MICHELLE LAVAUGHN ROBINSON đang hành nghề luật khi chúng tôi gặp nhau. Cô ấy hai mươi lăm tuổi và đang là cộng sự tại Sidley & Austin, hãng luật có trụ sở ở Chicago nơi tôi làm việc vào mùa hè sau năm đầu tiên học trường luật. Cô ấy cao, xinh, hay gây cười, cởi mở, hào phóng và thông minh kinh khủng – thế là tôi bị choáng hầu như ngay giây phút đầu tiên gặp gỡ. Cô ấy được công ty phân công kèm cặp tôi, để đảm bảo rằng tôi biết cái máy photocopy của văn phòng ở đâu và nhìn chung để tôi cảm thấy được chào đón. Điều này cũng có nghĩa là chúng tôi đi ra ngoài ăn trưa cùng nhau, có dịp ngồi nói chuyện với nhau – thoạt tiên là chuyện về công việc của mỗi người và sau đó là bất cứ chuyện gì.
Vài năm tiếp theo, trong thời gian nghỉ học và khi Michelle cùng nhóm tuyển dụng của hãng Sidley tới Harvard, hai chúng tôi đã có dịp đi ăn tối và tản bộ thật lâu dọc bờ sông Charles, nói chuyện về phim ảnh, gia đình và những nơi trên thế giới mà chúng tôi muốn tới thăm. Khi cha cô ấy đột ngột qua đời do biến chứng của bệnh đa xơ cứng, tôi đã bay tới, ở bên cạnh Michelle. Rồi cô ấy đã an ủi tôi khi tôi nhận được tin ông ngoại bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn tiến triển.
Nói cách khác, chúng tôi đã trở thành vừa là bạn vừa là người yêu của nhau, và khi ngày tốt nghiệp trường luật của tôi đến gần, chúng tôi bèn dè dặt đề cập đến triển vọng sống bên nhau trọn đời. Một lần nọ, tôi đưa cô ấy tới buổi huấn luyện công tác tổ chức cộng đồng mà tôi thực hiện giúp người bạn đang điều hành một trung tâm hỗ trợ cộng đồng tại Khu Nam. Những người tham dự hầu hết là mẹ đơn thân, một số đang sống bằng nguồn phúc lợi, số ít có kỹ năng mà thị trường cần. Tôi đề nghị mọi người mô tả thế giới hiện tại của họ và thế giới mà họ muốn hướng tới. Đó là một bài tập đơn giản mà tôi đã làm nhiều lần, như một cách để mọi người kết nối thực tại ở cộng đồng và đời sống của họ với những điều mà họ hình dung có thể thay đổi được. Sau đó, khi chúng tôi ra xe, Michelle luồn tay qua tay tôi và nói rằng cô ấy rất xúc động trước lối giao tiếp dễ chịu giữa tôi và những phụ nữ đó.
“Anh đã cho họ niềm hy vọng.”
“Họ không chỉ cần niềm hy vọng,” tôi nói. Tôi cố gắng giải thích cho cô ấy hiểu sự xung đột mà tôi đang cảm nhận: giữa việc hành động để tạo ra đổi thay từ bên trong hệ thống với việc gây áp lực lên nó; vừa muốn lãnh đạo nhưng lại muốn trao quyền cho người dân tự tạo ra đổi thay cho chính họ; vừa muốn gia nhập chính trường nhưng lại vừa không muốn là một phần của nó.
Michelle nhìn tôi. “Thế giới như đang có và thế giới cần phải có,” cô nói khẽ khàng.
“Đại khái thế.”
Michelle là một người độc đáo; tôi chưa từng biết người nào giống cô ấy. Và cho dù điều đó chưa xảy ra, tôi đã bắt đầu nghĩ đến việc có lẽ tôi sẽ ngỏ lời cầu hôn cô ấy. Với Michelle, hôn nhân là điều không phải bàn cãi – là bước đi hiển nhiên tiếp theo trong một mối quan hệ nghiêm túc như của chúng tôi. Còn với tôi, kẻ lớn lên cùng một người mẹ mà các cuộc hôn nhân đều không kéo dài, thì nhu cầu chính thức hóa một mối quan hệ là không quá cấp bách. Không chỉ có thế, mà còn bởi trong những năm đầu tìm hiểu, các cuộc tranh luận giữa chúng tôi có thể rất gay gắt. Tôi kiêu ngạo bao nhiêu thì cô ấy cũng chẳng chịu nhường nhịn bấy nhiêu. Anh trai cô là Craig, một ngôi sao bóng rổ ở Đại học Princeton, người đã làm việc trong ngành ngân hàng đầu tư trước khi trở thành huấn luyện viên, thường đùa rằng gia đình không nghĩ là Michelle (họ gọi cô ấy là “Miche”) sẽ lấy chồng bởi cô ấy quá rắn – không anh chàng nào sánh kịp. Điều kỳ lạ là tôi thích tính cách này; thích cách cô ấy thường xuyên thách thức tôi và buộc tôi phải trung thực.
Vậy Michelle nghĩ gì? Trước khi gặp, tôi hình dung cô ấy là một cô gái trẻ vô cùng chuyên nghiệp, biết ứng biến phù hợp và kiên quyết, tập trung vào sự nghiệp và xử lý công việc đúng cách thức cần xử lý, không mất thì giờ cho những thứ vô nghĩa. Thế rồi anh chàng lạ lẫm này từ Hawaii với bộ quần áo lôi thôi lếch thếch và những giấc mơ điên rồ lững thững bước vào cuộc đời cô ấy. Cô ấy bảo rằng đấy là một phần trong sự hấp dẫn của tôi, rằng tôi khác hẳn với những cậu chàng cùng lứa lớn lên với cô ấy, những người mà cô từng hẹn hò. Khác với cả cha của cô ấy, người mà cô ngưỡng mộ: cha cô chưa bao giờ tốt nghiệp cao đẳng cộng đồng, ông bị bệnh đa xơ cứng khi mới ngoài ba mươi, nhưng không bao giờ than vãn và vẫn làm việc không ngơi nghỉ ngày nào, rồi thu xếp dự tất cả các buổi biểu diễn khiêu vũ đơn của Michelle cũng như các trận bóng rổ của Craig, và luôn có mặt đại diện cho gia đình, vốn là niềm kiêu hãnh và niềm vui của ông.
Cuộc sống cùng tôi hứa hẹn đem tới cho Michelle điều gì đó khác lạ, những thứ mà cô ấy cho rằng mình đã bỏ lỡ hồi nhỏ. Phiêu lưu. Đi đây đi đó. Thoát khỏi sự gò bó. Cũng như về phía tôi, cội rễ của cô ấy ở Chicago – gia đình lớn của cô ấy, lẽ đời của cô ấy, niềm khát khao trở thành người mẹ tốt vượt lên trên mọi điều khác – hứa hẹn trở thành một bến đậu mà tôi đã bỏ lỡ bấy lâu nay trong thời thanh xuân. Chúng tôi không chỉ yêu nhau, làm cho nhau luôn vui cười và có chung những giá trị cơ bản – chúng tôi còn bổ khuyết cho nhau, thành một cấu trúc đối xứng. Chúng tôi có thể tựa lưng vào nhau, người này canh giữ ở phía mà người kia bị khuất tầm nhìn. Chúng tôi có thể là một đội.
Hẳn nhiên, đó là một cách khác để nói rằng chúng tôi rất khác nhau, về kinh nghiệm và tính khí. Với Michelle, con đường đến với một cuộc sống tốt đẹp là hẹp và đầy rẫy rủi ro. Gia đình là tất cả những gì mà bạn có thể dựa vào, các rủi ro lớn không hề bị coi nhẹ, và thành công bề ngoài – một công việc tốt, một ngôi nhà xinh – không bao giờ khiến bạn có phức cảm vừa muốn vừa không bởi vì thất bại và túng thiếu luôn bủa vây, mà chỉ một quyết định sa thải hay một vụ xả súng thôi thì những điều đó lại ập đến. Michelle chưa bao giờ phiền muộn về sự bội ước, bởi lớn lên ở Khu Nam có nghĩa bạn luôn là người ngoài cuộc, ở một mức độ nào đấy. Trong tâm trí cô ấy, những chướng ngại vật ngăn cản thành công là rất rõ ràng; không cần phải tìm kiếm ở đâu cả. Nỗi nghi ngờ trỗi dậy từ việc phải chứng minh, cho dù bạn làm giỏi tới mức nào, rằng bạn phù hợp với vị trí – chứng minh không chỉ cho những người nghi ngờ bạn mà còn cho chính bản thân bạn.
KHI THỜI GIAN HỌC ở trường luật sắp kết thúc, tôi thổ lộ với Michelle kế hoạch của mình. Tôi sẽ không làm thư ký tòa. Thay vào đó, tôi trở lại Chicago, tìm cách làm thêm các công việc cộng đồng để giữ nghề tay trái trong khi vẫn hành nghề luật tại một công ty nhỏ chuyên về dân quyền. Nếu cơ hội tốt hiển lộ, tôi nói, tôi có thể sẽ đua tranh vào một vị trí trong chính quyền.
