một câu chuyện cá nhân hơn, qua đó có thể truyền cảm hứng cho lớp trẻ đang cân nhắc con đường phụng sự công quyền: sự nghiệp chính trị của tôi thực sự đã bắt đầu như thế nào với việc tìm kiếm một nơi chốn phù hợp, một giải thích về những khía cạnh khác nhau trong di sản pha trộn của tôi, và quá trình chỉ bằng cách gắn mình với những gì lớn lao hơn bản thân, cuối cùng tôi đã có thể tìm được một cộng đồng và mục đích cho cuộc đời mình.
Tôi đã hình dung mình có thể làm tất cả những điều đó trong phạm vi có lẽ là năm trăm trang. Tôi đã dự tính có thể làm xong trong một năm.
Công bằng mà nói thì tiến trình viết lách không đi đúng như những gì tôi đã lên kế hoạch. Bất kể những dự định sát sao nhất của tôi, cuốn sách cứ mỗi ngày một dày lên và có quy mô lớn hơn – lý do tại sao cuối cùng tôi quyết định tách ra làm hai tập. Tôi đau khổ nhận ra rằng một người viết tài năng hơn có thể đã tìm ra cách kể cùng câu chuyện đó khúc chiết hơn (hóa ra, phòng làm việc riêng của tôi tại Nhà Trắng nằm kế bên Phòng ngủ Lincoln, nơi một bản sao có chữ ký của bài Diễn văn Gettysburg dài 272 từ nằm trong tủ kính). Nhưng mỗi lần tôi ngồi viết – dù là diễn tả các giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử, hay việc chính quyền đối phó khủng hoảng tài chính, hay đàm phán với người Nga về kiểm soát vũ khí hạt nhân, hay những lực lượng đã dẫn tới Mùa xuân Ả-rập – tôi chợt thấy như mình cứ cưỡng lại cái lối kể tuyến tính đơn điệu. Rất thường xuyên, tôi thấy mình có nghĩa vụ cung cấp bối cảnh dẫn tới các quyết định mà tôi và những người khác đã chọn, và tôi không muốn dồn các thông tin nền ấy vào những chú thích ở cuối trang hoặc cuối sách (tôi ghét cả hai loại chú thích này). Tôi phát hiện ra rằng không phải lúc nào cũng có thể giải thích các động cơ hành động của tôi chỉ bằng cách tham khảo hàng loạt dữ liệu kinh tế hoặc gợi nhớ lại một cuộc họp giao ban xem xét mọi khía cạnh tại Phòng Bầu dục, do các động lực đó được hình thành nhờ một cuộc đối thoại giữa tôi với một người lạ trên hành trình tranh cử, trong một chuyến thăm bệnh viện quân y, hay trong một bài học tuổi thơ tôi nhận được từ mẹ mình. Một cách lặp đi lặp lại, ký ức tôi cứ tung tẩy với những chi tiết có vẻ ngẫu nhiên (loay hoay tìm một chỗ kín đáo để kéo vài hơi thuốc vào buổi tối; tôi và nhân viên cười sảng khoái khi chơi bài trên chiếc Không lực Một) đã ghi lại những trải nghiệm sống của tôi trong tám năm ở Nhà Trắng, theo cách mà các thư khố không bao giờ có được.
