Tóm lược
Sau ba chương đầu giới thiệu những điểm căn bản bạn cần nắm vững cho quá trình xây dựng và củng cố trí nhớ của mình, phần “thực dụng” cuối cùng cũng đến. Nội dung chính của chương này là giới thiệu và đi sâu vào việc khai thác bốn kỹ năng hỗ trợ chủ chốt đối với việc ghi nhớ cùng những bài rèn luyện thực tế mà bạn có thể tự mình luyện tập. Bằng cách luyện tập bốn kỹ năng tập trung – tổ chức – hình dung – tưởng tượng, bạn sẽ dần dà tiến đến việc phát huy cơ chế ghi nhớ phi thường của bộ não mình.
Xây dựng một trí não toàn diện
Một trí nhớ nhạy bén đòi hỏi nhiều kỹ năng và tố chất. Việc phát triển bất kỳ kỹ năng nào cũng giúp nâng cao hiệu quả học tập của bạn, tuy nhiên bạn cần nâng cao tất cả các mặt để đánh thức tiềm năng thật sự của bộ não. Và điều này là hoàn toàn khả thi qua các kỹ năng hỗ trợ việc ghi nhớ được trình bày sau đây.
Kỹ năng tập trung
Sự chú ý là một yếu tố quan trọng để hình thành trí nhớ, và kỹ năng tập trung sẽ giúp bạn duy trì sự chú ý đó. Thực tế, bạn sẽ chẳng thể nào nhớ được bất cứ điều gì nếu thông tin không được tiếp nhận. Chính năng lực tập trung giữ cho não tỉnh táo, ý thức về các tín hiệu truyền về và nhận diện thông tin nào quan trọng để giữ lại. Sự tập trung còn có tác dụng loại bỏ mọi tác nhân gây phân tán tư tưởng và giúp bạn định hướng trí não vào đối tượng cần chú ý. Để khai thác hết tiềm năng trí nhớ, tất nhiên bạn cần cởi mở đón nhận mọi thông tin đến với tâm trí mình, nhưng cũng có lúc bạn cần đóng tất cả những kênh thông tin khác lại để chỉ tập trung toàn bộ trí lực vào một công việc quan trọng, và duy trì nó càng lâu càng tốt. Điều này đòi hỏi sự khổ luyện.
Mức độ tập trung
Bước đầu tiên để tăng sự tập trung là phải ý thức về khả năng của mình. Hãy nhìn nhận lại mức độ tập trung hiện tại của bạn, liệu có đủ cho các nhiệm vụ hiện tại chưa và nó thay đổi ra sao trong các hoàn cảnh khác nhau. Khi bạn mệt mỏi, đói bụng, lo âu, chán nản, hay ở trong môi trường dễ bị phân tâm,… hãy tự hỏi bạn có đủ sức tập trung để tiếp tục công việc không hay bạn chỉ đang lãng phí thời gian. Bạn có thể khởi đầu thời gian học của mình với đầy năng lượng, nhưng dần dà sự chú tâm của bạn giảm sút và bạn bắt đầu bị phân tán tư tưởng – đó là lúc bạn cần quyết định có nên dừng lại để giải lao hay không. Hãy theo dõi và liên tục đánh giá chất lượng sự tập trung của bạn.
• Khả năng tập trung của bạn đạt đến mức độ nào?
• Liệu bạn có thật sự đang đọc, quan sát hay nghe thấy những gì mình cần tiếp thu?
• Bạn có sử dụng tất cả các kỹ năng tư duy cần thiết để trí nhớ hoạt động hiệu quả?
• Nếu tạm thời bạn không thể chú tâm, cân nhắc xem việc tiếp tục tiếp thu thông tin liệu vẫn còn có ích hay không, hay tốt hơn là bạn nên tạm dừng để chuyển sang làm một việc khác?
Kế hoạch tập luyện sự tập trung
Đối với các vận động viên chạy cự ly dài, trong quá trình luyện tập họ từ từ nâng độ dài của quãng đường chạy lên. Tương tự, để rèn luyện kỹ năng tập trung, bạn hãy đặt ra các mục tiêu, nâng cao dần thời gian cho từng “chặng” rèn luyện mà bản thân mong muốn đạt được và cố gắng cải thiện năng lực từng chút một. Chẳng hạn nếu bạn tập trung được trong 15 phút, giải lao chốc lát để tự thưởng cho bản thân, sau đó nâng dần lên 20 phút, 30 phút,... Trong quá trình tập luyện hãy nghiêm khắc với bản thân: tự ý thức lúc nào tâm trí mình rơi vào sao nhãng để hướng sự tập trung trở lại. Còn nếu bạn vẫn không thể hoàn thành thời gian mình đề ra và liên tục phân tâm, hãy dừng lại để đánh giá xem bạn cần cải thiện mặt nào và nỗ lực thế nào trong lần sau.