Tất cả những điều này không khiến Michelle bất ngờ. Cô ấy bảo rằng cô tin tưởng tôi có thể làm những điều mà tôi cho là đúng đắn.
“Nhưng em cần phải nói với anh, Barack ạ,” cô ấy bảo. “Em nghĩ rằng điều anh muốn làm thực sự khó khăn. Ý em là, em cầu mong mình có được sự lạc quan của anh. Đôi khi em có điều đó. Nhưng con người ta có thể rất ích kỷ và đơn thuần là ngu dốt ấy. Em nghĩ rất nhiều người không muốn bị làm phiền. Và em nghĩ rằng chính trường có vẻ là nơi đầy những người sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có được quyền lực, họ chỉ nghĩ về bản thân. Nhất là ở Chicago. Em không dám chắc là anh sẽ thay đổi được điều đó.”
“Anh có thể thử, được không?” tôi khẽ cười. “Nhận cái bằng luật sư hoành tráng này để làm gì khi không dám mạo hiểm? Nếu không thành công thì cũng chẳng sao cả. Anh vẫn sẽ ổn. Chúng ta vẫn sẽ ổn.”
Michelle áp hai tay lên hai bên má tôi. “Có bao giờ anh nhận ra rằng nếu có một cách dễ và một cách khó, thì anh sẽ luôn chọn cách khó không? Sao anh lại nghĩ vậy?”
Cả hai cùng cười. Nhưng tôi biết Michelle nghĩ là cô ấy đang nhận ra điều gì đó quan trọng. Đó là một sự thấu suốt mà rồi đây sẽ có những hệ quả đối với cả hai chúng tôi.
SAU NHIỀU NĂM hẹn hò, Michelle và tôi làm đám cưới tại nhà thờ của Giáo hội Liên hiệp Chúa Ba Ngôi Hội Thánh Đấng Christ(12) vào ngày 3 tháng 10 năm 1992, với hơn ba trăm khách mời gồm bạn bè, đồng nghiệp, bà con cô bác vui vầy chen chúc trên các dãy ghế. Hôn lễ được chủ trì bởi mục sư của nhà thờ, Đức ông Jeremiah A. Wright, Jr., người mà tôi quen và ngưỡng mộ trong những tháng ngày hoạt động tổ chức cộng đồng. Chúng tôi rất hân hoan. Tương lai gắn kết của chúng tôi đã chính thức bắt đầu.
(12) Giáo hội Liên hiệp Chúa Ba Ngôi Hội Thánh Đấng Christ (Trinity United Church of Christ) là một giáo phái Tin Lành của người Mỹ gốc Phi, hình thành từ năm 1961 tại Chicago, chủ yếu ở Khu Nam (South Side). Giáo phái này là một chi nhánh của Giáo hội Liên hiệp Hội Thánh Đấng Christ (United Church of Christ).
Tôi đã đỗ kỳ thi lấy chứng chỉ luật sư và sau đó đã tạm hoãn hành nghề luật một năm để điều hành Dự án HÃY BỎ PHIẾU! trước cuộc tranh cử tổng thống năm 1992 – một trong những cuộc vận động đăng ký bỏ phiếu lớn nhất trong lịch sử bang Illinois. Sau tuần trăng mật bên bờ biển California, tôi trở về dạy tại Trường Luật thuộc Đại học Chicago, hoàn thành cuốn sách và chính thức gia nhập Davis, Miner, Barnhill & Galland, một hãng luật nhỏ về dân quyền chuyên xử lý các vụ phân biệt đối xử trong sở làm và các sự vụ trong lĩnh vực bất động sản cho những tập đoàn nhà ở giá rẻ. Trong khi đó, cảm thấy nhàm chán với luật doanh nghiệp, Michelle đã chuyển đến Sở Kế hoạch và Phát triển của Thành phố Chicago, làm việc ở đó một năm rưỡi trước khi đồng ý điều hành một chương trình phi lợi nhuận huấn luyện lãnh đạo trẻ có tên là Đồng minh Công cộng.
Cả hai chúng tôi đều thích công việc của mình cũng như những người cùng làm, rồi theo thời gian, chúng tôi bắt đầu tham gia vào nhiều nỗ lực dân sự và từ thiện. Chúng tôi đi xem các trận bóng, dự các buổi hòa nhạc và dùng bữa tối với đám bạn bè đang không ngừng mở rộng. Chúng tôi đã có thể mua một căn hộ khiêm tốn nhưng dễ thương tại khu Hyde Park, đối diện với Mũi Doi Đất và hồ Michigan, cách nơi ở của Craig và gia đình trẻ của anh ấy vài căn nhà. Mẹ của Michelle, bà Marian, vẫn sống trong ngôi nhà của gia đình ở Bờ Nam, cách chỗ chúng tôi chưa đầy mười lăm phút di chuyển, và chúng tôi thường xuyên thăm bà, tha hồ ăn gà rán, các món rau, bánh nhung đỏ và món nướng do ông chú Pete làm. Sau khi đã no nê, chúng tôi thường ngồi trong nhà bếp và nghe các ông chú bác của Michelle kể chuyện họ đã lớn lên như thế nào, tiếng cười rộn rã trong đêm chầm chậm trôi, giữa lúc đám trẻ nhảy tưng bừng trên ghế nệm cho tới khi bị xua ra sân.
Lái xe về nhà trong ánh chạng vạng, tôi và Michelle thỉnh thoảng nói về việc sinh con – về lũ nhóc sẽ thế nào, có bao nhiêu đứa, và thêm một con cún nữa thì sao nhỉ? – rồi hình dung về tất cả những gì chúng tôi sẽ cùng nhau làm dưới một mái nhà.
Một cuộc sống bình thường. Một cuộc sống sinh sôi và viên mãn. Lẽ ra như vậy là đã đủ đầy.
* * *
THẾ RỒI vào mùa hè năm 1995, một cơ hội chính trị bất ngờ xuất hiện, thông qua một chuỗi sự kiện lạ kỳ. Dân biểu liên bang đương nhiệm thuộc Khu vực bầu cử số Hai của bang Illinois là Mel Reynolds bị truy tố một loạt tội danh, bao gồm cáo buộc quan hệ tình dục với một tình nguyện viên mới mười sáu tuổi của chiến dịch tranh cử. Nếu ông ta bị kết tội, một cuộc bầu cử đặc biệt sẽ được tổ chức ngay lập tức để tìm người thay thế.
Tôi không sống ở khu vực bầu cử này, và tôi cũng không có tên tuổi nổi bật và lượng người ủng hộ đủ lớn để khởi động một chiến dịch tranh cử nghị viện. Tuy nhiên, Alice Palmer, nữ thượng nghị sĩ của bang ở khu vực chúng tôi, lại đủ điều kiện tranh cử và, không lâu trước khi ông dân biểu kia bị kết tội vào tháng 8, bà đã nhảy vào sàn đấu. Palmer là một cựu giáo chức người Mỹ gốc Phi có cội rễ sâu tại cộng đồng này, có lý lịch khá ổn dù không nổi bật, được những người cấp tiến và một số nhà hoạt động Da đen thế hệ cũ từng giúp Harold thắng cử ủng hộ; và dù tôi không biết bà, chúng tôi có những người bạn chung. Dựa trên những gì tôi đã làm tại Dự án HÃY BỎ PHIẾU!, tôi được đề nghị hỗ trợ chiến dịch tranh cử mới phát sinh của bà, và sau vài tuần, một số người đã cổ vũ tôi cân nhắc việc chạy đua vào chiếc ghế thượng nghị sĩ mà Alice sắp bỏ trống.
Trước khi nói chuyện với Michelle, tôi đã liệt kê những thuận lợi và khó khăn. Chiếc ghế thượng nghị sĩ bang không quá hấp dẫn – hầu hết người dân thậm chí chẳng biết các nhà lập pháp cấp bang là ai – và Springfield, thủ phủ của bang, vốn khét tiếng với các trò chơi kiểu cũ đầy xôi thịt, đổi chác, mua phiếu và nhiều mánh lới chính trị khác. Nhưng mặt khác, tôi cần khởi sự tại một nơi nào đó và thực hiện những bước đệm để tiến lên. Thêm nữa, cơ quan lập pháp bang Illinois chỉ nhóm họp một vài tuần trong năm, nghĩa là tôi có thể tiếp tục đi dạy và làm việc tại công ty luật.
