Tóm lược
Bạn có thể cần đến kỹ năng ghi nhớ trong nhiều hoạt động của đời sống sinh viên, trong đó quan trọng nhất là quá trình học hỏi và chuẩn bị cho các kỳ thi. Trọng tâm của chương này là giúp bạn xác định lại những điều cần ưu tiên cho kế hoạch học tập và quá trình chuẩn bị thi cử của mình, từ vấn đề thể chất, tinh thần đến việc lên kế hoạch học và ôn tập,…
Đã đến lúc bắt tay vào hành động rồi đấy!
Thể chất tráng kiện, trí óc minh mẫn
Các kỳ thi là những bài kiểm tra sức bền về thể chất lẫn tinh thần của bạn. Vì thế, đối với bất cứ kỳ thi nào, bạn cũng cần chuẩn bị cho bản thân trạng thái tràn trề năng lượng nhất: khỏe mạnh, thư giãn, tập trung, đầy tự tin rằng trí não bạn đang ở đỉnh cao và mọi kiến thức đã học luôn sẵn sàng dưới sự kiểm soát của bạn. Đó là lý do vài tuần trước ngày thi, bạn không được hoạt động quá sức, để bản thân thiếu ngủ hay lo âu kéo dài.
Chú ý đặc biệt tới sức khỏe thể chất của bạn. Đảm bảo bạn đủ dinh dưỡng cần thiết cho trí não, tập thể dục đều đặn để giữ dưỡng khí lưu chuyển điều hòa và giải tỏa căng thẳng, cũng như ngủ đủ giấc. Học khuya, nhất là trước kỳ thi quan trọng, sẽ hại nhiều hơn lợi cho trí nhớ của bạn. Sau lần ôn tập cuối cùng trước ngày thi, hãy cho phép bộ não bạn nghỉ ngơi để sắp xếp lại những gì đã tiếp thu và tích trữ năng lượng cho các thử thách tư duy trong bài thi sắp tới.
Tận dụng trí tưởng tượng đã được rèn luyện của bạn để tạo nên những “ký ức thành công”. Tới lúc này, hẳn bạn đã rất thành thục trong việc sáng tạo những cảnh quay ký ức và câu chuyện sống động hay những lộ trình trong tâm trí. Bạn đã biết cách kết hợp các giác quan và cảm xúc để đưa bản thân chìm vào những khung cảnh như có thật trước mắt – vậy thì tại sao không tiếp tục “tua” qua trong đầu khoảng thời gian thi cử và tới luôn thời điểm ăn mừng thành công của mình. Bạn hoàn toàn có thể làm chủ kinh nghiệm tưởng tượng này để tạo động lực cho chính mình – hãy khai thác triệt để nó. Đảm bảo bạn tập trung hình dung đến quá trình: ghi nhớ thông tin, sáng tạo trong ứng dụng những gì đã học, tự tin trình bày ý tưởng và những kiến thức mà bạn nắm rõ – và tất cả đều được bạn thể hiện một cách hoàn hảo.
Tạo không gian thích hợp cho việc học tập và ghi nhớ
Không gian học tập tốt nhất có thể khuyến khích cả hai não trái và não phải vận hành liên hợp với nhau: hai nửa này hợp lực lại sẽ tạo thành trí nhớ siêu việt.
Phòng học của bạn cần được tổ chức hợp lý, bởi vì tư duy của bạn cần được tổ chức hợp lý. Hãy dành thời gian để phân loại mọi đồ đạc của bạn: sách vở, các hồ sơ và ghi chép; bút bi, bút chì và các văn phòng phẩm khác; máy vi tính, dây cáp, máy in, ổ cứng di động… Bạn cần chắc chắn là mình có đủ tài liệu phù hợp và mọi dụng cụ cần thiết cho “nghề” học hành. Một điều quan trọng khác là phải có không gian cho việc ghi chép, vẽ vời và lưu trữ một cách khoa học những thông tin bạn mới nghĩ ra hay mới thu thập được. Góc học tập phải được tổ chức tốt để phục vụ việc học tập, giúp bạn tư duy khoa học, biết đặt ưu tiên công việc theo trình tự và có hệ thống – những chức năng truyền thống của “não trái”.
