TRONG TẤT CẢ PHÒNG ỐC, sảnh đường và những điểm nhấn tạo nên Nhà Trắng và khuôn viên, tôi yêu nhất là Hiên Tây.
Trong suốt tám năm, lối đi bộ ấy đóng khung ngày làm việc của tôi, chỉ đi mất một phút, với không gian mở thoáng, nối từ nhà tới văn phòng và quay trở lại. Đấy là nơi vào mỗi buổi sáng tôi cảm nhận cơn gió lạnh đầu tiên của mùa đông táp vào mặt hoặc hơi nóng mùa hè phả tới, là nơi tôi tập hợp những suy nghĩ, rà soát lịch họp hành, chuẩn bị lý lẽ để tranh biện với những vị dân biểu đa nghi hay những cử tri lo lắng, chuẩn bị cho quyết định này hoặc cuộc khủng hoảng đang từ từ tiến tới kia.
Thuở ban sơ của Nhà Trắng, các phòng điều hành và nơi ở của Đệ nhất Gia đình nằm chung dưới một mái nhà, và lúc bấy giờ Hiên Tây chủ yếu là lối dẫn tới chuồng ngựa. Nhưng rồi đến lúc Teddy Roosevelt nhậm chức, ông nhận thấy rằng một tòa nhà duy nhất không thể chứa nổi đội ngũ nhân sự hiện đại, sáu đứa trẻ hiếu động, cùng sự thoải mái cho bản thân. Thế là ông ra lệnh xây nên những công trình rồi đây sẽ trở thành Cánh Tây và Phòng Bầu dục, rồi qua mấy thập niên và nhiều đời tổng thống tiếp nối nhau, cấu trúc lối hiên như hiện nay đã hình thành: như một khung viền bao lấy Vườn Hồng ở hướng bắc và hướng tây – bức tường dày phía bắc, trầm mặc và không trang trí gì ngoại trừ các ô cửa sổ hình bán nguyệt trên cao; hàng cột màu trắng uy nghi phía tây như đội vệ binh danh dự đứng gác cho lối đi này.
Thông thường, tôi là người đi chậm – kiểu đi bộ của dân Hawaii, Michelle thường bảo thế, đôi khi có chút thiếu kiên nhẫn. Thế nhưng, mỗi khi đi qua lối hiên này, tôi bước đi khác hẳn, vì ý thức về lịch sử được tạo dựng nơi đây và về những người đi trước. Sải chân tôi dài hơn, nhịp bước nhanh hơn, tiếng giày khua trên nền đá hòa cùng tiếng bước chân đội Mật vụ đang đi cách sau tôi vài thước. Đến chỗ dốc cuối hàng hiên (một di sản thời Franklin D. Roosevelt và việc đi lại bằng xe lăn của ông – tôi mường tượng cảnh ông đang cười, chìa cằm ra, tẩu thuốc kẹp chặt giữa hai hàm răng trong khi đang vận hết sức bình sinh để vần chiếc xe lên dốc), tôi vẫy chào anh lính mặc quân phục đứng gác ngay phía sau cửa ra vào lắp kính. Thỉnh thoảng anh lính gác phải chặn một nhóm du khách đang ngạc nhiên. Nếu có thời gian, tôi sẽ dừng lại bắt tay và hỏi họ từ đâu tới. Thế nhưng, thông thường thì tôi rẽ trái, đi dọc theo tường bên ngoài Phòng Nội các và lách vào cửa hông Phòng Bầu dục, chào nhân viên, xem lịch làm việc trong khi dùng trà nóng rồi bắt đầu công việc trong ngày.
Vài lần mỗi tuần, tôi tranh thủ bước ra ngoài hiên gặp các nhân viên dọn dẹp, cắt tỉa thuộc Cục Công viên Quốc gia đang làm việc tại Vườn Hồng. Hầu hết họ đều là nam giới lớn tuổi, bận đồng phục ka ki xanh lá, đôi khi đội mũ rộng vành để chống chọi ánh nắng chói chang, hoặc mặc áo khoác để giữ ấm. Nếu không xong việc quá muộn, tôi sẽ nán lại, khen họ về luống cây mới trồng hoặc hỏi về những hư hại do cơn dông đêm qua gây ra, và họ giải thích công việc của mình với một niềm tự hào thầm kín. Họ là những người đàn ông kiệm lời; ngay cả khi trao đổi với nhau thì họ cũng thường ra dấu hoặc gật đầu; mỗi người đều chăm chú vào công việc nhưng tất cả đều dịch chuyển rất nhịp nhàng. Một trong những người lớn tuổi nhất là ông Ed Thomas, một người Da đen dong dỏng cao, lanh lợi với gò má hóp đã làm việc ở Nhà Trắng suốt bốn mươi năm. Lần đầu tiên gặp mặt, ông ấy đã lôi từ túi ra chiếc khăn để lau bụi bẩn trước khi bắt tay tôi. Tay ông thô ráp, nổi gân và chai sần như rễ cây, ôm trùm lấy tay tôi. Tôi hỏi ông tính làm ở Nhà Trắng tới bao giờ thì nghỉ hưu.
“Thưa Tổng thống, tôi không rõ,” ông nói. “Tôi thích làm lụng. Đôi khi cũng đau nhức xương khớp chút đỉnh. Nhưng tôi tính sẽ tiếp tục công việc chừng nào ngài còn ở đây. Để cho vườn tược đâu ra đấy.”
Ồ, khu vườn trông mới ổn làm sao! Những cây mộc lan sum suê vươn cao ở mỗi góc vườn; bao quanh là dãy hàng rào dày và xanh mướt; đám cây táo được cắt tỉa gọn gàng. Hoa được ươm ở nhà kính cách đây vài dặm mang đến sắc màu rực rỡ – đỏ, vàng, hồng, tía; mùa xuân, hoa tuy líp nở rộ, búp hoa vươn mình về phía mặt trời; mùa hè thì có cây vòi voi tím, phong lữ và huệ tây; còn mùa thu có các loài cúc và hoa dại. Và luôn có hoa hồng, nhiều nhất là hồng đỏ, đôi khi có hồng vàng hoặc hồng trắng cùng đua sắc.
Mỗi lần bước dọc Hiên Tây hoặc nhìn qua cửa sổ Phòng Bầu dục, tôi thường bắt gặp hình ảnh làm việc tay chân của những người đang cắm cúi ngoài vườn. Họ khiến tôi liên tưởng tới bức tranh nhỏ của Norman Rockwell mà tôi treo trên tường, cạnh chân dung George Washington và phía trên tượng bán thân Tiến sĩ Martin Luther King Jr.: năm con người nhỏ bé khác màu da mặc đồ bảo hộ đang được kéo lên bằng dây thừng để lau ngọn đuốc Nữ thần Tự do giữa nền trời xanh thẳm. Các nhân vật trong bức họa cũng như công nhân ngoài vườn kia, tôi thầm nghĩ, đều là người canh giữ, những giáo sĩ lặng thầm của một dòng tu tôn nghiêm và thiện lành. Tôi luôn tự nhủ rằng mình cần làm việc chăm chỉ nhất, chu đáo nhất như những con người kia.
Theo thời gian, những lần rảo bước qua Hiên Tây của tôi lại được đắp bồi thêm nhiều kỷ niệm. Có các sự kiện lớn – những tuyên cáo được thực hiện trước một rừng ống kính máy ảnh và máy quay, các buổi họp báo với lãnh đạo nước ngoài. Nhưng cũng có những khoảnh khắc chỉ một vài người chứng kiến – Malia và Sasha đua nhau ào tới gặp tôi bất ngờ vào một buổi chiều, hoặc hai chú chó Bo và Sunny nhởn nhơ chạy qua chỗ tuyết, chân lún sâu đến mức cằm chúng như được khoác thêm bộ râu tuyết trắng. Những lần chúng tôi chơi ném bóng cùng nhau trong một ngày thu quang đãng hoặc khoảnh khắc an ủi một trợ lý gặp chuyện không vui.