Quan trọng nhất, Alice Palmer đã đồng ý sẽ công khai ủng hộ tôi. Do phiên tòa xét xử Reynold vẫn đang tạm ngưng, nên khó xác định thời điểm phù hợp để ra tranh cử. Về mặt kỹ thuật, Alice vẫn có thể vừa chạy đua vào Hạ viện liên bang vừa bảo lưu ghế thượng nghị sĩ bang để dự phòng cho trường hợp bà thua trong cuộc tranh cử lớn hơn kia, nhưng bà quả quyết với tôi và những người khác rằng bà đã chấm dứt vai trò tại Thượng viện bang, giờ đang toàn tâm toàn ý cho chiến dịch phía trước. Cùng với sự ủng hộ của bà Toni Preckwinkle, một ủy viên địa phương, người có hoạt động tổ chức cộng đồng xuất sắc trong khu vực, cơ hội của tôi trông có vẻ trên cả tuyệt vời.
Thế là tôi nói chuyện với Michelle để thuyết phục. “Anh nghĩ đó là một cữ dượt,” tôi nói.
“Ờ.”
“Như kiểu nhúng ngón chân xuống nước vậy.”
“Đúng.”
“Thế em nghĩ sao?”
Nàng hôn chụt vào má tôi. “Em nghĩ đây là thứ mà anh muốn thực hiện, do đó anh nên làm. Chỉ cần hứa với em một điều là không bắt em phải lên Springfield ở thôi.”
Tôi có một người cuối cùng để thẩm định trước khi kéo cò. Trước đó trong năm, mẹ tôi ngã bệnh và được chẩn đoán ung thư tử cung.
Tiên lượng không tốt. Mỗi ngày trái tim tôi đều thắt lại với ý nghĩ có thể mất mẹ. Tôi bay tới Hawaii ngay sau khi mẹ tôi nhận được tin và cảm thấy nhẹ nhõm đôi chút khi mẹ vẫn là mẹ như xưa với tinh thần rất vững. Bà thú nhận là có sợ nhưng muốn giữ tinh thần mạnh mẽ nhất có thể để theo tiến trình trị liệu.
“Mẹ sẽ không đi đâu hết,” bà nói, “cho tới khi mẹ có cháu bồng.”
Mẹ tôi đón nhận tin tức về việc tôi có thể tranh cử vào Thượng viện bang với một sự hứng khởi như thường thấy và đòi tôi kể chi tiết. Bà thừa nhận sẽ có nhiều việc phải làm, nhưng bà không bao giờ coi chuyện làm việc vất vả là điều gì đó không tốt.
“Hãy chắc chắn là Michelle đồng ý chuyện này,” bà nói. “Không phải bởi mẹ là chuyên gia hôn nhân đâu. Và con đừng lấy mẹ ra làm cái cớ để thoái lui. Mẹ cũng có khối việc phải làm chứ không đến nỗi bỏ hết mọi việc chỉ ảo não chuyện bệnh tật đâu. Như vậy là yếu đuối, hiểu chứ?”
“Con hiểu.”
Bảy tháng sau khi chẩn đoán bị bệnh, tình hình sức khỏe của mẹ tôi trở nên tồi tệ. Vào tháng 9, tôi và Michelle bay tới New York để cùng em gái Maya và mẹ tới khám tại một chuyên gia ở Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering. Đang trong quá trình hóa trị liệu, thể chất của bà thay đổi hẳn. Mái tóc đen dài của bà biến mất, mắt bà trông hốc hác. Tồi tệ hơn, chuyên gia kia kết luận rằng bệnh tình của bà đã ở giai đoạn bốn và các lựa chọn điều trị không còn nhiều. Nhìn bà ngậm đá viên do tuyến nước bọt bị tắc, tôi phải cố hết sức để tỏ ra bình thản. Tôi kể với bà mấy chuyện buồn cười liên quan đến công việc và thuật lại cốt truyện một bộ phim vừa xem. Chúng tôi cùng cười trong khi Maya – kém tôi chín tuổi và lúc bấy giờ đang học Đại học New York – lưu ý rằng ông anh dạo này trông oai vệ lắm lắm. Tôi nắm lấy tay mẹ, để biết chắc rằng bà cảm thấy thoải mái trước khi nghỉ ngơi. Rồi tôi trở về phòng khách sạn và khóc.
Trong chuyến đi tới New York ấy, tôi gợi ý rằng mẹ sẽ đến ở cùng chúng tôi tại Chicago; bà ngoại tôi đã quá già nên khó chăm sóc mẹ toàn thời gian. Nhưng mẹ, người luôn là kiến trúc sư cho số phận của chính mình, đã từ chối. “Mẹ muốn ở một nơi thân quen và ấm áp,” mẹ nói và nhìn qua cửa sổ. Tôi ngồi đấy, cảm thấy chông chênh, khi nghĩ về hành trình dài mà mẹ đã trải qua trong đời, mỗi bước trên con đường ấy là một lần khó đoán định và cũng đầy những sự tình cờ vừa khéo. Tôi chưa từng thấy mẹ mãi bám vào nỗi thất vọng bao giờ. Thay vào đó, bà luôn có xu hướng tìm ra những niềm vui nho nhỏ ở bất cứ đâu.
Cho đến lúc này đây.
“Cuộc sống thật lạ lùng, phải không?” mẹ thì thào.
Hẳn là thế.
THEO LỜI MẸ DẶN, tôi lao vào chiến dịch chính trị đầu tiên của mình. Mỗi lần nghĩ về cuộc vận động tranh cử vô cùng đơn sơ ấy, tôi lại thấy buồn cười – nó không hề phức tạp hơn chuyện tranh cử vào hội đồng sinh viên. Không có chuyên gia điều tra dư luận, không có nghiên cứu, cũng không có quảng cáo trên đài truyền hình hoặc phát thanh. Phát biểu công bố tranh cử của tôi diễn ra vào ngày 19 tháng 9 năm 1995 tại khách sạn Ramada Inn ở Hyde Park, với một ít bánh quy và khoai tây chiên, vài trăm người ủng hộ – có lẽ một phần tư trong số đó có liên quan đến Michelle. Tài liệu tranh cử chỉ bao gồm một tấm thẻ có kích thước chừng 20 nhân 10 cm(13) có kèm một tấm ảnh của tôi như kiểu ảnh hộ chiếu, vài dòng lý lịch trích ngang và bốn hoặc năm gạch đầu dòng mà tôi đã gõ trên máy tính. Rồi tôi tới tiệm Kinko’s in ra.
(13) Để bạn đọc theo dõi thuận tiện, trong sách này chúng tôi đổi hết các đơn vị đo lường Anh – Mỹ sang hệ đơn vị quốc tế SI quen thuộc với chúng ta.
Tôi cũng tìm cách thuê hai nhân viên dày dạn kinh nghiệm chính trị mà tôi đã gặp khi làm việc tại Dự án HÃY BỎ PHIẾU! Carol Anne Harwell, giám đốc chiến dịch, là một người cao ráo và bỗ bã, cô ngoài bốn mươi tuổi và được mượn từ văn phòng Khu Tây. Dù trông lúc nào cũng hớn hở không kìm được, cô ấy lại rất rành rẽ đấu trường chính trị khốc liệt của Chicago. Còn Ron Daviz, một gã gấu xám phục phịch, là giám đốc vận hành và chuyên gia về kiến nghị. Anh này có đầu tóc xù kiểu châu Phi lốm đốm bạc, lông mặt mọc lởm chởm không đều, đeo kính gọng dây dày cộp, cơ thể vâm váp được che trong chiếc áo không đóng thùng mà hầu như ngày nào anh ta cũng mặc.
Ron cho thấy anh ấy là người không thể thay thế: bang Illinois có những quy định nghiêm ngặt về bỏ phiếu, được thiết kế để làm nản lòng những ứng cử viên không có sự hỗ trợ của các chính đảng. Để tranh cử, một ứng viên bất kỳ cần phải có hơn bảy trăm cử tri đã đăng ký trong khu vực bầu cử của mình ký vào bản kiến nghị đã được thông báo rộng rãi và được ai đó sống cùng khu vực làm chứng. Một chữ ký “tốt” phải là chữ ký rõ ràng, có liên hệ chính xác tới một địa chỉ tại địa phương và do một cử tri đã đăng ký thực hiện. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên nhóm chúng tôi xúm xít quanh cái bàn trong phòng ăn, Ron vừa gắt gỏng vừa thở phì phì trong khi bày ra cái bảng kẹp đơn kiến nghị, kèm theo hồ sơ cử tri và một tờ hướng dẫn. Tôi đề nghị rằng trước khi nói về bản kiến nghị, chúng tôi có thể tổ chức một vài diễn đàn tiếp xúc ứng cử viên, có thể thảo vài tài liệu trình bày lập trường. Carol và Ron nhìn nhau rồi phá lên cười.
