Tóm lược
Để tỏa sáng trong học tập, bạn không chỉ cần đến các kỹ năng mà còn cần những phương pháp ghi nhớ khác nhau, chẳng hạn như ghi nhớ bằng cách kể chuyện, ghi nhớ theo hành trình, thông qua hệ thống số, qua việc học nhóm và nhớ mặt đặt tên. Không những thế, các phương pháp này còn khuyến khích bạn chủ động và linh hoạt kết hợp với bốn kỹ năng ghi nhớ quan trọng tôi đã giới thiệu ở chương 4, để bạn có thể ứng dụng trong mọi tình huống. Với những phương pháp ghi nhớ khôn ngoan này, bạn sẽ đảm bảo được việc tối đa hóa thời gian và công sức, cũng như khai thác triệt để vốn kiến thức kỹ năng đã thu thập và đặt trí não bạn ở trạng thái làm việc với năng suất cao nhất.
Ghi nhớ bằng cách kể chuyện
Kể chuyện là hoạt động điển hình cho phép bộ não con người tư duy bằng cả hai bán cầu não, kết hợp giữa cấu trúc, logic của não trái và hình ảnh, trí tưởng tượng và sự ngẫu hứng từ não phải. Đây cũng là phương pháp ghi nhớ được sử dụng từ trước khi con người sáng tạo nên hệ thống ký hiệu - chữ viết. Tin tốt lành là lối học bằng truyền miệng từ thời xa xưa có thể được cải tiến và vận dụng cho bất kỳ công cuộc học tập nào ngày nay.
Các câu chuyện hay dễ khiến người ta nhớ lâu, vì vậy hãy tập kể chuyện về những nội dung bạn muốn học. Bạn đã học cách hình ảnh hóa những dữ kiện, từ đó tiếp tục sắp xếp chúng lại theo những bối cảnh giúp bạn nắm được ý chính hay xâu chuỗi thành một câu chuyện dài hơi chứa đựng nhiều thông tin cần ghi nhớ.
Kể thế nào để nhớ?
Để sáng tạo nên một câu chuyện giúp ghi nhớ tốt, bạn cần phải vận dụng bốn kỹ năng đã được nêu ở chương 4: tập trung, tổ chức, hình dung và tưởng tượng.
• Tập trung vào nhiệm vụ, kiểm soát quá trình ghi nhớ một cách có ý thức.
• Tổ chức lại các hình ảnh sao cho trí nhớ dễ dàng tiếp thu – và cách hữu hiệu nhất là sắp xếp chúng thành một câu chuyện.
• Hình ảnh hóa các thông tin bạn muốn nhớ. Ngay cả những ý tưởng trừu tượng cũng có thể được chuyển tải qua các hình ảnh.
• Tưởng tượng ra một câu chuyện thật sống động trong tâm trí mình, hình dung cảm nhận từ các giác quan, đưa cảm xúc vào và liên tục đặt câu hỏi cho từng bối cảnh. Cường điệu hóa mọi chi tiết để câu chuyện trở nên đầy màu sắc, hài hước, kỳ khôi, hào hứng nhưng đồng thời được sắp xếp hợp lý, bài bản. Và giờ đây bạn đã nắm trong tay những thông tin ban đầu dưới dạng cực kỳ dễ lọt vào trí nhớ.
Bài thực hành
Thực hành chuyển hóa các thông tin sau thành một câu chuyện dễ ghi nhớ. Đây là danh mục các món đồ bạn cần đem đến lớp. Tất nhiên bạn có thể chỉ cần viết ra giấy tất cả là xong, nhưng tập ghi nhớ sẽ giúp bạn thấy thuận tiện và nhanh chóng hơn trong việc chuẩn bị, như biết rõ cần mua gì ở quầy văn phòng phẩm và không lo sẽ bỏ sót món gì. Đây cũng là một bài tập trí não tuyệt vời!
• Máy tính
• Thẻ sinh viên
• Bảng ghim nút
• Nhật ký
• Bìa hồ sơ
• Từ điển
• Thẻ du lịch ưu đãi
• Đèn bàn
• Bản sao kê tài khoản ngân hàng
• Ảnh thẻ
Để sáng tạo ra những hình ảnh khó phai trong tâm trí, bạn nên tập bỏ qua tính thực tế của từng vật khi hình dung, thay vào đó hãy cố gắng cường điệu hóa chúng. Chẳng hạn, không nhất thiết bạn phải nghĩ về chiếc máy tính của mình, thậm chí không cần là một cái có thật trên đời nữa. Tại sao không thử hình dung một chiếc máy tính bằng vàng nạm kim cương được chế tác hoàn toàn bằng tay; hay là chiếc máy tính bỏ túi lớn nhất thế giới mà người dùng phải dậm lên từng phím để sử dụng. Còn quyển từ điển thì có các trang được khắc bằng đá và nặng cả tấn, còn chiếc đèn bàn lại có công suất mạnh như một ngọn đèn hải đăng,… Hãy mở cửa trí tưởng tượng của bạn để làm cho thông tin lưu dấu vào trí nhớ ngay tức thì.