Bên cạnh cuộc vật lộn để xếp chữ lên một trang giấy, điều mà tôi không hề tiên liệu đầy đủ là những sự việc xảy ra trong suốt khoảng thời gian ba năm rưỡi sau chuyến bay cuối cùng trên chiếc Không lực Một ấy. Khi tôi ngồi đây, đất nước vẫn đang trong vòng xoáy của một đại dịch toàn cầu và cuộc khủng hoảng kinh tế đi kèm, với hơn 178.000 người Mỹ tử vong, các doanh nghiệp đóng cửa và hàng triệu người mất việc. Khắp đất nước, người dân thuộc mọi tầng lớp đã đổ xuống đường để phản đối việc những người đàn ông và phụ nữ Da đen(1) không mang vũ khí chết trong tay cảnh sát. Có lẽ đáng lo ngại nhất là nền dân chủ của chúng ta dường như đang loạng choạng bên bờ vực khủng hoảng – một cuộc khủng hoảng có căn nguyên từ va chạm giữa hai cách nhìn đối lập nhau về vấn đề nước Mỹ là gì và nó nên như thế nào; một cuộc khủng hoảng đã khiến cơ thể chính trị bị chia rẽ, giận dữ và mất lòng tin, rồi từ đó cho phép xảy ra hành vi vi phạm liên tục các chuẩn mực thể chế, các biện pháp bảo vệ theo thủ tục và sự tôn trọng đối với các thực tế cơ bản mà cả Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ từng coi là đương nhiên.
(1) Tác giả viết hoa chữ “Black” (đen, da đen) khi đề cập đến văn hóa, chủng tộc, trong khi viết thường chữ “white” (trắng, da trắng). Lựa chọn này được coi là xuất phát từ cuộc vận động viết hoa chữ Negro (cách gọi cũ chỉ người Da đen) của W.E.B. Du Bois và đến nay được nhiều tổ chức, cá nhân tại Mỹ (như hãng tin AP, The New York Times…) hưởng ứng.
Tất nhiên cuộc tỉ thí này không hề mới. Trên nhiều phương diện, nó thể hiện đặc tính của trải nghiệm Mỹ. Nó thấm sâu vào các văn kiện lập quốc vừa tuyên bố tất cả mọi người đều bình đẳng lại vừa coi một nô lệ chỉ bằng ba phần năm một con người. Nó biểu lộ trong các ý kiến sớm nhất của tòa án, khi mà chánh án Tòa án Tối cao thẳng thừng giải thích với người Mỹ bản địa(2) rằng quyền của bộ tộc họ trong chuyển nhượng tài sản là không thể thi hành vì tòa án của kẻ chinh phục không thể công nhận yêu sách chính đáng của kẻ bị chinh phục. Đó là cuộc xung đột đã diễn ra trên các chiến trường Gettysburg và Appomattox và cả trong nghị trường Quốc hội, trên cây cầu ở Selma, tại khắp các vườn nho ở California và trên đường phố New York – một cuộc tỉ thí của các binh sĩ, nhưng thường xuyên hơn đó là cuộc tỉ thí của những nhà tổ chức công đoàn, người ủng hộ mở rộng quyền bầu cử, công nhân đường sắt Pullman, thủ lĩnh sinh viên, các làn sóng người nhập cư và những người hoạt động LGBTQ(3), họ không được trang bị gì ngoài biểu ngữ bãi công, tờ rơi hoặc một đôi giày để tuần hành. Ở trung tâm của cuộc chiến trường kỳ này là một câu hỏi giản đơn: Chúng ta có quan tâm tới việc làm cho hiện thực nước Mỹ trở nên tương xứng với lý tưởng của nó? Nếu vậy, chúng ta có thực sự tin rằng quan niệm của chúng ta về quyền tự quản và tự do cá nhân, bình đẳng về cơ hội và bình đẳng trước pháp luật, áp dụng cho tất cả mọi người? Hay là thay vì thế, chúng ta theo đuổi, nếu không bằng quy định thì cũng bằng thực tiễn, việc dành những thứ đó cho một số ít người có đặc quyền?
(2) Chỉ người dân “da đỏ” bản địa của châu Mỹ (Tất cả các chú thích trong sách đều của bản dịch tiếng Việt).
(3) Chỉ những người đồng tính, chuyển giới hoặc có những dị biệt về giới tính và luyến ái kèm theo.