“Sếp, để tôi nói với sếp điều này,” Carol lên tiếng. “Anh cứ để dành hết tất cả các thứ ẩm ương liên quan Hội Cử tri Nữ đó đến sau cuộc bầu cử. Vào lúc này, việc quan trọng duy nhất là các bản kiến nghị kia. Những đối thủ mà anh đấu, họ sẽ rà soát kỹ cái này bằng chiếc lược bí để tìm xem mỗi một chữ ký có hợp lệ hay không. Nếu không hợp lệ, anh sẽ không được thi đấu nữa. Và tôi đảm bảo với anh rằng, cho dù chúng ta có kỹ lưỡng đến mấy, thì phân nửa số chữ ký rốt cuộc sẽ không ổn, đó là lý do tại sao chúng ta cần có ít nhất gấp đôi số chữ ký mà người ta yêu cầu.”
“Phải gấp bốn lần chứ,” Ron đế vào, rồi chìa cho tôi một bảng kẹp đơn kiến nghị.
Bị chỉnh một cách hợp lý, tôi chạy xe ra khu dân cư mà Ron đã chọn để thu thập chữ ký. Cảm giác cứ như thời tôi mới bắt đầu hoạt động cộng đồng vậy, gõ hết cửa nhà này đến nhà khác, có người không ở nhà, một số khác không muốn mở cửa; các bà đang cài lô uốn tóc cùng bầy trẻ con chạy tung tăng, trong khi đàn ông thì sửa sang sân vườn; thỉnh thoảng có mấy gã trai trẻ mặc áo thun và đầu đội khăn, hơi thở nồng nặc mùi rượu khi mắt họ quét qua khu nhà. Cũng có những người muốn nói chuyện với tôi về các vấn đề ở trường học địa phương hoặc chuyện bạo lực bằng súng ống đã dần lan tới nơi vốn từng là một khu dân cư lao động bình yên. Nhưng phần lớn họ cầm lấy cái bảng kẹp tờ kiến nghị, ký nhoáy một cái, nhanh nhất có thể, rồi trở lại với công việc đang làm.
Nếu đi gõ cửa nhà người ta là chuyện khá quen thuộc với tôi, thì trải nghiệm này lại mới mẻ với Michelle, sau khi cô ấy đã bạo dạn quyết định dành một phần các ngày cuối tuần giúp tôi. Và dù cô ấy thường thu thập được nhiều chữ ký hơn tôi – với nụ cười hết công suất và những câu chuyện về quãng thời gian lớn lên chỉ cách đấy vài dãy nhà – thì sau đó hai tiếng đồng hồ sẽ chẳng có nụ cười nào cả khi chúng tôi lên xe lái về nhà.
“Em nhận ra rằng,” có lần cô ấy nói, “phải yêu anh thực sự thì em mới dành cả buổi sáng thứ bảy cho việc này.”
Trong vài tháng, chúng tôi đã thu thập được số chữ ký nhiều gấp bốn lần so với yêu cầu. Khi không đi làm hoặc đi dạy, tôi tới các câu lạc bộ ở khu dân cư, các buổi gặp gỡ của nhà thờ, nhà dưỡng lão để thuyết phục cử tri. Tôi không mấy giỏi giang. Bài phát biểu tủ của tôi thì cứng nhắc, quá nặng về chính sách, nhưng lại thiếu truyền cảm và hài hước. Tôi cũng thấy ngượng ngùng khi nói về bản thân. Là người làm công tác tổ chức cộng đồng, tôi được huấn luyện để luôn đứng ở hậu trường.
Thế rồi, mỗi lúc tôi một khá lên, thư thái hơn và số người ủng hộ cũng chầm chậm tăng theo. Tôi giành được sự ủng hộ từ các quan chức địa phương, mục sư, một vài tổ chức tiến bộ; tôi thậm chí còn soạn được một số tài liệu nêu lập trường của mình. Và tôi muốn nói rằng đây là cách mà chiến dịch tranh cử đầu tiên của tôi khép lại – một ứng viên trẻ tuổi gan lì cùng một cô vợ đảm đang, xinh đẹp và nhẫn nại, khởi sự cùng một nhóm bạn bè trong phòng ăn, hiệu triệu người dân tề tựu xung quanh một thương hiệu chính trị mới mẻ.
Nhưng sự thể lại không hẳn diễn ra như thế. Tháng 8 năm 1995, tay dân biểu tha hóa rốt cuộc đã bị kết tội và lãnh án tù; một cuộc bầu cử đặc biệt sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11. Với chiếc ghế trống mà ông ta để lại và thời gian biểu chính thức được xác định, ngoài Alice Palmer ra còn có thêm những người khác nhảy vào cuộc đua dân biểu liên bang, trong số đó có Jesse Jackson, Jr., người từng khiến cả nước chú ý với bài giới thiệu xúc động về cha mình tại Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ năm 1988. Michelle và tôi quen và mến Jesse Jr. Em gái Santita của ông ấy từng là một trong những người bạn thân nhất của Michelle thời trung học và là phù dâu trong lễ cưới của chúng tôi. Ông ấy nổi tiếng đến mức lời tuyên bố tranh cử của ông ngay lập tức đã làm thay đổi cục diện cuộc đua, đẩy Alice vào thế cực kỳ bất lợi.
Vì cuộc bầu cử đặc biệt vào Hạ viện sẽ diễn ra vài tuần trước khi kết thúc thời hạn nộp bản kiến nghị có chữ ký cho cuộc đua vào chiếc ghế thượng nghị sĩ bang mà Alice bỏ lại, đội của tôi bắt đầu lo lắng.
“Anh phải kiểm tra lại để đảm bảo Alice không quay lại làm khó anh nếu bà ta thua Jesse Jr.,” Ron nói.
Tôi lắc đầu. “Bà ấy hứa là sẽ không tranh cử nữa mà. Chính lời bà ấy nói với tôi. Và bà ấy nói công khai. Thậm chí cả trên mặt báo.”
“Thôi được rồi, Barack ạ. Nhưng anh có thể kiểm tra lại không?”
Tôi đã làm điều đó bằng cách gọi điện cho Alice và một lần nữa có được sự cam kết rằng bất kể cuộc đua Hạ viện có kết quả thế nào, bà ấy vẫn giữ ý định rời khỏi chính trường bang nhà.
Nhưng khi Jesse Jr. giành chiến thắng một cách dễ dàng tại cuộc bầu cử đặc biệt, còn Alice đứng thứ ba với cách biệt rất xa, tình thế đã biến chuyển. Báo chí địa phương bắt đầu đăng tải các bài viết về “Bản phác thảo Chiến dịch của Alice Palmer”. Một vài người ủng hộ lâu năm của bà ấy đề nghị tôi gặp mặt, và khi tôi đến thì họ khuyên tôi nên rút khỏi cuộc đua. Họ nói rằng cộng đồng không thể chấp nhận việc từ bỏ Alice với thâm niên chính trị của bà. Tôi nên kiên nhẫn; rồi sẽ đến lượt mình. Nhưng tôi không nhượng bộ – dù gì, tôi có các tình nguyện viên và những người tài trợ đã đóng góp cho chiến dịch này; tôi đã tiếp tục ủng hộ Alice ngay cả khi Jesse Jr. tham gia – nhưng những người dự họp vẫn không dao động. Tới khi nói chuyện với Alice, tôi đã hiểu rõ mọi chuyện sẽ đi theo hướng nào. Tuần tiếp theo, bà ấy tổ chức một cuộc họp báo ở Springfield, thông báo mình đang nộp bản kiến nghị vào phút chót để tranh cử giành lại ghế cũ.
“Tôi đã bảo mà,” Carol vừa nói vừa rít một hơi thuốc rồi ngửa mặt phun làn khói mỏng lên trần nhà.
Tôi cảm thấy tim chùng xuống với cảm giác bị phản bội, nhưng tôi nhận ra rằng mọi thứ không mất đi đâu hết. Chúng tôi đã xây nên một guồng máy chỉn chu chỉ trong vài tháng, và hầu như tất cả các quan chức dân cử đã lên tiếng ủng hộ tôi trước đó đều nói rằng họ vẫn đứng về phía tôi. Ron và Carol ít lạc quan hơn.
“Tôi không muốn nói với sếp điều này,” Carol nói, “nhưng thực sự thì hầu hết dân chúng đều chưa biết anh là ai. Mẹ kiếp, họ cũng đâu biết bà ta là ai, nhưng – tôi không cố ý khiến sếp nản lòng – cái tên ‘Alice Palmer’ hút phiếu khủng khiếp hơn nhiều so với cái tên ‘Barack Obama’ đấy.”
Tôi hiểu điều cô ấy nói nhưng tôi bảo họ rằng mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đấy, cho dù một số nhân vật có tiếng tăm ở Chicago đột nhiên kêu tôi bỏ cuộc. Thế rồi một buổi chiều nọ, Ron và Carol đến nhà tôi, thở không ra hơi và trông như vừa trúng số.