Khi bạn đã có những hình ảnh mạnh mẽ trong tâm trí, hãy bắt tay vào sắp xếp chúng lại. Tìm xem các ý tưởng nào dễ liên hệ với nhau. Giữa chúng có điểm chung gì? Nên bắt đầu từ phần nào, kết thúc ở đâu để tạo dấu ấn nhiều nhất? Có những danh mục buộc bạn phải ghi nhớ đúng thứ tự, nhưng trong ví dụ trên thì không yêu cầu – bạn có thể bố trí chúng tùy nghi theo sức sáng tạo của mình.
Bảng ghim có thể là một ý tưởng tốt để mở đầu câu chuyện – và đây không chỉ là một cái bảng ghim bình thường mà có kích thước to như tấm biển quảng cáo ngoài trời, đủ để bạn chứa tất cả những vật còn lại cần đem theo. Tiếp theo đó thì tùy ý bạn xâu chuỗi các ý tưởng còn lại – pha trộn các cảnh mô tả, hành động, sự kiện,… theo bất cứ cách nào bạn có thể nghĩ ra.
Bạn có thể đính ngay lên tấm bảng quyển từ điển cũ kỹ. Và nó đủ vững chãi để kê chiếc đèn bàn lên trên. Sau đó bạn chú ý rằng ánh sáng từ chiếc đèn được phản chiếu từ chiếc máy tính bỏ túi bằng vàng sáng choang. Và thay vì bàn phím số thông thường, thử tưởng tượng bề mặt tất cả phím đều được dán ảnh thẻ của bạn. Bạn liền lột một tấm ảnh ra và dán lên tấm thẻ du lịch ưu đãi – và ngay tức thì nó liền bay vụt lên không trung và phát ra âm thanh như tiếng tàu xe…
Vậy là bạn đã có một câu chuyện tưởng tượng để xâu chuỗi cả sáu vật dụng đầu tiên. Tiếp tục câu chuyện với bốn đồ vật còn lại. Hãy liên tục tự hỏi mình: điều gì có thể xảy ra tiếp theo? Nó tác động liên đới ra sao tới các sự vật trước đó? Tôi sẽ phản ứng như thế nào…? Và khi đã hoàn tất, bạn hãy rà soát lại toàn bộ câu chuyện để xem chi tiết nào nổi bật, chi tiết nào cần đầu tư thêm. Giờ bạn có thể nhắc lại tất cả mười vật trong danh mục không?
Nếu nhớ được danh sách đồ vật, bạn hoàn toàn có thể làm tương tự với đối tượng là người. Thuộc tên các nhân vật nổi tiếng sẽ tạo lợi thế không nhỏ cho bạn trong các bài luận, thuyết trình về nhiều lĩnh vực – từ các triều đại phong kiến, các nhà thiết kế thời trang hay những người có ảnh hưởng tới tình hình chính trị thế giới. Hay đơn giản chỉ là giúp bạn tự tin hơn trong giao tiếp thường ngày vì bạn có thể nhớ hết tất cả tên và ngày sinh của bạn học trong lớp.
Kiểm tra lại: tâm trạng của bạn có đang tích cực không đấy?
Bạn cảm giác ra sao trước thử thách này? Đây là một bài tập phí thời giờ, khó khăn, nhàm chán,… hay là một bài rèn trí nhớ giúp bạn tiếp cận việc học tập theo cách chủ động và khôn ngoan hơn? Thái độ của bạn đóng một vai trò quyết định tới thành quả học tập của bạn, vì vậy hãy tự nhìn nhận trạng thái tâm lý của mình trước khi bắt đầu bài tập trên. Vực dậy những ý tưởng táo bạo và cảm xúc tích cực nhất, nhớ lại những phần thực hành trước bạn làm tốt ra sao để lên tinh thần cho trí nhớ của mình. Giờ đây bạn không còn là cô cậu sinh viên ngày nào phải đọc đi đọc lại như con vẹt hòng mong thuộc cho bằng được phần bài học nào đó – giờ bạn đã biết đích xác mình cần làm gì để ghi nhớ dễ dàng.