Tuy nhiên, một môi trường thật sự hiệu quả còn phải có các yếu tố: êm ả, thú vị và đầy sáng tạo. Hãy nghĩ ra những màu sắc tạo cảm hứng cho bạn, những bức tranh vẽ, ảnh chụp và những câu danh ngôn khơi gợi trí tưởng tượng của bạn. Bạn hãy chuẩn bị nhiều viết màu dùng để ghi chú, giấy để vẽ nguệch ngoạc, những thứ để cầm nắm nhằm kích thích bạn suy nghĩ tự do. Tất cả những chiến lược ghi nhớ đều được hoạch định khoa học, nhưng vẫn cần đến sự nhạy bén mang tính ngẫu hứng, sáng tạo của não phải.
Bạn hãy tìm một bức tranh, vật thể, chữ cái hoặc bất kỳ thứ gì có thể nhắc nhở lý do bạn đang nỗ lực hết mình để phát triển khả năng ghi nhớ và hãy bày nó ở một vị trí dễ thấy trong góc học tập của bạn. Bạn sắp đạt được những thành tựu nào nếu bạn sử dụng hiệu quả trí nhớ của mình? Cuộc sống của bạn sẽ được cải thiện thế nào? Có ai đó sẽ tự hào về bạn? Hãy gửi đến chính mình những lời nhắn nhủ đầy sức mạnh và trực quan để bạn luôn nhìn thấy thành quả trước mắt và duy trì động lực, sự chú tâm và nỗ lực của bản thân ngay cả khi chặng đường không hề suôn sẻ.
Loại bỏ các kẻ thù gây xao nhãng
Sự nhạy cảm của bộ não đối với những thứ gây xao nhãng là một trong những nguyên nhân khiến bạn không thể nhớ thêm được. Bản năng sinh tồn cố hữu của con người sẽ khiến bạn liên tục phải để tâm tới môi trường xung quanh và những nhu cầu cấp thiết nhất, tuy nhiên nó sẽ phá vỡ sự tập trung và kéo sự chú ý của bạn đi chệch khỏi điều mà lẽ ra bạn đang phải nghiên cứu.
Để luôn kiểm soát tốt trí não của mình, bạn cần phải:
• Hạn chế những âm thanh huyên náo: tiếng trò chuyện, tiếng động vật, tiếng nhạc làm bạn mất tập trung.
• Vạch ra kế hoạch hành động rõ ràng cho từng khoảng thời gian bạn làm việc trong góc học tập và phải bám sát kế hoạch.
• Hãy vận động nhẹ – có thể sử dụng những món đồ để trên bàn, quả bóng giải tỏa căng thẳng, quay bút, vẽ nguệch ngoạc – để giữ đầu óc được giải lao giữa giờ, thêm sinh lực và tập trung vào nhiệm vụ trước mắt.
• Hạn chế việc bị gián đoạn bởi khách khứa, điện thoại, email, tin nhắn facebook,…
Không ngừng ôn luyện
“Đường cong” trí nhớ có khuynh hướng đi lên trong khoảng thời gian ngắn sau một bài học, vậy thì hãy đẩy nó lên cao nhất. Một khoảng thời gian ngắn sau khi bạn ngừng lại để giải lao thì bộ não của bạn đã đúc kết được kiến thức cho nó, vì vậy hãy kiểm tra trí nhớ của bạn lúc ấy và tự nhắc mình chủ động học thuộc lòng. Hãy chốt lại những ký ức của bạn ngay tại thời điểm này khi mà bạn vẫn nhớ lại được và giữ chặt chúng trong bộ não của bạn. Hãy quay lại những ký ức đó: sau một ngày, một tuần và một tháng. Mỗi lần quay lại, hãy bắt đầu tự kiểm tra trí nhớ của mình trước (điều này giúp bạn biết được phần nào cần phải cải thiện để củng cố những thông tin bạn nhớ được), kế tiếp là lặp đi lặp lại những kỹ thuật ghi nhớ bạn đã sử dụng từ lần đầu tiên, xây dựng hình ảnh, tạo những liên kết vững chắc hơn nữa, và cũng để thêm một vài thứ mới nhắc nhở bạn. Hãy tự chất vấn kiến thức của mình, chuyên tâm vào quá trình gợi nhớ và thường xuyên “văn ôn võ luyện”, có như vậy bạn mới dần dần tạo ra những ký ức vững chắc cho tương lai.