Những hình ảnh ấy thường lướt qua tâm trí tôi, cắt ngang bao ngổn ngang toan tính. Chúng nhắc nhở tôi về thời gian thoi đưa, đôi lúc nhen lên trong tôi những nỗi niềm – một khát khao được đảo ngược thời gian để bắt đầu lại. Chuyện này đương nhiên không thể xảy ra vào buổi sáng, lúc mũi tên thời gian chỉ lao về phía trước; một ngày làm việc đang vẫy gọi; tôi cần phải tập trung vào những gì sắp tới.
Buổi đêm thì lại khác. Mỗi tối khi đi bộ về nơi ở, cặp táp đựng đầy tài liệu, tôi thường cố ý bước chậm rãi hơn, thậm chí đôi lúc dừng lại. Tôi hít căng lồng ngực mùi hương của đất, của cỏ và phấn hoa, và lắng nghe tiếng gió hoặc tiếng mưa lộp độp. Thỉnh thoảng tôi chăm chú nhìn ánh sáng hắt lên hàng cột bên hiên và nét uy nghi của Nhà Trắng, nhìn lá cờ tít trên nóc, được chiếu sáng, hoặc hướng mắt về Tượng đài Washington nhô lên trên bầu trời đêm phía xa, thảng hoặc bắt gặp ánh trăng hoặc những vì sao sáng phía trên ngọn tháp, hoặc ánh đèn nhấp nháy của một máy bay phản lực đang lướt qua.
Trong những thời khắc ấy, tôi thường không khỏi ngạc nhiên về lộ trình kỳ lạ – và ý tưởng – đã đưa tôi tới chốn này.
TÔI KHÔNG SINH RA trong một gia đình có truyền thống chính trị. Ông bà ngoại tôi là dân miền Trung Tây có gốc gác Scotland-Ireland. Họ được coi là những người có khuynh hướng tự do, đặc biệt là xét theo chuẩn mực thời Đại Khủng hoảng của các thị trấn bang Kansas, nơi họ chào đời, và họ rất chăm theo dõi tin tức. “Đấy là một phần của một công dân hiểu biết,” bà ngoại, mà chúng tôi gọi là Toot (lối gọi ngắn của Tutu, nghĩa là bà theo tiếng Hawaii), thường bảo tôi như thế trong khi lần giở các trang báo Honolulu Advertiser số phát hành buổi sáng. Nhưng ông bà ngoại tôi không có một ý thức hệ chắc chắn hoặc một thiên hướng đảng phái nào để bày tỏ, ngoại trừ các giá trị mà họ gọi là lẽ đời. Họ nghĩ về công việc – bà ngoại tôi là phó chủ tịch(1) phụ trách ủy thác chuyển nhượng tại một ngân hàng địa phương, còn ông ngoại bán bảo hiểm nhân thọ – và về các khoản phải chi trả mỗi tháng, cũng như những thú tiêu khiển nhỏ nhoi mà cuộc đời dành cho họ.
(1) Tiếng Anh là “vice president”, là chức danh nghề nghiệp dành cho các nhân viên có thâm niên trong hệ thống các tổ chức tài chính, ngân hàng của Mỹ, khác với chức danh “phó chủ tịch” mà chúng ta thường biết tới tại các ngân hàng Việt Nam hoặc các tổ chức phi tài chính.
Mà họ lại ngụ tại đảo Oahu, nơi chẳng có gì cấp bách cả. Sau những tháng ngày sống qua các bang Oklahoma, Texas và Washington, cuối cùng họ đã chuyển tới Hawaii vào năm 1960, một năm sau khi bang này được thành lập. Đại dương mênh mông tách biệt họ với biểu tình, bạo loạn và những thứ đại loại như thế. Câu chuyện chính trị duy nhất mà tôi nhớ mình đã nghe lỏm được từ ông bà hồi tôi mới lớn liên quan tới một quán rượu gần biển: thị trưởng thành phố Honolulu đã ra lệnh phá dỡ quán rượu yêu thích nhất của ông ngoại tôi để chỉnh trang lại mặt tiền phần cuối bãi Waikiki.
Ông ngoại tôi không bao giờ tha thứ cho ông thị trưởng về điều đó.
Mẹ tôi là Ann Dunham lại khác hẳn, luôn có ý kiến mạnh mẽ về nhiều vấn đề. Là người con duy nhất của ông bà ngoại, mẹ tôi nổi loạn chống lại các quy chuẩn trường trung học: bà đọc tác phẩm của thi sĩ beatnik(2) và các nhà hiện sinh Pháp, lên ô tô đi phượt nhiều ngày cùng một người bạn tới San Francisco mà chẳng hề báo với ai. Hồi nhỏ, tôi đã nghe mẹ tôi nói về các cuộc tuần hành dân quyền và tại sao Chiến tranh Việt Nam là một thảm họa lầm lạc; về phong trào nữ quyền (vâng, về trả lương công bằng, nhưng không hào hứng bằng chuyện không cạo lông chân) và về cuộc chiến chống nghèo đói. Khi chúng tôi chuyển tới Indonesia sống cùng cha dượng, bà luôn cố gắng giải thích rõ các tội ác của một chính phủ tham nhũng (“Là ăn cắp đấy, Barry ạ!”), dù có vẻ như ai cũng dính tới tội này. Về sau, vào đận hè mà tôi tròn mười hai tuổi, khi gia đình đang trong kỳ nghỉ một tháng để đi khắp nước Mỹ, mẹ khăng khăng bắt chúng tôi dành thời gian theo dõi vụ điều trần Watergate vào mỗi tối, thỉnh thoảng xen vào bình luận (“Trông mong gì một kẻ theo chủ nghĩa McCarthy?”).
(2) Beatnik là một trào lưu xã hội thịnh hành giai đoạn hậu Thế chiến II, trải dài qua các thập niên từ 1940 đến 1960, tiền thân của phong trào hippie.
Mẹ tôi không chỉ chăm chú vào tin tức. Dịp nọ, khi phát hiện tôi tham gia vào một nhóm trêu chọc một cậu bé ở trường, mẹ bắt tôi ngồi xuống trước mặt mẹ, môi mẹ mím chặt đầy thất vọng.
“Con biết đấy, Barry,” mẹ nói (đây là cái tên mà mẹ và ông bà ngoại đặt cho tôi, thường gọi tắt là “Bar” nhưng phát âm giống “Bear” [con gấu]), “trên thế giới này có những kẻ chỉ nghĩ về bản thân. Họ không cần biết điều gì xảy ra với người khác miễn là họ đạt được điều mình muốn. Họ đạp những người khác xuống để thấy mình quan trọng.”
“Nhưng lại có những người làm ngược lại, họ luôn có khả năng hình dung người khác cảm thấy thế nào, và đảm bảo rằng mình sẽ không làm điều tổn thương người khác.”
“Vậy thì,” mẹ nhìn thẳng vào mắt tôi, “con muốn trở thành loại người nào?”
Tôi cảm thấy khổ sở. Đúng như chủ ý của mẹ, câu hỏi ấy đã đọng lại trong tôi rất lâu.
Với mẹ tôi, thế giới luôn cho ta những bài học đạo đức. Nhưng tôi chưa hề biết mẹ tôi từng tham gia vào một chiến dịch chính trị nào. Tương tự ông bà ngoại, mẹ tôi hoài nghi các cương lĩnh, học thuyết, những thứ tuyệt đối, thay vào đó thích bày tỏ giá trị mình theo đuổi trên những chiều kích nhỏ hơn. “Bar này, thế giới phức tạp lắm. Đó chính là điều khiến nó thú vị.” Chán ngán với cuộc chiến tranh tại Đông Nam Á, bà đi tới chỗ sống phần lớn cuộc đời tại đó, hấp thu nền văn hóa và ngôn ngữ ấy, lập những chương trình cung cấp khoản vay nhỏ cho dân nghèo một thời gian dài trước khi tín dụng vi mô trở thành trào lưu trong phát triển quốc tế. Ghê tởm chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bà đã kết hôn với người khác chủng tộc không chỉ một mà tới hai lần, và dồn hết tình yêu thương vô bờ bến cho hai người con da nâu của mình. Giận dữ với những gò bó mà xã hội áp đặt lên phụ nữ, bà đã ly dị cả hai người chồng khi họ tỏ ra độc đoán hoặc gây thất vọng, tự tạo lập sự nghiệp theo lựa chọn của mình, nuôi nấng các con theo chuẩn mực mà bà cho là tử tế, và sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì mà bà cảm thấy thích thú.