Bất kể những dữ kiện khô khan đến mấy hay yêu cầu ghi nhớ cấp bách đến đâu, bạn vẫn có thể tạo ra những hình ảnh đầu mối đầy sáng tạo và thú vị. Bạn có thể tiếp tục mạch truyện theo gợi ý trên hoặc sáng tạo câu chuyện của riêng bạn, miễn nó giúp bạn tự tin khi ghi nhớ tên và thứ tự của các bản danh sách. Cố gắng khai thác năng lực của cả hai bán cầu não – kết hợp trí tưởng tượng, hình ảnh đầy màu sắc, các chi tiết giả tưởng với lối tư duy trình tự và có hệ thống.
Khi bạn sẵn sàng, hãy lặp lại những gì mình nhớ và tự chúc mừng mình đã làm chủ được “bí kíp” học tập của các học giả lỗi lạc nhất.
Trí nhớ theo hành trình
Có một sự liên quan mật thiết giữa vị trí địa lý và sự hình thành trí nhớ. Mỗi khi trở lại một nơi chốn nào đó, như ngôi trường đầu tiên, hay mái nhà xưa,… có phải ngay tức thì mọi ký ức cũ của bạn ùa về không? Không chỉ hình ảnh, mà bạn như còn có thể ngửi thấy, nghe thấy, sờ được những kỷ niệm; bạn từng nói gì, làm gì nơi đây; và những cảm xúc của bạn ngày ấy cũng liền trỗi dậy. Chúng ta có mối dây liên hệ vô hình với những nơi thân thuộc, nhưng ngay cả những địa điểm mới đến thăm một lần, ta vẫn có thể cảm thấy hết sức gần gũi nếu có dịp trở lại lần sau.
Nơi chốn cất giữ ký ức
Liệu các nơi chốn có thực sự giúp bạn nhớ lại không? Thực tế, nơi chốn có một tác động thú vị lên trí nhớ: chẳng hạn, khi nghe một giai điệu hay bài hát nào đó bạn có bất chợt nhớ lại lần trước khi nghe bài nhạc này bạn đang ở đâu không? Bạn có từng bao giờ bước vào một căn phòng và bối rối nhận ra mình hoàn toàn quên khuấy mình đến đây để làm gì, vậy là bạn lục lại trí nhớ “mình đã nghĩ gì ở nơi xuất phát” và lập tức nhớ lại ngay? Trong một số trường hợp, bạn thậm chí còn sử dụng các địa điểm trong tâm trí mình một cách có chủ đích, như khi nhắm mắt tưởng tượng mình đang ở một hoang đảo bình yên để giải tỏa căng thẳng đầu óc, hoặc cũng có thể là thay đổi vị trí của các vật thân quen (ví dụ treo sẵn bộ quần áo trang trọng trên giá áo thay vì cất trong tủ) để nhắc bản thân mình về điều quan trọng nào đó.
Từ hàng nghìn năm nay, con người đã ý thức rằng địa điểm – những nơi có thật và cả những nơi chỉ có trong giả tưởng – có thể kích thích trí nhớ của chúng ta. Não người có một khả năng ghi nhận đáng kể những vị trí và liên tưởng ngay tới những thông tin liên quan. Không chỉ dễ dàng nhận ra ngay những khu vực quen thuộc, chúng ta còn cực kỳ thông thạo việc ghi nhớ các tuyến đường để đi từ điểm này đến điểm khác. Tương tự như việc ghi nhớ theo cách kể chuyện, ghi nhớ theo hành trình sẽ giúp chúng ta nhớ được hàng loạt dữ kiện phức tạp chỉ bằng việc lần theo chuỗi tình tiết từ đầu đến cuối mà chẳng cần tốn quá nhiều công sức trong việc ghi nhớ cụ thể những con đường, cách đi ra sao.
Nghĩ xem trí nhớ không gian của bạn tuyệt diệu đến nhường nào: mọi ngóc ngách trong ngôi nhà mình, các địa điểm yêu thích, những hành trình bạn nắm rõ như lòng bàn tay – từ nhà đến công sở, quanh phố, tới nhà bạn bè, người quen, con phố thường đi dạo, tuyến đường đi chơi xa,… Và từ thời xa xưa, những học giả xuất chúng đã biết tận dụng những con đường thân quen để làm nên những kỳ tích từ trí nhớ của họ.
Bài thực hành: Đã đến lúc trở về nhà
Bạn hãy tự kiểm nghiệm phương pháp này trong thực tế. Để khởi đầu thuận lợi bạn nên chọn một nơi mình quen thuộc nhất – có thể là nhà mình, hay nhà trọ, phòng riêng,... Và địa điểm này sẽ là nơi bạn sắp sửa dùng nó để cất giữ những điều mình nhớ.