Tự kiểm tra
Hãy tập thói quen tự kiểm tra trí nhớ trong khi đang học để bộ não của bạn có cơ hội “tua lại” và bồi đắp thêm kiến thức đó mỗi khi bạn ôn luyện. Hãy phát triển những hình ảnh và mối liên kết mà bạn đã nghĩ ra để bắt trí nhớ làm việc, hãy tạo thêm nhiều hơn và “vẽ” chúng một cách rõ ràng hơn trong tâm trí bạn. Hãy chịu khó thực hành cách sử dụng chúng để tự nhắc lại cách mà mỗi gợi ý kích thích khả năng gợi nhớ của bạn. Cứ như thế, hiệu ứng kiểm tra sẽ phát huy được sức mạnh, đặc biệt khi bạn cần khôi phục lại những ký ức sau thời gian một tuần, đồng thời hỗ trợ rất tốt cho việc học – đặc biệt là cho thời gian chuẩn bị thi cử.
Kiểm tra là một cách hay để phát hiện những phần ký ức bị hổng và cho ra “báo cáo tiến độ” xuyên suốt quá trình học tập của bạn.
Tiến bộ từng ngày
Hãy nhớ rằng, bạn không cứ phải học lại toàn bộ kiến thức từ con số 0 hết lần này đến lần khác. Bằng cách thường xuyên “luyện” lại những ký ức trước khi chúng bị phai nhạt, bạn sẽ liên tục làm giàu kiến thức ấy và các lần ôn tập sau ngày một dễ dàng hơn. Nếu bạn học tập theo cách này, mỗi lần ôn bài ngắn ngủi không những có thể giúp tái hiện ký ức tốt hơn mà còn giúp “tăng lực” trí nhớ của bạn và bạn sẽ ngày một “lão luyện” hơn trong việc sử dụng nguồn lực trí nhớ của mình một cách chủ động. Đây cũng là cách để bạn củng cố chiến lược ghi nhớ, cách bạn ghi nhớ thông tin theo hướng càng lúc càng chuẩn xác và hiệu quả hơn.
Học đa tầng
Khi thiết lập được những cấu trúc vững chắc – kể chuyện và lộ trình đầy tượng hình – thì bạn đã tạo được nền tảng cho việc học tập của mình. Bạn nhớ được các khái niệm tổng quan về những gì đã học và ý nghĩa của chúng, nhưng bạn vẫn cần xem lại những chi tiết tường tận để tái hiện lại đầy đủ và phát triển thêm nữa. Bởi lẽ là một người học thông minh, bạn luôn hiếu kỳ, luôn hào hứng thu nhặt và trau dồi thêm những hiểu biết của mình. Làm như vậy là để kết hợp những tầng ghi nhớ phức tạp với cách học “bề mặt”, giống như khi bạn lướt qua một tài liệu mới, tán gẫu về một chủ đề với bạn bè, đồng thời tiếp thu một số quan điểm mới và hữu ích từ những nguồn thông tin này. Những ý tưởng mới giúp bạn thấy thích thú, gợi lên những chủ đề chính yếu, tái hiện những thông tin lâu năm – và có thể dễ dàng được nhập vào phần cốt lõi của hệ thống kiến thức.
Hãy làm điều khác biệt
Việc kiểm tra và củng cố kiến thức sao cho vừa hiệu quả vừa hứng khởi đòi hỏi bạn phải tự đặt ra cho bản thân mình những mục tiêu khác thường. Bạn có thể biết rõ những tài liệu của mình đến mức có thể biến nó thành một bài hát không? Hay là hiểu nhiều đến mức có thể tóm tắt nó thành một bài thơ vui, hay diễn đạt lại những gì đã học theo phong cách nhạc rap? Bạn có thể nhớ được kiến thức để tự soạn thành một bài kiểm tra nhỏ, chuyển thể thành một vở kịch, một bộ phim, hay viết một bài báo? Hãy áp dụng những hoạt động trực quan nghe nhìn và vận động thể chất để khám phá và bồi dưỡng những ký ức của bạn, nhờ đó mỗi khi cần thiết bạn có thể dò lại những con đường ký ức khác nhau để tìm ra những kiến thức đó.
