SAU KHI BỊ BOBBY RUSH nghiền nát, tôi cho phép mình có vài tháng chán nản và liếm khô vết thương trước khi điều chỉnh lại các ưu tiên và tiếp tục công việc. Tôi nói với Michelle rằng tôi cần sống tốt hơn bên cạnh cô ấy. Chúng tôi có một em bé sắp chào đời, và mặc dù tôi vẫn vắng mặt nhiều hơn so với mong đợi của Michelle, cô ấy ít nhất cũng nhận ra tôi đang cố gắng. Tôi sắp xếp lại các buổi họp ở Springfield để có thể về nhà ăn tối thường xuyên hơn. Tôi luôn cố gắng đúng giờ và có mặt nhiều hơn. Thế rồi vào ngày 10 tháng 6 năm 2001, chưa đầy ba năm sau khi Malia chào đời, niềm vui một lần nữa bùng cháy – một sự phấn khích vỡ òa tương tự – khi Sasha xuất hiện, phúng phính và dễ thương y hệt cô chị trước đây, với món tóc quăn dày khó cưỡng.
Trong hai năm tiếp theo, tôi sống bình lặng hơn, tràn đầy những thỏa nguyện nho nhỏ, hài lòng với sự cân bằng mà tôi dường như đã tạo dựng được. Tôi thích thú giúp Malia thò chân vào bộ quần nịt múa ba lê đầu tiên và nắm chặt tay con bé khi rảo bước trong công viên; ngắm nhìn Sasha cười ngặt nghẽo mỗi khi tôi cù vào chân nó; lắng nghe hơi thở chầm chậm của Michelle khi cô tựa đầu vào vai tôi và trôi dần vào giấc ngủ giữa lúc đang xem một bộ phim cũ. Tôi lại dành toàn tâm toàn ý cho công việc ở Thượng viện bang và tận hưởng khoảng thời gian cùng các sinh viên trường luật. Tôi rà soát tình trạng tài chính gia đình một cách nghiêm túc và lên kế hoạch trả nợ dần. Bên trong nhịp điệu chùng xuống của công việc và niềm vui của việc làm cha, tôi bắt đầu cân nhắc các lựa chọn sau khi rời chính trường – có lẽ tôi sẽ đi dạy và viết lách toàn thời gian, hoặc quay lại nghề luật, hoặc xin một chân trong quỹ từ thiện địa phương, như những gì mẹ tôi từng hình dung tôi sẽ làm.
Nói cách khác, sau cuộc chạy đua đoản mệnh vào Quốc hội, tôi bắt đầu trải qua một dạng thức buông bỏ – nếu không phải buông bỏ khát vọng tạo ra sự khác biệt trên thế giới, thì ít ra cũng buông bỏ quyết tâm rằng điều đó phải được thực hiện trên một bình diện lớn hơn. Cái ban đầu có thể là sự chấp nhận đối với bất cứ giới hạn nào mà số mệnh áp đặt lên đời mình dần trở thành cảm giác giống như là biết ơn về tặng vật mà cuộc sống đã ban cho.
Tuy nhiên, có hai yếu tố khiến tôi không triệt để ngừng các hoạt động chính trị. Thứ nhất, phe Dân chủ Illinois đã giành được quyền giám sát việc vẽ lại bản đồ khu vực bầu cử của bang, qua đó thể hiện sát hơn dữ liệu mới từ cuộc tổng điều tra dân số năm 2000, nhờ vào một điều khoản quái lạ của hiến pháp bang đề xuất giải quyết tranh chấp giữa Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát và Thượng viện do Đảng Cộng hòa nắm đa số bằng cách rút thăm một cái tên từ những chiếc mũ phớt chóp cao cũ kiểu Abraham Lincoln. Với quyền này, phe Dân chủ có thể đảo ngược trò tháu cáy hồi thập niên trước của phe Cộng hòa trong việc lập bản đồ khu vực bầu cử và tăng khả năng đảng viên Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện bang sau kỳ bầu cử 2002. Tôi biết rằng với một nhiệm kỳ nữa, rốt cuộc tôi sẽ có cơ hội để thông qua vài dự luật, mang về thứ gì đó có ý nghĩa cho những người dân mà tôi đại diện – và có lẽ sẽ kết thúc sự nghiệp chính trị ở tầng nấc cao hơn so với hiện tại.
Yếu tố thứ hai là chuyện bản năng chứ không hẳn là một sự kiện. Kể từ khi đắc cử, tôi luôn cố gắng mỗi mùa hè dành vài ngày thăm các đồng nghiệp tại khu vực bầu cử của họ khắp bang Illinois. Thông thường tôi sẽ đi với trợ lý trưởng của tôi tại Thượng viện Dan Shomon – một cựu phóng viên hãng UPI với cặp kính dày, năng lượng vô tận và giọng nói như còi hụ. Chúng tôi ném gậy chơi gôn, một tấm bản đồ, vài bộ quần áo vào khoang sau của chiếc Jeep và đi về phía nam hoặc phía tây, phóng ào tới Rock Island hoặc Pinckneyville, Alton hoặc Carbondale.
Dan là cố vấn chính trị chủ chốt của tôi, một người bạn tốt, một người đồng hành lý tưởng trong các chuyến đi đường bộ: dễ nói chuyện, biết im lặng một cách tuyệt vời và có thói quen hút thuốc trong xe như tôi. Anh cũng là một pho từ điển về chính trị của bang. Lần đầu tiên đi chung, tôi có thể thấy rằng anh hơi lo lắng về việc không biết bà con rìa nam Chicago phản ứng thế nào trước một tay luật sư Da đen đến từ Chicago lại mang cái tên đầy chất Ả-rập.
“Đừng có quần là áo lượt nhé,” Dan dặn trước khi chúng tôi khởi hành.
“Tôi làm gì có bộ cánh nào đâu,” tôi đáp.
“Tốt. Chỉ áo thun có cổ và quần ka ki thôi.”
“Hiểu rồi.”
Bất chấp việc Dan lo ngại tôi sẽ lạc lõng, điều gây ấn tượng nhất đối với tôi trong các chuyến đi ấy là mọi thứ mới quen thuộc làm sao – dù đó là lúc chúng tôi đi một hội chợ của hạt, vào hội trường nghiệp đoàn hay ở trên hiên nhà trong trang trại của một người nào đấy. Trong cái cách mà người ta mô tả gia đình hoặc công việc của họ. Trong sự khiêm tốn và mến khách của họ. Trong niềm phấn khích của họ dành cho bóng rổ học đường. Trong món ăn họ đãi, gà rán, đậu sốt và bánh kem tráng miệng Jell-O. Ở họ, tôi nghe thấy tiếng vọng của ông bà ngoại tôi, của mẹ tôi, của cha mẹ Michelle. Cùng hệ giá trị. Cùng những niềm mong mỏi và ước mơ.
Các chuyến đi như thế trở nên thưa thớt hơn sau khi hai con tôi chào đời. Nhưng sự thấu suốt giản đơn và đều đặn mà họ sẻ chia luôn ở lại trong tôi. Tôi nhận ra rằng, chừng nào mà cư dân các khu vực bầu cử ở Chicago và các vùng rìa nam Chicago vẫn còn xa lạ với nhau, thì nền chính trị của chúng ta sẽ không bao giờ đổi thay thực sự. Thật là quá dễ dàng để các chính trị gia cứ lặp đi lặp lại những điệp khúc sáo mòn đem người Da đen chống lại người da trắng, người nhập cư chống lại dân bản địa, khiến lợi ích nông thôn xung khắc với lợi ích thành thị.
Ngược lại, nếu một chiến dịch tranh cử bằng cách nào đó bác bỏ được lối suy nghĩ phổ biến tại nước Mỹ rằng chúng ta đang bị chia rẽ trầm trọng, thì dường như từ đó có thể xây dựng được một thỏa ước giữa các công dân. Người trong cuộc sẽ không còn có thể chơi trò đấu đá phe nhóm. Giới lập pháp từ đó sẽ không còn xác định lợi ích của các nhóm cử tri – và của chính họ – một cách hẹp hòi nữa. Báo chí có thể ghi nhận và điều tra các vấn đề không phải dựa trên chuyện phe nào thắng hay thua mà dựa trên việc liệu những mục tiêu chung của chúng ta có đáp ứng được hay không.
Thế rốt cuộc đây có phải là thứ mà tôi theo đuổi – một nền chính trị hàn gắn sự chia rẽ dân tộc, chủng tộc, tôn giáo cũng như bao thành tố khác trong cuộc đời của chính tôi? Có thể tôi không có đầu óc thực tiễn; có thể các thành lũy chia rẽ ấy đã trở nên quá kiên cố. Nhưng dù cố thuyết phục mình theo hướng kia thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn không lay chuyển được cảm giác rằng vẫn còn quá sớm để từ bỏ niềm tin sâu sắc nhất của mình. Càng cố tự nhủ rằng sự nghiệp chính trị của tôi thế là đã xong rồi, hoặc gần xong rồi, tôi càng thấu tận tâm can rằng tôi chưa sẵn sàng từ bỏ.
Tôi càng nghĩ về tương lai thì có một điều càng trở nên rõ ràng: Thứ chính trị bắc lên những nhịp cầu mà tôi hình dung không phù hợp với một cuộc tranh cử vào Hạ viện. Vấn đề này thuộc về cấu trúc, là vấn đề vạch những đường ranh giới giữa các khu vực bầu cử ra sao: Trong một khu vực với người Da đen áp đảo như chỗ tôi sống, trong một cộng đồng từ lâu đã bị bầm dập bởi tệ phân biệt đối xử và bị phớt lờ, thì phép thử đối với các chính trị gia thường xuyên được xác định theo góc nhìn sắc tộc, cũng tương tự như tại nhiều đơn vị bầu cử nông thôn của người da trắng bị bỏ lại phía sau. Cử tri chất vấn: Anh sẽ làm gì để chống lại những kẻ không giống chúng tôi, những kẻ lợi dụng chúng tôi, những kẻ khinh rẻ chúng tôi?
Bạn có thể tạo ra sự khác biệt từ một lãnh địa chính trị hạn hẹp như vậy; khi có thâm niên hơn, bạn có thể đảm bảo được các dịch vụ tốt hơn cho cử tri của mình, mang về một hoặc hai dự án lớn cho khu vực bầu cử của mình, và, bằng cách phối hợp với các đồng minh, cố gắng tạo ảnh hưởng tới tranh luận ở tầm quốc gia. Nhưng chừng đó là chưa đủ để phá dỡ các rào cản chính trị vốn gây khó khăn cho việc cung cấp dịch vụ y tế cho những người cần đến nó nhất, hoặc cải thiện trường học cho trẻ em nghèo, hoặc tạo công ăn việc làm ở những nơi chưa có; chính là những rào cản mà Bobby Rush phải đối phó mỗi ngày.
Để thực sự lay chuyển mọi thứ, tôi nhận thấy mình cần nói chuyện với đám đông công chúng lớn nhất có thể và lên tiếng vì họ. Và cách tốt nhất để thực hiện điều này là tranh cử vào vị trí có thể đại diện cho toàn bang – chẳng hạn vào Thượng viện Hoa Kỳ.
BÂY GIỜ NGHĨ LẠI về sự táo gan – một cơn ngông cuồng tuyệt đối – khi tôi muốn khởi động cuộc đua vào Thượng viện Mỹ, rũ bùn đứng lên từ một thất bại tồi tệ, thật khó để không thừa nhận khả năng là tôi đang khao khát vô cùng một cú ra đòn nữa, giống như gã nghiện rượu đang cố tìm lý do hợp lý để uống thêm ly rượu cuối cùng. Trừ việc cảm giác thật sự lại không phải như vậy. Thay vào đó, khi xoay vần cái ý tưởng đó trong đầu, tôi đã nghiệm ra một sự minh bạch tường tận – không nghĩ quá nhiều về chuyện tôi sẽ thắng, mà về việc tôi có thể thắng và nếu tôi thắng, tôi có thể tạo ra tác động lớn. Tôi có thể thấy nó, cảm nhận được nó, giống như một trung vệ chạy của đội tấn công phát hiện ra một kẽ hở ở tuyến phát bóng và biết rằng nếu anh ta có thể chạy tới cái lỗ hổng đó đủ nhanh và đột phá qua đấy, lúc đó sẽ không có gì cản trở trên khoảng sân trống giữa anh ta và vùng cấm địa(19). Song hành cùng sự rõ ràng ấy là sự nhận biết: Nếu không đạt được điều đó, thì đã đến lúc tôi rời chính trường – và ra đi sau khi đã dốc hết sức sẽ không có gì phải hối tiếc cả.