Giả sử địa điểm bạn chọn ở đây là ngôi nhà của mình, vậy thì trước hết hãy dành ít phút hình dung thật cụ thể căn nhà của bạn: cân nhắc các khu vực khả thi cho việc bố trí; tận dụng mọi không gian có thể, các phòng khác nhau, hành lang, lối đi, cầu thang, ngoài sân, mái hiên, tủ chén,… Đặc biệt là cẩn thận xem xét cách bạn “nhìn” ngôi nhà mình trong tâm trí: Có phải bạn chỉ có độc nhất một góc nhìn cố định? Hãy dành thêm thời gian “ngắm nghía” các góc nhìn khác nhau để có cái nhìn thật bao quát.
Kế đến, lập ra một lộ trình đi khắp mười căn phòng hoặc vị trí khác nhau trong ngôi nhà theo một trình tự hợp lý (ở đây, mười là một con số tròn trịa và cho bạn một lượng không gian lưu trữ tương đối lớn trong đa số tình huống). Hãy hình dung cảnh bạn đang dẫn một người khách tham quan nhà mình, bạn sẽ bắt đầu từ đâu và dừng ở những chỗ nào để giới thiệu, thuyết minh?
Khi bạn đã chọn được mười vị trí (có thể là các căn phòng, lối đi, tủ quần áo, ngoài vườn, ban công,…) và đã vạch ra được lộ trình từ điểm xuất phát đến đích cuối cùng rồi, bắt đầu hành trình trong tâm trí thôi!
Hình dung bạn đến được từng điểm dừng chân, quan sát những gì ở đó và cân nhắc kỹ lối nào đi tới điểm kế tiếp. Thể nghiệm nhiều lần để đảm bảo trình tự tham quan khiến bạn thấy tự nhiên và thoải mái nhất. Bạn có thể dùng một cách khác là đi ngược lại từ điểm cuối cùng trở về để đảm bảo bạn thông thuộc toàn bộ hành trình.
Sau khi thuần thục thì bạn đã sẵn sàng vận dụng lộ trình của mình với mười khu vực được lấp kín bằng các hình ảnh gợi nhắc những thông tin cần nhớ rồi đấy. Cũng giống như kỹ thuật ghi nhớ bằng bối cảnh và câu chuyện, mọi dữ kiện đều có thể chuyển thành những hình ảnh sống động và sắp xếp theo trình tự dễ nhớ, nhưng ở đây bạn không cần phải bận tâm việc sáng tác ra một chuỗi sự kiện liên đới. Trình tự đã được thiết lập sẵn trong căn nhà bạn, chỉ chờ bạn tùy ý bố trí thông tin nào trước thông tin nào sau. Việc còn lại đơn giản chỉ là dạo lại một vòng qua từng khu vực và rút lại các dữ kiện cần nhớ từ những hình ảnh đã đưa vào.
Hãy thử dùng “lộ trình quanh nhà” bạn vừa thiết kế để ghi nhớ danh sách mười câu lạc bộ và hội nhóm mà bạn muốn tham gia:
Đội tuyển bóng đá
Hội đọc sách
Nhóm hội họa
Ban chấp hành đoàn trường
Đội kịch nghệ
Câu lạc bộ cờ vua
Trung tâm tham vấn sinh viên
Đội công tác xã hội
Đội tuyển bơi lội
Câu lạc bộ khiêu vũ
Gán cho mỗi mục trong danh sách trên một hình ảnh đầu mối dễ gợi nhắc và sắp xếp chúng vào mười khu vực đã chọn.
Hãy tận dụng triệt để từng ngóc ngách nhà bạn
Vận dụng mọi kỹ năng bạn đã được học qua quyển sách này để đưa các thông tin vào bộ nhớ. Phóng đại mọi chi tiết và cảm giác, cảm xúc trong mỗi khung cảnh. Bạn có thể làm cho những gì bạn muốn nhớ trở nên hài hước, kỳ lạ, thú vị, đáng sợ,… đồng thời tận dụng tất cả các vật sẵn có trong phòng như những chiếc mỏ neo để lưu giữ thông tin bạn đang đưa vào. Chẳng hạn bàn ghế có người ngồi, tủ kệ để đặt vật, hay màn hình ti-vi đang chiếu cảnh hành động trong một bộ phim. Hình dung tất cả, sao cho càng thật càng tốt, sau đó là làm nổi bật các chi tiết quan trọng và tưởng tượng cảm giác của bạn nếu những sự kiện này thực sự xảy ra trong căn nhà bạn.