Trải đều gánh nặng – chia để trị
Ebbinghaus(*) đã khảo sát về “phương pháp học phân bổ”: chia nhỏ khoảng thời gian học tập kéo dài thành nhiều đợt ngắn hơn. Từ đó đến nay, nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh được rằng bạn hoàn toàn có thể dành ít thời gian hơn cho việc học tập khi thực hiện phương pháp này; dù vậy, tổng thời gian dành cho việc học sẽ nhiều hơn. Vì thế, nếu bạn cần hiểu biết về một thứ gì đó ngay lập tức, bạn vẫn có thể chọn cách vùi đầu vào học đến khi đạt được mục đích; nhưng nếu bạn có một “cửa sổ tri thức” rộng hơn thì việc học theo những khoảng thời gian ngắn và đều đặn lại rất phù hợp, bởi nó mang lại nhiều lợi ích:
(*) Hermann Ebbinghaus (1850-1909) là một nhà tâm lý người Đức với nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực trí nhớ.
• Có hai thời điểm mà não bộ hoạt động hưng phấn nhất – lúc bắt đầu và kết thúc một tiết học, hay một khoảng thời gian học. Và với cách “chia để trị” này, bạn sẽ tạo ra nhiều sự kiện “mở màn” và “kết thúc” cho các phân đoạn học tập, vì vậy bạn đã tận dụng tối đa hiệu quả của các hiệu ứng “mở màn” và hiệu ứng “kết thúc”.
• Sau mỗi phân đoạn, bộ não của bạn có cơ hội củng cố lại kiến thức – trong khi bạn vẫn có thể tiếp tục làm những việc khác.
• Mỗi phân đoạn bắt đầu với một bài kiểm tra để xem những gì bạn vẫn còn ghi nhớ từ lần trước, và kiểm tra thường xuyên là một cách hiệu quả để củng cố những ký ức.
• Trong mỗi phân đoạn ngắn hơn, bạn ít bị xao nhãng và chán nản hơn.
• Tổng thời gian học tập dài hơn giúp bạn có nhiều cơ hội để tiếp thu những thông tin bổ ích, thú vị và phong phú từ nhiều nguồn khác nhau.
Vận hành hệ thống
Bạn phải áp dụng những chiến thuật đúng đắn này vào việc sử dụng trí nhớ học tập như thế nào? Thử nghiệm những cách phân bố thời gian và nỗ lực khác nhau, như học từng môn theo những phân đoạn ngắn hơn nhưng thường xuyên hơn. Sau khi đã ghi nhớ chắc chắn một kiến thức nào đó, hãy tự kiểm nghiệm tác dụng của chiến lược này khi ôn lại sau một giờ, một ngày, một tháng… xem liệu bạn có thể giữ được ký ức ấy “tươi mới” trong một khoảng thời gian dài? Cùng với việc kiểm tra và củng cố những ký ức đã thu nạp, bạn có những hoạt động nào khác để mở rộng hiểu biết về đề tài và kết hợp các kiến thức ấy cùng với nhau? Điều đó cần bạn tổ chức lại việc học một chút, nhưng sẽ đem lại hiệu quả đáng kinh ngạc: sự kết hợp của lối học tập đa tầng.
Nên học trong bao lâu là vừa?
Bạn cần phải tìm ra thời lượng dành cho mỗi buổi học phù hợp với mình. Càng biết rõ về trí nhớ của mình và cách vận hành nó, bạn càng nhận thức rõ khi nào nó đang làm việc hiệu quả và khi nào thì không. Bạn phải lên kế hoạch cho các buổi học sao cho lượng thời gian đủ dài để bạn đào sâu khám phá từ những tài liệu và vận dụng mọi kỹ năng ghi nhớ, nhưng cũng không quá dài đến nỗi khiến bạn mất tập trung, chán nản và bị quá tải bởi khối lượng lớn thông tin cần xử lý. Thay đổi môn học và chủ đề trong một buổi học cũng có thể kích thích khả năng tập trung và vực dậy sự hào hứng của bạn, nhưng cũng cần phải nhận ra thời điểm mà bạn không thể tiếp thu thêm và cần giải lao trí óc. Điều này phụ thuộc nhiều vào loại thông tin mà bạn đang học, các kiến thức đã tiếp thu trong quá trình học tập – và vào chính bạn.