Trong thế giới của bà, cái mang tính cá nhân thực sự là chính trị – dù bà không lôi nó ra làm khẩu hiệu để làm gì.
Những điều trên không có nghĩa là mẹ tôi không đặt kỳ vọng vào con trai của mình. Dù điều kiện tài chính eo hẹp, mẹ và ông bà ngoại tôi đã đưa tôi tới Punahou, trường dự bị đại học hàng đầu ở Hawaii. Ý nghĩ rằng tôi không vào được đại học không bao giờ đến trong đầu mẹ tôi. Nhưng không ai trong gia đình từng nghĩ rằng rồi đây tôi sẽ trở thành quan chức nhà nước. Nếu bạn hỏi mẹ tôi, bà sẽ nói rằng bà từng hình dung con mình sẽ quản lý một quỹ từ thiện kiểu như Quỹ Ford. Còn ông bà ngoại thì mong tôi trở thành thẩm phán, hoặc một luật sư tranh biện tại tòa như Perry Mason(3).
(3) Nhân vật hư cấu trong tác phẩm của Erle Stanley Gardner.
“Vậy thì cái mồm miệng lanh lợi của nó cũng có chỗ dùng,” ông ngoại tôi thường bảo thế.
Tôi không hề biết về cha tôi nên ảnh hưởng của ông đối với tôi không nhiều. Tôi chỉ biết đại khái rằng ông từng làm việc cho chính phủ Kenya một thời gian, và lúc tôi lên mười, ông đã rời Kenya đến Honolulu sống với chúng tôi chừng một tháng. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi trông thấy ông; về sau thảng hoặc tôi mới biết tin ông qua những lá thư viết trên thứ giấy màu xanh mỏng tang dùng cho thư gửi qua đường máy bay được in sẵn đề mục để gấp lại và gửi đi mà không cần cho vào phong bì.
“Mẹ kể với ba rằng có lẽ con thích học kiến trúc,” một lá thư viết. “Ba nghĩ đó là một nghề rất thiết thực, có thể hành nghề bất cứ nơi nào trên thế giới.”
Nói chung cũng chẳng có gì nhiều để nói.
Về thế giới bên ngoài gia đình tôi – chà, điều mà mọi người thấy ở tôi suốt thời mới lớn không phải là hình ảnh một nhà lãnh đạo tương lai, mà chỉ là một cậu học sinh lờ phờ, một cầu thủ bóng rổ đầy đam mê nhưng tài năng có hạn, và một kẻ ưa tiệc tùng, đàn đúm liên miên. Không có chuyện tham gia ban quản lý sinh viên; không có chuyện nhận phù hiệu Hướng đạo Đại bàng hay thực tập ở văn phòng dân biểu địa phương. Suốt thời trung học, tôi và bạn bè không bàn luận gì nhiều ngoài thể thao, bạn gái, âm nhạc và các kế hoạch nhậu nhẹt.
Có ba gã trai trong số ấy – Bobby Titcomb, Greg Orme và Mike Ramos – vẫn là những người bạn thân nhất của tôi. Tới hôm nay, chúng tôi vẫn có thể cười hàng giờ khi nhắc lại thuở tuổi trẻ phí hoài. Những năm về sau, họ đã tham gia chiến dịch tranh cử của tôi với một sự thủy chung mà tôi luôn biết ơn, rồi thể hiện sự khéo léo khi bảo vệ lý lịch của tôi trên đài MSNBC.
Nhưng cũng có những lần trong thời gian tôi làm tổng thống – sau khi họ xem tôi nói chuyện trước đám đông, hoặc thấy tôi được đội Thủy quân Lục chiến trẻ tuổi chào mừng trong chuyến thăm một căn cứ quân sự – mặt họ cứ nghệt ra khi cố gắng tìm cách dung hòa hình ảnh người đàn ông tóc muối tiêu trong bộ cánh lịch lãm kia với cậu bạn ngỗ nghịch mà họ từng quen.
Hắn đấy hử? bọn họ có lẽ đã tự hỏi như thế. Làm sao chuyện quái quỷ này có thể xảy ra nhỉ?
Nếu mấy gã bạn thân kia mà hỏi trực tiếp tôi câu đó, tôi cũng không biết trả lời thế nào cho ổn cả.
TÔI NHỚ thỉnh thoảng hồi còn học trung học, tôi bắt đầu đặt ra những câu hỏi – về sự thiếu vắng cha tôi và về các lựa chọn của mẹ tôi; về việc làm thế nào mà tôi lại tới sống tại một nơi có rất ít người có vẻ ngoài giống tôi. Nhiều câu hỏi tập trung vào sắc tộc: Tại sao người Da đen chơi bóng rổ chuyên nghiệp mà không làm huấn luyện viên? Cô học sinh kia có ý gì khi thổ lộ rằng cô không coi tôi là người Da đen? Tại sao tất cả đàn ông Da đen trong phim hành động đều là những gã khùng tay khua dao gấp ngoại trừ một gã Da đen đứng đắn – là đàn em, tất nhiên rồi – kẻ dường như kết cục sẽ bị giết?
Nhưng tôi không chỉ bận tâm vấn đề sắc tộc. Câu chuyện giai cấp cũng khiến tôi suy nghĩ. Lớn lên ở Indonesia, tôi đã được chứng kiến hố sâu cách biệt trong cuộc sống giữa tầng lớp tinh hoa giàu có và quần chúng bần hàn. Tôi cũng dần hình thành nhận thức về căng thẳng sắc tộc tại đất nước quê hương cha tôi – thù hận có thể tồn tại giữa những con người có bề ngoài giống nhau. Tôi chứng kiến mỗi ngày cuộc sống tù túng của ông bà ngoại, việc họ cố khỏa lấp nỗi chán chường bằng cách xem ti vi và uống rượu, hay đôi khi mua sắm đồ gia dụng hoặc xe hơi. Tôi nhận ra rằng mẹ tôi đã phải trả giá cho tự do trí tuệ bằng cuộc vật lộn tài chính triền miên và đôi lúc là sự hỗn loạn trong đời sống cá nhân, còn tôi thì dần quen với chuyện tôn ty đẳng cấp không khó nhận ra trong số bạn bè cùng lớp ở trường dự bị đại học, chủ yếu liên quan đến việc cha mẹ mỗi đứa có bao nhiêu tiền. Và bất chấp mẹ tôi có cho đó là gì, thì vẫn còn những chuyện đáng lo, như trò bắt nạt, gian dối và những kẻ khoác lác về bản thân dường như lại gặp vận, trong khi những đứa mà bà cho là đàng hoàng và tử tế thì gặp rắc rối khủng khiếp.
Tất cả những thứ này kéo tôi theo các hướng khác nhau. Cứ như thể là, do di sản rất lạ kỳ mà tôi kế thừa và do việc tôi đồng thời bước giạng chân trong các thế giới khác nhau, nên tôi xuất thân từ mọi nơi đồng thời lại chẳng thuộc về nơi nào, một sự lắp ghép của những bộ phận không khớp nhau lắm, giống như thú mỏ vịt hoặc một sinh vật nào đó trong trí tưởng tượng, bị bó buộc vào một môi trường sống mỏng manh, không biết chắc mình thuộc về nơi đâu. Và tôi cảm thấy, mà không hiểu một cách trọn vẹn tại sao hay thế nào, rằng nếu không khâu nối cuộc đời mình lại và đặt mình lên một trục vững chắc, tôi rốt cuộc có lẽ sẽ sống một cuộc đời đơn lẻ theo một cách cơ bản nào đấy.
Tôi không tâm sự với ai về điều này, kể cả bạn bè hoặc người thân. Tôi không muốn làm tổn thương cảm xúc của họ hoặc thổ lộ nhiều hơn những gì tôi đã phơi bày. Nhưng tôi tìm thấy chỗ trú ngụ trong sách vở. Thói quen đọc là của mẹ tôi, thấm vào tôi từ bé – đó là lựa chọn đầu tiên của mẹ mỗi khi tôi kêu chán, hoặc khi bà không đủ tiền cho tôi học trường quốc tế ở Indonesia, hoặc khi tôi phải theo mẹ đến nơi làm bởi bà không có người trông trẻ giúp.