Các bài tập rèn luyện kỹ năng tập trung
Sau đây là một số bài rèn luyện giúp bạn nâng cao kỹ năng tập trung. Với những bài tập này, bạn có thể thực hành bất cứ khi nào có thời gian rảnh. Hãy thử nghiệm trong các thời điểm và môi trường khác nhau để xác định: bạn tập trung tốt hơn vào sáng sớm hay buổi đêm? Bạn có thể thực hành trong không gian yên tĩnh, có âm nhạc, trong lúc xem ti-vi, hay ở chốn đông người,… không?
Đọc ngược và đọc xuôi
Đọc to các số theo thứ tự “một, hai, ba,…” đồng thời hình dung trong đầu dãy số ngược lại từ mười trở về một. Ví dụ bạn đọc “một” trong khi nghĩ trong đầu số mười, đọc “hai” khi nghĩ đến số chín, và cứ thế tiếp tục. Khi bạn hoàn thành tới dãy xuôi-ngược này thì hãy thử đếm ngược lại cũng theo quy tắc này. Nếu đã thành thục thì nâng giới hạn lên 20, 50, 100, và có thể là cao hơn nữa. Hãy theo dõi xem tâm trí mình thực hiện bài tập này thế nào khi đếm cùng lúc hai dãy số? Bạn có đủ tập trung để duy trì sự chú tâm cho cả hai tác vụ đồng thời này?
Đồng hồ trí nhớ
Dành vài phút theo dõi kim giây trên chiếc đồng hồ để bàn hay sự thay đổi các số chỉ giây trên mặt đồng hồ điện tử. Tập làm quen với độ dài của mỗi giây cho đến khi bạn có thể ước lượng được 10 giây. Sau đó thử xem bạn dự đoán một phút chính xác đến đâu. Nâng cao thử thách bằng cách kéo dài khoảng thời gian hơn – lưu ý là bạn không được phép “đếm cừu” hay nhẩm “năm – mười – mười lăm – hai mươi…”. Bạn chỉ được ước đoán thời gian bằng cách tưởng tượng sự dịch chuyển của chiếc kim giây hay lắng nghe từng tiếng tích tắc tích tắc vang lên trong đầu bạn thôi.
Lấy cuối làm đầu
Hãy sáng tạo ra những câu có ý nghĩa bằng lối chơi chữ: mỗi từ đều bắt đầu bằng ký tự cuối cùng của chữ trước đó. Ví dụ:
• Nhà anh Hoàng gần nhà ai?
• Em muốn ngắm mặt trăng
Đây là một bài luyện tập vô cùng hữu ích giúp nâng cao sự tập trung vì bạn phải động não rất nhiều thứ đồng thời: liên tục kiểm tra ký tự cuối cùng của từ hay ký tự đầu trong từ mới nghĩ ra, chú ý tới ý nghĩa của cả câu được phát triển ra sao, suy nghĩ tìm từ thích hợp tiếp theo,… Đây cũng là bài “thể thao” kết hợp tính logic và khả năng sáng tạo, cũng như tăng cường sự tập trung vốn đóng vai trò quan trọng của trí nhớ.
Kỹ năng tổ chức
Đây là một kỹ năng “tăng lực” trí nhớ quan trọng khác vốn là sở trường của não trái, nhưng bạn cần biết kết hợp nó với năng lực của não phải để khai thác hết tiềm năng của trí nhớ.
Liệu tâm trí bạn có ngăn nắp?
Hiện tại cách bạn tổ chức việc học và tiếp thu của mình đã thật sự tốt chưa? Quan sát các dấu hiệu bên ngoài: bàn học, ngăn tủ, kệ sách, cách bạn ghi chép, cách bạn lưu những dữ liệu trong máy tính,… chúng có phản ánh một lối học tập được tổ chức tốt không? Còn những biểu hiện khác như khả năng quản lý thời gian, đặt ưu tiên, cân bằng học tập và giải trí, thói quen đúng giờ? Dù ở hình thức nào, năng lực tổ chức hiển nhiên là yếu tố tối cần thiết của một trí nhớ tuyệt vời. Việc phát huy khả năng này không chỉ giúp bạn bố trí lại góc làm việc năng suất hơn gấp bội mà còn cải thiện ngoạn mục quá trình thu thập, ghi nhận và tìm kiếm thông tin trong trí nhớ của bạn.