Thay cách học – đổi kết quả
Vận dụng trí nhớ hiệu quả đồng nghĩa với việc không ngừng cải thiện và tổ chức lại việc học của mình. Bạn phát hiện ra những khuôn mẫu mới, tạo ra những liên tưởng thông minh và tối ưu hệ thống những thông tin mà bạn ghi nhớ. Chiến lược học kết hợp giữa sự sáng tạo và óc tổ chức chính là một vũ khí hiệu quả trong quá trình chinh phục những năm tháng dùi mài kinh sử.
Tư duy bằng hình ảnh
Hãy hình ảnh hóa mọi chiến lược hành động của bạn trong các dịp giao tế, những khi họp hành đội nhóm, hay thậm chí là lên kế hoạch các chuyến đi phượt,… Việc chuyển hóa những sự kiện thành hình ảnh, rồi cường điệu hóa chúng lên sẽ giúp gia tăng cơ hội ghi nhớ. Bạn cũng cần chú ý để phát hiện được những ý tưởng trùng lắp, hay những dấu vết có thể mở ra các tiềm năng mà bạn có thể tận dụng để tăng tính hiệu quả lẫn tính kinh tế cho các kế hoạch của mình. Và đừng quên tích cực phát triển óc tưởng tượng trong việc ghi nhớ, vì nhờ đó bạn sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, đồng thời giúp việc tổ chức lại thông tin hiệu quả hơn gấp bội.
“Căn phòng” chứa danh sách những việc cần làm
Chọn một nơi chốn mà bạn thường ngày vẫn ghé thăm nhiều lần để “lưu trữ” các manh mối hình ảnh về các công việc thường nhật. Hãy xây dựng trong đầu mình một phiên bản mô phỏng của nơi ấy, dựng nên các cột mốc và chọn hình ảnh biểu trưng cho các việc lặt vặt, cuộc hẹn, nhiệm vụ, hay thời hạn hoàn thành,… Như vậy, mỗi lần đi ngang qua địa điểm thực tế ấy trong ngày, tự động bạn sẽ được gợi nhắc về căn phòng công việc trong tâm trí mình và điểm lại xem công việc gì còn tồn đọng: chiếc máy giặt (tưởng tượng) đặt ngay cửa báo cho bạn biết phải thu quần áo đã phơi khô vào, một tờ biên lai (tưởng tượng) đính trên trần nhà hối thúc bạn cần đến ngân hàng rút tiền,… Đây là một cách tuyệt vời để rèn luyện trí nhớ mà vẫn tiết kiệm được không ít thời gian và công sức, đặc biệt khi nó liên quan đến những việc mang tính tiểu tiết và đòi hỏi sự chính xác.
Xử lý các trở ngại tâm trí
Sẽ có những giai đoạn mà việc học của bạn không suôn sẻ, nhưng nhờ những hiểu biết về trí nhớ và chiến lược học tập đã định sẵn, bạn sẽ vượt qua được.
• Bạn đã biết rằng những tác nhân gây xao nhãng sẽ cản trở, thậm chí làm suy giảm trí nhớ. Vì vậy, nếu có một nỗi lo âu nào xuất hiện trong đầu, hãy xác định là bản thân sẽ xử trí vấn đề ấy vào một thời điểm khác (hãy tự cho bản thân một cái hẹn). Đừng đặt bản thân vào tình huống vừa tìm cách giải quyết sự việc ngay tức thì, vừa phải cố gắng tiếp thu thật nhiều kiến thức – và rốt cuộc thường là bạn chẳng giải quyết rốt ráo được việc gì cả.