Đi kiếm sách đọc đi, mẹ thường bảo vậy. Đọc xong thì lại đây kể cho mẹ nghe con đã học thêm được gì.
Có vài năm tôi sống cùng ông bà ngoại tại Hawaii trong khi mẹ tiếp tục công việc ở Indonesia để nuôi em gái tôi là Maya. Không có mẹ bên cạnh rầy la, tôi không học nhiều, điểm số của tôi cho thấy điều đó. Thế rồi đến tầm năm lớp mười, điều này đã thay đổi. Tôi vẫn còn nhớ như in lần đi hội chợ đồ cũ với ông bà ngoại tại Nhà thờ Liên hợp Trung tâm ở phía bên kia đường đối diện với căn hộ gia đình, và tôi đã bắt gặp một chồng sách cũ bìa cứng. Vì một lẽ gì đấy, tôi bắt đầu lôi những nhan đề sách hấp dẫn hoặc có gì đấy quen quen – các tác phẩm của Ralph Ellison và Langston Hughes, Robert Penn Warren và Dostoyevsky, D. H. Lawrence và Ralph Waldo Emerson. Ông ngoại tôi, lúc bấy giờ đang ngắm nghía mấy cái gậy chơi gôn đã qua sử dụng, đầy bối rối khi thấy tôi ôm chồng sách bước tới.
“Cháu định mở thư viện à?”
Bà ngoại bèn ngăn ông lại, khi phát hiện ra rằng thú đọc sách mới trỗi dậy của tôi là điều đáng nâng niu. Nhưng với đầu óc rất thực tế như mọi khi, bà bảo rằng tôi nên tập trung làm bài tập ở lớp trước khi vùi đầu vào cuốn Tội ác và Hình phạt.
Thế rồi tôi đã đọc hết tất cả số sách đó, khi thì vào buổi khuya sau buổi tập bóng rổ và bù khú với bạn bè về nhà, khi thì sau một buổi lướt sóng không thiết bị vào chiều thứ bảy, lúc ngồi một mình trong chiếc Ford Granada ọp ẹp của ông ngoại với khăn tắm quấn quanh thắt lưng để tránh làm ướt ghế nệm. Đọc xong chồng sách đầu tiên, tôi lại tới những chỗ bán hạ giá khác mua thêm. Có nhiều thứ đã đọc tôi chỉ hiểu lờ mờ và tôi thường khoanh tròn những từ lạ để tra từ điển, nhưng ít khi bận tâm tìm hiểu cách phát âm – do đó khi đã hai mươi mấy tuổi đầu tôi vẫn không phát âm chuẩn nhiều từ dù tôi hiểu nghĩa của chúng. Chẳng có hệ thống, nhịp độ hay quy luật nào cho việc này. Tôi như một đứa ưa mày mò sửa chữa, lục lọi trong nhà xe của cha mẹ, gom nhặt mấy cái ống tia âm cực, con ốc, dây điện tuột ra mà không biết sẽ dùng chúng vào việc gì nhưng luôn chắc mẩm rằng rồi đây sẽ có dịp dùng đến một khi tôi xác định được đường hướng cuộc đời.
SỞ THÍCH ĐỌC SÁCH có lẽ giúp giải thích việc tôi chẳng những vượt qua được thời phổ thông mà còn vào được Trường Đại học Occidental(4) năm 1979 với một kiến thức mỏng về chính trị nhưng đủ để vượt qua kỳ thi cũng như một mớ lý luận nửa mùa mà tôi tung ra thi thố trong các cuộc thảo luận tùy hứng vào đêm khuya ở ký túc xá.
(4) Trường đặt tại Los Angeles, bang California với tên tiếng Anh là Occidental College, theo phương châm Occidens Proximus Orienti (Phương Tây gần phương Đông nhất) và dạy nhiều môn khai phóng.
Giờ nhìn lại, thật là ngượng khi thú nhận mức độ tò mò về tri thức trong giai đoạn hai năm đầu đại học ấy tương ứng với sự quan tâm dành cho những phụ nữ các kiểu mà tôi toan tìm hiểu: nghiên cứu về Marx và Marcuse để có cái buôn chuyện với cô gái chân dài theo chủ nghĩa xã hội sống cùng ký túc xá; đọc Fanon và Gwendolyn Brooks để tán chuyện với cô em học chuyên ngành xã hội học có làn da mịn màng mà nàng chẳng buồn để ý đến tôi; hay tìm hiểu về Foucault và Woolf để khoe mẽ với cô nàng song tính luyến ái thanh thoát luôn bận đồ đen. Là chiến lược nhằm chinh phục các cô gái, cái mớ tri thức dỏm của tôi hầu như vô dụng; rốt cuộc tôi thấy mình kiếm được một chuỗi tình bạn trìu mến nhưng chẳng tiến đến đâu.
Tuy nhiên, những nỗ lực ngập ngừng này hóa ra cũng hữu ích: Có một thứ gì đó gần như là thế giới quan dần thành hình trong đầu tôi. Một vài giáo sư đã bao dung với tính tự phụ tuổi trẻ và thói quen học tập không chắc chắn của tôi nên vẫn nhiệt tình giúp đỡ tôi. Tôi còn được vài sinh viên đa phần lớn tuổi hơn giúp đỡ – những cậu Da đen ở nội thành, những anh da trắng đã vật lộn để vào đại học từ các thị trấn nhỏ bé, những chàng gốc Latin thế hệ thứ nhất, những sinh viên quốc tế đến từ Pakistan, Ấn Độ hoặc các quốc gia châu Phi đang chao đảo ở bờ vực hỗn loạn. Họ biết rõ điều gì quan trọng với bản thân; khi họ phát biểu trong lớp, đó là quan điểm có cội rễ từ các cộng đồng dân cư có thật và những cuộc vật lộn thực tiễn của họ. Đây là những tác động của việc cắt giảm ngân sách lên khu vực tôi sống. Hãy để tôi nói về trường học của mình trước khi bạn phàn nàn về chính sách ưu tiên(5). Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp thật tuyệt, nhưng tại sao chính phủ Mỹ lại không nói gì về tù chính trị tại nước tôi?
(5) Chính sách ưu tiên (affirmative action) về giáo dục và việc làm căn cứ trên chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính hay nguồn gốc sắc tộc.
Hai năm tôi học tại trường Occidental đánh dấu điểm khởi đầu cho một sự thức tỉnh chính trị. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi tin vào chính trị. Không kể một vài ngoại lệ, mọi thứ tôi nhận thấy từ giới chính trị gia đều có vẻ đáng ngờ: tóc sấy khô mượt, kiểu cười như chó sói, phát biểu nhạt phèo và tự rao giảng trên ti vi, trong khi phía sau hậu trường lại bợ đỡ các tập đoàn hoặc nhóm lợi ích rủng rỉnh tiền tài. Họ là người diễn trong một trò cờ gian bạc lận, tôi đoan chắc vậy, và tôi không muốn quan hệ gì với thứ đó.
Điều khiến tôi quan tâm là một thứ gì đó rộng lớn và ít chính tắc hơn – không phải chiến dịch chính trị mà là các phong trào xã hội, nơi thường dân tập hợp lại để tạo nên thay đổi. Tôi trở thành môn đồ của những người chủ trương mở rộng quyền bầu cử và các nhà tổ chức công đoàn giai đoạn đầu; của Gandhi, Lech Wałesa và Đại hội Dân tộc Phi. Trên hết, tôi được truyền cảm hứng từ những thủ lĩnh trẻ của phong trào dân quyền – không chỉ Tiến sĩ Martin Luther King mà cả John Lewis và Bob Moses, Fannie Lou Hamer và Diane Nash. Trong hành động anh hùng của họ – gõ cửa từng nhà để giúp đăng ký cử tri, tọa kháng tại quầy ăn và tuần hành với những bản hùng ca tự do – tôi thấy được nơi có thể thực hành điều mẹ dạy; học được cách làm sao để xây dựng quyền lực không phải bằng việc đè người khác xuống mà nâng họ lên. Đây chính là dân chủ đích thực đang vận hành – dân chủ không phải là tặng vật từ trên trời rơi xuống, hay là sự chia chác bổng lộc của nhóm lợi ích, mà dân chủ đích xác phải giành lấy, từ nỗ lực của mọi người. Kết quả của nó không chỉ là thay đổi các điều kiện vật chất mà còn là cảm nhận về phẩm giá cho người dân và cộng đồng, là mối ràng buộc giữa những người từng tưởng chừng như hoàn toàn cách biệt nhau.