(19) Tác giả nói đến môn bóng đá Mỹ (American football), gần với môn bóng bầu dục (rugby) và sử dụng các thuật ngữ của môn thể thao đó.
Một cách âm thầm, trong năm 2002, tôi bắt đầu đánh giá triển vọng. Nhìn vào bức tranh chính trị bang Illinois, tôi thấy rằng ý niệm một nhà lập pháp bang người Da đen ít được biết đến tiến vào Thượng viện Mỹ không hoàn toàn quá viển vông. Đã từng có người Mỹ gốc Phi giành được ghế đại biểu toàn bang, trong đó có cựu nữ Thượng nghị sĩ Mỹ Carol Moseley Braun, một chính trị gia tài giỏi nhưng thất thường với chiến thắng gây chấn động đất nước trước khi bà bị dính đòn bởi hàng loạt vết thương tự gây ra liên quan đến đạo đức tài chính. Trong khi đó, Peter Fitzgerald, ứng viên Đảng Cộng hòa đã đánh bại bà, là một chủ nhà băng giàu có với các quan điểm bảo thủ sắc lẹm khiến ông ta không được ưa chuộng lắm ở bang Dân chủ đang lên này.
Tôi bắt đầu bằng việc nói chuyện với ba tay bạn thân cùng chơi xì phé ở Thượng viện bang – các đảng viên Dân chủ Terry Link, Denny Jacobs và Larry Walsh – để xem họ có cho rằng tôi có thể cạnh tranh tại lãnh địa của người lao động da trắng và vùng ốc đảo nông thôn nơi họ đang đại diện không. Từ những gì họ chứng kiến qua các chuyến thăm đây đó của tôi, họ nghĩ rằng tôi có thể tranh đua và tất cả đều đồng lòng ủng hộ nếu tôi ra tranh cử. Một số quan chức dân cử tiến bộ ở các khu vực dọc bờ hồ của Chicago và một vài nhà lập pháp độc lập gốc Latin cũng nói điều tương tự. Tôi hỏi Jess Jr. có hứng thú tranh cử không, ông ta bảo không, và nói thêm rằng ông sẵn sàng ủng hộ tôi. Dân biểu Danny Davis, vị dân biểu Da đen thứ ba vui tính trong đoàn đại biểu bang Illinois, cũng đồng ý đứng về phía tôi. (Tôi khó mà ta thán Bobby Rush về việc thiếu nhiệt tình được.)
Quan trọng nhất là Emil Jones, lúc bấy giờ đang sắp tiếp quản ghế chủ tịch Thượng viện bang và qua đó trở thành một trong ba chính trị gia quyền lực nhất bang Illinois. Trong một cuộc họp tại văn phòng của ông, tôi chỉ ra rằng không có thượng nghị sĩ liên bang đương nhiệm nào là người Mỹ gốc Phi, và rằng các chính sách mà chúng tôi cùng nhau đấu tranh để đạt được ở Springfield thực sự cần có một người bênh vực tại Washington. Tôi bổ sung rằng nếu ông sẵn sàng giúp đỡ một người của ông được bầu vào Thượng viện Mỹ, thì điều đó chắc hẳn sẽ làm vài đảng viên da trắng lão thành của Đảng Cộng hòa tại Springfield mà ông cảm thấy luôn coi thường ông sớn sác, đó là một lý lẽ mà tôi nghĩ ông đặc biệt thích.
Với David Axelrod thì tôi dùng chiến thuật khác. Là chuyên gia tư vấn truyền thông, trước đây từng là nhà báo với những khách hàng như Harold Washington, cựu Thượng nghị sĩ liên bang Paul Simon và Thị trưởng Richard M. Daley, Axe(20) tạo dựng được danh tiếng ở tầm toàn quốc trong vai trò một nhà làm quảng cáo thông minh, mạnh mẽ và đầy kỹ năng. Tôi ngưỡng mộ công việc của anh ta và biết rằng mời anh tham gia ban điều hành có thể giúp chiến dịch tranh cử còn trong trứng nước của tôi có được danh tiếng không chỉ quẩn quanh trong bang mà còn vươn tới các nhà tài trợ và giới chuyên gia toàn quốc.
(20) Cách gọi tắt suồng sã của Axelrod.
Tôi cũng biết anh ta là kẻ khó thỏa thuận. “Vươn xa đấy,” anh ta nói vào hôm chúng tôi ăn trưa tại tiệm Sông Bắc. Axe là một trong nhiều người từng cảnh báo tôi không nên chọi với Bobby Rush. Vừa ngoạm bánh mì lát, anh ta vừa nói rằng tôi sẽ không chịu đựng nổi thất bại lần thứ hai đâu. Và rồi anh ta cũng bày tỏ nghi ngờ việc một ứng cử viên với cái tên có vần giống “Osama”(21) lại có thể lấy được phiếu ở vùng rìa nam Chicago. Thêm vào đó, có ít nhất hai ứng viên Thượng viện tiềm năng cũng đã tiếp cận anh ta – kiểm toán trưởng của bang Dan Hynes và đa triệu phú, giám đốc quỹ phòng hộ Blair Hull – cả hai đều có vẻ đang có cơ hội thắng cử lớn hơn tôi rất nhiều, do đó nếu nhận tôi làm khách hàng hẳn công ty của anh ta mất khoản tiền to lắm.
(21) Tên của trùm khủng bố bin Laden.
“Chờ tới lúc Rich Daley về hưu rồi tranh ghế thị trưởng đi,” anh ta kết luận, trong khi lau mù tạt dính ở ria mép. “Kèo đó ngon hơn.”
Tất nhiên là anh ta đúng. Nhưng tôi không chọn kèo theo cách truyền thống. Và ở Axe tôi cảm thấy – ẩn dưới tất cả số liệu thăm dò dư luận, các thư từ nội bộ về chiến lược và những đề tài bàn luận vốn là công cụ hành nghề của anh ta – là một con người tự coi mình không chỉ là một kẻ làm thuê mà còn có thể là tri âm tri kỷ. Do đó thay vì tranh luận về cơ chế tranh cử, tôi cố gắng khơi gợi tình cảm của anh.
“Anh có bao giờ nghĩ về việc làm sao mà JFK(22) và Bobby Kennedy dường như đã khơi gợi được những gì tốt đẹp nhất trong mỗi người dân?” tôi hỏi. “Hay băn khoăn trước câu hỏi làm sao để cảm thấy cần phải giúp LBJ(23) thông qua Luật Quyền Bầu cử, hay FDR(24) thông qua Dự luật An sinh Xã hội, với ý thức rằng anh đang làm cho cuộc sống hàng triệu người tốt đẹp hơn lên? Chính trị đâu nhất thiết là điều mà mọi người hằng nghĩ. Chính trị có thể là thứ gì đó lớn lao hơn chứ.”
(22) Tên viết tắt của cố Tổng thống Mỹ John Fitzgerald Kennedy.
(23) Tên viết tắt của cố Tổng thống Mỹ Lyndon Baines Johnson.
(24) Tên viết tắt của cố Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt.
Cặp lông mày oai vệ của Axe nhướng lên khi anh ta soi thật kỹ mặt tôi. Chắc anh hiểu rằng tôi không chỉ đang cố thuyết phục anh, mà còn đang thuyết phục chính bản thân mình nữa. Vài tuần sau, Axe gọi điện báo rằng sau khi nói chuyện với các đối tác kinh doanh và vợ anh là Susan, anh đã quyết định chọn tôi làm khách hàng. Trước khi tôi kịp nói lời cảm ơn, anh đã bổ sung ngay một điều khoản.
“Lý tưởng của anh thật là khuấy động, Barack ạ… nhưng nếu anh không vận động được năm triệu đồng để nói trên ti vi cho người dân nghe thì anh không có cơ hội đâu.”
Sau cái gật đầu ấy, rốt cuộc tôi cũng đã cảm thấy sẵn sàng dò xem ý tứ Michelle thế nào. Cô ấy giờ đang làm giám đốc điều hành phụ trách cộng đồng tại hệ thống bệnh viện Đại học Chicago, một công việc linh hoạt hơn về thời gian nhưng vẫn đòi hỏi phải khéo léo kết hợp giữa trách nhiệm công việc và việc đưa đón con đi học cùng với việc dẫn chúng đi chơi. Do đó tôi hơi ngạc nhiên khi thay cho câu trả lời kiểu “Bỏ quách đi, Barack ạ!”, cô ấy lại gợi ý chúng tôi nên nói chuyện với một vài người bạn thân thiết, trong đó có Marty Nesbitt, một doanh nhân thành đạt có vợ là bác sĩ Anita Blanchard, người đã đỡ đẻ cả hai lần cho vợ tôi, và Valerie Jarrett, một luật sư ủy quyền xuất sắc và có quan hệ rộng, từng là sếp của Michelle tại Sở Kế hoạch của thành phố và đã trở nên thân thiết với chúng tôi như chị gái. Điều mà tôi không hề biết lúc bấy giờ là Michelle đã móc ngoặc với Marty và Valerie và giao họ nhiệm vụ khuyên tôi từ bỏ trò ngốc nghếch này đi.
Chúng tôi tụ tập tại căn hộ của Valerie ở khu Hyde Park, và suốt bữa ăn muộn gộp cả ăn sáng lẫn ăn trưa hôm đó, tôi đã giải thích diễn biến tư tưởng của tôi, vạch ra các kịch bản sẽ giành được sự đề cử chính thức của Đảng Dân chủ và trả lời các câu hỏi về sự khác biệt của cuộc đua lần này với lần trước. Với Michelle, tôi không hề tránh né về việc khoảng thời gian tôi vắng nhà sẽ dài hơn. Đấy, nó diễn ra như vậy, tôi hứa, thăng tiến hay bật bãi; nếu tôi thua cuộc lần này, chúng tôi sẽ vĩnh viễn kết thúc con đường chính trị.
Khi tôi vừa chốt lại, Valerie và Marty đã bị thuyết phục, điều này rõ ràng khiến cho Michelle phiền muộn. Với cô ấy thì đây không phải là một vấn đề chiến lược, mà ý nghĩ tham gia thêm một cuộc tranh cử nữa đối với cô ấy thì cũng nhức nhối như việc lấy tủy răng vậy. Cô ấy lo nhất là chuyện này ảnh hưởng tới tài chính của gia đình, vốn chưa hồi phục sau lần tranh cử trước. Michelle nhắc tôi rằng chúng tôi còn phải lo trả các khoản vay thời đi học, tiền thuê mua nhà và nợ thẻ tín dụng. Chúng tôi chưa bắt đầu để dành tiền cho con cái vào đại học, và trên hết, tranh cử vào Thượng viện đòi hỏi tôi phải ngưng hành nghề luật để tránh xung đột lợi ích, điều này càng khiến cho nguồn thu thêm hẻo.
“Anh mà thua thì nhà ta sẽ xuống hố sâu hơn,” cô ấy bảo. “Còn nếu anh thắng thì sao? Chúng ta làm sao có thể duy trì gia đình ở hai nơi, Washington và Chicago, trong khi trên thực tế chúng ta phải chật vật lắm mới giữ nổi một cái?”
Tôi đã tiên liệu được điều này. “Nếu anh mà thắng, em yêu ạ,” tôi nói, “cả đất nước sẽ quan tâm. Anh sẽ là người Mỹ gốc Phi duy nhất trong Thượng viện. Với vị trí cao hơn, anh có thể viết thêm một cuốn sách và bán được rất nhiều bản, nó sẽ giúp trang trải chi phí phát sinh.”
Michelle cất tiếng cười to, âm cao vút. Tôi quả thực có kiếm được chút tiền từ cuốn sách thứ nhất, nhưng còn lâu mới tới được cái mức có thể trang trải các chi phí phát sinh mà tôi đề cập. Như vợ tôi thấy rõ – và hầu hết mọi người đều thấy, tôi hình dung – một cuốn sách chưa viết ra thì làm sao trở thành một kế hoạch tài chính được chứ.
“Nói cách khác,” cô ấy đáp, “anh có vài hạt đậu thần trong túi. Đó là điều anh nói với em. Anh có vài hạt đậu thần, thế là anh gieo trồng, qua một đêm thì một cái cây đậu khổng lồ vươn lên tận trời, anh leo lên thân cây đậu, giết chết gã khổng lồ sống trên mây, rồi mang về nhà một con ngỗng đẻ trứng vàng. Phải vậy không?”
“Gần giống thế,” tôi đáp.
Michelle lắc đầu và nhìn qua cửa sổ. Cả hai đều biết điều mà tôi đòi hỏi là gì. Lại thêm một sự xáo trộn nữa. Lại thêm một canh bạc nữa. Lại thêm một bước đi nữa về phía mà tôi muốn còn cô ấy thực sự không.