Khi bạn đã bố trí xong các hình ảnh, hãy đi lại lộ trình một lần nữa để chắc chắn mọi thứ ở đúng vị trí. Đảm bảo rằng không thông tin nào bị sai sót, bạn có thể kết hợp rà soát bằng bản danh mục gốc trong quyển sách này. Khi tất cả xong xuôi, đã tới lúc kiểm tra hệ thống của bạn phát huy tác dụng ra sao: Đóng sách lại, nhắm mắt và bắt đầu hành trình trong tâm trí của bạn – dừng chân ở mỗi điểm định trước và phiên dịch lại từ những hình ảnh các dữ kiện chúng chứa đựng.
Sau đây là ví dụ mẫu với bản danh sách các câu lạc bộ và hội nhóm trên: Bạn bắt đầu bằng lối từ đường cái vào nhà mình và bắt gặp lũ trẻ hàng xóm đang đá bóng, cả hai đội đều ra sức ghi bàn (khu 1: đội tuyển bóng đá). Tiếp đến bạn bước đến cửa trước, giờ đây có hình dạng một quyển sách khổng lồ, bạn mở bìa sách ra và khoét một lỗ to xuyên qua các trang sách để vào nhà (khu 2: hội đọc sách). Nếu lối tiền sảnh tràn ngập các bức tranh sặc sỡ treo khắp các bức tường lẫn trần nhà, hiển nhiên bạn sẽ nhớ ra điều tiếp theo (khu 3: nhóm hội họa),… và cứ thế, tiếp tục lộ trình của bạn cho đến khi nhớ hết mọi thông tin.
Hệ thống số
Hệ thống nhớ “vần số”
Kỹ thuật này đơn giản là gán cho mỗi số (từ 1 đến 10) một hình ảnh tượng trưng dựa trên âm điệu của chữ số đó. Đây là cách tiết kiệm thời gian: áp dụng một quy ước hình ảnh cho mọi tình huống con số ấy xuất hiện. Nhưng bạn có thể biến hóa những hình ảnh ấy tùy theo tình huống, phần còn lại chỉ là dùng trí tưởng tượng liên kết chúng với con số thực cần nhớ. Chẳng hạn, bạn nghe giáo viên giảng rằng hiện dân số thế giới vào khoảng BẢY tỷ người, bạn có thể nhớ bằng cách tưởng tượng mọi người đang cùng NHẢY múa trên toàn cầu. Hay là để ghi nhớ việc sáng lập viên Facebook, Mark Zuckerberg sinh năm 1984, bạn có thể liên tưởng ngay tới cảnh anh chàng này đang TẮM và kỳ cọ rất kỹ cái RỐN có xăm biểu tượng Facebook của mình. Hoặc là khi nghe thông tin Sao Mộc có tới 63 mặt trăng, bạn thấy cảnh một đàn cá SẤU vũ trụ đang đuổi theo một BÀ phi hành gia từ mặt trăng này đến mặt trăng khác của Sao Mộc.
Sau đây là gợi ý liên tưởng con số/âm điệu – tất nhiên bạn có thể thay đổi những chỗ có cách nhớ hay hơn hoặc tự sáng tạo ra hệ thống của riêng mình.
0 Hông
1 Cột
2 Hài
3 Bà
4 Rốn
5 Nằm
6 (cá) Sấu
7 Nhảy
8 Tắm
9 Xỉn
10 Cười
Hệ thống nhớ “hình dạng số”
Phương pháp này dựa trên nguyên tắc nhớ hình ảnh từ hình dạng của mỗi chữ số. Kỹ thuật này khá phổ biến vì giúp bạn dễ dàng nhớ ngay được các hình ảnh đại diện, đồng thời có thể liên tục mở rộng, bổ sung thông tin một cách linh hoạt vào trí nhớ của mình.
Sau đây là những gợi ý con số/hình ảnh cơ bản:
0 Trông như quả bóng
1 Giống cây bút chì
2 Chú vịt con
3 Đặt nằm ngang thì thành hình 2 ngọn đồi
4 Chiếc thuyền buồm
5 Giống móc câu
6 Trông như quả bom với dây dẫn lửa ở trên
7 Trông tựa cái đèn ngủ
8 Có vẻ giống chú người tuyết
9 Bạn nghĩ ngay tới cây kẹo que
10 Như mặt trống và cái dùi trống
• Để nhớ việc Julius Caesar đã tới nước Anh vào năm 55 sau Công nguyên, bạn có thể hình dung ông ta chèo thuyền về phía nước Anh với hai cái móc câu – 5 và 5 – ở mỗi tay.
• Nếu bắt gặp thông tin năm ngoái ngân sách chi cho quân sự của Mỹ đã tăng bốn phần trăm, bạn có thể nghĩ tới cảnh tất cả binh lính, xe tăng, súng ống đang được chất đầy lên một chiếc thuyền buồm.