• Khi bạn cảm thấy chán nản với việc học, hãy dành ít phút hình dung những lý do khuyến khích bạn tiếp tục hoàn thành công việc. Hãy tạo ra những hình ảnh có khả năng in sâu vào tâm trí và liên tục gợi nhắc cho bạn về kết quả mà bạn sẽ đạt được sau khi hoàn tất việc học của mình – đó có thể là những chuyến du lịch, những người mà bạn làm họ ấn tượng, cũng có thể là cảm giác thành công và hạnh phúc,... Còn với những giai đoạn mà bạn đạt được kết quả đặc biệt tốt, hãy tập trung vào những cảm xúc tích cực ngay tại thời điểm đó và biến chúng thành những hình ảnh gợi nhắc và củng cố nội tâm cho những khi bạn “sa sút phong độ”.
• Trường hợp việc học gặp những bất lợi – điểm thấp, trễ hạn nộp bài, bạn không hiểu bài giảng – hãy đầu tư thêm thời gian cho trí nhớ của mình. Đừng để các nỗ lực của bạn bị cản trở bởi những suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Nếu những hình ảnh ấy liên tục xuất hiện trong đầu, hãy thay đổi cách nhìn chúng sao cho ít khắt khe hơn. Trong tâm trí, hãy thay đổi tầm vóc của những gương mặt xuất hiện, thu nhỏ lại các âm thanh bạn nghe thấy, làm nhẹ đi cảm giác thất bại, và quan trọng là phải tự nhủ rằng các yếu tố đang “uy hiếp” tinh thần của bạn ấy, thực ra không khủng khiếp như bạn tưởng. Dùng năng lực hình dung để khiến những ký ức buồn mờ nhạt đi, đồng thời chuyển hóa thành động lực cho mình trong tương lai. Những gì xảy ra trong tâm trí của bạn sẽ sớm trở thành hiện thực.
Giờ thi đã điểm – Đã đến lúc gặt hái thành quả
Mọi kỹ năng và phương pháp ghi nhớ được trình bày trong quyển sách này đều hữu ích tùy theo cách bạn áp dụng nó. Dù việc thi cử là một sự kiện tất yếu mà không phải sinh viên nào cũng chào đón, nhưng qua việc thực hành và rèn luyện trí nhớ bạn sẽ tự tin đạt kết quả cao trong bất kỳ đợt kiểm tra nào. Không những thế, bạn sẽ ngày càng thấy mình hào hứng hơn trong việc học hành, đồng thời có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo, và biết phân bổ thời gian hiệu quả hơn, biết phát triển những kỹ năng bổ trợ cho quá trình học tập bền vững.
Hãy bình tĩnh! Hãy tự tin!
Khi ngày thi tới gần, thường thì chúng ta có khuynh hướng bồn chồn, lo âu đến độ tự cảm thấy khả năng tiếp thu của mình có sự sa sút. Song bạn vẫn có thể phát huy hiệu quả khả năng trí não của mình trong giai đoạn này nếu áp dụng những kỹ năng và phương pháp ghi nhớ mà quyển sách đã giới thiệu ở các chương trước. Thật ra, hơn bao giờ hết đây mới là lúc bạn cần duy trì sự kiểm soát và liên tục củng cố quá trình học tập đã thiết lập từ trước. Nhìn lại xem, bạn đã hết sức nỗ lực để hoàn thiện hệ thống ghi nhớ, hình thành các thói quen học tập có lợi, thay đổi lối sống để nâng cao trí nhớ, bố trí không gian học tập thuận lợi và từng bước khai thác hết tiềm năng trí não. Vì thế, dẫu ngày thi đã cận kề thì với sự bình tĩnh, bạn sẽ nhận ra mình vẫn có thể làm được rất nhiều. Bạn cần giữ tâm trạng ổn định, đầu óc tỉnh táo và tự tin, xác lập một tâm thế sáng tạo và sẵn sàng vận dụng các kỹ năng ghi nhớ để tiếp tục phát huy nhằm đạt được hiệu quả cao.