“Giờ thế này, Barack,” Michelle tóm lại. “Lần cuối nhé. Nhưng đừng trông chờ em sẽ tham gia vận động tranh cử. Quả thực, anh thậm chí đừng trông chờ lá phiếu của em.”
HỒI CÒN NHỎ, thỉnh thoảng tôi quan sát ông ngoại cố gắng bán bảo hiểm nhân thọ qua điện thoại, mặt ông hằn nét khổ sở khi thực hiện cuộc gọi cầu may từ căn hộ tầng mười trong khu vực nhà cao tầng ở Honolulu. Suốt mấy tháng đầu năm 2003, tôi thường nghĩ về ông ngoại khi tôi ngồi trong trụ sở được bài trí sơ sài của chiến dịch tranh cử vào Thượng viện mới vừa phát động, bên dưới một tấm áp phích in hình võ sĩ Muhammad Ali đang giơ tay mừng chiến thắng sau khi đánh bại Sonny Liston và cố thuyết phục bản thân thực hiện thêm một cuộc gọi nữa để gây quỹ.
Bên cạnh Dan Shomon và một người bang Kentucky tên là Jim Cauley mà chúng tôi tuyển mộ để làm quản lý chiến dịch, đội ngũ nhân sự chủ yếu bao gồm những cô cậu nhóc ở tuổi ngoài hai mươi, chỉ phân nửa được trả lương – và hai trong số đó còn chưa tốt nghiệp đại học. Tôi cảm thấy đặc biệt áy náy cho nhân viên phụ trách gây quỹ toàn thời gian đơn độc của tôi, người luôn phải giục tôi nhấc điện thoại để khẩn nài người ta góp tiền.
Tôi có khá hơn trong vai trò một chính trị gia? Tôi không thể biết được. Tại diễn đàn ứng cử viên đầu tiên được lên kế hoạch diễn ra vào tháng 2 năm 2003, tôi bị cứng đơ và bất lực, không thể điều khiển bộ não hoạt động qua những diễn ngôn chỉn chu mà loại sự kiện này đòi hỏi. Nhưng thất bại trước Bobby Rush đã cho tôi một phác họa rõ ràng để qua đó cải thiện bản thân: Tôi cần tương tác hiệu quả hơn với truyền thông, học cách làm sao để diễn đạt ý kiến với hiệu quả âm thanh mạnh mẽ mà ngắn gọn. Tôi cần xây dựng một chiến dịch ít nhấn mạnh hơn về các văn bản chính sách mà hướng nhiều hơn vào việc giao kết trực tiếp với cử tri. Và tôi cần huy động tiền – rất nhiều tiền. Chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc thăm dò, kết quả dường như xác nhận rằng tôi có thể thắng, nhưng cần điều kiện là tôi phải làm sao cho cử tri trông thấy mặt tôi nhiều hơn bằng cách mua thời lượng quảng cáo đắt đỏ trên truyền hình.
Nhưng khác với lần đua tranh vào Hạ viện trước đây khá đen đủi, cuộc đua lần này như được phù hộ. Vào tháng 4, Peter Fitzgerald quyết định không tái tranh cử. Carol Moseley Braun, người hẳn đã chắc chắn có được đề cử của Đảng Dân chủ cho chiếc ghế cũ bà vẫn ngồi, không hiểu vì lý do gì đã chọn cuộc tranh cử tổng thống thay cho Thượng viện, khiến cuộc chạy đua trở nên mở rất rộng. Trong vòng sơ bộ trước sáu đối thủ khác của Đảng Dân chủ, tôi bắt đầu giành được cam kết ủng hộ từ các nghiệp đoàn và các thành viên nổi bật trong đoàn đại biểu Quốc hội của chúng tôi, qua đó giúp xây dựng được cơ sở ủng hộ trước đây còn yếu tại khu vực rìa nam Chicago và trong các giới có đầu óc tự do. Với sự giúp sức của Emil và phe đa số Dân chủ trong Thượng viện bang, tôi chĩa mũi nhọn vào việc thông qua một loạt dự luật, từ một luật yêu cầu phải quay phim các cuộc thẩm vấn trong các vụ án liên quan đến án tử hình tới việc mở rộng miễn giảm thuế thu nhập do lao động, tăng cường sự nhận diện hình ảnh của tôi là một nhà lập pháp hiệu quả.
Cục diện chính trị quốc gia nghiêng theo hướng có lợi cho tôi. Vào tháng 10 năm 2002, trước cả thời điểm công bố tranh cử, tôi được mời tới phát biểu phản đối việc Mỹ sắp xâm lăng Iraq trong cuộc tuần hành phản đối chiến tranh tại trung tâm Chicago. Đối với một người sắp trở thành ứng viên vào Thượng viện, chính trị là một mớ lầy lội. Cả Axe và Dan đều nghĩ rằng đưa ra một lập trường phản chiến rõ ràng, không lập lờ nước đôi có thể giúp ích cho tôi trong cuộc đua sơ bộ của Đảng Dân chủ. Một số người khác lại cảnh báo, đặt trong bối cảnh tâm trạng chung của cả nước thời hậu 11/9 (vào thời điểm đó, các cuộc thăm dò toàn quốc cho thấy có tới 67 phần trăm người Mỹ ủng hộ hành động quân sự nhằm vào Iraq), khả năng thành công ít nhất là ngắn hạn của chiến dịch quân sự, và cái họ tên cùng phả hệ hơi đánh đố của tôi, việc phản đối cuộc chiến có thể làm què quặt cơ hội của tôi trong cuộc bầu cử.
“Nước Mỹ thích oánh bỏ mẹ chúng nó,” một người bạn đe.
Tôi cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề trong khoảng một ngày và xác định rằng đây là thử thách đầu tiên của tôi: Có phải tôi sẽ tranh cử theo đúng những gì mà tôi đã hứa với bản thân? Thế là tôi gõ một bài phát biểu ngắn, tầm năm hoặc sáu phút gì đấy, và khi thấy hài lòng vì nó phản ánh niềm tin chân thực của mình, tôi đã đi ngủ mà không gửi cho nhóm cố vấn xem lại. Vào ngày mít tinh, có khoảng hơn một ngàn người đổ về Quảng trường Liên bang, với Jesse Jackson lĩnh xướng. Trời lạnh, gió giật từng cơn. Tiếng vỗ tay lẹt đẹt do bị giảm âm lượng từ những bàn tay đeo găng khi tên tôi được xướng lên và tôi tiến tới phía micro.
“Xin cho phép tôi bắt đầu bằng sự minh định rằng, dù cuộc mít tinh hôm nay được định danh là cuộc mít tinh phản đối chiến tranh, tôi đứng đây trước mặt các bạn là một người không hoàn toàn phản đối chiến tranh trong mọi hoàn cảnh.”
Đám đông im lặng, không biết tôi sắp sửa đi theo hướng nào. Tôi diễn tả việc máu đã đổ để bảo vệ liên bang và dẫn lối tới sự khai sinh mới của nền tự do; tôi tự hào khi có người ông xung phong chiến đấu sau biến cố Trân Châu Cảng; sự ủng hộ của tôi dành cho hành động quân sự của chúng ta tại Afghanistan và cá nhân tôi cũng sẵn sàng cầm súng đứng lên để ngăn chặn một thảm kịch 11/9 khác. “Tôi không chống lại mọi cuộc chiến tranh,” tôi nói tiếp. “Thứ mà tôi chống lại là một cuộc chiến tranh ngu ngốc.” Tôi tiếp tục lập luận rằng Saddam Hussein không tạo ra đe dọa sát sườn đối với Hoa Kỳ hoặc các nước láng giềng của Hoa Kỳ, và rằng “ngay cả một cuộc chiến tranh thành công nhằm vào Iraq cũng đòi hỏi Mỹ phải chiếm đóng trong thời gian không xác định, với phí tổn không xác định và những hậu quả không xác định được.” Tôi chốt lại bằng gợi ý rằng nếu Tổng thống Bush đang tìm kiếm một cuộc chiến đấu, ông ấy nên xử lý rốt ráo al-Qaeda, chấm dứt ủng hộ các chế độ áp bức và giúp nước Mỹ cai nghiện dầu mỏ Trung Đông.
Tôi ngồi xuống ghế. Đám đông reo hò. Rời khỏi quảng trường, tôi cứ đinh ninh phát biểu của tôi ít ra cũng vượt tầm một ý kiến khơi gợi nho nhỏ. Thế mà báo chí hầu như không đề cập đến sự hiện diện của tôi tại cuộc mít tinh.
CHỈ VÀI THÁNG sau khi liên minh quân sự do Mỹ chỉ huy bắt đầu ném bom xuống Baghdad, các đảng viên Dân chủ bèn chuyển sang chống Chiến tranh Iraq. Giữa lúc thương vong và hỗn loạn gia tăng, báo chí bắt đầu đặt các câu hỏi mà đáng lý ra phải được nêu lên ngay từ đầu. Phong trào vận động quần chúng trỗi dậy đã đưa vị thống đốc ít tên tuổi của bang Vermont là Howard Dean vào vị trí thách thức các ứng cử viên của cuộc bầu cử tổng thống năm 2004 như John Kerry, người đã bỏ phiếu ủng hộ tiến hành chiến tranh. Bài phát biểu ngắn của tôi trong cuộc mít tinh phản chiến hôm nào bất ngờ có vẻ mang tính tiên tri và bắt đầu lan truyền trên mạng. Các nhân viên trẻ của tôi đã phải giải thích cho tôi “blog” và “MySpace” có liên quan gì tới làn sóng tình nguyện viên trẻ và tiền quyên góp của quần chúng cơ sở đột nhiên ùa về.
Là một ứng cử viên, tôi rất vui về điều đó. Tại Chicago, vào các ngày thứ bảy, tôi nhào vào các khu dân cư thiểu số – người gốc Mexico, Ý, Ấn, Ba Lan, Hy Lạp – ăn uống và nhảy nhót, đi diễu hành, ôm hôn các em bé và các bà lão. Chủ nhật thì tôi đến nhà thờ của người Da đen, trong đó có vài nhà thờ vốn là cửa hàng mặt tiền kẹp giữa tiệm làm móng và quán thức ăn nhanh rẻ tiền, số khác là những đại thánh đường rộng rãi với bãi giữ xe to cỡ sân bóng. Tôi ghé nay nơi này mai nơi khác qua các vùng ngoại ô, từ khu Bờ Bắc nhiều cây và nhà cửa tới các thị trấn nhỏ phía nam và tây thành phố, nơi mà cảnh nghèo khổ và các tòa nhà bị bỏ hoang khiến một vài nơi trông chẳng khác gì những khu dân cư bệ rạc nhất của Chicago. Đôi ba tuần một lần, tôi xuống khu vực rìa nam Chicago – lúc thì lái xe một mình, nhưng thường đi cùng Jeremiah Posedel hoặc Anita Decker, hai nhân sự cừ khôi điều hành các chiến dịch của tôi ở miệt dưới này.
Nói chuyện với cử tri trong những ngày đầu chiến dịch tranh cử, tôi có xu hướng nêu bật các chủ đề mà tôi vận động – chấm dứt giảm thuế cho các công ty chuyển việc làm ra nước ngoài, thúc đẩy năng lượng tái tạo, hoặc giúp các bạn trẻ dễ trang trải chi phí đại học hơn. Tôi giải thích vì sao tôi chống cuộc chiến tranh ở Iraq, ghi nhận công lao to lớn của các quân nhân nhưng đặt dấu hỏi về việc tại sao chúng ta lại khởi động một cuộc chiến mới trong khi chưa khóa sổ cuộc chiến ở Afghanistan, còn Osama bin Laden vẫn đang nhởn nhơ đâu đó.
Dù thế, về sau tôi biết chú tâm lắng nghe hơn. Và tôi càng lắng nghe thì người dân càng mở lòng. Họ kể với tôi họ cảm thấy thế nào khi bị sa thải sau một đời làm việc, hoặc cảm giác khi nhà bị kê biên hoặc họ phải bán đi nông trại của gia đình. Họ còn kể với tôi tình cảnh không thể có đủ tiền mua bảo hiểm y tế và tại sao thỉnh thoảng họ bẻ đôi các viên thuốc mà bác sĩ đã kê toa với hy vọng có thể dùng được lâu hơn. Họ kể về chuyện người trẻ phải đi xa bởi không có việc làm tốt tại thị trấn quê nhà, hoặc những người khác phải bỏ trường cao đẳng hoặc đại học ngay trước khi tốt nghiệp chỉ bởi không có tiền trả học phí.
Diễn thuyết của tôi dần bớt đi chuyện liệt kê lập trường quan điểm mà càng trở thành một biên niên sử của những tiếng nói đa dạng như thế, một màn đồng thanh của những người Mỹ ở mọi ngóc ngách của bang.