• Hoặc là giáo viên đang giảng cho bạn rằng mức 0 độ K tương đương với mức âm 273 độ C, và trong đầu bạn sẽ xuất hiện cảnh một chú vịt đang cầm chiếc đèn ngủ soi đường lên đồi, cố tìm hiểu lý do tại sao mặt đất đóng băng và lạnh tới nỗi không còn thứ nào ăn được…
Đến lượt bạn, hãy dùng hệ thống nhớ trên để học thuộc các mốc thời gian sau:
• Năm diễn ra chuyến bay đầu tiên trong lịch sử: 1903
• Thời gian bắt đầu tiết học ngày mai: 9 giờ 30 phút sáng
• Số quốc gia thuộc châu Phi: 58
Qua nhiều lần thực hành bạn sẽ sớm quen thuộc với các hình đại diện này, tất nhiên bạn có thể mở rộng thêm nữa các lựa chọn. Chẳng hạn “0” không chỉ là quả bóng đá mà có thể là bất cứ dụng cụ thể thao nào; “1” ban đầu là cây bút chì nhưng có thể thay bằng viết mực, cây cọ vẽ, mảnh giấy, hộp mực; “3” có thể là bất cứ khung cảnh nào ở miền quê; “4” chỉ tất cả mọi nhân vật, vật dụng, hành động hay cả những tính từ liên quan tới biển,… Những hình ảnh đại diện ban đầu đã trở thành “chủ đề” cho rất nhiều lựa chọn khác, ví dụ:
• Giá của một chiếc máy tính xách tay mới là 487 bảng Anh – có thể là một chàng thủy thủ (4) ném một quả bóng tuyết (8) vào cột đèn (7); hay một chiếc tàu ngầm (4) va phải tảng băng trôi (8) gần kề ngay ngọn hải đăng (7); hay một con hải âu khổng lồ (4) đang tha chiếc tủ lạnh (8) chứa đầy bóng đèn trong đó (7).
• Mười chữ số đầu tiên của số Pi là 3,141592653. Vậy ta có một người leo núi (3) đang say sưa vẽ một bức tranh (1) về phong cảnh biển (4), tiếp đến khi đang vẽ (1) một chiếc xe cần cẩu (5) thì bất thình lình cây kẹo mút (9) đang ngậm rơi khỏi miệng anh ta và bị một con đại bàng (2) mang súng (6) hất rơi xuống đất. Anh chàng đành dùng một cái móc câu (5) để lục tìm trong đống cỏ cao (3);…
Giờ thì bạn hãy tự áp dụng kỹ thuật này để luyện tập ghi nhớ các dữ kiện sau:
• Cấu trúc ADN được khám phá bởi Crick và Watson năm 1953
• Số quyển trong bộ Kinh thánh King James là 66
• Thời kỳ mang thai của voi kéo dài 22 tháng.
Học bằng số
Không chỉ là những hệ thống ghi nhớ các số liệu quan trọng, hai kỹ thuật trên còn có thể vận dụng để nhớ các danh sách – bằng cách đánh số từng mục và liên kết chúng với những hình ảnh tương ứng. Phương pháp này là một cách vô cùng hiệu quả để thuộc ngay các danh mục bạn vừa nghe.
• Giả sử khi nghe giảng về sáu nguồn thực phẩm giàu Vitamin C – nho đen, ớt chuông đỏ, rau mùi tây, cam, bông cải, cải bó xôi – bạn có thể liên tưởng chúng bằng sáu hình ảnh con số/âm điệu đầu tiên:
1 (Cột) – nho đen: một cột nhà mọc chi chít những trái nho đen chín mọng
2 (Hài) – ớt chuông đỏ: bạn đi một đôi hài hình quả ớt chuông đỏ
3 (Bà) – rau mùi tây: một bà bán rau chỉ bán duy nhất loại rau mùi tây
4 (Rốn) – cam: cuộc thi xem ai giữ cam thăng bằng trên rốn lâu nhất
5 (Nằm) – bông cải: bó bông cải lười biếng nằm kềnh ra ngủ
6 (Sấu) – cải bó xôi: chú cá sấu kỳ lạ nhất thế giới chỉ thích ăn cải bó xôi
• Nếu bạn nghe thông báo lịch học năm học phần đầu tiên của học kỳ là dinh dưỡng, thể dục, tâm lý thể thao, công nghệ dệt may, vật lý trị liệu - chúng ta sẽ sử dụng hệ thống nhớ con số/ hình dáng như sau…
1 dinh dưỡng: thưởng thức bánh dinh dưỡng hình viết chì
2 thể dục: tập đạp vịt quanh hồ
3 tâm lý thể thao: nằm trên đồi học thôi miên
4 công nghệ dệt may: mặc bộ đồ lặn tối tân nhất
5 vật lý trị liệu: tập sử dụng móc câu thay cho bàn tay bị gãy của bạn
Đến lượt bạn, hãy thử vận dụng để nhớ danh sách sau xem bạn có thể dễ dàng kết nối các môn thể thao với các con số theo một trật tự hoàn hảo hay không.