Cú hích cuối cùng
Bạn cần nắm rõ kết quả cuối khóa học đòi hỏi những gì từ quá trình học tập hàng ngày của mình. Bạn phải làm bài trên giấy, thi thực hành, hay tiến hành báo cáo cuối kỳ, hay thể hiện những gì đã tiếp thu dưới hình thức nào khác? Những phần kiểm tra có được phân bổ đều trong suốt khóa học hay diễn ra ngay sau khi kết thúc từng nội dung học? Một số khóa học được thiết kế với các tiết ôn tập xen kẽ trước kỳ thi, vì vậy hãy xác định rõ bạn có bao nhiêu thời giờ để chuẩn bị, có những đề tài nào cần ôn luyện cùng lúc và hình thức học nào phù hợp cho mình. Bạn chỉ cần xem lại toàn bộ những gì đã học hay vẫn phải đầu tư nghiên cứu thêm? Bạn có dành thời gian để thực hành lại những kỹ năng và chuẩn bị cách ứng phó với những thử thách có thể có trong bài thi?
Kết nối mọi “tài sản ký ức” lại với nhau
Trước khi bắt đầu kỳ ôn thi, hãy đầu tư thời gian duyệt qua chiến lược học tập của mình. Đảm bảo rằng bạn nắm trong tay mọi nguồn thông tin mình cần - từ ghi chú, giáo trình, tài liệu giấy lẫn điện tử,... từ đó đặt ưu tiên ôn tập cho mình:
• Bạn có phải học mọi nội dung của môn học hay chỉ tập trung một số chủ điểm?
• Bạn có thể dành bao nhiêu thời gian để rèn luyện lại các kỹ năng, củng cố khả năng truy hồi lại thông tin hay mài dũa các kỹ thuật ghi nhớ dành cho việc kiểm tra?
• Đây là lúc thích hợp cho việc học nhóm hay học một mình?
• Bạn có cần tới những hoạt động phụ trợ nào để giúp mình sẵn sàng hơn – như thực tập giao tiếp bằng ngoại ngữ đang học, đi quan sát thực tế, thăm viện bảo tàng, tham dự buổi biểu diễn nghệ thuật?
Hãy tập trung để tạo “phong độ” tốt nhất cho trí nhớ của bạn, nhìn lại những tiến bộ lẫn thành tựu đáng kể bạn đạt được thời gian qua để sẵn sàng cho thử thách sắp tới.
Bạn vẫn đang đi đúng đường đấy chứ?
Giờ cũng là thời điểm bạn cần nắm chính xác những yêu cầu của bài thi. Bạn đã làm điều này trước đây cho chiến lược học tập, nhưng lúc này bạn vẫn cần rà soát lại để biết chắc những việc làm đều đi đúng hướng.
Những câu hỏi quan trọng nhất cần làm rõ:
• Bạn sẽ thi ở đâu, ngày nào và thời gian trong bao lâu?
• Bạn được đem theo những vật dụng gì để hỗ trợ quá trình làm bài?
• Các nội dung ôn tập nào chắc chắn không thể bỏ qua?
• Cách thức kiểm tra: trả lời câu hỏi trên giấy, vấn đáp, thực hành hay nộp sản phẩm cuối cùng (bài luận, mô hình,…)?
• Cách tính điểm như thế nào?
Đáp án cho những câu hỏi trên sẽ giúp bạn định ra mình cần sử dụng các kỹ năng và phương pháp ghi nhớ ra sao trong những tuần, ngày, giờ hay phút cuối cùng trước khi bước vào phòng thi. Từ đó, bạn sẽ biết cách phân bổ thời gian và nỗ lực một cách hiệu quả, có thể lựa chọn những chiến lược phù hợp giúp chuẩn bị tâm lý thoải mái, tập trung và tự tin về khả năng cao nhất của mình.
Bổ sung, ôn luyện và tái tổ chức trí nhớ
Việc ôn luyện giúp trí nhớ bạn tua lại một lượt mọi thông tin mình cần một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Ôn không có nghĩa là phải học lại một lần nữa mà chỉ củng cố từng “mẩu” ký ức đã được tạo ra và tập vận dụng tốt nhất có thể.
• Tập trung vào một chủ đề cụ thể. Kiểm tra khả năng ghi nhớ của mình: bạn có thể nhớ bao nhiêu điểm chính, các số liệu, dữ kiện, từ vựng quan trọng, cấu trúc bài luận hay những ý tưởng mới nảy ra trong quá trình học tập?