Tôi quả quyết rằng đấy là một lý tưởng đáng để truy cầu. Tôi cần phải tập trung. Hết năm hai, tôi chuyển tới Đại học Columbia, nhận thấy đây sẽ là khởi điểm mới. Trong ba năm ở New York, tá túc trong những căn hộ tồi tàn, rời xa bạn bè cũ và các tật xấu, tôi sống như một tu sĩ – đọc sách, viết lách, ghi nhật ký, hiếm khi bận tâm tới các dịp tụ tập tiệc tùng trong trường và thậm chí cả những bữa ăn nóng. Tôi lạc trong suy tư, tâm trí tôi lúc bấy giờ bị xâm chiếm bởi những câu hỏi chồng hết lớp này đến lớp kia. Điều gì đã khiến một số phong trào thành công trong khi số khác lại thất bại? Khi các bộ phận của một mục đích chính nghĩa đã bị chính trị thông thường hấp thu, thì đó là dấu hiệu của thành công hay một dấu hiệu cho thấy mục đích đã bị thao túng, lợi dụng? Khi nào thì việc thỏa hiệp là chấp nhận được, khi nào thì đấy là sự bán rẻ, và làm sao để ta nhận biết được khác biệt đó?
Ôi, thời đó tôi mới sốt sắng, mới hùng hổ và nghiêm nghị làm sao! Ngồi đọc lại các trang nhật ký hồi đó, cảm giác thương mến ngút ngát dâng lên trong tôi đối với gã trai trẻ là tôi ngày ấy, luôn đau đáu muốn tạo nên dấu ấn trên thế gian, luôn muốn trở thành một phần của thứ gì đấy thật lớn lao và đầy lý tưởng, mà những bằng chứng có vẻ cho thấy những thứ đó không tồn tại. Rốt cuộc, đấy là nước Mỹ hồi đầu thập niên 1980. Các phong trào xã hội của thập niên trước đã thôi lay động. Một chủ nghĩa bảo thủ kiểu mới hiển lộ. Ronald Reagan làm tổng thống; kinh tế suy thoái, Chiến tranh Lạnh đang ở cao trào.
Giá như tôi quay lại được thời đó, có lẽ tôi đã thúc giục thằng tôi trẻ tuổi xếp sách vở qua một bên trong phút chốc, mở cửa sổ ra và cho một ít không khí trong lành ùa vào (lúc bấy giờ chứng nghiện thuốc lá của tôi đang phát triển đến đỉnh cao). Tôi sẽ bảo hắn thư giãn đi, ra ngoài gặp người này người kia, hãy hưởng thụ các đặc ân mà cuộc đời ban tặng những kẻ ngoài đôi mươi. Mấy đứa bạn New York ít ỏi của tôi cũng đã cố đưa ra lời khuyên tương tự như thế.
“Barack, cậu cần thoải mái hơn đi.”
“Mày cần biết mùi gái.”
“Cậu thì cứ lý tưởng hóa. Điều đó tuyệt vời, nhưng tớ không biết những thứ cậu nói có thực sự khả thi không.”
Tôi chống cự lại những lời nói ấy. Tôi phản đối chính bởi tôi sợ rằng chúng bạn nói đúng. Tất cả những gì tôi ấp ủ trong thời gian ở một mình, tất cả những viễn kiến về một thế giới đẹp đẽ hơn mà tôi đã ươm mầm trong nhà kính của một đầu óc trẻ trung đều khó mà sống sót qua một cuộc thực nghiệm đối thoại giản đơn. Trong ánh sáng xám xịt của mùa đông Manhattan và chống lại sự hoài nghi bao trùm thời bấy giờ, những ý tưởng của tôi, được phát biểu công khai giữa lớp học hoặc trong những buổi cà phê với bạn bè, đã tuôn ra một cách đầy huyễn tưởng và viển vông. Và tôi biết điều đó. Kỳ thực, đấy là một trong những điều đã giúp tôi không trở thành một kẻ trái tính trái nết hết sức trước khi tròn hai mươi hai tuổi; ở một chừng mực cơ bản nào đấy, tôi hiểu rõ sự ngớ ngẩn trong cách nhìn đời của mình, thấy rõ được độ vênh lớn giữa hoài bão lớn lao với những thứ mà tôi thực sự đang làm trong đời. Tôi giống một Walter Mitty trẻ tuổi; một gã Don Quixote không có Sancho Panza ở bên.
Điều này cũng có thể tìm thấy trong các ghi chép của tôi hồi đó, một biên niên sử khá chính xác về tất cả những khiếm khuyết của tôi. Thích suy tưởng mông lung hơn hành động. Một sự dè dặt nhất định, thậm chí rụt rè, có lẽ là dấu vết của việc tôi được nuôi nấng ở Hawaii và Indonesia, nhưng cũng là hệ quả của sự lo lắng thái quá về hình ảnh tiêu cực của mình trước mắt mọi người. Một sự mẫn cảm trước việc bị chối bỏ hoặc trông có vẻ ngốc nghếch. Thậm chí đấy có thể là thói lười nhác thâm căn cố đế.
Tôi tự thấy cần phải loại bỏ cái tính nhu nhược ấy bằng một chế độ tự hoàn thiện mà tôi chưa bao giờ hoàn toàn gột bỏ được. (Michelle và các con gái chỉ ra rằng cho tới hôm nay, mỗi khi tôi xuống hồ bơi hay xuống biển đều tự ràng buộc bản thân phải bơi hết vòng này tới vòng nọ. “Sao ba không lội thôi?” các cô con gái khúc khích. “Vui mà. Này… tụi con sẽ chỉ cách lội cho ba.”) Tôi lập các danh sách những việc cần làm. Tôi bắt đầu tập thể dục, bằng cách chạy quanh hồ ở Công viên Trung tâm hoặc dọc theo sông Đông, ăn cá ngừ đại dương đóng hộp và trứng luộc kỹ để nạp năng lượng. Tôi loại bớt các vật dụng không cần thiết – ai cần đến hơn năm chiếc áo sơ mi cơ chứ?
Tôi đang chuẩn bị cho cuộc tỉ thí lớn nào đây? Dù đó là cuộc tỉ thí nào, tôi đều biết mình chưa sẵn sàng. Sự thiếu chắc chắn đó, tính tự nghi ngờ bản thân đó, khiến tôi không bao giờ chọn ngay câu trả lời dễ dàng. Tôi bắt đầu hình thành thói quen tự chất vấn những thứ mà mình mặc nhiên cho là đúng, và theo tôi, thói quen này rốt cuộc cũng có ích, không chỉ bởi nó giúp tôi không trở nên quá ương ngạnh, mà còn bởi nó giúp tôi miễn dịch trước các công thức mang tính cách mạng được nhiều người phe tả đón nhận vào lúc hừng đông của kỷ nguyên Reagan.
Điều này chắc chắn đúng khi xét tới các vấn đề sắc tộc. Tôi có kha khá trải nghiệm cá nhân về sự khinh ghét sắc tộc và có thể thấy rất rõ di sản dai dẳng của chế độ nô lệ và luật lệ Jim Crow(6) bất cứ khi nào tôi đi bộ qua khu Harlem hoặc trong các phố ở quận Bronx. Nhưng, vì lý lịch của mình, tôi đã học được cách không phải lúc nào cũng dễ dàng cho mình là nạn nhân và tôi phản đối quan niệm mà tôi biết nhiều người Da đen cứ giữ khư khư, rằng người da trắng toàn là lũ phân biệt chủng tộc không thể cải tạo.
(6) Ý nói những luật lệ của các bang và địa phương thực thi các biện pháp tách biệt chủng tộc ở miền nam nước Mỹ được áp dụng từ cuối thế kỷ 19 cho tới năm 1965.
Niềm tin rằng phân biệt chủng tộc không phải là bất biến có lẽ cũng giúp giải thích cho sự sẵn sàng của tôi trong việc bảo vệ tư tưởng nước Mỹ: đất nước này đã là cái gì và nó có thể trở thành cái gì.