“Các bản kiến nghị của Alice ấy,” Ron nói. “Kinh khủng lắm. Thứ tệ nhất tôi từng thấy. Tất cả cái đám Da đen đã tìm cách đá anh ra khỏi cuộc đua ấy, bọn họ thậm chí không thèm lấy chữ ký cho đàng hoàng. Chuyện này có thể khiến bà ta bị hất văng khỏi cuộc bầu cử.”
Tôi xem hết các bản sao không chính thức mà Ron và các tình nguyện viên chiến dịch đã có được. Đúng thật, kiến nghị mà Alice nộp có vẻ chứa toàn chữ ký không hợp lệ: những người có địa chỉ ngoài khu vực bầu cử, nhiều chữ ký với họ tên khác nhau nhưng nét chữ lại giống nhau. Tôi vò đầu. “Tôi không biết đâu…”
“Anh không biết cái gì?” Carol hỏi.
“Tôi không biết là liệu mình có muốn chiến thắng bằng cách này hay không. Ý tôi là, à, tôi ghê tởm những thứ vừa xảy ra. Nhưng các quy định bầu cử này không mấy ý nghĩa. Tôi muốn đánh bại bà ấy.”
Carol nghiến răng, cự nự. “Bà ta đã cam kết với anh đấy, Barack!” cô nói. “Tất cả chúng ta đã cong đít lên mà làm, chỉ vì lời hứa đó. Thế rồi, khi bà ta tìm cách đá đít anh, mà còn không thể thực hiệnđiều đó một cách sòng phẳng, thì anh lại cứ để cho bà ta thoải mái muốn làm gì thì làm? Anh không nghĩ rằng họ sẽ đá văng anh khỏi cuộc đua chỉ trong một nốt nhạc nếu họ có cơ hội?” Carol lắc đầu. “Không, Barack. Anh là một gã tử tế… đó là lý do tại sao tụi tôi tin anh. Nhưng nếu anh cho qua chuyện này, thì tốt hơn hết anh hãy quay lại làm giáo sư hoặc mấy trò linh tinh gì đấy, bởi vì chính trị không dành cho anh. Anh sẽ bị nghiền nát và sẽ đếch làm được việc tốt nào cho bất cứ ai đâu.”
Tôi nhìn sang phía Ron, nhưng anh ấy thì thào, “Cô ấy nói đúng đấy.”
Tôi ngả người ra ghế và châm thuốc hút. Lúc này đây tôi chợt thấy chơi vơi, cố gắng lý giải cảm giác trong gan ruột. Tôi muốn đạt được thứ này nhiều đến mức nào? Tôi tự nhắc bản thân về những điều mà mình tin sẽ giải quyết được một khi đảm đương công vụ, và tôi sẽ nỗ lực làm việc ra sao nếu có cơ hội.
“Được,” sau rốt tôi trả lời.
“Được đấy!” Carol đáp, với nụ cười đã trở lại. Ron gom giấy tờ lại rồi cho vào túi.
Phải đôi ba tháng nữa thì tiến trình mới hoàn tất, nhưng với quyết định của tôi hôm đó, cuộc đua coi như đã xong. Chúng tôi gửi đơn kiện lên Ủy ban Bầu cử Chicago và khi có các dấu hiệu rõ ràng cho thấy ủy ban này sẽ tuyên bố có lợi cho chúng tôi, Alice đã bỏ cuộc. Thừa thắng xông lên, chúng tôi tiếp tục loại khỏi cuộc chơi vài ứng viên khác của Đảng Dân chủ có các bản kiến nghị không hợp lệ. Khi không còn một đối thủ Dân chủ nào nữa và chỉ còn một sự đối đầu không đáng kể từ phía Đảng Cộng hòa, đường tới Thượng viện bang của tôi coi như đã được phát quang.
Còn ý định làm chính trị cao thượng, tôi đành tạm gác lại vậy.
Tôi cho rằng có thể rút ra bài học hữu ích từ chiến dịch đầu tiên ấy. Tôi đã học được cách phải lưu tâm tới những điều cơ bản nhất của chính trị, những chi tiết tỉ mỉ, công việc vất vả mỗi ngày mà nó có thể tạo nên sự khác biệt giữa thắng và thua. Nó cũng giúp tái khẳng định điều tôi đã biết về bản thân: rằng cho dù luôn ưu tiên chơi đẹp, tôi vẫn không thích thất bại.
Nhưng bài học lưu lại trong tôi sâu đậm nhất không liên quan tới cơ chế vận hành chiến dịch hoặc đấu đá chính trị. Đó chính là cuộc điện thoại tôi nhận từ Maya ở Hawaii vào một ngày đầu tháng 11, khá lâu trước khi tôi biết kết cục của cuộc chạy đua.
“Mẹ chuyển biến xấu rồi, anh Bar ơi,” Maya nói.
“Xấu thế nào?”
“Em nghĩ anh nên đến thăm ngay.”
Tôi đã biết tình trạng sức khỏe của mẹ đang xấu đi; tôi mới nói chuyện với bà vài ngày trước. Cảm nhận được nỗi đau và sự buông xuôi trong giọng mẹ, tôi đã đặt vé máy bay tới Hawaii vào tuần kế tiếp.
“Mẹ nói chuyện được không?” tôi hỏi Maya.
“Em nghĩ là không. Mẹ lúc tỉnh lúc mê.”
Tôi gác máy và gọi cho hãng bay để đổi sang chuyến đầu tiên vào sáng hôm sau. Tôi gọi cho Carol nhờ hủy một số sự kiện vận động tranh cử và rà soát lại những việc cần làm khi tôi vắng mặt. Vài tiếng sau, Maya gọi lại.
“Anh ơi, em xin lỗi. Mẹ đi rồi.” Em gái tôi kể lại rằng mẹ đã không bao giờ tỉnh lại; Maya đã ngồi bên giường bệnh, đọc cho mẹ nghe truyện dân gian và rồi mẹ dần lịm đi.
Chúng tôi tổ chức tang lễ vào tuần đó, trong khu vườn Nhật Bản phía sau Trung tâm Đông Tây tại Đại học Hawaii. Tôi nhớ về thời thơ ấu chơi đùa ở đây, mẹ tôi ngồi dưới nắng trông chừng khi tôi tung tăng trên bãi cỏ, nhảy qua các bậc đá, và bắt nòng nọc trong dòng suối chảy bên cạnh. Sau đó, Maya và tôi chạy xe ra cồn đất gần Mỏm Koko và rải tro cốt mẹ xuống biển, giữa những đợt sóng dập vào bờ. Và rồi tôi mường tượng tới cảnh mẹ cùng em gái lẻ loi trong phòng bệnh, trong khi tôi lại không có ở đó, do mải bận rộn với những cuộc mưu cầu trọng đại. Tôi biết mình sẽ không bao giờ có lại được khoảnh khắc đó nữa. Cùng với nỗi buồn đau dâng cao, tôi thấy thật hổ thẹn.
NẾU KHÔNG SỐNG ở cực nam Chicago, cách nhanh nhất để đến Springfield là đi theo xa lộ I-55. Vào giờ cao điểm, thoát khỏi trung tâm thành phố và đi xuyên qua vùng ngoại ô phía tây, dòng xe chạy chậm như rùa; nhưng sau khi qua khỏi Joliet, mọi thứ trở nên thênh thang, con đường nhựa thẳng và phẳng lì xẻ một nhát dọc theo hướng tây nam xuyên qua Bloomington (nơi có trụ sở tập đoàn bảo hiểm State Farm và hãng Beer Nuts) và Lincoln (đặt theo tên vị tổng thống đã giúp khai lập nên thị trấn này khi ông còn là một luật sư) và rồi dẫn bạn xuyên qua bạt ngàn ruộng ngô.
Suốt gần tám năm, tôi đã lái xe theo tuyến này, thường là một mình, trong khoảng ba tiếng rưỡi, tới Springfield rồi lại về trong vài tuần vào mùa thu, gần suốt mùa đông và qua đầu mùa xuân, khi cơ quan lập pháp Illinois tập trung làm việc. Tôi lái xe rời đi vào đêm thứ ba và thường trở về nhà vào tối thứ năm hoặc sáng thứ sáu. Sóng điện thoại bị mất sau khi ra khỏi Chicago một tiếng và lúc đó chỉ có sóng phát thanh với các chương trình tọa đàm hoặc âm nhạc Công giáo. Để khỏi buồn ngủ, tôi nghe sách nói, càng dài càng tốt – phần lớn là tiểu thuyết (John le Carré và Toni Morrison là các tác giả yêu thích) nhưng cũng có sách về lịch sử, về Nội chiến, về Thời đại Victoria, về sự sụp đổ của Đế chế La Mã.