6 chạy nước rút
7 bơi lội
8 đánh gôn
9 bóng rổ
10 khúc côn cầu
Học nhóm
Giờ học trên lớp hay các buổi thảo luận nhóm là những cơ hội tuyệt vời để nâng cao trí nhớ cũng như thể hiện các kỹ năng ghi nhớ của mình.
• Tận dụng mọi cơ hội trò chuyện với những người có quan điểm khác với mình để xem bạn có thể nhớ được bao nhiêu thông tin để đem ra bàn thảo, phát triển một cuộc tranh luận lành mạnh, đồng thời tập lắng nghe tích cực vì biết đâu có những ý niệm của bạn cần phải thay đổi. Luôn hình dung trong đầu những hình ảnh đại diện cho các ý bạn muốn trình bày, và thường xuyên ghi chép lại các điểm mới trong quá trình trao đổi.
• Những hình ảnh bạn dựng nên từ trước trong tâm trí có thể dễ dàng mở rộng hay điều chỉnh cho phù hợp với các thông tin, ý tưởng mới tiếp nhận. Nếu một bạn học cho bạn biết rằng Sao Hỏa có hai mặt trăng, bạn có thể thêm vào ngay hình ảnh ban đầu: in chi tiết này lên lớp vỏ kẹo hoặc hai quả cầu treo ở hai bên chiếc mũ chiến binh.
• Khi bạn trình bày ý kiến, hãy cố gắng dùng ngôn từ thật rõ ràng, mạch lạc – kết hợp các mô tả, ẩn dụ, câu chuyện để giúp bạn bè mình tư duy bằng hình ảnh và thu hút sự chú ý của họ bằng những ý tưởng sáng tạo của mình.
Việc học nhóm có thể là một trong những phương pháp hỗ trợ việc học và ghi nhớ của bạn rất hiệu quả, tuy nhiên nếu muốn tổ chức nhóm học tập, bạn cần lưu ý những ưu điểm và nhược điểm của phương pháp sau:
Những ích lợi của việc cộng tác cùng người khác:
• có một người giúp bạn kiểm tra khả năng gợi nhớ và bạn sẽ kiểm tra ngược lại người bạn đó, nhờ vậy cả hai có thể nâng cao kiến thức và củng cố trí nhớ.
• có thể thảo luận, mở mang thêm hiểu biết và thêm một lý do bắt buộc bạn phải nhớ hết những ý tưởng hay nhất của mình để mang ra tranh luận hiệu quả.
• tiếp thu những chiến lược học tập hữu hiệu từ bạn mình – nhưng với lối tư duy khác hẳn mà bạn có thể trao đổi và học hỏi thêm, nhằm hoàn thiện phương pháp của riêng bạn.
• có thể giúp nhau tìm, chia sẻ tư liệu, góp ý cùng tiến bộ và khích lệ lẫn nhau.
Những bất lợi bao gồm:
• dễ bị phân tâm và không chú tâm vào nhiệm vụ trước mắt.
• có thể bị tiêm nhiễm bởi những suy nghĩ tiêu cực của người khác.
• cố gắng học với tốc độ và nhịp độ không phù hợp.
• Lãng phí thời gian vào những phương pháp học tập chỉ phù hợp với một trong hai người – hoặc không phù hợp với ai cả.
Kiểm soát nhóm học tập
Với việc phân định rõ ràng những ưu và nhược điểm của phương pháp học nhóm như trên, việc bạn cần làm khi tổ chức nhóm học tập chính là kiểm soát được công việc trong lúc học cùng nhau. Để làm được điều này, bạn cần xác định: Bản thân bạn đã tích lũy được gì sau những buổi học chung với bạn bè khác? Bạn có thể tư duy và học tập khi có bất kỳ người nào ở gần đó hay bạn trở nên cô đơn, xao nhãng và mất động lực khi không có họ? Có phải cách tốt nhất là hãy tự học kiến thức nền trước, sau đó hẹn gặp một người bạn để cùng kiểm tra lại kiến thức, chia sẻ quan điểm hay là các bạn sẽ thảo luận trước và tập trung vào trọng tâm sau?