Mẹ và ông bà ngoại tôi chưa bao giờ ầm ĩ về tinh thần yêu nước. Đọc thuộc lòng Lời Tuyên thệ trung thành(7) trong lớp, vẫy những lá cờ nhỏ trong ngày mùng Bốn tháng Bảy – đây được coi là những nghi thức thú vị, chứ không phải là nghĩa vụ thiêng liêng (thái độ của họ về những ngày lễ Phục sinh và Giáng sinh cũng khá giống vậy). Ngay cả chuyện ông ngoại tôi đi lính hồi Thế chiến II cũng được coi là chuyện bình thường; ông kể tôi nghe về khẩu phần ăn K thời chiến với lời cảm thán “Kinh khủng!” nhiều hơn chuyện ông kể với tôi về sự vẻ vang khi bước trong hàng quân của Patton(8).
(7) Lời tuyên thệ trung thành với quốc kỳ và nước Mỹ (Pledge of Allegiance).
(8) Đại tướng Hoa Kỳ trong Thế chiến II.
Nhưng niềm tự hào khi là người Mỹ, quan niệm rằng Mỹ là quốc gia vĩ đại nhất hành tinh vẫn luôn là lẽ mặc nhiên. Khi còn trẻ, tôi thường cáu tiết trước mấy cuốn sách bác bỏ sự ưu việt đặc biệt của nước Mỹ và sa vào các tranh cãi dằng dai, lê thê khi lũ bạn nói rằng thói bá quyền của Mỹ là cội rễ của áp bức trên thế giới. Tôi đã sống ở nước ngoài; tôi biết quá nhiều. Tôi sẵn sàng thừa nhận rằng nước Mỹ luôn thiếu các lý tưởng. Phiên bản lịch sử Mỹ được dạy ở trường lướt qua chế độ nô lệ và lược bỏ hoàn toàn nạn tàn sát người Mỹ bản địa là điều tôi không đồng tình. Việc sử dụng sai lầm sức mạnh quân sự, thói tham lam của các công ty đa quốc gia – vâng, vâng, tôi biết hết.
Nhưng tư tưởng của nước Mỹ, sự hứa hẹn của nước Mỹ: tôi cứ bám riết mấy điều này với một sự bướng bỉnh khiến ngay bản thân cũng ngạc nhiên. “Chúng ta khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, đó là mọi người sinh ra đều bình đẳng” – đấy là nước Mỹ của tôi. Nước Mỹ mà Tocqueville từng viết, miền quê của Whitman và Thoreau, nơi không có ai là thấp hèn hơn hay quý phái hơn tôi; nước Mỹ của những người tiên phong tiến về phía tây để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn hoặc của những di dân đặt chân lên đảo Ellis, được thôi thúc bởi khát vọng tự do.
Đó là nước Mỹ của Thomas Edison và anh em nhà Wright, những người làm cho những ước mơ cất cánh, và là nước Mỹ từ những pha cướp gôn của Jackie Robinson. Đó là Chuck Berry và Bob Dylan, Billie Holiday tại Village Vanguard và Johnny Cash tại Nhà tù Folsom(9) – tất cả những kẻ lệch pha ấy đều gom nhặt những mảnh vỡ mà người khác lướt qua hoặc vứt bỏ và tạo nên vẻ đẹp chưa từng có.
(9) Village Vanguard là một tụ điểm ca nhạc tại New York. “Nơi nhà tù Folsom” là tên một đĩa nhạc do Johnny Cash thực hiện tại nhà tù Folsom ở bang California.
Đó là nước Mỹ của Lincoln tại Gettysburg và của Jane Addams lê bước trong một khu tế bần Chicago, những người lính trận rã rời tại Normandy và Tiến sĩ King ở Quảng trường Quốc gia đang hiệu triệu lòng can đảm của tha nhân và của chính ông.
Đó là Hiến pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền, được soạn thảo bởi những nhà tư tưởng không hoàn mỹ nhưng lỗi lạc đã trình bày con đường tiến đến một hệ thống vừa vững chắc vừa có thể đổi thay.
Một nước Mỹ có thể giải thích cho tôi.
“Tiếp tục mơ đi, Barack” thường là câu chốt của các bạn ở trường đại học trong tranh luận với tôi, khi một gã thô lậu tự mãn ném tờ báo trước mặt tôi, trong đó có các tiêu đề thông báo việc Mỹ xâm lăng Grenada hoặc quyết định cắt giảm kinh phí trong chương trình bữa trưa ở trường học hoặc một vài tin tức làm nản lòng khác. “Xin lỗi, nhưng đây là nước Mỹ của cậu đấy.”
ĐẤY CHÍNH LÀ tình trạng của tôi vào thời điểm tốt nghiệp năm 1983: có những ý tưởng lớn nhưng không có chốn nào để đi. Không có phong trào nào để tham gia, không có lãnh tụ vị tha nào để phò tá. Công việc gần nhất với những gì có trong đầu tôi mà tôi tìm thấy là “tổ chức cộng đồng” – hoạt động ở cơ sở tập hợp người dân xung quanh những vấn đề đáng quan tâm ở địa phương. Sau khi nhảy cóc qua vài công việc không phù hợp tại New York, tôi nghe tin có một chỗ làm ở Chicago, làm việc với một nhóm nhà thờ đang tìm cách ổn định cuộc sống cho các cộng đồng bị tác động bởi việc đóng cửa nhà máy thép. Không có gì to tát cả, chỉ là một nơi để khởi đầu.
Tôi đã ghi lại đâu đó về những năm làm công tác tổ chức cộng đồng ở Chicago. Thành quả thì nhỏ nhoi và ngắn hạn trong các khu dân cư đa phần là dân lao động Da đen nơi tôi hoạt động; tổ chức của tôi chỉ là diễn viên phụ trong nỗ lực đối phó với những thay đổi lan rộng không chỉ ở Chicago mà nhiều thành phố khắp đất nước – sản xuất sa sút, người da trắng di cư, sự gia tăng tầng lớp khốn cùng rời rạc và thiếu gắn kết giữa lúc một tầng lớp trí thức mới khởi sự một tiến trình thay da đổi thịt ở phần lõi đô thị.
Nhưng nếu như tác động của cá nhân tôi lên Chicago là rất nhỏ bé, thành phố này đã làm thay đổi căn bản cuộc đời tôi.
Trước tiên, nó kéo tôi ra khỏi cái đầu của chính mình. Tôi phải lắng nghe, chứ không chỉ lý thuyết hóa, những thứ quan trọng đối với người dân. Tôi phải kêu gọi người lạ tham gia cùng tôi và cùng nhau thực hiện các dự án trong đời thực – sửa sang một công viên, dọn a-mi-ăng tại một dự án nhà ở, hoặc khởi động một chương trình ngoại khóa sau giờ học cho trẻ em. Tôi nếm mùi thất bại và học được cách khích lệ để có thể tập hợp những người đã đặt niềm tin vào mình. Tôi trải qua cảm giác bị từ chối và bị xúc phạm thường xuyên tới mức chả ngán ngại gì nữa.
Nói cách khác, tôi dần trưởng thành – và lấy lại được tính hài hước.
Tôi dần yêu mến những người làm việc với mình: một bà mẹ đơn thân sống trong khu căn hộ tồi tàn nhưng bằng cách nào đấy đã cho bốn người con vào đại học; một linh mục Ireland thường mở cửa nhà thờ vào mỗi tối để bọn trẻ vào chơi thay vì tụ tập quậy phá; người công nhân ngành thép bị mất việc đang đi học để trở thành nhân viên công tác xã hội. Câu chuyện về nỗi truân chuyên và những thành tựu khiêm nhường của họ dần củng cố trong tôi niềm tin vào lòng tử tế nền tảng của con người. Thông qua họ, tôi nhìn thấy sự biến chuyển diễn ra khi công dân buộc giới lãnh đạo hoặc các cơ quan phải chịu trách nhiệm, về cả những việc nhỏ nhặt như gắn thêm biển cảnh báo nơi góc phố đông đúc hoặc điều thêm cảnh sát đi tuần. Tôi nhận ra người dân đứng lên thẳng lưng hơn một chút, nhìn vào bản thân họ khác đi khi họ biết được rằng tiếng nói của mình thực quan trọng.