Sắp xếp lại nào
Tập trung suy nghĩ về những lợi ích bạn có được khi có khả năng tổ chức tốt. Thời gian bỏ ra để sắp xếp tài liệu và vật dụng chắc chắn sẽ tiết kiệm cho bạn không ít thời giờ, thay vì phải loay hoay lục tìm những thứ không biết đã cất vào đâu. Bên cạnh đó, bạn cần định kỳ xem xét lại thời khóa biểu học tập của mình để đảm bảo việc bố trí thời gian hợp lý và không bị mất các tiết quan trọng. Khi biết tổ chức những gì đang học, bạn sẽ biết rõ được lượng kiến thức mình nắm được và còn cần bổ sung những gì. Quản lý tốt thời gian ôn luyện và chuẩn bị bài giúp bạn chủ động và gia tăng động lực trong học tập. Còn với việc xếp đặt ngăn nắp các thông tin vào hệ thống trí nhớ của mình để sau này có thể tìm thấy dễ dàng bất cứ khi nào cần đến, bạn sẽ thấy mình có khả năng tiếp thu tốt hơn, từ đó ghi nhớ hiệu quả hơn.
Đôi khi chỉ một sự sắp xếp nhỏ lại những dữ kiện cũng giúp bạn ghi nhớ dễ dàng. Chẳng hạn với chuỗi ký tự ANOGURTCTNHTIOGTHROCAPLN, thoạt tiên trông nó rất rối rắm nhưng nếu sắp xếp lại thành TANG LUC TRI NHO TRONG HOC TAP, bạn sẽ thấy việc ghi nhớ tất cả các chữ cái này thật dễ dàng. Ví dụ này tuy có vẻ cường điệu nhưng nó thể hiện được cách bộ não vận hành trong thực tế: phát hiện ra các khuôn mẫu và định hình lại thông tin theo lối súc tích hơn, theo âm điệu hay chuyển hóa ý nghĩa để mang tính gợi nhớ hơn.
Một ví dụ khác, bạn hãy ghi nhớ dãy số sau: 37849320519. Giờ thì thử tách dãy trên thành từng cụm nhỏ, sao cho chúng mang một nhịp điệu khi đọc: 378-493-20519. Bạn có liên hệ gì với cách bạn thường nhóm các món ăn hay nước uống khác nhau lại khi gọi món ở quán ăn, hay khi bạn cố thuộc một số điện thoại mới không? Thông điệp ở đây là: Hãy làm chủ thông tin mình tiếp nhận và tổ chức chúng theo cách thuận tiện nhất đối với bạn.
Các bài luyện tập khả năng tổ chức
Chữ và số
Xem xét kỹ các thông tin dưới đây và tìm cách tổ chức lại chúng theo cách dễ nhớ hơn. Cố gắng phát hiện những khuôn mẫu, quy luật hay tìm cách tự thiết lập ra quy luật cho mình.
a) Ghi nhớ các chữ cái sau, theo thứ tự bất kỳ: KWQGCYOAESIMU (gợi ý: 13 chữ nào trong bảng chữ cái tiếng Anh xuất hiện ở đây)
b) Học thuộc dãy số sau theo đúng thứ tự, chờ một phút sau và thử lặp lại: 83418296023 (gợi ý: thử sử dụng nhịp điệu để nhớ dễ dàng hơn)
c) Ghi nhớ các nhóm ký tự sau: KOE – EMO – OAH – MTI – YDA (gợi ý: bạn có thể sắp xếp lại ký tự để tạo thành các từ có nghĩa)
Tái thiết lập thông tin
Khi bạn phải ghi nhớ một chuỗi thông tin không theo một quy luật cụ thể nào, hãy tìm cách sắp xếp lại chúng theo hướng dễ gợi nhắc nhất. Chẳng hạn bạn có danh sách năm nhà soạn nhạc nổi tiếng của Nga như sau:
Balakirev Cui Musorgsky
Borodin Rimsky-Korsakov
Bạn có thể lấy chữ đầu của mỗi người – Ba, Cu, Mu, Bo, Rim – và sáng tác ra một câu giúp ghi nhớ toàn bộ danh sách. Ví dụ: “Bà Cụ Mua Bò Rim”, hay “Ba Cứ Muốn Bỏ Rượu”,…
Nhẩm lại từng tiếng để đảm bảo bạn nhớ mỗi tiếng ấy gợi nhắc đến tên ai. Hãy lặp lại câu bạn sáng tác vài lần cho thuộc lòng. Sau ít phút kiểm tra lại xem bạn đã nhớ hết tất cả tên của năm nhà soan nhạc người Nga kia không.