Khi được hỏi, tôi sẽ kể với đám bạn hay ngờ vực về rất nhiều thứ mà tôi đã học được ở Springfield, và, ít nhất trong vài năm đầu, điều này đúng. Trong số năm mươi bang, Illinois là nơi tiêu biểu nhất cho đặc trưng nhân khẩu học của cả nước, đó là nơi chốn của những thủ phủ nhộn nhịp, của những vùng ngoại ô lan tỏa, các nông trang, thị trấn công xưởng và một khu vực rìa nam Chicago(14)được coi là đậm chất miền nam hơn so với chất miền bắc. Trong một ngày bất kỳ, dưới mái vòm cao vút của tòa nhà nghị viện, bạn có thể thấy được lát cắt của nước Mỹ hiện lên rõ rệt, như một bài thơ của Carl Sandburg giữa đời thực. Kia là những đứa trẻ đô thị nhảy nhót xô đẩy nhau khi đi dã ngoại, các chuyên viên nhà băng bảnh bao bận rộn với chiếc điện thoại gập, nông dân đội mũ phớt đang mở rộng kênh để sà lan công nghiệp vào chở nông sản ra chợ. Bạn cũng sẽ thấy những bà mẹ Mỹ Latin tìm cách quyên góp cho một trung tâm chăm sóc trẻ em và những tay lái mô tô trung niên để râu quai nón, khoác áo da đang biểu tình phản đối cơ quan lập pháp ra luật bắt họ đội mũ bảo hiểm.
(14) Nguyên văn: downstate, chỉ vùng rìa phía nam khu đại đô thị Chicago ở mạn đông bắc bang Illinois.
Tôi giữ sự bình lặng trong những tháng đầu tiên ấy. Một vài đồng nghiệp ngờ vực về cái tên là lạ và hồ sơ học tập Harvard của tôi, nhưng tôi dành thời gian tìm hiểu công việc kỹ lưỡng và hỗ trợ quyên tiền cho chiến dịch tranh cử của các thượng nghị sĩ khác. Tôi dần quen với các nhà lập pháp đồng liêu và đội ngũ nhân viên của họ không chỉ tại phòng họp thượng viện mà còn tại sân đấu bóng rổ, các buổi chơi gôn và những ván bài xì tố lưỡng đảng mà chúng tôi tổ chức – với luật chơi ăn hai đô la, tối đa ba lần tăng cược, trong căn phòng quánh đặc khói thuốc, đầy lời châm chọc và thỉnh thoảng lại nghe tiếng xì xì khi có thêm một lon bia nữa được khui.
Cũng may là tôi đã quen biết thủ lĩnh phe thiểu số ở Thượng viện, một ông Da đen lực lưỡng ngoại lục tuần tên là Emil Jones. Ông này vươn lên từ hoạt động xã hội truyền thống ở khu phố thời Daley Sr. và đại diện cho khu vực bầu cử mà trước kia tôi từng về làm công tác tổ chức cộng đồng. Chúng tôi đã gặp nhau như thế này: Tôi dẫn một nhóm phụ huynh tới văn phòng của ông, yêu cầu tổ chức một cuộc họp để xin ngân sách chương trình dự bị đại học cho thanh thiếu niên trong vùng. Thay vì lạnh nhạt, ông đã mời chúng tôi vào.
“Các vị có thể không biết,” ông nói, “nhưng thực ra tôi đã chờ mọi người từ lâu!” Ông giải thích tại sao ông chưa từng có cơ hội tốt nghiệp đại học; ông muốn đảm bảo rằng sẽ có thêm tiền của bang được phân về cho các khu dân cư bị lãng quên của người Da đen. “Anh hãy nghiên cứu xem chúng ta cần những gì,” ông vừa nói vừa vỗ lưng tôi khi nhóm của tôi bắt đầu rời văn phòng. “Còn mấy chuyện chính trị cứ để tôi lo.”
Thế rồi ông đã thúc đẩy để chương trình nhận được kinh phí, và quan hệ hữu hảo giữa chúng tôi kéo dài cho tới khi tôi vào Thượng viện. Không hiểu sao ông cứ luôn hãnh diện về tôi và luôn bảo vệ các phương thức cải cách mà tôi đề xướng. Ngay cả khi ông cực kỳ cần một lá phiếu cho một kế hoạch mà ông đã dày công nhào nặn (cấp phép cho hoạt động mở sòng bài trên giang thuyền ở Chicago là một nỗi ám ảnh đặc biệt), ông cũng không bao giờ thúc ép nếu tôi nói rằng tôi không thể ủng hộ – dù hẳn ông sẽ không chịu kìm nén vài câu chửi lầm bầm trước khi chuyển sang thuyết phục người khác.
“Barack thì khác,” có lần ông nói với nhân viên. “Cậu ấy rồi sẽ làm lớn cho mà xem.”
Bất chấp sự cần mẫn của tôi và thiện tâm của Emil, không ai trong hai người có thể thay đổi được thực tế bẽ bàng này: Chúng tôi thuộc đảng thiểu số. Các đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện bang Illinois đã áp dụng cách tiếp cận không thỏa hiệp mà Newt Gingrich đang sử dụng lúc đó để vô hiệu hóa phe Dân chủ ở Quốc hội. Đảng Già Vĩ đại (GOP)(15) kiểm soát hoàn toàn việc dự luật nào được thông qua tại các ủy ban cũng như các điều khoản sửa đổi nào được chấp thuận. Springfield có một sự định danh đặc biệt cho các thành viên mới thuộc phe thiểu số như tôi – “lũ nấm”, bởi “quý vị ăn phân và được giữ trong chỗ tối.”
(15) Biệt hiệu của Đảng Cộng hòa: Grand Old Party (GOP).
Thỉnh thoảng, tôi thấy mình có thể giúp hình thành các dự luật quan trọng. Tôi giúp đảm bảo rằng phiên bản được áp dụng tại bang Illinois của dự luật cải cách phúc lợi quốc gia do Bill Clinton ký có thể trợ giúp hữu hiệu những người chuẩn bị đi làm. Trong bối cảnh Springfield chìm trong bê bối kinh niên, Emil cử tôi đại diện cho nhóm chính trị của ông trong đảng(16) tại một ủy ban để cập nhật các luật về đạo đức. Không ai khác muốn làm việc này vì nhận thấy chắc chắn sẽ thất bại, nhưng nhờ mối quan hệ tốt với đối tác Cộng hòa của tôi là Kirk Dillard, chúng tôi đã thông qua một luật nhằm hạn chế một số hành vi khó xử – chẳng hạn, cấm sử dụng tiền từ chiến dịch tranh cử để mua vật phẩm cho cá nhân như đồ trang trí nhà cửa hoặc áo lông. (Có những thượng nghị sĩ đã không thèm nói chuyện với chúng tôi nhiều tuần sau vụ này.)
(16) Caucus là khái niệm dùng để chỉ các nhóm chính trị trong nghị viện bang hoặc Quốc hội Mỹ. Caucus lớn nhất là caucus của đảng, phía Dân chủ gọi là party caucus còn Cộng hòa gọi là party conference. Ngoài ra còn có các caucus nhỏ hơn, chẳng hạn nhóm dân biểu Da đen, nhóm dân biểu ủng hộ xe đạp.
Tiêu biểu nhất là lần, lúc sắp kết thúc kỳ làm việc đầu tiên, tôi đứng dậy phản đối chính sách ưu đãi thuế trắng trợn cho một ngành được ưu ái trong khi bang cắt các dịch vụ công dành cho người nghèo. Tôi đã sắp xếp dữ liệu và chuẩn bị kỹ lưỡng như một luật sư tranh biện tại tòa; tôi chỉ ra tại sao chính sách miễn thuế không công bằng như vậy vi phạm các nguyên tắc bảo thủ về thị trường mà người Cộng hòa hằng tin tưởng. Khi tôi ngồi xuống, vị chủ tịch Thượng viện Pate Philip – một cựu Thủy quân Lục chiến tóc bạc, vâm váp khét tiếng về việc thường xuyên lăng mạ phụ nữ và người da màu – liền lượn tới bàn tôi.
“Phát biểu chấn động ha,” ông ta nói, trong khi miệng nhồm nhoàm điếu xì gà chưa châm lửa. “Có vài ý hay đấy.”
“Cảm ơn.”
“Cậu có thể thay đổi được ý nghĩ nhiều người,” ông ta nói tiếp. “Nhưng không thay đổi được lá phiếu nào đâu.” Xong đâu đấy, ông ta ra hiệu cho người chủ tọa và nhìn ánh đèn màu xanh thể hiện phiếu “thuận” trên bảng với vẻ mãn nguyện.
Đấy là chính trị ở Springfield: hàng loạt trò đổi chác ở hậu trường, các nhà lập pháp sẽ cân nhắc áp lực cạnh tranh từ nhiều nhóm lợi ích với vẻ thản nhiên của thương lái ngoài chợ, trong khi đồng thời quan sát thận trọng nút bấm về một vài vấn đề dễ gây tranh cãi – quyền sử dụng súng ống, nạo phá thai, thuế – vốn có thể châm ngòi cho cơn phẫn nộ ngay trong đám đông ủng hộ họ.