Thông qua họ, tôi giải tỏa được những câu hỏi cứ bám riết trong đầu về bản sắc chủng tộc của mình. Bởi đâu chỉ có một cách duy nhất để làm người Da đen; do đó, chỉ cần cố gắng làm người tốt là đủ.
Thông qua họ, tôi khám phá ra một cộng đồng của đức tin – rằng nghi ngờ hoặc đặt câu hỏi cũng không sao, và vẫn có thể đạt được điều lớn lao vượt lên trên nơi này và hiện tại.
Và bởi tôi đã nghe được ở các tầng hầm nhà thờ và trước hiên những ngôi nhà gỗ một tầng chính những giá trị ấy – tính thiện lương, sự chăm chỉ và lòng cảm thông – vốn đã được truyền vào tôi từ mẹ và ông bà tôi, nên tôi càng tin tưởng vào những điểm chung tồn tại giữa mọi người.
Đôi lúc tôi phân vân rằng điều gì sẽ xảy đến nếu tôi tiếp tục ở lại với công việc tổ chức cộng đồng, hoặc ít nhất là làm một việc gì đó tương tự. Giống như nhiều người hùng địa phương mà tôi đã gặp qua nhiều năm, lẽ ra tôi đã có thể lập được một tổ chức giúp thay đổi diện mạo một khu phố hoặc một phần của thành phố. Bám sâu vào cộng đồng, lẽ ra tôi đã có thể dồn tiền và trí tưởng tượng để thay đổi không phải thế giới mà chỉ là một địa điểm hoặc một nhóm trẻ con, làm những công việc có tác động lên cuộc sống của xóm giềng và bè bạn theo một cách hữu ích và có thể đo đếm được.
Nhưng tôi đã không ở lại đấy. Tôi đã rời đi và vào Trường Luật Harvard. Và chính tại nơi đây, câu chuyện ấy đã quánh đặc hơn trong đầu tôi, khơi thêm những động lực mới.
LÚC BẤY GIỜ tôi đã tự nhủ – và tới nay vẫn muốn tự nhủ mình – rằng tôi rời công việc tổ chức cộng đồng bởi tôi thấy nó chuyển động quá chậm, quá hạn chế và không đáp ứng được nhu cầu của những người dân mà tôi muốn phụng sự. Một trung tâm đào tạo nghề tại địa phương không thể giúp được hàng ngàn công nhân mất việc sau khi nhà máy thép đóng cửa. Một chương trình ngoại khóa sau giờ học không bù đắp được việc các trường thiếu kinh phí kinh niên hoặc cho những đứa trẻ được ông bà nuôi nấng vì cha mẹ chúng đang ngồi tù. Có vẻ như trong mỗi một vấn đề chúng tôi đều đụng phải một ai đó – một chính trị gia, một quan chức, một giám đốc ở nơi xa xôi nào đấy – những người có quyền lực để làm mọi thứ tốt đẹp lên nhưng họ đã không làm. Và khi chúng tôi buộc họ phải nhượng bộ, thì thông thường là quá nhỏ nhoi và quá chậm trễ. Quyền quyết định ngân sách và định hướng chính sách là những gì chúng tôi cần, nhưng cái quyền đó đang ở tận đẩu tận đâu.
Hơn thế, tôi cũng đã nhận ra rằng chỉ hai năm trước ngày tôi đến, đã từng có một phong trào vận động cho sự đổi thay ở Chicago, một phong trào vừa xã hội vừa chính trị – một dòng chảy sâu và nhanh mà tôi đã không hoàn toàn đánh giá được bởi nó khác biệt với các lý thuyết của tôi. Đó là phong trào vận động bầu Harold Washington làm thị trưởng Da đen đầu tiên của thành phố.
Phong trào này dường như từ dưới đất chui lên, và cũng có tính chất một chiến dịch chính trị trong quần chúng cơ sở như những gì nền chính trị hiện đại từng chứng kiến. Một nhóm nhỏ các nhà hoạt động Da đen và lãnh đạo doanh nghiệp, quá chán ngán với sự thiên vị và bất bình đẳng kinh niên ở cái thành phố bị tách biệt nhất nước Mỹ này, quyết định đăng ký bỏ phiếu với số lượng kỷ lục, đã mở đường cho một dân biểu phốp pháp với tài năng nổi bật nhưng tham vọng khiêm tốn ra tranh cử vào một chức vụ rõ ràng là ngoài tầm với.
Không ai nghĩ rằng phong trào ấy có một cơ hội thành công; chính Harold cũng hoài nghi. Chiến dịch này vận hành một cách chật vật, với nhân sự chủ yếu là tình nguyện viên thiếu kinh nghiệm. Thế rồi điều đó đã xảy đến – như một cơn bùng cháy ngẫu nhiên. Những người dân chưa từng quan tâm chính trị, những người thậm chí chưa từng đi bầu, đã bị cuốn vào cuộc vận động. Người già và trẻ em học sinh bắt đầu đeo lên áo cái huy hiệu tròn màu xanh lam của chiến dịch tranh cử. Một ý thức tập thể không muốn tiếp tục chịu đựng sự bất công và coi thường cứ tích tụ đều đặn – nào là bị chặn xe vô cớ, nào là dùng sách giáo khoa cũ; rồi lần nào bà con Da đen đi ngang qua nhà thi đấu thuộc Khu Quản lý Công viên trên mạn Khu Bắc cũng nhận thấy nó mới đẹp hơn nhiều so với cái nhà thi đấu trong khu dân cư của họ; những lần họ không được cất nhắc vị trí hoặc bị từ chối khoản vay ngân hàng – đã dồn tụ lại như một cơn bão để rồi xô đổ tòa thị chính.
Vào thời điểm tôi đến Chicago, Harold đã làm được nửa nhiệm kỳ. Hội đồng thành phố, một thời là bù nhìn của Daley Già(10), đã bị phân hóa thành những phe nhóm mang tính sắc tộc, với đa số kiểm soát gồm toàn ủy viên da trắng luôn tìm cách chặn đứng bất kỳ nỗ lực cải cách nào mà Harold đề xuất. Ông đã cố gắng thuyết phục và sẵn sàng nhượng bộ cắt giảm các đề xuất, nhưng họ không mảy may nhúc nhích. Đó là chương trình truyền hình thu hút sự chú ý, đậm chất bộ lạc và thô ráp, nhưng nó giới hạn những điều mà Harold có thể làm cho những người đã bầu ông lên. Phải cậy tới một tòa án liên bang vẽ lại bản đồ phân bổ ủy viên hội đồng thành phố vốn được chia theo ranh giới chủng tộc một cách tháu cáy(11) thì cuối cùng Harold mới có đa số và phá vỡ bế tắc. Thế rồi trước khi có thể thực hiện được những thay đổi mình đã hứa, ông qua đời vì đau tim. Một hậu duệ của trật tự cũ là Rich Daley rốt cuộc đã giành lại được ngai vàng của cha mình.
(10) “Old Man Daley” tức Richard J. Daley, Thị trưởng Chicago từ năm 1955 đến năm 1976.
(11) Khái niệm “gerrymandering” ra đời vào năm 1812, khi Thống đốc Elbridge Gerry của Massachusetts phê chuẩn dự luật vẽ lại ranh giới các khu vực bầu cử để tạo lợi thế cho đảng của mình. Hình thù các khu vực bầu cử được vẽ lại trông giống con chằn tinh (salamander). Tên gọi “gerrymandering”, ghép từ Gerry và Salamander, hiện được dùng để chỉ việc vẽ bản đồ khu vực bầu cử mang lại lợi thế cho đảng cầm quyền trong bầu cử địa phương và bầu dân biểu liên bang.