“Đây chính là vấn đề,” tôi sẽ nói đại loại như vậy. “Hầu hết người dân, dù từ đâu tới, dù vẻ ngoài thế nào, đều hướng đến một điều giống nhau. Họ không muốn giàu lên một cách bẩn thỉu. Họ không trông chờ một ai khác sẽ làm điều mà họ có thể làm cho bản thân.”
“Nhưng họ mong rằng nếu sẵn sàng làm việc thì họ có thể tìm được một công việc để chu cấp cho gia đình. Họ mong rằng họ sẽ không bị khánh kiệt chỉ vì lâm bệnh. Họ mong rằng con cái của họ có thể tiếp cận được một nền giáo dục tốt, một nền giáo dục chuẩn bị cho con cái họ hành trang bước vào nền kinh tế mới này, và họ nên có khả năng trang trải chi phí học cao đẳng hoặc đại học nếu họ phấn đấu. Họ muốn được an toàn, trước bọn tội phạm hoặc lũ khủng bố. Và họ nhận ra rằng, sau một đời làm việc, họ có thể về hưu trong phẩm giá và sự tôn trọng.”
“Sự việc là như thế. Không hề nhiều. Và mặc dầu họ không trông mong chính phủ sẽ giải quyết hết mọi vấn đề của họ, trong thâm tâm họ hẳn biết rằng chỉ một thay đổi nhỏ trong các ưu tiên của chính phủ có thể sẽ giúp ích cho họ.”
Khán phòng lúc đó sẽ lặng im và tôi bắt đầu nhận vài câu hỏi. Khi buổi gặp mặt kết thúc, người dân xếp hàng để bắt tay tôi, lấy một vài tài liệu tranh cử, nói chuyện với Jeremiah, Anita hoặc một tình nguyện viên địa phương về việc làm thế nào để họ có thể tham gia vào chiến dịch. Thế rồi tôi lái xe tới thị trấn kế tiếp, ý thức rõ rằng câu chuyện mà tôi nói là thật; và tin rằng chiến dịch tranh cử này không còn về bản thân mình nữa và tôi đã trở nên đơn thuần chỉ là một đường truyền dẫn mà thông qua đó người dân có thể nhận ra giá trị từ chính câu chuyện của họ, giá trị của chính họ và rồi chia sẻ với nhau.
DÙ TRONG THỂ THAO hay chính trị thì cũng thật khó để hiểu bản chất đích xác của cú hích ban đầu. Nhưng vào đầu năm 2004, chúng tôi đã có điều đó. Axe cho làm hai phim quảng cáo trên truyền hình: Trong phim đầu, tôi nói trực diện trước ống kính, kết thúc bằng câu khẩu hiệu “Chúng ta có thể.”(25) (Tôi nghĩ nó sến, nhưng Axe ngay lập tức cầu viện tới một quyền lực cao hơn, là đưa cho Michelle xem và cô ấy phán, “Sến đâu mà sến”.) Phim thứ hai là về Sheila Simon, con gái của vị cựu thượng nghị sĩ Paul Simon rất được yêu mến tại bang, người đã qua đời sau khi phẫu thuật tim chỉ vài ngày trước khi ông ấy dự định công khai tuyên bố ủng hộ tôi.
(25) Nguyên văn là “Yes we can”.
Chúng tôi tung ra hai phim quảng cáo này chỉ bốn tuần trước bầu cử sơ bộ. Ngay tức thì, sự ủng hộ dành cho tôi tăng lên gần như gấp đôi. Đến khi năm tờ báo lớn nhất bang cam kết ủng hộ tôi, Axe biên tập lại các phim quảng cáo để làm đậm nét hơn, anh giải thích vì sao các ứng viên Da đen có xu hướng hưởng lợi nhiều hơn ứng viên da trắng từ các hành động ủng hộ này. Trong thời gian ấy, chiến dịch tranh cử của đối thủ bám sát tôi nhất đã phải chấm dứt khi báo chí đăng tải chi tiết hồ sơ tòa án vốn được niêm phong trước đó tiết lộ việc người vợ cũ tố cáo ông này bạo hành. Vào ngày 16 tháng 3 năm 2004, ngày bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ, chúng tôi rốt cuộc giành được gần 53 phần trăm số phiếu trong cuộc chạy đua có tới bảy ứng viên – không chỉ nhiều hơn tất cả các ứng viên Dân chủ kia cộng lại mà còn nhiều hơn tổng số phiếu mà cử tri Cộng hòa khắp bang đã bỏ trong cuộc bầu cử sơ bộ của họ.
Tôi chỉ nhớ hai khoảnh khắc trong đêm đó: tiếng kêu ré hào hứng của hai cô con gái (với cô bé hai tuổi Sasha thì có lẽ pha chút hoảng sợ) khi súng bắn kim tuyến nổ trong tiệc chiến thắng; và lão Axelrod sôi nổi nói rằng tôi sẽ giành thắng lợi tại tất cả các nơi ngoại trừ một trong những khu mà người da trắng chiếm đa số tại Chicago, nơi từng là tâm điểm của hoạt động phân biệt chủng tộc chống lại Harold Washington. (“Harold ở trên cao đang mỉm cười với chúng ta đêm nay,” anh ấy nói.)
Tôi còn nhớ buổi sáng kế tiếp, sau một đêm hầu như thức trắng, tôi xuống Ga Trung tâm để bắt tay hành khách đang trên đường đi làm. Tuyết bắt đầu rơi nhè nhẹ, những bông tuyết dày như cánh hoa, thế rồi khi mọi người nhận ra tôi và bắt tay, tất cả họ đều trông rạng rỡ giống nhau – như thể chúng tôi vừa cùng làm nên một điều bất ngờ vậy.
“ĐƯỢC ĐẠI BÁC PHÓNG đi” là cách mà Axe diễn tả những tháng sau đó và cảm giác chính xác là như thế. Chiến dịch tranh cử của chúng tôi nhanh chóng trở thành tin tức trên toàn quốc, với các kênh tin tức gọi điện phỏng vấn và các quan chức dân cử khắp đất nước gọi điện chúc mừng. Không chỉ là việc chúng tôi thắng cử, hay ngay cả với khoảng cách biệt rất lớn đầy bất ngờ trong chiến thắng của chúng tôi; điều khiến giới quan sát hứng thú là cách chúng tôi giành chiến thắng, với phiếu bầu đến từ tất cả các giai tầng, bao gồm cả các hạt miền nam và hạt người da trắng ở nông thôn. Giới bình luận suy đoán chiến dịch của tôi cho thấy điều gì về quan hệ sắc tộc tại Mỹ – và bởi lập trường chống Chiến tranh Iraq ngay từ đầu của tôi, họ còn suy đoán về đường hướng mà Đảng Dân chủ sẽ đi.
Không cho phép ăn mừng sớm, chúng tôi chỉ cố gắng lần hồi để giữ phong độ. Chúng tôi tuyển mộ thêm các nhân sự dày dạn kinh nghiệm hơn, bao gồm giám đốc truyền thông Robert Gibbs, một anh chàng người Alabama thô ráp, nhanh trí từng làm việc trong chiến dịch của Kerry. Dù các cuộc thăm dò cho thấy tôi dẫn gần hai mươi điểm so với đối thủ Cộng hòa Jack Ryan, lý lịch của ông ta khiến tôi không cho phép mình chủ quan khinh địch – ông ta từng là sếp ngân hàng tại Goldman Sachs, sau đó nghỉ việc để dạy học tại một trường trẻ em thiệt thòi do giáo xứ quản lý; và Jack Ryan cũng có vẻ ngoài như thần tượng nhạc kịch giúp làm dịu bớt nền tảng Cộng hòa rất truyền thống của ông ta.
May mắn cho chúng tôi là tất cả những điều trên đã không được chuyển hóa vào hành trình tranh cử của ông ta. Ryan đã bị báo chí đánh không thương tiếc khi sử dụng hàng loạt biểu đồ, với số liệu về sau bị phát hiện là sai quá đáng và lộ liễu, để gán cho tôi là một nhân vật có đầu óc tự do thích vung tay chi tiêu và tăng thuế. Rồi ông ta còn bị chỉ trích vì đã cử một nhân viên trẻ tuổi xách máy quay phim cầm tay bám gót tôi dai như đỉa, theo tôi vào cả trong nhà vệ sinh và lởn vởn quanh tôi ngay cả khi tôi đang nói chuyện với Michelle và các con gái, hy vọng có thể bắt được khoảnh khắc tôi hớ hênh. Đòn cuối cùng được báo chí tung ra khi họ moi được hồ sơ niêm phong vụ ly hôn của Ryan, trong đó người vợ cũ cáo buộc ông ta đã ép bà phải đi tới các câu lạc bộ khiêu dâm và tìm cách buộc bà làm tình trước mặt người lạ. Thế là chỉ trong một tuần, Ryan đã rút khỏi cuộc đua.
Khi chỉ còn năm tuần nữa là đến kỳ bầu cử, tôi đột nhiên không còn đối thủ nào.
“Giờ tôi chỉ biết là,” Gibbs tuyên bố, “sau khi công việc kết thúc, chúng ta sẽ đi Vegas.”
Tuy nhiên, tôi vẫn duy trì một thời gian biểu vắt kiệt sức, thường kết thúc công việc trong ngày tại Springfield rồi sau đó lái xe tới các thị trấn lân cận để vận động tranh cử. Trên đường trở về từ một sự kiện như vậy, tôi nhận được cuộc gọi từ ai đó trong đội của John Kerry mời tôi tới phát biểu một bài chủ chốt tại Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ sẽ được tổ chức tại Boston vào cuối tháng 7. Trong một năm đầy rẫy những điều không tưởng, chuyện này chẳng mảy may khiến tôi sửng sốt hay lo âu. Axelrod đề nghị huy động cả đội chung tay soạn diễn văn, nhưng tôi gạt đi.
“Để tôi thử làm xem thế nào,” tôi bảo anh ta. “Tôi biết mình muốn nói gì.”
Trong vài ngày tiếp đó, tôi dành thời gian viết diễn văn, chủ yếu là vào buổi tối. Tôi nằm ườn ra giường trong khách sạn Renaissance ở Springfield, giữa lúc một trận bóng đang sôi nổi trên ti vi, viết ra các ý nghĩ của mình lên tập giấy màu vàng. Ngôn từ xuất hiện nhanh chóng, một sự tóm lược về thứ chính trị mà tôi đã tìm kiếm từ những năm đầu học đại học và những tranh đấu nội tại đã tạo nên một hành trình tới nơi mà tôi đang đứng hôm nay. Trong đầu tôi vang lên những tiếng nói: của mẹ tôi, của ông bà tôi, của cha tôi, của những người dân mà tôi tổ chức vận động và những anh chị em cùng đi trên chặng đường tranh cử. Tôi nghĩ tới tất cả những người mà tôi từng gặp, những người có nhiều lý do để trở nên cay nghiệt và hoài nghi nhưng đã từ chối buông xuôi theo lối ấy, thay vào đó luôn vươn lên để đạt được một thứ gì đấy cao hơn, những con người luôn vươn lên để hướng tới nhau. Có lúc, tôi nhớ lại một cụm từ tôi từng nghe trong bài thuyết giảng của mục sư Jeremiah Wright, nó gói gọn tinh thần này.
Đó là sự táo bạo của hy vọng.
Sau này Axe và Gibbs không ngớt buôn chuyện với nhau về những khúc ngoặt dẫn tới cái đêm tôi phát biểu tại đại hội. Về việc chúng tôi đã thương lượng như thế nào về thời lượng phát biểu dành cho tôi (ban đầu là tám phút, sau đó kỳ kèo lên được mười bảy phút). Việc bản thảo ban đầu của tôi bị Axe và đồng sự tài năng John Kupper cắt xén một cách đau đớn, cốt làm cho bài phát biểu hay hơn. Chuyến bay đến Boston phải lùi lại do phiên họp lập pháp của tôi tại Springfield kéo dài tới đêm. Lần tập dượt đầu tiên với máy nhắc chữ, huấn luyện viên Michael Sheehan đã giải thích rằng micro rất tốt nên “anh không phải hét lên đâu”. Cơn giận dữ của tôi khi một nhân sự trẻ tuổi trong đội của Kerry thông báo rằng tôi phải cắt một trong những câu tâm đắc bởi nhân vật được đề cử ấy dự định thuổng câu đó cho bài phát biểu của ông ta. (“Anh là một thượng nghị sĩ cấp bang,” Axe nhắc tôi, “và họ đã ưu ái cho anh lên sân khấu toàn quốc… Theo tôi yêu cầu ấy không quá đáng đâu.”) Michelle thì đứng ở hậu đài, bận đồ trắng rất đẹp, siết chặt tay tôi và nhìn vào mắt tôi đầy yêu thương, đoạn bảo: “Đừng làm hỏng chuyện nhé anh bạn!” Cả hai chúng tôi phá lên cười, trông thật ngố, khi tình cảm chúng tôi lúc nào cũng ở đỉnh cao, thế rồi vị thượng nghị sĩ kỳ cựu của bang Illinois Dick Durbin xen vào: “Tôi xin kể với quý vị về ông Barack Obama này…”
Từ bấy đến nay, tôi chỉ mới xem lại trọn vẹn băng hình bài phát biểu của tôi tại đại hội năm 2004 có một lần. Tôi xem một mình, khá lâu sau khi cuộc bầu cử kết thúc và cố gắng hiểu xem chuyện gì đã xảy ra trong khán phòng tối hôm đó. Khi trang điểm vào, tôi trông trẻ quá mức, và có thể thấy một thoáng hồi hộp lúc mở đầu, có những chỗ nói quá nhanh hoặc quá chậm, cử chỉ hơi vụng, tố cáo sự non nớt của tôi.