Phân loại
Sắp các thông tin thành từng nhóm có thể giúp bạn tập trung hơn và ghi nhớ thuận tiện hơn. Hãy thử học thuộc danh sách các bộ môn thể thao và trò chơi sau. Tùy ý phân loại chúng thành các nhóm theo cách riêng của bạn. Có thể nhóm theo các môn thể thao với bóng, thể thao dưới nước,… – hoặc theo một cách ngộ nghĩnh hơn như “những trò chơi người Việt thích nhất” hay “các môn khi chơi phải mặc quần áo đầy đủ”,…
bóng rổ - cờ vua - lặn - bóng đá - bóng ném
cờ tỷ phú - bài xì-phé - bóng chày - bóng nước
quần vợt - bắn súng - bài tiến lên - bắn cung
cầu lông - môn cri-kê
Sau khi phân loại, hãy kiểm tra xem bạn nhớ được bao nhiêu trong danh sách 15 môn thể thao và trò chơi trên. Thử các cách phân nhóm khác nhau để tìm ra phương án tối ưu. Trường hợp bạn bỏ sót một thông tin nào đó, hãy tìm cách kết nối nó với các ý còn lại trong danh sách – ví dụ dùng sự liên tưởng để từ môn này có thể gợi nhắc đến môn tiếp theo.
Kỹ năng hình dung
Khả năng sáng tạo ra các hình ảnh sống động trong tâm trí là đòi hỏi quan trọng đối với rất nhiều phương pháp rèn luyện trí nhớ. Chúng ta có thể luyện tập để dựng lại trong tâm trí hình dáng, màu sắc, chất liệu, chuyển động của bất cứ thứ gì ta có thể tưởng tượng ra. Ngay cả những khái niệm mang tính trừu tượng, ta cũng có thể hình ảnh hóa chúng sao cho thật gợi nhớ và có thể kết nối với các thông tin khác. Học và tư duy bằng hình ảnh là một khả năng hết sức tự nhiên của con người. Những thông tin bạn hay quên hoặc không tài nào ghi nhớ nổi thường là do chúng không được gắn với bất cứ hình ảnh trực quan nào.
Hình ảnh hóa
Hãy nghĩ tới cách chúng ta dùng lối mô tả tượng hình trong giao tiếp hàng ngày để giúp người khác nắm bắt nội dung mình muốn truyền đạt, nhấn mạnh ý tưởng và khiến các thông tin ấy đáng chú ý hơn. Chúng ta so sánh và dùng phép ẩn dụ (mặt lạnh như băng; cô ấy xinh như hoa; nó chạy nhanh như gió, chín người mười ý, một giọt máu đào hơn ao nước lã) để diễn giải ý tưởng trừu tượng thông qua những hình ảnh dễ hình dung và nắm bắt ý nghĩa của những gì ta nói. Những nhà hùng biện đại tài là những bậc thầy biết sử dụng ngôn ngữ để chỉ cho người khác “thấy” những ý tưởng của họ.
Muốn tìm cách nhớ tốt – Hãy xem quảng cáo
Các nhà làm quảng cáo cần bạn nhớ tới thông điệp họ muốn truyền đạt và họ hiểu tầm quan trọng của việc phải làm cho người xem lưu giữ hình ảnh về sản phẩm của mình. Thử nhớ tới một vài thương hiệu nổi tiếng, hình ảnh nào hiện lên trong tâm trí bạn xem! Tự hình dung lại kiểu dáng sản phẩm, logo, bao bì, màu sắc, có thể chú ý vào cả những chi tiết mà các nhà làm quảng cáo đã khéo léo đưa vào đầu bạn: hoạt cảnh trong đoạn quảng cáo trên ti-vi, cô ca sĩ đại diện, biển quảng cáo ngoài trời,… Hãy phân tích xem chủ đích của những ý tưởng ấy có “lái” bạn theo hướng họ muốn bạn cảm nhận về sản phẩm như tốc độ, chất lượng, sự tiện dụng, sành điệu, bền bỉ,… không. Để nâng cao khả năng ghi nhớ cũng vậy, bạn cần tạo nên những “quảng cáo” sống động cho những nội dung tưởng như hết sức khô khan và trừu tượng.