Ở xa tâm điểm của vụ việc, tôi theo dõi diễn biến của vở kịch này và tìm cách rút tỉa bài học. Tôi nhận ra tại sao cái năng lượng khổng lồ của phong trào không thể duy trì được nếu không có cấu trúc, tổ chức và kỹ năng điều hành. Tôi cũng thấy tại sao một chiến dịch chính trị dựa trên sự chỉnh đốn chủng tộc, dù hợp lý đến đâu chăng nữa, lại tạo ra nỗi sợ và sự chống đối để rồi từ đó dẫn tới những hạn chế đối với sự phát triển. Và trong sự sụp đổ chóng vánh của liên minh Harold sau khi ông chết, tôi thấy rõ mối nguy hiểm của việc chỉ dựa vào một lãnh tụ có sức hút dân chúng để mang đến đổi thay.
Nhưng trong năm năm ấy, ông cũng đã kịp trở thành một lực đẩy mạnh mẽ. Bất chấp các ngáng trở, Chicago đã thay da đổi thịt trong thời kỳ ông lãnh đạo. Dịch vụ công của thành phố, từ việc tỉa cây, dọn tuyết tới sửa đường, dần được triển khai rộng khắp và cân bằng hơn giữa các khu vực. Những ngôi trường mới được xây tại các khu dân cư nghèo. Công ăn việc làm ở thành phố không còn bị giới quyền chức thâu tóm và sau một thời gian dài, cộng đồng doanh gia đã bắt đầu để tâm tới sự thiếu đa dạng trong hàng ngũ của mình.
Trên hết, Harold đã mang hy vọng tới cho người dân. Cách mà người Da đen Chicago nói về ông trong những năm đó gợi nhớ về cách mà một số thế hệ người da trắng tiến bộ nói về Bobby Kennedy – những gì ông ấy đã làm không quan trọng bằng những gì ông ấy khiến bạn cảm thấy. Giống như bất cứ thứ gì cũng có thể xảy ra. Giống như thế giới này là dành cho bạn để tái tạo.
Với tôi, điều này đã gieo một hạt mầm. Nó khiến tôi lần đầu tiên nghĩ rằng tôi muốn một ngày nào đấy sẽ tranh cử vào chính quyền. (Tôi không phải là người duy nhất được truyền cảm hứng – chẳng bao lâu sau cuộc tranh cử của Harold, Jesse Jackson đã tuyên bố tranh cử tổng thống.) Phải chăng đây là nơi mà năng lượng của các phong trào dân quyền đã dịch chuyển đến – nhắm vào chính trị bầu cử? John Lewis, Andrew Young, Julian Bond – phải chăng đã ra tranh cử một chức vụ vì cho rằng đây chính là sân đấu nơi họ có thể tạo nên khác biệt lớn nhất? Tôi biết có những cạm bẫy – sự thỏa hiệp, việc luôn chạy theo đồng tiền, quên đi các lý tưởng và sự quay cuồng kiếm tìm chiến thắng.
Nhưng có lẽ còn có cách khác. Có lẽ người ta vẫn có thể tạo ra năng lượng như thế, cảm thức như thế về mục đích, nhưng không chỉ quẩn quanh trong cộng đồng Da đen mà vượt qua lằn ranh sắc tộc. Có lẽ nếu có đủ sự chuẩn bị, sự am tường về chính sách và các kỹ năng quản lý, người ta đã có thể tránh được một số sai lầm của Harold. Có lẽ các nguyên tắc về tổ chức cộng đồng có thể được vận dụng để không chỉ phục vụ cho một chiến dịch tranh cử mà còn cả việc lãnh đạo – để khích lệ sự tham gia và trách nhiệm công dân tích cực trong những người bị bỏ rơi, và dạy họ không chỉ tin vào các nhà lãnh đạo mà họ bầu lên, mà còn phải tin lẫn nhau và vào bản thân.
Đó là những gì tôi đã nói với chính mình. Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Tôi còn vật lộn với các câu hỏi cụ thể hơn về hoài bão của mình. Càng học được nhiều thứ trong hoạt động tổ chức cộng đồng, tôi càng thấy mình chẳng có thành tựu cụ thể nào đáng kể cả. Ngay cả mẹ tôi, người luôn dám làm điều khác biệt, cũng lo lắng về tôi.
“Mẹ không biết, Bar à,” bà nói với tôi vào một dịp Giáng sinh. “Con có thể dành cả đời để làm việc bên ngoài cơ quan chính quyền. Nhưng mà con có thể làm được nhiều thứ hơn để thay đổi những cơ quan ấy từ bên trong.”
“Thêm nữa, hãy nghe này,” bà cười rầu rĩ. “Tình cảnh không tiền được đánh giá cao quá mức đấy.”
Thế rồi vào mùa thu 1988, tôi đem những tham vọng của mình đến một nơi mà tham vọng khó bộc lộ ra được. Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được trao quyền phát biểu tại lễ tốt nghiệp, chủ tịch hội sinh viên, học giả tiếng Latin, các quán quân về tranh luận – những người tôi gặp ở Trường Luật Harvard nhìn chung là những nam nữ thanh niên ấn tượng, những người, khác với tôi, lớn lên với niềm xác quyết có cơ sở rằng họ sinh ra để sống một cuộc đời mang lại sự tốt đẹp cho thế giới. Tôi cho rằng mình rốt cuộc đã hòa nhập tốt ở đó là do tôi lớn hơn các bạn cùng lớp vài tuổi. Trong khi nhiều người thấy quá tải với bài vở, tôi lại dành ngày này tháng nọ trong thư viện – hoặc, thoải mái hơn, là trên cái trường kỷ trong căn hộ bên ngoài khu học xá, bật ti vi lên xem một trận bóng nhưng tắt âm thanh – cảm giác như đang hưởng thụ một sự xa xỉ tuyệt đối sau ba năm tổ chức các cuộc họp cộng đồng và đi gõ cửa từng nhà trong thời tiết giá lạnh.
Còn điều này nữa: Việc học luật hóa ra không quá khác so với những gì tôi từng làm trong suốt những tháng ngày đăm chiêu một mình về các vấn đề dân sự. Những nguyên tắc nào chi phối mối quan hệ giữa cá nhân với xã hội, và nghĩa vụ của chúng ta với những người khác đến mức độ nào là vừa? Chính phủ nên điều chỉnh thị trường trong chừng mực nào? Các thay đổi xã hội diễn ra như thế nào, và làm sao để luật lệ có thể đảm bảo rằng mọi người đều có tiếng nói?
Tôi vô cùng yêu thích việc này. Tôi thích cọ xát, nhất là với đám sinh viên có phần bảo thủ hơn, những người mà dù có bất đồng vẫn luôn tỏ ra cảm kích về việc tôi thực sự quan tâm nghiêm túc tới lý lẽ của họ. Thảo luận trong lớp học, tôi luôn giơ cao tay, khiến nhiều người tròn xoe mắt thán phục. Tôi không cưỡng lại được; như thể là sau những năm giam hãm bản thân với một nỗi ám ảnh lạ kỳ – giống trò tung hứng hay nuốt kiếm – giờ đây tôi đã được gia nhập một trường xiếc thực thụ.
Tôi thường bảo các con rằng nhiệt tình sẽ bù đắp cho một loạt khiếm khuyết – và ít nhất điều này đúng với trường hợp của tôi ở Harvard. Vào năm thứ hai, tôi được bầu làm chủ nhiệm Da đen đầu tiên của Chuyên san Luật của trường, sự kiện này được báo chí toàn quốc khá quan tâm. Tôi ký hợp đồng viết một cuốn sách. Lời mời làm việc từ khắp đất nước ùa về và có thể nói lộ trình lúc bấy giờ đã được vạch rõ, tương tự những người tiền nhiệm tại Chuyên san Luật: Tôi sẽ làm thư ký cho một thẩm phán Tòa án Tối cao, làm việc cho một hãng luật hàng đầu hoặc Văn phòng của Bộ trưởng Tư pháp, và khi thời cơ đến, nếu muốn, tôi có thể dấn thân vào chính trị.
Đó là thứ dễ làm say lòng. Người duy nhất đặt câu hỏi về lộ trình đi lên trơn tru này có vẻ như lại là chính tôi. Điều này đến quá nhanh. Những khoản lương hậu hĩnh treo lơ lửng như dụ khị, sự chú ý – giống một cái bẫy vậy.
May thay tôi có thời giờ để cân nhắc bước đi kế tiếp. Và dù sao, quyết định quan trọng nhất ở phía trước rồi đây sẽ dẫn tới việc tôi chẳng làm gì liên quan đến luật cả.