Không hẳn mọi người không phân biệt được sự khác nhau giữa chính sách tốt và xấu. Nó chả thành vấn đề. Điều mà mỗi người ở Springfield đều hiểu là 90 phần trăm thời gian cử tri ở khu vực mà họ đại diện không hề bận tâm. Một thỏa hiệp rối rắm nhưng đáng giá, khích lệ dòng chính thống của đảng ủng hộ một ý tưởng đổi mới – điều đó khiến họ có thể đánh mất một sự ủng hộ quan trọng, một kẻ hậu thuẫn tài chính lớn, một vị trí lãnh đạo, hoặc thậm chí thất bại trong một cuộc tranh cử.
Vậy họ có thể khiến cử tri chú ý không? Tôi đã thử. Ở đơn vị bầu cử của mình, tôi thường nhận hầu như bất cứ lời mời nào đến tai tôi. Tôi bắt đầu viết bài cho một mục thường xuyên của tờ Hyde Park Herald, một tuần báo của khu dân cư với lượng độc giả chưa tới năm ngàn. Tôi chủ trì các buổi đối thoại với người dân, bày ra đồ giải khát và hàng đống tài liệu cập nhật về tiến trình lập pháp, rồi thường ngồi trơ khấc với nhân viên đơn độc của mình, không ngớt xem đồng hồ, chờ đợi một đám đông không bao giờ tới.
Tôi không đổ lỗi cho người dân về việc họ không tới dự. Họ bận rộn, họ có gia đình, và chắc chắn hầu hết các tranh luận ở Springfield đều có vẻ xa vời. Trong khi đó, về một số ít vấn đề nổi cộm mà cử tri quan tâm, có lẽ họ cơ bản đã đồng ý với tôi, bởi các đường ranh xác định khu vực bầu cử chỗ tôi – tương tự đường ranh giới ở hầu hết khu vực bầu cử tại Illinois – đã được kẻ với sự chính xác như phẫu thuật để đảm bảo rằng mỗi khu vực có một đảng chiếm ưu thế. Nếu tôi muốn có thêm ngân sách cho trường học ở khu dân cư nghèo, nếu tôi muốn tăng quyền tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản hoặc đào tạo lại công nhân mất việc, tôi không cần thiết phải thuyết phục cử tri của mình. Những người tôi cần vận động và thuyết phục thì lại sống ở nơi khác.
Tới cuối kỳ làm việc thứ hai, tôi đã cảm thấy sức nặng của bầu không khí ở nghị viện – nỗi bất lực khi thuộc đảng thiểu số, thói yếm thế mà nhiều đồng liêu của tôi khoác lên như phù hiệu danh dự. Mọi thứ cứ lồ lộ ra. Một ngày nọ, tôi đang đứng trong sảnh mái vòm của nghị viện sau khi một dự luật do tôi đề xuất bị bác thẳng thừng, một gã vận động hành lang có hảo ý tiến tới khoác vai tôi.
“Anh nên chấm dứt việc ủi đầu vào tường đi, Barack ạ,” ông ta nói. “Bí quyết để tồn tại ở nơi này là phải hiểu đây chỉ là chuyện làm ăn. Giống như bán xe hơi vậy. Hoặc là tiệm giặt khô dưới phố kia. Khi anh bắt đầu tin rằng nó là thứ gì đó cao cả hơn, nó sẽ khiến anh phát điên đấy.”
MỘT SỐ NHÀ KHOA HỌC CHÍNH TRỊ lập luận rằng mọi thứ tôi nói về Springfield mô tả chính xác một nền chính trị đa nguyên lẽ ra phải thế nào; rằng sự mặc cả khôn ranh giữa các nhóm lợi ích có thể không hay ho lắm, nhưng nó giúp nền dân chủ tiếp tục bước tiến lơ ngơ. Và có lẽ lập luận ấy đã giúp tôi trở nên nhẹ nhàng hơn nếu tôi không phải đối mặt với việc phải vắng nhà thường xuyên.
Hai năm đầu trong ngành lập pháp của tôi khá ổn – Michelle bận rộn với công việc của mình, và mặc dù cô ấy giữ lời hứa sẽ không đến thủ phủ bang ngoại trừ dịp tôi tuyên thệ nhậm chức, chúng tôi vẫn tán gẫu qua điện thoại vào những đêm tôi xa nhà. Thế rồi vào một ngày mùa thu 1997, cô ấy gọi tới văn phòng của tôi, giọng run run.
“Sắp rồi.”
“Sắp cái gì?”
“Anh sắp được làm cha rồi.”
Tôi sắp được làm cha. Mấy tháng tiếp theo mới hạnh phúc làm sao! Tôi luôn sống bằng tất cả những sáo ngữ mà người ta thường nói về người sắp làm cha: tham dự các lớp học về sinh đẻ theo phương pháp Lamaze, tìm hiểu cách lắp giường cũi, đọc sách Bạn mong chờ gì khi bạn mang thai với một cây bút trong tay để gạch chân những đoạn quan trọng. Khoảng sáu giờ sáng ngày mùng 4 tháng 7, Michelle khều tôi và bảo rằng đã đến lúc đi bệnh viện. Tôi lóng ngóng chuẩn bị và lấy cái túi xách để sẵn ở cửa, thế rồi chỉ bảy tiếng đồng hồ sau, chúng tôi chào đón Malia Ann Obama, nặng hơn bốn kí lô, rất hoàn hảo.
Cô con gái mới sinh của chúng tôi có nhiều biệt tài, bao gồm việc chọn rất đúng thời điểm; vào lúc không có kỳ họp nghị viện, không có khóa giảng dạy và không có vụ việc pháp lý nào phải giải quyết, tôi nghỉ hết phần còn lại của mùa hè. Bản chất là một con cú đêm(17), tôi đảm nhận ca đêm khuya để Michelle có thể ngủ: tôi đặt Malia trên đùi rồi đọc sách cho nó nghe trong khi cặp mắt tròn xoe đầy thắc mắc của nó ngước nhìn lên, hay nó ngủ gà ngủ gật khi nằm trên ngực tôi, thỉnh thoảng ợ hơi hoặc ị ra mà chúng tôi không hề biết, ấm nóng và lặng lẽ. Tôi nghĩ về những thế hệ đàn ông đã bỏ qua những khoảnh khắc như thế, và nghĩ về cha tôi, mà sự vắng mặt của ông có tác động định hình tôi nhiều hơn cái khoảng thời gian ngắn ngủi tôi ở cùng ông, rồi tôi nhận ra không nơi nào trên thế giới mà tôi muốn trú ngụ như chính nơi đây.
(17) Con người thường được chia thành hai loại căn cứ theo giờ giấc thức và ngủ: loại cú đêm thức khuya, dậy muộn và loại sơn ca đi ngủ sớm rồi dậy sớm vào buổi sáng.
Nhưng rốt cuộc chúng tôi cũng đã phải nếm trải những tác động căng thẳng của tình cảnh làm bố mẹ trẻ. Sau vài tháng vui vầy, Michelle đi làm trở lại, tôi thì phải chạy như con thoi giữa ba công việc cùng lúc. Chúng tôi thật may mắn khi kiếm được một vú em tuyệt vời giúp trông coi Malia vào ban ngày, nhưng việc có thêm một người làm toàn thời gian cho gia đình chúng tôi đã khiến ngân sách gia đình bị vắt kiệt.
Michelle đứng mũi chịu sào tất cả mọi chuyện, quán xuyến cả chức năng làm mẹ lẫn công việc, và luôn lo lắng rằng mình không làm tốt cả hai việc. Sau mỗi đêm, sau khi cho con ăn và tắm rửa, đọc truyện, lau dọn căn hộ và kiểm tra xem mình đã đi lấy đồ giặt khô hay chưa cũng như ghi lại lịch hẹn gặp bác sĩ nhi khoa, Michelle thường nằm vật xuống chiếc giường trống, biết rõ rằng toàn bộ chu trình ấy sẽ tiếp tục lặp lại sau vài giờ nữa trong khi ông chồng vắng nhà vì đang đi làm “những chuyện quan trọng”.
Chúng tôi cãi nhau nhiều hơn, thường là vào lúc đêm khuya khi cả hai đã kiệt sức. “Em kết hôn đâu phải để làm những thứ này, Barack,” có lần Michelle nói. “Em có cảm tưởng rằng em phải tự làm tất cả mọi thứ.”