Từ những vấn đề trên, hãy lập kế hoạch cẩn thận và bạn sẽ cân bằng được giữa thời gian dành cho việc học nhóm và việc học độc lập để đạt được kiến thức thâm sâu nhất. Dù là học một mình hay học “có hội có bè”, hãy áp dụng những kỹ năng hỗ trợ ghi nhớ, cũng như kết hợp nhiều phương pháp ghi nhớ mà quyển sách đưa ra để tự giúp mình sử dụng trí nhớ hiệu quả và tìm ra phương pháp học tập phù hợp với bản thân.
Nhớ mặt đặt tên
Dẫu là trong lớp hay trong bất kỳ môi trường nào, bạn sẽ tăng được sự tự tin lẫn gây ấn tượng với người khác bằng khả năng nhớ tên tất cả mọi người. Đây là một kỹ năng thực tiễn không chỉ phục vụ nhiều môn học khác nhau mà còn tạo cho bạn sức hấp dẫn đặc biệt trong quãng đời sinh viên lẫn các dịp giao tế xã hội.
• Khi bạn được giới thiệu với một ai đó, hãy đảm bảo bạn nghe rõ và đúng tên của họ.
• Lặp lại tên họ trong câu đáp xã giao (“Rất vui được biết bạn, Shaun!”) và tỏ ra thật sự hào hứng về cái tên: đánh vần ra sao, mang ý nghĩa gì, nguồn gốc,…
• Hình dung tên của người mới quen được viết ra trên giấy. Tưởng tượng chữ ký họ trông như thế nào.
• Nghĩ ra hình ảnh gợi nhớ cái tên vừa nghe: một hình ảnh lóe lên ngay khi bạn vừa nghe tên họ, một người nổi tiếng trùng tên, hay cách đọc, cách viết khiến bạn liên tưởng điều gì. Chẳng hạn tên Helen khá gần với Hello. Beckham chắc chắn làm bạn nghĩ ngay tới bóng đá. Còn tên Mike Brown khiến bạn nghĩ tới Michael Jackson với làn da nâu…
• Liên kết các hình ảnh ấy với những người thật trước mặt bạn. Chẳng hạn Helen với chiếc áo thun có in dòng chữ nổi bật “Hello Vietnam” đang chăm chú xem cô bạn Beckham tâng bóng bằng đầu, tiếp đó bất ngờ bắt gặp Mike Brown đang biểu diễn điệu nhảy moon walk(*) trong bộ trang phục màu nâu.
(*) Moon walk là một bước nhảy do nam ca sĩ Michael Jackson sáng tạo
• Thực hành cách nhớ tên bằng hình ảnh với những người bạn gặp gỡ. Khi biết nhiều thông tin hơn về họ, bạn có thể thêm thắt các chi tiết ấy vào bức tranh trong tâm trí mình. Helen đang mày mò quyển từ điển xem các câu chào hỏi tiếng Việt nói thế nào, vì cô rất giỏi ngoại ngữ. Quả bóng của Beckham có in hình con chuột túi vì bạn ấy đến từ Úc. Biết về bạn bè của mình sẽ giúp bạn kết thân tốt hơn, hiểu hơn về thế mạnh của họ để học hỏi cũng như cho họ thêm lý do để nhớ tới bạn.
Trí nhớ truyền thông
Hãy luôn sẵn sàng góp nhặt các thông tin hữu ích từ truyền hình, phim ảnh, các chương trình phát thanh khi bắt gặp những nội dung liên quan tới môn học của bạn hay giúp bạn làm giàu hiểu biết và vốn kiến thức của bản thân. Bạn càng bỏ thời gian và công sức tập luyện, trí não bạn sẽ càng nhạy bén, bạn sẽ tăng thêm khả năng tập trung, nhận biết các dữ kiện quan trọng và chuyển hóa chúng thành những hình ảnh in sâu vào trí nhớ. Kết nối ngay những ý tưởng vừa hiện lên với một vùng nào đó khi bạn nghe được thông tin thú vị về địa điểm ấy. Mục thời sự trên đài phát thanh nói về sự phát triển chóng mặt của ngành du lịch năm nay làm bạn hình dung tới hàng ngàn tấm bưu thiếp đang dán kín căn phòng bạn đang ngồi nghe đài. Tới lúc về bàn học tập hay có giấy viết trong tay, hãy khôi phục lại mọi thông tin cần nhớ từ những hình ảnh và ghi chép lại cho mục đích sử dụng về sau.
Như vậy, trong chương 4 và 5, bạn đã được tiếp cận bốn kỹ năng cần thiết cho việc ghi nhớ, cũng như năm phương pháp ghi nhớ phổ biến mà bạn có thể áp dụng trong việc rèn luyện trí nhớ của bản thân. Ở chương cuối này, tôi sẽ giúp bạn vạch ra những chiến lược thực tế mà bạn sẽ rất cần để đối mặt với thử thách gian nan của đời sinh viên – học tập và thi cử.