Nhưng đến một đoạn trong bài phát biểu, tôi đã tìm lại đúng nhịp của mình. Đám đông im lặng chứ không làm ầm ĩ. Đó là khoảnh khắc mà mãi những năm về sau tôi mới nhận thấy, trong những đêm huyền diệu nào đó. Có một cảm giác rất thực, một dòng điện cảm xúc phóng qua phóng lại giữa bạn và đám đông, cứ như thể cuộc sống của bạn và của họ đột nhiên được kết nối lại, như một cuộn phim, chiếu tới chiếu lui đúng lúc, và tiếng nói của bạn dâng lên đến chỗ gần như vỡ ra, bởi vì trong phút chốc, bạn cảm nhận họ một cách sâu sắc; và có thể nhìn thấy họ trọn vẹn. Bạn được dẫn dắt vào một tinh thần tập thể, điều mà tất cả chúng ta đều biết và mong muốn – một cảm thức kết nối san bằng dị biệt và thay thế những dị biệt kia bằng một cơn sóng cồn của khả thể – và giống như tất cả những gì quan trọng nhất, bạn biết rằng khoảnh khắc ấy đang trôi qua và chỉ thoáng chốc thôi cơn ngất ngây như bùa mê đó sẽ vỡ tan.
TRƯỚC ĐÊM HÔM ĐÓ, tôi đã nghĩ rằng mình hiểu sức mạnh của truyền thông. Tôi thấy những chương trình quảng cáo của Axelrod đã đẩy tôi lên vị trí dẫn đầu cuộc bầu cử sơ bộ như thế nào, những người lạ đột nhiên bóp còi và vẫy tay từ xe của họ ra sao, hoặc bằng cách nào lũ trẻ con chạy ào tới chỗ tôi trên phố và nói với một thái độ cực kỳ nghiêm túc: “Cháu thấy chú trên ti vi.”
Nhưng lần này sự phô bày ở một tầm mức khác hẳn – không qua bộ lọc, phát sóng trực tiếp đến hàng triệu người, các đoạn trích phát lại trên truyền hình cáp hoặc qua mạng còn tiếp cận thêm nhiều triệu người nữa. Rời sân khấu, tôi biết bài phát biểu đã thành công, và tôi không ngạc nhiên chút nào khi có những đám đông người chen chúc chào đón chúng tôi tại các địa điểm hội nghị khác nhau vào ngày hôm sau. Nhưng dù hài lòng với tiếng vang ở Boston, tôi vẫn cho rằng đấy chỉ là vấn đề tình huống. Tôi nhận thấy đó là những người nghiện chính trị, họ theo dõi nội dung này từng phút một.
Dù thế, ngay sau đại hội, tôi và Michelle cùng lũ nhóc quyết định gói ghém đồ đạc và thực hiện chuyến đi bằng xe kiểu nhà di động (RV) kéo dài một tuần xuống khu vực rìa nam Chicago, nhằm chứng tỏ cho các cử tri thấy tôi vẫn tập trung vào bang nhà và không phải loại người chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng. Khi còn cách điểm dừng chân đầu tiên vài phút, xe bon bon xuôi xuống xa lộ thì Jeremiah, giám đốc phụ trách khu vực rìa nam Chicago của tôi, nhận được điện thoại từ nhóm tiền trạm.
“Được… được… Tôi sẽ bảo tài xế.”
“Có chuyện gì vậy?” tôi hỏi, trong lúc đang mệt lử vì mất ngủ và một thời gian biểu kín mít.
“Chúng tôi dự báo có chừng một trăm người ở công viên,” Jeremiah đáp, “nhưng giờ họ đếm được ít nhất cũng năm trăm rồi. Họ bảo chúng ta chạy chậm thôi để có thêm thời gian sắp xếp cho số người tăng thêm.”
Hai mươi phút sau, chúng tôi xuống xe và thấy trước mặt cứ như thể cả thị trấn đổ dồn vào công viên vậy. Những ông bố bà mẹ công kênh con trẻ trên vai, những người già ngồi trên ghế xếp tay vẫy những lá cờ nhỏ, những người đàn ông mặc áo sơ mi ca rô dày và đội mũ lưỡi trai, nhiều người trong số đó rõ ràng là chỉ vì hiếu kỳ, họ tới để xem đám nhặng xị này đang làm gì, nhưng số khác kiên trì đứng chờ trong im lặng. Malia thò đầu ra cửa sổ, mặc cho Sasha cố sức đẩy cô chị vào trong. “Người ta đang làm gì trong công viên thế?” Malia hỏi.
“Họ tới đây để gặp ba đấy,” Michelle đáp.
“Vì sao ạ?”
Tôi quay qua Gibbs, anh chàng nhún vai, tôi nói: “Anh sắp cần đến một con thuyền to hơn rồi.”
Mỗi chặng dừng chân kế tiếp, chúng tôi thường được một đám đông nhiều gấp bốn năm lần trước đây chào đón. Và cho dù chúng tôi cứ bảo nhau rằng rồi sự quan tâm sẽ giảm và trái bóng cuồng nhiệt sẽ xì hơi thôi, cho dù chúng tôi luôn cố đề phòng sự tự mãn, thì bản thân cuộc bầu cử hầu như không được dự trù từ trước. Tới tháng 8, phía Đảng Cộng hòa – do không tìm được một ứng cử viên địa phương muốn tham gia cuộc đua (dù cựu huấn luyện viên Mike Ditka của đội Chicago Bears công khai nửa đùa nửa thật về ý định tranh cử) – không hiểu sao lại chọn một kẻ sách động bảo thủ mới được tuyển một cách lúng túng là Alan Keyes. (“Xem kìa,” Gibbs nhe răng cười, “rốt cuộc bọn họ đã tìm được một tay Da đen!”) Ngoài việc Keyes là một cư dân bang Maryland, chuyện ông ta lên giọng đạo đức về nạo phá thai và đồng tính luyến ái là không chấp nhận được với dân Illinois.
“Chúa Jesus sẽ không bỏ phiếu cho Barack Obama!” Keyes tuyên bố, lần nào cũng cố tình phát âm sai tên tôi.
Tôi đã đánh bại ông ta với cách biệt hơn bốn mươi điểm phần trăm – cách biệt lớn nhất trong một cuộc tranh cử vào Thượng viện liên bang trong lịch sử bang này.
Cơn hưng phấn của chúng tôi về tối bầu cử nhanh chóng xẹp xuống, không chỉ bởi cuộc tranh cử đã có một cái kết tất yếu mà còn vì các kết quả toàn quốc khác kém tươi sáng. Kerry thua Bush; Đảng Cộng hòa tái kiểm soát Hạ viện và Thượng viện, ngay cả lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Tom Daschle đến từ bang Nam Dakota cũng thất bại bẽ bàng. Karl Rove, quân sư chính trị của George Bush, đã bô bô về giấc mơ thiết lập sự thống trị thường xuyên của Đảng Cộng hòa.
Trong khi đó, Michelle và tôi mệt rã rời. Các nhân viên của tôi tổng kết rằng trong suốt mười tám tháng trước đó, tôi chỉ nghỉ đúng bảy ngày. Chúng tôi dành sáu tuần trước buổi tuyên thệ trở thành Thượng nghị sĩ Mỹ để làm những việc lặt vặt ở nhà vốn đã bị bỏ bê. Tôi bay tới Washington gặp những người sắp trở thành đồng liêu, phỏng vấn các ứng viên cho đội ngũ nhân sự và tìm một căn hộ rẻ nhất. Michelle đã quyết định sẽ cùng lũ trẻ ở lại Chicago, nơi cô có gia đình và bạn bè hỗ trợ, chưa kể tới công việc mà cô rất yêu thích. Dù ý nghĩ về việc phải sống cách xa nhau ba ngày mỗi tuần làm tim tôi chùng xuống, tôi cũng không thể cãi lý với cô ấy được.
Vả lại chúng tôi không nói đi nói lại quá nhiều về những gì đã diễn ra. Chúng tôi nghỉ lễ Giáng sinh ở Hawaii cùng Maya và bà ngoại. Chúng tôi hát những bài ca mừng Giáng sinh, xây lâu đài cát và xem mấy cô con gái mở hộp quà. Tôi thả một vòng hoa xuống biển tại nơi ngày trước tôi và em gái đã rải tro cốt của mẹ và đặt một vòng hoa khác tại Nghĩa trang Tưởng niệm Quốc gia Thái Bình Dương, nơi ông ngoại được an táng. Sau lễ Năm mới, cả gia đình bay tới Washington. Đêm trước ngày tôi tuyên thệ, lúc Michelle ở trong phòng ngủ của căn buồng khách sạn sẵn sàng cho bữa tiệc tối chào mừng các thành viên mới của Thượng viện thì tôi nhận được điện thoại của cô biên tập viên sách của tôi. Bài phát biểu tại đại hội đã đưa cuốn sách tái bản của tôi, mà các bản in trước đã bán hết sạch hàng năm nay, lên vị trí đầu bảng sách bán chạy. Cô ấy gọi để chúc mừng tôi về thành công đó cũng như đề nghị một giao kèo viết sách mới, lần này với khoản tiền tạm ứng gây sửng sốt.
Tôi cảm ơn cô và gác máy, vừa lúc Michelle đi ra khỏi phòng ngủ với bộ đồ trang trọng lấp lánh.
“Mẹ trông xinh thế, mẹ ơi,” Sasha thốt lên. Michelle xoay người lại về phía hai con gái.
“Được rồi, các con ngoan nhé,” tôi vừa nói, vừa ôm hôn chúng rồi chào tạm biệt mẹ vợ, người cùng đi để chăm lũ nhóc vào tối hôm ấy. Chúng tôi vừa bước xuống sảnh để tới thang máy thì đột nhiên Michelle khựng lại.
“Quên gì à?” tôi hỏi.
Cô ấy nhìn tôi và lắc đầu, vẻ băn khoăn. “Em không thể tin là anh thực sự đã làm được toàn bộ mấy thứ này. Chiến dịch tranh cử. Ra sách. Tất cả mọi thứ.”
Tôi gật đầu, đoạn hôn lên trán cô ấy. “Những hạt đậu thần, em à. Những hạt đậu thần đấy.”
THÁCH THỨC LỚN NHẤT điển hình đối với một tân thượng nghị sĩ tại Washington là làm sao để khiến mọi người chú ý tới bất cứ công việc nào mình làm. Thế nhưng hóa ra tôi lại đối mặt với vấn đề ngược lại. Liên quan tới cương vị là một thượng nghị sĩ mới toanh, cơn sốt bao quanh tôi đã gia tăng tới mức hài hước. Các phóng viên vốn dĩ vẫn truy vấn tôi về kế hoạch hành động, giờ toàn hỏi tôi có dự định ra tranh cử tổng thống không. Vào hôm tôi tuyên thệ nhậm chức, một phóng viên hỏi: “Ngài thấy vị trí của mình trong lịch sử là gì?” Tôi đã cười, phân bua rằng tôi mới chân ướt chân ráo tới Washington, bị xếp thứ chín mươi chín theo thứ bậc thâm niên, chưa hề bỏ phiếu cho một quyết sách nào và thậm chí còn chưa biết nhà vệ sinh trong điện Capitol ở đâu.
Không phải tôi rụt rè điệu bộ gì đâu. Tranh cử vào Thượng viện giống như một cú với tay quá cao vậy. Tôi rất hân hoan khi đến được nơi này và đang háo hức bắt tay vào làm việc. Để trung hòa những kỳ vọng quá mức, tôi và đội nhân sự nhìn vào tấm gương của Hillary Clinton, người bốn năm về trước bước vào Thượng viện với bao nhiêu là chào đón náo nhiệt, thế rồi bà đã dấn bước để tạo dựng danh tiếng về sự cần cù, thực chất và sự quan tâm tới cử tri của mình. Trở thành một con ngựa kéo, chứ không phải một con ngựa biểu diễn – đó là mục tiêu của tôi.