Tôi bị tổn thương bởi điều đó. Nếu không đi làm, tôi sẽ ở nhà – và nếu tôi ở nhà và quên lau dọn phòng bếp sau bữa tối, thì đó là vì tôi phải thức khuya để chấm bài kiểm tra hoặc rà soát lại một báo cáo nhanh. Nhưng ngay cả khi chống chế, tôi vẫn thấy mình thực thiếu sót. Bên trong cơn giận của Michelle có một sự thực nan giải hơn. Tôi đang cố làm rất nhiều thứ cho rất nhiều người khác nhau. Tôi đang chọn cách làm nặng nhọc, như cô ấy từng dự báo hồi mà cuộc sống của chúng tôi còn chưa có quá nhiều gánh nặng, khi mà trách nhiệm cá nhân của chúng tôi chưa quá vướng víu. Lúc bấy giờ tôi đã nghĩ về lời hứa cho chính mình sau khi Malia chào đời; đó là con tôi phải biết tôi, rằng các con sẽ lớn lên với ý thức rõ ràng về tình yêu mà tôi dành cho chúng, phải cảm thấy tôi luôn đặt các con lên trên hết.
Ngồi trong ánh sáng lờ mờ của phòng khách, Michelle trông không còn tức giận nữa, mà chỉ buồn thôi. “Có đáng như vậy không?” cô ấy hỏi.
Tôi không nhớ lúc ấy mình đã trả lời thế nào. Tôi biết mình đã không thể thừa nhận với cô ấy rằng thực ra tôi cũng không còn chắc chắn về điều đó.
GIỜ NHÌN LẠI thấy thật khó hiểu tại sao người ta lại có thể làm những thứ ngu ngốc. Tôi không nói về mấy thứ nhỏ nhặt – làm hỏng chiếc cà vạt yêu thích chỉ vì cố ăn xúp trong xe hơi hoặc bị trẹo lưng chỉ vì nghe lời dụ dỗ đi chơi bóng bầu dục trong dịp lễ Tạ ơn. Tôi muốn nói tới những lựa chọn xuẩn ngốc trong thời điểm cần cân nhắc thấu đáo: những lần bạn nhận ra một rắc rối thực sự trong cuộc sống, bạn mổ xẻ nó, thế rồi sự tự tin tuyệt đối trỗi dậy dẫn tới đáp án sai.
Đó là lúc tôi tranh cử vào Quốc hội. Sau nhiều lần trao đổi, rốt cuộc tôi xuống nước thừa nhận Michelle đã đúng khi đặt nghi vấn liệu những khác biệt mà tôi tạo ra tại Springfield có đáng để hy sinh như vậy hay không. Thay vì giảm tải cho bản thân, tôi đã đi theo hướng ngược lại, quyết định nhấn ga để giành lấy một cương vị có ảnh hưởng hơn. Khoảng trong cùng thời gian này, dân biểu kỳ cựu Bobby Rush, một cựu thành viên Đảng Báo Đen(18), đã quyết đấu với Thị trưởng Daley trong cuộc bầu cử năm 1999 và bị thua tơi tả, nhận kết quả bết bát ngay cả tại địa bàn bầu cử của ông ta.
(18) Đảng Báo Đen (Black Panther Party, BPP) là một tổ chức chính trị thuộc phong trào Quyền lực Da đen do các sinh viên Bobby Seale và Huey P. Newton khởi xướng tại Oakland, California, hoạt động từ năm 1966 đến năm 1982.
Tôi cho rằng chiến dịch tranh cử của Rush quá tầm thường, không có được một đường hướng căn cơ ngoài những hứa hẹn mơ hồ về việc sẽ kế thừa và phát huy di sản của Harold Washington. Nếu như đây là cách mà ông ấy hoạt động ở Hạ viện, tôi thấy rằng mình có thể làm tốt hơn. Sau khi nói chuyện với vài cố vấn thân tín, tôi yêu cầu nhân viên của mình tổ chức nhanh một cuộc thăm dò bỏ túi xem liệu một cuộc chạy đua với Rush có cơ may nào không. Lần thăm dò không chính thức ấy đã khơi gợi cho chúng tôi một cơ hội. Sử dụng kết quả này, tôi có thể thuyết phục vài người bạn thân thiết trợ giúp tài chính cho cuộc tranh cử. Sau đó, bất chấp cảnh báo từ một số người có kinh nghiệm chính trị rằng Rush mạnh hơn cái vẻ ngoài của ông ta, và bất chấp nỗi hoài nghi của Michelle về việc liệu cô ấy sẽ cảm thấy ổn hơn khi tôi ở Washington thay vì Springfield hay không, tôi vẫn quyết định công bố làm ứng cử viên dân biểu tại Khu vực Bầu cử Hạ viện Số một.
Cuộc đua đã trở thành thảm họa ngay từ lúc khởi đầu. Chỉ sau vài tuần khởi động, từ phía Rush đã vọng lại tiếng chì tiếng bấc: Obama là kẻ ngoại đạo; hắn ta được đám da trắng ủng hộ; hắn thuộc giới tinh hoa Harvard. Và xem cái họ tên của hắn kìa – hắn ta có thực là người Da đen không?
Khi huy động đủ tiền để có thể tổ chức một cuộc khảo sát đàng hoàng, tôi phát hiện ra rằng tại khu vực bầu cử này, tỉ lệ nhận biết danh tiếng của Bobby đạt 90 phần trăm và tỉ lệ ủng hộ đạt 70 phần trăm, trong khi chỉ có 11 phần trăm cử tri biết sơ sơ về tôi. Ngay sau đó, người con trai trưởng thành của Bobby bị bắn chết một cách bi thảm, khơi lên mối cảm thông dạt dào. Tôi tạm ngưng chiến dịch tranh cử trong một tháng và xem ti vi tường thuật đám tang diễn ra tại nhà thờ ở khu vực tôi, với Đức ông Jeremiah Wright chủ sự. Lâm nguy trên sân nhà, tôi bèn đưa gia đình tới Hawaii nghỉ Giáng sinh chớp nhoáng, tới nơi thì được điện thoại của ông thống đốc gọi về dự phiên họp lập pháp bất thường để bỏ phiếu cho một chính sách kiểm soát súng mà tôi ủng hộ. Lúc bấy giờ con gái mười tám tháng tuổi Malia bị ốm và không thể bay, thế là tôi bỏ lỡ cuộc bỏ phiếu và bị báo chí Chicago nhiếc móc cho một trận.
Tôi thua tới ba mươi điểm.
Nói chuyện với các bạn trẻ về chính trị, đôi khi tôi đem câu chuyện này ra làm ví dụ về điều không nên làm. Thông thường tôi sẽ nói thêm một phần bổ sung nữa, mô tả việc, sau thất bại của tôi vài tháng, một người bạn, bởi lo tôi rơi vào tuyệt vọng, đã nài nỉ tôi cùng anh ta tới dự Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ năm 2000 ở Los Angeles. (“Cậu cần phải lên lại lưng ngựa thôi,” anh ta nói.) Nhưng khi vừa tới Sân bay Quốc tế Los Angeles và tìm cách thuê xe, tôi đã bị từ chối do thẻ American Express đã xài hết hạn mức. Thế rồi tôi cũng tìm cách đến được Trung tâm Staples, nhưng tới nơi mới biết cái giấy mời mà anh bạn đặt cho tôi lại không cho phép vào bên trong khu vực diễn ra hội nghị, thế là tôi đành gia nhập đoàn quân đau khổ vòng ngoài xem buổi lễ qua màn hình lớn. Cuối cùng, tiếp sau một tình tiết rắc rối khi người bạn không thể đưa tôi vào dự bữa tiệc mà anh ta được mời vào tối hôm đó, tôi đành bắt tắc xi trở về khách sạn, ngủ trên trường kỷ trong phòng anh ta, rồi bay trở lại Chicago giữa lúc Al Gore nhận đề cử chính thức.
Đó là một chuyện buồn cười, nhất là khi so với những gì xảy đến với tôi sau này. Nó cho thấy, tôi nói với thính giả, chính trị là không thể lường trước được và sự bền bỉ hồi phục là rất cần thiết.
Điều mà tôi đã không đề cập là tâm trạng chán nản của tôi trên chuyến bay trở về. Tôi mới gần bốn mươi tuổi, đổ vỡ, vừa chịu một thất bại bẽ bàng và cuộc hôn nhân thì đang căng thẳng. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy mình đã rẽ sai đường; rằng tất cả nguồn năng lượng dự trữ và niềm lạc quan mà tôi từng nghĩ là tôi có, rằng tất cả tiềm năng mà tôi dựa vào, đều đã được dốc sạch vào một nỗ lực vô ích. Tồi tệ hơn, tôi nhận ra cuộc chạy đua vào Hạ viện được dẫn dắt không phải bởi giấc mơ vị tha về thay đổi thế giới, mà chẳng qua là bởi nhu cầu chứng minh cho các lựa chọn mà tôi đã đề ra trước đó, hoặc thỏa mãn cái bản ngã của mình, hay là để phục vụ lòng đố kỵ của tôi đối với những người đạt được điều mà tôi không đạt được.
Nói cách khác, tôi đã trở thành cái thứ mà, hồi còn trẻ, tôi đã cảnh báo bản thân mình phải tránh xa. Tôi đã trở thành một chính trị gia – và không phải là một chính trị gia tốt ở chỗ đó.