Tôi nhận ra có những người tin rằng đã đến lúc xóa bỏ đi huyễn tưởng – rằng xem xét quá khứ nước Mỹ hay thậm chí chỉ cần lướt qua những nhan đề báo chí hôm nay là có thể thấy lý tưởng quốc gia này luôn là thứ yếu so với chinh phục và nô dịch hóa, một hệ thống đẳng cấp chủng tộc và chủ nghĩa tư bản tham tàn, và rằng cứ giả vờ khác đi chính là đồng lõa trong một trò chơi đã bị gian lận ngay từ đầu. Và tôi thú nhận là có những thời điểm trong quá trình viết cuốn sách này, tôi đã chiêm nghiệm về thời gian làm tổng thống và những gì xảy ra kể từ đó, tôi đã phải tự hỏi bản thân liệu tôi có quá sốt sắng nói ra sự thật như mình nhìn thấy hay không, có quá cẩn trọng trong lời nói và hành động, vì đã tin rằng bằng cách cầu đến cái mà Lincoln gọi là những thiên thần thiện lương trong bản chất của chúng ta, tôi đã có cơ hội lớn hơn trong việc dẫn dắt chúng ta đi theo hướng đến một nước Mỹ mà chúng ta từng được hứa hẹn.
Tôi không biết nữa. Điều tôi có thể nói một cách chắc chắn là tôi chưa sẵn sàng để từ bỏ tính khả thể của nước Mỹ – không chỉ vì các thế hệ người Mỹ tương lai mà vì toàn bộ nhân loại. Bởi tôi tin chắc rằng đại dịch mà chúng ta đang trải qua hiện nay vừa là sự biểu hiện vừa là sự gián đoạn của hành trình không ngừng nghỉ tới một thế giới hỗ liên, một thế giới mà trong đó các dân tộc và các nền văn hóa không thể không va đập. Trong thế giới ấy – thế giới của những chuỗi cung ứng toàn cầu, của những dòng chuyển giao vốn tức thời, của truyền thông xã hội, của các mạng lưới khủng bố liên quốc gia, của biến đổi khí hậu, của di cư hàng loạt và của phức tính ngày một tăng – chúng ta sẽ học được cách chung sống, hợp tác cùng nhau, công nhận phẩm cách của nhau, hoặc là diệt vong. Và vì vậy mà thế giới dõi theo nước Mỹ – đại cường quốc duy nhất trong lịch sử được tạo nên từ những con người đến từ mọi nẻo của hành tinh, bao gồm mọi chủng tộc, tín ngưỡng và tập quán văn hóa – để xem thể nghiệm dân chủ của chúng ta có phát huy hiệu quả hay không. Để xem liệu chúng ta có thể làm những điều mà không quốc gia nào khác từng làm hay không. Để xem liệu chúng ta có thực sự sống đúng với ý nghĩa của tín điều mà mình theo đuổi hay không.
Vẫn chưa có câu trả lời. Vào lúc tập đầu tiên của bộ sách này được xuất bản, một cuộc bầu cử Mỹ lại diễn ra, và dù tin rằng hiểm họa đang rất lớn, tôi cũng biết không có cuộc bầu cử đơn lẻ nào có thể giải quyết được vấn đề. Sở dĩ tôi vẫn còn hy vọng, đó là bởi tôi đã học được cách đặt niềm tin vào đồng bào của mình, đặc biệt là những người thuộc thế hệ kế tiếp, mà niềm tin của họ vào giá trị bình đẳng của tất cả mọi người dường như xuất phát từ bản chất thứ hai và họ là những người luôn kiên quyết hiện thực hóa những nguyên tắc ấy, những nguyên tắc mà cha mẹ và thầy giáo của họ nói với họ là đúng nhưng có lẽ bản thân những người ấy chưa bao giờ tin tưởng hoàn toàn. Hơn ai hết, cuốn sách này là dành cho những người trẻ tuổi đó – một lời mời gầy dựng lại thế giới một lần nữa, và mang đến một nước Mỹ sau rốt sánh ngang với tất cả những gì tốt đẹp nhất trong chúng ta, bằng sự cần cù, quyết tâm và trí tưởng tượng phong phú.
Tháng 8 năm 2020