Không ai có tính cách phù hợp để triển khai một chiến lược như thế hơn Pete Rouse, tân chánh văn phòng của tôi. Gần sáu mươi tuổi, tóc đang bạc đi và vóc dáng như gấu trúc, Pete đã làm việc ở Đồi Capitol gần ba chục năm. Kinh nghiệm làm việc của ông gần đây nhất là chánh văn phòng của Tom Daschle, và mối quan hệ rộng rãi khắp khu vực này khiến người ta trìu mến gọi ông là thượng nghị sĩ thứ 101. Trái ngược với hình dung đơn điệu về một chuyên viên chính trị ở Washington, Pete dị ứng với tâm điểm chú ý và – ẩn dưới vẻ ngoài buồn cười và cộc cằn – ông khá bẽn lẽn, tính cách này giúp giải thích vì sao ông sống độc thân cũng như tình yêu hết mực mà ông dành cho lũ mèo.
Tôi phải nỗ lực lắm mới thuyết phục được Pete đảm trách việc thành lập đội ngũ tân binh cho mình. Ông bảo khi nhận lời, ông không băn khoăn về chuyện địa vị sụt giảm, mà chỉ lo nhỡ không có đủ thời gian để tìm việc làm cho tất cả các nhân viên ít thâm niên vừa đột ngột mất việc sau khi Daschle thất cử.
Sự tử tế và chính trực ấy, cùng với tầm hiểu biết, đã khiến Pete trở thành một tặng vật của thượng đế. Và nhờ vào danh tiếng của ông mà tôi có thể tuyển được một đội ngũ nhân viên đỉnh cao cho văn phòng của mình. Cùng với Robert Gibbs trong vai trò trưởng phòng truyền thông, chúng tôi tuyển nhân vật kỳ cựu của Đồi Capitol là Chris Lu làm trưởng phòng lập pháp; Mark Lippert, một lính dự bị hải quân trẻ tuổi và sắc bén, làm nhân viên mảng chính sách ngoại giao; và Alyssa Mastromonaco, một nữ phó tướng trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Kerry có khuôn mặt búng sữa không ăn nhập gì với tài năng ngoại hạng trong việc xử lý rắc rối và tổ chức sự kiện, đảm nhận vị trí trưởng phòng kế hoạch. Cuối cùng, chúng tôi bổ sung anh chàng hai mươi ba tuổi bảnh trai, thâm trầm Jon Favreau. Favs, về sau mọi người hay gọi vậy, cũng từng làm việc cho chiến dịch của Kerry và theo lựa chọn của cả Gibbs lẫn Pete thì đây là người viết diễn văn số một của chúng tôi.
“Tôi đã từng gặp cậu ta chưa nhỉ?” tôi hỏi Gibbs sau cuộc phỏng vấn.
“Rồi… Cậu ta chính là thằng bé đã chạy tới nói với anh rằng Kerry đã thuổng một câu văn của anh tại đại hội đấy.”
Tôi bèn tuyển cậu ta ngay.
Dưới sự giám sát của Pete, ê kíp đã lập các văn phòng tại Washington, Chicago và vài địa điểm ở rìa nam Chicago. Nhằm tập trung vào cử tri ở quê nhà, Alyssa lên một lịch trình đầy tham vọng gồm các buổi tiếp xúc ở bang Illinois – ba mươi chín buổi trong năm đầu tiên. Chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tránh báo chí toàn quốc và các chương trình truyền hình vào sáng chủ nhật, thay vào đó dồn sự quan tâm vào các chi nhánh báo chí và truyền hình Illinois. Quan trọng nhất, Pete đã xây dựng quy trình chi tiết về việc xử lý thư và yêu cầu của cử tri, dành hàng tiếng đồng hồ để trao đổi với nhân viên trẻ và thực tập sinh làm việc tại phòng văn thư, xắn tay biên tập thư phúc đáp cho cử tri và đảm bảo rằng họ biết đến tất cả các cơ quan liên bang phụ trách giải quyết ngân phiếu An sinh Xã hội bị mất, các khoản trợ cấp cựu chiến binh bị chấm dứt hoặc các khoản vay từ Cục Doanh nghiệp nhỏ.
“Cử tri có thể không thích lá phiếu của anh trong Thượng viện,” Pete nói, “nhưng họ sẽ không bao giờ phàn nàn anh về việc không phúc đáp thư của họ!”
Khi văn phòng đã được đặt vào tay những người giỏi giang, tôi dành phần lớn thời gian để nghiên cứu các vấn đề quan trọng và làm quen với các thượng nghị sĩ đồng liêu. Việc này trở nên dễ dàng nhờ sự phóng khoáng của Dick Durbin, thượng nghị sĩ kỳ cựu đến từ bang Illinois, một bằng hữu và môn đồ của Paul Simon, và là một trong những người tranh biện tài ba ở Thượng viện. Trong một môi trường văn hóa với những cái tôi to tướng, nơi mà các thượng nghị sĩ không mấy dễ chịu với một đồng nghiệp mới tò te tỏ ra thoải mái với báo chí nhiều hơn họ, Dick lại tỏ ra vô cùng đắc lực. Ông dẫn tôi đi giới thiệu khắp các phòng Thượng viện, dặn ê kíp của ông công nhận đóng góp của chúng tôi trong thành tích của họ tại nhiều dự án ở Illinois và luôn giữ kiên nhẫn cũng như khiếu hài hước khi – tại bữa sáng chiêu đãi cử tri mà chúng tôi đồng tổ chức – khách khứa dành phần lớn thời gian xin chữ ký và xin chụp hình chung với tôi.
Có thể nói những lời tương tự về tân thủ lĩnh phe Dân chủ Harry Reid. Hành trình Harry đến với Thượng viện xem ra cũng khó tin như hành trình của tôi. Sinh ra trong cảnh bần hàn ở thị trấn Searchlight nhỏ bé thuộc bang Nevada, là con của một anh thợ mỏ và cô thợ giặt, ông đã sống những năm đầu đời trong căn lều không nước máy lẫn điện thoại. Thế rồi bằng cách nào đấy, ông đã quẫy đạp để học lên tới cao đẳng và sau đó là Trường Luật thuộc Đại học George Washington, giữa các buổi học tranh thủ tham gia Đội Cảnh sát Quốc hội Hoa Kỳ để kiếm tiền trang trải cuộc sống và ông sẽ là người đầu tiên nói với bạn rằng vết sẹo nhạy cảm về quá khứ chưa bao giờ mất trong ông.
“Cậu biết không, Barack, hồi nhỏ tôi đã đấm bốc,” ông nói với giọng thì thầm trong lần đầu gặp mặt. “Mà kỳ lắm, tôi không phải là một tay đấm giỏi. Tôi không to khỏe. Nhưng tôi có hai thứ. Tôi có nắm đấm. Và tôi không bao giờ bỏ cuộc.”
Cùng trải qua những hành trình không tưởng, cho nên dù khác biệt về tuổi tác và kinh nghiệm, Harry và tôi vẫn rất hợp gu. Harry không quen biểu lộ cảm xúc nhiều và thường ngang ngạnh bỏ qua phép lịch sự thông thường trong các cuộc nói chuyện, nhất là qua điện thoại. Đôi lúc bạn sẽ cảm thấy chưng hửng khi đang nói giữa chừng chợt phát hiện ông đã cúp máy rồi. Nhưng cũng tương tự điều mà Emil Jones đã làm trong ngành lập pháp của bang, Harry đã cố gắng quan tâm đến tôi trong các phần việc của ủy ban hoặc giúp tôi nắm bắt công việc của Thượng viện, bất chấp thứ bậc thấp của tôi.
Quả thực, tính hợp tác đồng nghiệp ấy có vẻ đã trở thành quy tắc ở đây. Những bậc lão làng tại Thượng viện như Ted Kennedy và Orrin Hatch, John Warner và Robert Byrd, Dan Inouye và Ted Stevens đều duy trì tình bạn xuyên đảng phái, hoạt động với một tình thân ái cởi mở mà tôi từng nhận thấy ở Thế hệ vĩ đại nhất(26). Những thượng nghị sĩ trẻ hơn ít giao du hơn và luôn mang theo ranh giới ý thức hệ sắc cạnh hơn vốn là đặc trưng của Hạ viện sau kỷ nguyên Gingrich(27). Nhưng ngay cả với những thành viên bảo thủ nhất, tôi vẫn thường tìm thấy một điểm chung: Chẳng hạn, Tom Coburn từ bang Oklahoma, một tín đồ Ki tô giáo sùng đạo và là người hoài nghi cứng cựa về chi tiêu chính phủ, cũng có thể trở thành một người bạn chân thành và sâu sắc, ê kíp của chúng tôi đã làm việc cùng nhau để đề xuất giải pháp tăng cường sự minh bạch và giảm lãng phí trong các hợp đồng của chính phủ.
(26) Thế hệ vĩ đại nhất (The Greatest Generation) là thế hệ sinh ra trong Kỷ nguyên Tiến bộ (Progressive Era, 1896–1916) và Thập niên 20 Gầm thét (The Roaring Twenties), sống qua Thế chiến I, đại dịch cúm Tây Ban Nha, Đại Khủng hoảng và tham gia Thế chiến II.
(27) Newt Gingrich thuộc Đảng Cộng hòa là dân biểu Hạ viện thời kỳ 1979–1999 và từng là Chủ tịch Hạ viện (1995–1999).
Theo nhiều cách, năm đầu tiên ở Thượng viện có vẻ như là một điệp khúc của những năm đầu tiên của tôi trong ngành lập pháp bang Illinois, dù cuộc tranh đua cao hơn, sự chú ý của dư luận nhiều hơn và những người vận động hành lang thiện nghệ hơn trong việc gói ghém lợi ích của khách hàng vừa vặn với chiếc áo của những nguyên tắc chủ đạo. Khác với lập pháp cấp bang, nơi có nhiều thành viên bằng lòng với việc tránh gây chú ý rắc rối, thường là không cần biết cái quái gì đang xảy ra, những đồng liêu mới của tôi nắm bắt thông tin tốt hơn và không bao giờ ngại bày tỏ quan điểm, khiến cho các cuộc họp ủy ban cứ dài lê thê và làm cho tôi trở nên dễ thông cảm hơn với mấy người từng phải chịu đựng thói quen nói dông dài của tôi hồi học trường luật và trong thời gian công tác ở Springfield.
Thuộc phe thiểu số, tôi và các đồng nghiệp Đảng Dân chủ không có tiếng nói quyết định về việc dự luật nào sẽ vượt qua được vòng xem xét của ủy ban để bỏ phiếu tại Thượng viện. Chúng tôi chỉ chong mắt nhìn các đảng viên Cộng hòa thông qua các khoản ngân sách đã cắt xén phần chi cho giáo dục và giảm các biện pháp bảo vệ môi trường, cảm thấy bất lực chẳng làm được gì ngoài việc phát biểu hùng hồn trước một khán phòng hầu như trống rỗng và chỉ có ống kính của đài truyền hình C-SPAN(28). Chúng tôi thường xuyên phải vật lộn trong tuyệt vọng với những cuộc bỏ phiếu được thiết kế không phải để thông qua một chính sách mà nhằm triệt hạ phe Dân chủ và làm mồi cho các chiến dịch tranh cử sắp tới. Tương tự như những gì đã làm ở bang Illinois, tôi cố gắng hết sức để có thể tác động tới chính sách ở những khía cạnh phụ, thúc đẩy các giải pháp khiêm tốn và phi đảng phái – chẳng hạn cấp kinh phí phòng chống dịch bệnh hoặc phục hồi phúc lợi cho một tầng lớp cựu quân nhân Illinois.
(28) Đài truyền hình cáp và vệ tinh có trụ sở tại Đồi Capitol, chuyên tường thuật hoạt động của chính quyền liên bang.
Dù một số khía cạnh của Thượng viện rất dễ khiến người ta thất vọng, tôi thực sự không quá bận tâm tới nhịp độ ì ạch của nó. Là một trong những đại biểu trẻ nhất và với tỉ lệ ủng hộ 70 phần trăm tại quê nhà Illinois, tôi biết mình có thể kiên nhẫn thêm được. Đôi lúc, tôi có nghĩ tới việc tranh cử chức thống đốc hoặc, vâng, tổng thống, xuất phát từ niềm tin rằng việc nắm giữ một chức vụ hành pháp có thể cho tôi cơ hội tốt hơn để thúc đẩy chương trình hành động. Nhưng giờ đây, bốn mươi ba tuổi và mới khởi sự ở sân chơi toàn quốc, tôi nhận thấy mình còn khối thời gian.