• Kiểm tra lại các chiến lược ghi nhớ của bạn. Những hình ảnh nào bạn sử dụng để gợi nhắc thông tin? Bạn có áp dụng kỹ thuật ghi nhớ theo ngữ cảnh, câu chuyện, hành trình? Rà soát những kiến thức trong đầu mình, đối chiếu với nội dung ghi chép trong các “trí nhớ nhân tạo” của mình: ghi chú trong tài liệu, bài học, các lộ trình học tập,...
• Suy nghĩ cách củng cố những phần kiến thức còn lỏng lẻo hay bị hổng. Ký ức hình ảnh nào không phát huy tác dụng? Cấu trúc ghi nhớ nào chưa chặt chẽ? Hãy điều chỉnh và phát triển dựa trên những gì bạn đã tiếp thu bằng các kỹ thuật tạo dựng trí nhớ: tập trung – tổ chức – hình dung – tưởng tượng.
• Để củng cố trí nhớ cũng như “mở đường” cho bộ não truy cập những thông tin tốt nhất cho bài thi, hãy dành thời gian suy ngẫm lại, phản biện và mở rộng vấn đề đã học. Nếu có thời gian, hãy đào sâu thêm những khía cạnh bạn quan tâm, hay thậm chí tham khảo các chủ đề khác để tăng thêm vốn hiểu biết của bạn về môn học hiện tại.
Mẹo hay dùng liền cho mùa thi
Đừng bao giờ để bất cứ ai làm lung lay tinh thần và sự tự tin về khả năng ghi nhớ của bạn. Có thể những người ấy đang bất an về năng lực trí nhớ của chính họ và loay hoay không biết cách cải thiện nó, nhưng bạn thì khác. Hãy loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực ấy và tránh sa vào trạng thái tự ti. Liên tục tự nhủ rằng bạn đang làm rất tốt, trí nhớ bạn đang được cải thiện từng ngày – và bạn biết chắc rằng đây là sự thật.
Giờ đây bạn tràn trề tự tin, vậy thì hãy cho phép bản thân xả hơi đôi chút trước một kỳ thi quan trọng. Bạn đã hết sức nỗ lực và đã vận dụng trí nhớ hiệu quả trong suốt khóa học và lúc này việc “đổi gió” sẽ rất có lợi cho bạn. Trong thời gian nghỉ, hãy tham gia một vài hoạt động nào khác để thư giãn thay vì liên tục nghĩ tới bài thi. Bạn không hề khiến tâm trí bị xao nhãng khi làm thế – thật ra bạn đang giúp nó ổn định và nhạy bén hơn.
Ngay trước buổi thi, hãy duyệt lại trí nhớ một lần cuối cùng. Đừng ngại tiếp thu thêm một điều gì đó mới, đồng thời tái khẳng định những gì bạn đã học - từ cốt lõi đến mở rộng, tổng hợp tới những chi tiết liên quan. Động tác này cho bạn tận hưởng sự tự tin rằng tất cả đều đã sẵn sàng.
(GO) Làm ngay thôi!
Vạch ra lộ trình cho bản thân để đi từ điểm hiện tại đến điểm mà bạn mong đạt được trước khi kỳ thi diễn ra. Từ đó, bạn sẽ có thể xây dựng kế hoạch hành động và phân bổ quỹ thời gian cho các hoạt động được gợi ý trong chương này, bao gồm cả thời giờ nghỉ ngơi hợp lý lẫn dự phòng cho những tình huống ngoài dự kiến.
Đừng để lãng phí bất cứ công sức nào bạn đã bỏ ra. Bất kể bạn chọn ôn luyện lại phần nào, hãy lục lại những gì mình đã ghi nhớ: kiểm tra lại trí nhớ của mình, xem lại vở ghi chép, tìm tòi những cách khai thác tốt hơn thông tin đã lưu trữ trong đầu. Hãy liên tục củng cố và bổ sung cho các ký ức này thay vì chờ “nước đến chân mới nhảy”.
Sớm bắt đầu những cuộc diễn tập ký ức. Nghĩ đến những thành quả bạn có được từ một trí nhớ được đào luyện công phu, hình dung thật sống động hình ảnh bạn đầy tự tin, chính xác, sáng tạo thế nào trong mọi bài thi – và sau đó... Làm thôi!