Tâm trạng tôi càng được khích lệ bởi tình hình được cải thiện hơn ở hậu phương. Do điều kiện thời tiết xấu, việc đi từ D.C.(29) tới Chicago không lâu hơn các chuyến đi và về Springfield. Và mỗi lần về nhà, khi không quá bận rộn hoặc phân tâm như hồi điều hành chiến dịch tranh cử hoặc lúc còn ôm ba công việc đồng thời, tôi có thêm thời gian để chở Sasha đi học nhảy vào thứ bảy hoặc đọc một chương Harry Potter cho Malia nghe trước khi bế con bé lên giường ngủ.
(29) Viết tắt của District of Columbia (Đặc khu Columbia), nơi tọa lạc thủ đô Washington.
Tình hình tài chính cải thiện cũng giúp giải tỏa nhiều căng thẳng. Chúng tôi mua một ngôi nhà mới, rộng rãi, xinh xắn theo kiến trúc thời George(30) đối diện với một giáo đường Do Thái giáo ở Kenwood. Với mức giá phải chăng, một người bạn trẻ của gia đình và là đầu bếp đầy nhiệt thành tên Sam Kass đã nhận lời đi chợ mua đồ và nấu các bữa ăn nhiều dinh dưỡng phục vụ suốt tuần. Mike Signator – cựu quản lý của công ty điện lực Commonwealth Edison từng làm tình nguyện viên trong chiến dịch tranh cử – tiếp tục ở lại làm tài xế bán thời gian, thực ra là đã trở thành một thành viên gia đình.
(30) Georgian architecture là lối kiến trúc có tỉ lệ cân đối, được đặt tên theo các vị vua George I, George II, George III và George IV thuộc Vương triều Hanover, trị vì xứ Anh trong giai đoạn 1714–1830.
Quan trọng nhất, với sự hậu thuẫn tài chính của chúng tôi lúc bấy giờ, bà Marian, mẹ vợ tôi, đồng ý giảm bớt giờ làm bên ngoài để giúp trông coi hai cô bé. Thông thái, hài hước và còn trẻ để đủ sức rượt theo hai đứa bé bốn và bảy tuổi, bà làm cho cuộc sống của mọi người trở nên thoải mái hơn. Bà cũng ngày càng yêu mến cậu con rể và thường đứng ra bênh vực mỗi khi tôi bê trễ, luộm thuộm hoặc tệ hơn mức bình thường.
Sự giúp đỡ đó cho phép tôi và Michelle có thêm nhiều thời gian bên nhau hơn, điều mà trước đây chúng tôi đã thiếu hụt quá lâu. Chúng tôi cười nhiều hơn, một lần nữa nhắc nhớ rằng chúng tôi là bạn tốt nhất của nhau. Ngoài chuyện đó ra, điều khiến cả hai ngạc nhiên nhất là hoàn cảnh mới cũng không làm chúng tôi thay đổi nhiều. Chúng tôi vẫn tiếp tục thích ở nhà, lảng tránh các bữa tiệc phù phiếm, các dạ tiệc để thăng tiến trong công việc, bởi chúng tôi không muốn đánh mất những buổi tối dành cho con cái, bởi chúng tôi cảm thấy ngớ ngẩn khi chưng diện và bởi Michelle, người dậy sớm quanh năm, thường buồn ngủ sau mười giờ đêm. Thay vào đó, chúng tôi nghỉ cuối tuần y hệt như trước đây, tôi chơi bóng rổ hoặc dẫn Malia và Sasha đi bơi gần nhà, Michelle tạt vào siêu thị Target mua đồ hoặc dẫn con gái đi chơi cùng chúng bạn. Chúng tôi ăn tối hoặc làm tiệc nướng buổi chiều cùng gia đình và nhóm bạn bè thân thiết – đặc biệt là Valerie, Marty, Anita, Eric và Cheryl Whitaker (một cặp bác sĩ có con cái cùng lứa với con chúng tôi), cùng với Kaye và Wellington Wilson, hai người thường được gọi trìu mến là “Mẹ Kaye” và “Ba Wellington”, một cặp vợ chồng lớn tuổi hơn (ông chồng là người quản lý trường cao đẳng cộng đồng về hưu; còn bà vợ là cán bộ chương trình tại một tổ chức quỹ ở địa phương, đồng thời là một đầu bếp cừ khôi), những người mà tôi có dịp quen biết từ hồi còn làm công tác vận động cộng đồng và họ tự coi mình thay thế vai trò cha mẹ tôi ở Chicago.
Điều đó không có nghĩa là tôi và Michelle không phải điều chỉnh bản thân. Người dân giờ đây nhận ra chúng tôi trong đám đông và khi họ càng bày tỏ sự ủng hộ như thường thấy, chúng tôi càng cảm thấy bối rối khi sự vô danh của mình đột nhiên biến mất. Một tối nọ không lâu sau bầu cử, tôi cùng Michelle đi xem phim tiểu sử Ray(31) do Jamie Foxx thủ vai chính, chúng tôi đã một phen bất ngờ khi vừa bước vào rạp phim thì khán giả đứng dậy vỗ tay rào rào. Có vài lần đi ăn tối bên ngoài, chúng tôi nhận thấy những người ngồi ở các bàn bên cạnh hoặc muốn bắt chuyện lâu hoặc là rất im lặng, theo cái cách không khó nhận ra để cố nghe xem chúng tôi trò chuyện gì với nhau.
(31) Phim về ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công Da đen Ray Charles (1930–2004).
Hai con gái tôi cũng nhận ra điều đó. Một hôm vào mùa hè đầu tiên sau khi tôi trở thành thượng nghị sĩ, tôi dẫn Malia và Sasha tới Vườn thú Công viên Lincoln. Mike Signator đã cảnh báo rằng vào những chiều chủ nhật đẹp trời, nơi đây thường rất đông đúc, nhưng tôi vẫn quyết đi cho bằng được, tự tin rằng kính râm và chiếc mũ bóng chày có thể giúp tôi khỏi bị chú ý. Trong khoảng nửa giờ đầu tiên, mọi việc diễn ra đúng kế hoạch. Chúng tôi đi thăm lũ sư tử lảng vảng sau tường kính trong khu chuồng dành cho thú lớn họ mèo và đứng từ xa làm mặt ngố trêu mấy con vượn lớn mà không gây xáo động gì. Thế rồi khi dừng lại để đọc bảng chỉ dẫn đường tới khu hải sư, chúng tôi nghe một người đàn ông thốt lên.
“Obama kìa! Xem kìa… Obama đấy! Chào ông Obama, tôi có thể chụp hình với ông được không ạ?”
Thế là y như rằng, chúng tôi bị các gia đình vây lấy, mọi người đổ tới bắt tay hoặc xin chữ ký, các ông bố bà mẹ kéo con cái đứng cạnh tôi để chụp hình. Tôi ra hiệu cho Mike dẫn hai cô con gái tới khu hải sư trước. Trong mười lăm phút sau đó, tôi hiến dâng mình cho các cử tri, đón nhận những lời nói khích lệ của họ, sự việc nhắc nhở tôi rằng đây là một phần những gì mà tôi cam kết phụng sự, nhưng trái tim cũng khẽ chùng xuống với ý nghĩ các con gái tôi đang băn khoăn điều gì xảy ra với cha của chúng.
Sau rốt tôi đã gặp lại các con và Mike gợi ý chúng tôi rời sở thú để tìm một nơi vắng vẻ để ăn kem. Lúc lái xe đi, Mike im lặng đầy khoan hòa – trong khi hai cô bé thì không.
“Con nghĩ ba cần có một mật danh,” từ ghế sau Malia tuyên bố.
“Mật danh là gì?” Sasha thắc mắc.
“Đó là cái tên giả để sử dụng khi mình không muốn mọi người biết mình là ai,” Malia giải thích. “Kiểu như Johnny McJohn John.”
Sasha khúc khích. “Đúng rồi, ba… Ba nên chọn tên Johnny McJohn John!”
“Ba cũng nên giả giọng nữa,” Malia nói thêm. “Mọi người nhận ra giọng ba. Ba phải nói với giọng cao hơn. Và nhanh hơn.”
“Ba nói quá chậm,” Sasha bình luận.
“Vậy nha, ba ạ,” Malia nói. “Thử nhé.” Rồi cô bé chuyển qua giọng cao và nhanh nhất mà cô có thể phát âm được: “Xin chào! Tôi là Johnny McJohn John!”
Không kìm được, Mike phá lên cười. Sau đó, khi chúng tôi về tới nhà, Malia hào hứng giải thích mưu mẹo của mình còn Michelle thì không ngớt vỗ nhẹ lên đầu con.
“Ý tưởng hay lắm, con yêu,” cô ấy bảo, “nhưng cách duy nhất ba có thể cải trang là phẫu thuật ghim ngược tai ra phía sau này.”
MỘT ĐẶC ĐIỂM của Thượng viện khiến tôi hào hứng là việc cơ quan này cho tôi khả năng gây ảnh hưởng lên chính sách ngoại giao, điều mà lập pháp cấp bang không có được. Từ hồi học đại học, tôi đặc biệt quan tâm tới vấn đề hạt nhân và ngay trước khi tuyên thệ nhậm chức, tôi đã viết thư cho Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Dick Lugar, người đã để lại dấu ấn sâu đậm trong vấn đề không phổ biến hạt nhân, để bày tỏ mong muốn được làm việc với ông.
Dick đã hồi đáp đầy nhiệt tình. Là một người thuộc Đảng Cộng hòa đến từ bang Indiana và có thâm niên hai mươi tám năm trong Thượng viện, ông là một nhân vật bảo thủ thực thụ trong các vấn đề đối nội như thuế và nạo phá thai, nhưng trong chính sách đối ngoại, ở ông toát ra sự thôi thúc khôn ngoan và có tính chất quốc tế chủ nghĩa vốn từ lâu đã dẫn lối cho những người Cộng hòa dòng chính như George H. W. Bush. Năm 1991, một thời gian ngắn sau khi Liên Xô tan rã, Dick đồng hành cùng đảng viên Dân chủ Sam Nunn thiết kế và thúc đẩy thông qua luật lệ cho phép Mỹ hỗ trợ Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây bảo đảm an toàn và vô hiệu hóa các vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chương trình được biết đến với tên gọi Nunn-Lugar(32) này đã đạt được một thành tựu vững chắc và dài lâu – hơn 7.500 đầu đạn hạt nhân sẽ được vô hiệu hóa trong hai thập niên sau đó – và việc triển khai chương trình giúp tạo thuận lợi cho quan hệ giữa giới chức an ninh quốc gia của Nga và Mỹ, điều hết sức quan trọng trong công tác quản lý một giai đoạn chuyển tiếp nguy hiểm.
(32) Chương trình Hợp tác Giảm mối đe dọa Nunn–Lugar, còn gọi là Đạo luật Nunn–Lugar, do các thượng nghị sĩ Sam Nunn và Richard Lugar đề xuất năm 1986 nhằm tài trợ và cung cấp chuyên gia để xử lý vũ khí hạt nhân tại các quốc gia là thành viên cũ của Liên Xô.
Lúc bấy giờ, vào năm 2005, các báo cáo tình báo chỉ ra rằng các nhóm cực đoan như al-Qaeda đã sục sạo các cơ sở hẻo lánh được canh phòng lỏng lẻo trong khối Liên Xô cũ để tìm kiếm nguyên vật liệu hạt nhân, hóa và sinh học còn sót lại. Dick và tôi bắt đầu thảo luận làm sao dựa trên chương trình Nunn-Lugar hiện hữu để xây dựng cơ chế bảo vệ sâu rộng hơn trước các nguy cơ này. Cơ duyên ấy đã đưa tôi cùng Dick lên một máy bay phản lực quân sự vào tháng 8 năm đó, trực chỉ Nga, Ukraine và Azerbaijan trong chuyến thăm kéo dài một tuần. Nhu cầu giám sát tiến triển của chương trình Nunn-Lugar đã khiến Dick thường xuyên thực hiện những chuyến thăm như vậy, còn với tôi, đây là chuyến công tác nước ngoài chính thức đầu tiên, và những năm về sau, tôi đã nghe được những câu chuyện về các buổi tiệc tùng của Quốc hội – thời gian biểu làm việc bớt căng hơn, những bữa tối thịnh soạn và những cuộc mua sắm lu bù. Nếu quả thực có chuyện đó, thì hóa ra Dick chẳng hề hay biết gì cả. Dù đã ngoài bảy mươi, Dick vẫn duy trì nhịp độ làm việc khủng khiếp. Sau một ngày họp hành dày đặc với giới chức Nga ở Moscow, ông bay mất vài tiếng về phía đông nam tới Saratov rồi sau đó chạy xe thêm một tiếng nữa tới một kho hạt nhân bí mật, nơi nguồn tài chính của Mỹ đang giúp nâng cấp hệ thống an ninh xung quanh các tên lửa Nga. (Chúng tôi cũng được đãi món xúpborscht(33) và một món kiểu như thạch làm từ cá(34) mà Dick bạo dạn ăn còn tôi thì gạt ra xung quanh đĩa giống như một đứa bé lên sáu khảnh ăn vậy.)
(33) Xúp củ cải đỏ đặc trưng của Nga và Ukraine.
(34) Tác giả gọi là fish gelatin, tức món cá đông, cũng giống như thịt đông.
Tới thăm thành phố Perm gần rặng Ural, chúng tôi đi xuyên qua một bãi tha ma toàn vỏ tên lửa SS-24 và SS-25, những chứng tích cuối cùng của đầu đạn hạt nhân chiến thuật từng một thời nhằm vào châu Âu. Tại Donetsk ở miền đông Ukraine, chúng tôi tham quan một cơ sở mà nhà kho chứa các loại vũ khí thông thường – như đạn, các chất nổ mạnh, tên lửa đất đối không và cả những quả bom nhỏ giấu trong đồ chơi trẻ con – được gom về từ khắp nơi trong nước và đã được lên lịch tiêu hủy. Tại Kiev, các vị chủ nhà dẫn chúng tôi tới một khu phức hợp ba tầng ọp ẹp, không được canh gác ở ngay trung tâm thành phố, nơi chương trình Nunn-Lugar đang tài trợ thiết lập hệ thống lưu giữ mới cho các mẫu nghiên cứu sinh học thời chiến tranh lạnh, bao gồm cả về dịch hạch và bệnh than. Tất cả đều là bằng chứng nghiêm túc về năng lực của con người trong việc khai thác tài năng phục vụ cho các mục tiêu điên rồ. Nhưng với tôi, sau rất nhiều năm chú tâm vào chuyện quốc nội, chuyến đi cũng tiếp thêm sinh lực mới mẻ – nó nhắc nhở tôi rằng thế giới này mới rộng lớn làm sao cũng như gợi nhắc những hệ quả nhân đạo sâu sắc đến từ các quyết định được đưa ra từ Washington.
Cung cách làm việc của Dick đã để lại trong tôi một ấn tượng lâu bền. Khuôn mặt như của vị thần già tí hon trong cổ tích luôn gắn một nụ cười điềm tĩnh, ông trả lời các câu hỏi của tôi không biết mệt. Tôi bị chinh phục bởi sự quan tâm, tính chính xác và tài nắm bắt dữ liệu mà ông thể hiện bất cứ khi nào nói chuyện với các quan chức nước ngoài. Tôi theo dõi sự kiên nhẫn của ông không chỉ khi các chuyến bay bị chậm giờ hay hoãn mà còn trước các câu chuyện tràng giang đại hải cũng như những ngụm rượu vodka vào buổi trưa, với hiểu biết rằng phép lịch sự cơ bản ở mỗi nền văn hóa là khác nhau và rốt cuộc có thể tạo ra sự khác biệt trong việc thúc đẩy lợi ích của nước Mỹ. Với tôi, đó là bài học hữu ích trong ngoại giao, một ví dụ về tác động thực sự mà một thượng nghị sĩ có thể tạo ra.
Thế rồi một cơn bão ào đến và mọi thứ thay đổi.
TRONG THỜI GIAN một tuần tôi đi cùng với Dick, một hiện tượng thời tiết nhiệt đới hình thành tại quần đảo Bahamas đã băng qua Florida và dồn tụ trên vịnh Mexico, rồi tích thêm năng lượng từ nước biển ấm và hung hãn nhằm thẳng vào vùng duyên hải miền nam nước Mỹ. Vào thời điểm phái đoàn Thượng viện của chúng tôi đáp xuống London để gặp Thủ tướng Tony Blair, một thảm họa hung tàn và bạo liệt đã hiện hình. Với sức gió hơn 200 cây số mỗi giờ khi đổ bộ, bão Katrina đã san bằng toàn bộ các khu dân cư dọc Bờ Vịnh, làm vỡ đê và nhấn chìm phần lớn New Orleans vào biển nước.
Tôi thức tới nửa đêm để xem tin tức, choáng váng trước cơn ác mộng tăm tối như thuở hồng hoang quét qua màn hình ti vi. Xác người nổi lềnh bềnh, người già mắc kẹt trong bệnh viện, tiếng súng nổ và nạn cướp bóc, người tị nạn nằm chen chúc và mất hết hy vọng. Thật buồn khi chứng kiến những nỗi thống khổ như thế; quan sát phản ứng chậm trễ của chính phủ, tình cảnh dễ bị tổn thương của rất nhiều người nghèo và người lao động khiến tôi cảm thấy hổ thẹn.
Vài ngày sau, tôi cùng với George H. W. Bush và Barbara Bush, Bill và Hillary Clinton tới thăm Houston, nơi hàng ngàn người mất nhà cửa do bão được chuyển đến các địa điểm trú ẩn khẩn cấp mới được dựng lên trong khu phức hợp hội nghị Astrodome ngổn ngang. Cùng với Hội Chữ thập Đỏ và Cục Quản lý Tình trạng khẩn cấp Liên bang (FEMA), các lực lượng tại thành phố đã làm việc ngày đêm để cung cấp những điều kiện cơ bản nhất, nhưng điều khiến tôi choáng váng khi di chuyển từ chiếc giường xếp này qua chiếc giường xếp kia là rất nhiều người ở đây, phần lớn là người Da đen, đã bị bỏ rơi rất lâu trước cơn bão – họ phải vật lộn kiếm ăn bên lề xã hội mà không có tiền dành dụm và bảo hiểm. Tôi lắng nghe câu chuyện của họ về những ngôi nhà bị sập, những người thân yêu bị mất tích trong nước lũ, về việc họ không thể di chuyển bởi không có xe hơi hoặc không thể sơ tán cha hay mẹ già yếu, họ không khác gì những người mà tôi từng tham gia hỗ trợ khi làm công tác tổ chức cộng đồng tại Chicago, không khác gì một vài bà dì và anh chị em họ của Michelle. Tôi chợt ngộ ra rằng bất kể hoàn cảnh của tôi đã thay đổi thế nào, thì hoàn cảnh của họ vẫn vậy. Cái nền chính trị ở đất nước này vẫn thế. Người bị bỏ rơi và tiếng nói bị lãng quên hiện diện khắp nơi, bị phớt lờ bởi một chính phủ thường nhắm mắt bịt tai trước những nhu cầu của họ.
Tôi coi sự khổ cực của họ như là lời quở trách, và là người Mỹ gốc Phi duy nhất trong Thượng viện, tôi nhận thấy đã đến lúc tôi cần chấm dứt thời kỳ lánh mặt không xuất hiện trên truyền thông toàn quốc. Tôi phát biểu trên chương trình tin tức của đài truyền hình, lập luận rằng trong khi tôi không tin phân biệt chủng tộc là nguyên nhân dẫn tới phản ứng kém cỏi đối với thảm họa Katrina, thì điều đó cũng nói lên rằng đảng cầm quyền, và nước Mỹ nói chung, đã đầu tư ít ỏi nhường nào vào việc xử lý tình trạng bị cô lập, nghèo đói từ thế hệ này qua thế hệ khác và thiếu vắng cơ hội đi lên vẫn đeo đẳng tại nhiều vùng miền của đất nước.
Trở về Washington, tôi làm việc với các đồng nghiệp tại Ủy ban An ninh Nội địa và các Vấn đề Chính phủ để khởi thảo những kế hoạch tái thiết vùng Vịnh Mexico. Nhưng cuộc sống ở Thượng viện cho ta một cảm giác khác. Cần bao nhiêu năm ở trong cái tòa nhà này để có thể thực sự tạo nên khác biệt cho cuộc sống những người mà tôi đã gặp ở Houston? Cần bao nhiêu cuộc điều trần ở ủy ban, bao nhiêu lần sửa đổi luật bất thành, bao nhiêu điều khoản ngân sách được bàn thảo với một ông chủ tịch ngang ngạnh để bù đắp cho các hành động thiếu đường hướng của chỉ một ông giám đốc FEMA, một chức sắc Cục Bảo vệ Môi trường, hay một vị quan chức được bổ nhiệm tại Bộ Lao động?
Những cảm giác bức xúc ấy tích lại khi, một vài tháng sau đó, tôi tham gia một đoàn nhỏ của Quốc hội tới thăm Iraq. Gần ba năm sau khi cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu, chính quyền đã không thể tiếp tục phủ nhận rằng cuộc chiến tranh này đã trở thành thảm họa. Bằng cách giải tán quân đội Iraq và cho phép người Shiite chiếm đa số hùng hổ đuổi một số lượng lớn người Hồi giáo Sunni ra khỏi các cương vị trong chính phủ, giới chức Mỹ đã tạo ra một tình trạng hỗn loạn và nguy hiểm không ngừng leo thang – một cuộc xung đội giáo phái đẫm máu đánh dấu bằng sự gia tăng các vụ tấn công tự sát, đánh bom vệ đường và xe cài bom được kích nổ trong các khu phố chợ tấp nập.
Nhóm chúng tôi tới thăm các căn cứ quân sự Mỹ ở Baghdad, Fallujah và Kirkuk, và nhìn từ trên trực thăng Black Hawk chở chúng tôi, cả đất nước này trông điêu tàn, các thành phố lỗ chỗ đạn cối, đường sá vắng lặng một cách kỳ quái, cảnh vật ám đầy bụi đất. Tại mỗi điểm dừng chân, chúng tôi đã gặp các chỉ huy và binh sĩ tháo vát và can trường, được thôi thúc bởi niềm tin rằng với mức độ hỗ trợ quân sự phù hợp, với công tác huấn luyện kỹ thuật và sự tận lực của họ, một ngày nào đó Iraq có thể xoay chuyển tình hình. Nhưng các cuộc trao đổi của tôi với cánh nhà báo và một nhúm quan chức cấp cao Iraq lại cho thấy một câu chuyện khác. Họ bảo rằng ma quỷ đã được thả ra, sự bắn giết và trả đũa giữa người Sunni và người Shiite khiến cho triển vọng hàn gắn trở nên xa vời, nếu không muốn nói là không thể đạt được. Điều duy nhất giữ cho đất nước này gắn kết có vẻ là hàng ngàn binh sĩ và lính Thủy quân Lục chiến trẻ tuổi mà chúng ta triển khai, nhiều người hầu như mới vừa bước ra từ trường trung học. Hơn hai ngàn người trong số họ đã bị giết, nhiều ngàn người khác bị thương. Có vẻ rõ ràng rằng cuộc chiến càng kéo dài thì binh lính của chúng ta càng dễ trở thành mục tiêu của một kẻ thù mà họ thường không nhìn thấy và không hiểu.
Bay trở về nước Mỹ, tôi không thể xua đi ý nghĩ rằng những chàng trai trẻ ấy đang trả giá cho sự ngạo mạn của những kẻ như Dick Cheney và Donald Rumsfeld, chính họ đã xua chúng ta vào cuộc chiến dựa trên thông tin không chính xác và đến nay vẫn không chịu nhìn nhận đầy đủ hậu quả. Việc hơn một nửa đồng liêu Dân chủ của tôi đã tán thành cuộc chiến thất bại này rót vào người tôi một nỗi phiền muộn hoàn toàn khác. Tôi tự hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra nếu mình ở Washington lâu hơn, khi đã bén rễ và cảm thấy thoải mái ở đó. Giờ đây tôi thấy được điều gì có thể xảy ra – đường lối thay đổi từng bước và lề thói lịch thiệp, sự loay hoay chọn chỗ đứng liên tục để hướng tới cuộc bầu cử kế tiếp, tư duy tập thể trong các cuộc tọa đàm trên truyền hình cáp, tất cả đều hợp sức lại và bào mòn những bản tính tốt nhất và lột bỏ tính độc lập của bạn, cho đến khi tất cả những gì mà bạn hằng tin tưởng đều hoàn toàn biến mất.
Nếu tôi đã tiệm cận tới bờ rìa của cảm giác hài lòng, vì nghĩ rằng tôi đang có công việc ổn thỏa, đang làm những thứ đúng đắn với một tiến độ chấp nhận được, thì cơn bão Katrina và chuyến thăm Iraq của tôi đã đặt dấu chấm hết cho tất cả những điều đó. Thay đổi cần đến nhanh hơn – và tôi sẽ phải quyết định vai trò nào mình sẽ đảm nhiệm để mang đến những đổi thay đó.