Các bài tập rèn luyện kỹ năng hình dung
Mường tượng mọi thứ có thể
Dành thời gian rảnh thực tập hình dung về những thông tin vốn quen thuộc với bạn: con người, nơi chốn, vật thể. Tái hiện lại trong tâm trí một cách chi tiết nhất có thể và tập hình dung chúng dưới những góc nhìn khác nhau. Theo quán tính, bạn sẽ hình dung những hình ảnh rực rỡ hay đơn sắc, chuyển động hay tĩnh, thường xuất hiện từ bên trái hay bên phải “màn hình” tâm trí mình? Củng cố thêm lối tiếp cận bạn quen thuộc nhưng đồng thời cũng thử nghiệm những phương cách mới, và biết đâu bạn sẽ khám phá ra những tiềm năng mình chưa từng nghĩ tới.
Ngăn chứa ảo
Bạn có thể nâng cao kỹ năng hình dung bằng cách sáng tạo ra một ngăn chứa ảo trong tâm trí và bắt đầu chất vào “đó” các hình ảnh đại diện cho những thông tin muốn ghi nhớ. Bằng cách này bạn không chỉ tăng cường năng lực ghi nhớ mà còn “cất giữ” các ký ức lâu hơn và có thể hồi tưởng về chúng một cách dễ dàng.
Hãy tưởng tượng một chiếc tủ lớn bằng gỗ sồi. Khi mở hai cánh cửa tủ ra chúng ta thấy có ba ngăn kéo bên trái, ba ngăn khác bên phải, chính giữa là hai kệ tủ. Tái hiện thật rõ nét hình ảnh các ngăn tủ hoàn toàn trống trơn – và bây giờ, hãy bắt tay vào chất đầy nó.
Bạn có thể học thuộc danh sách các hiện tượng thời tiết sau:
tuyết - mưa - gió - sấm chớp - băng
bão - nắng - sương mù
Với mỗi từ, hãy hình dung một hình ảnh thật sống động gợi nhắc tới nó, sau đó sắp xếp chúng vào các ngăn tủ trí nhớ. Chẳng hạn, bạn bỏ chú người tuyết vào ngăn tủ trên cùng bên trái, cất cây dù vào ngăn kế tiếp, chiếc chuông gió ở ngăn cuối cùng. Bạn có nghĩ tới một chùm sấm chớp ở kệ trên, trong khi các tảng băng ngổn ngang ở kệ phía dưới?
Dành ít phút ôn lại cả tám hình ảnh đến khi ghi nhớ chắc chắn và có thể từ đó liệt kê ra toàn bộ các từ cần nhớ. Và giờ đây bạn đã có những “đầu mối” hình ảnh ở trong khoang trí nhớ của mình.
Kỹ năng tưởng tượng
Trí tưởng tượng là chiếc chìa khóa bí mật mở ra các chiến lược ghi nhớ có thể làm thay đổi hoàn toàn cách bạn học lẫn cách bạn sống. Khi bạn đã hình dung được những thông tin mà mình muốn nhớ và tổ chức chúng ngăn nắp trong bộ não, tiếp theo là công việc của óc sáng tạo. Trí tưởng tượng lẫn sự sáng tạo sẽ tạo nên mọi kết nối có thể với những thông tin khác, nhào nặn hình ảnh theo hướng đôi khi hết sức khôi hài, kỳ quặc, ngộ nghĩnh và kích thích bộ não bạn tiếp thu thông tin ở mức cao nhất.
Suy nghĩ mạo hiểm
Bạn biết gì về trí tưởng tượng của mình? Đó là cả một thế giới ảo mộng không bị bất cứ luật lệ nào chi phối và được tạo nên nhằm một mục đích: làm cho thông tin trở nên đáng nhớ hơn. Những kiến thức bạn cần học có thể cực kỳ logic, thực tiễn, theo quy tắc – nhưng cách bạn tiếp thu chúng có thể vô cùng sáng tạo theo logic của riêng bạn. Hãy nhìn lại những hoạt động sáng tạo của bạn trong cuộc sống: văn thơ, kịch nghệ, mỹ thuật,… hãy đem tinh thần ấy vào trong việc học tập.
Các bài rèn luyện kỹ năng tưởng tượng
Chuyển hóa
Dùng trí tưởng tượng của bạn chuyển hóa những dữ kiện sau thành hình ảnh, và suy nghĩ xem bạn phải làm gì để khiến các hình tượng ấy thật đáng nhớ trong tâm trí mình. Vẫn giữ nguyên ý tưởng gốc, nhưng bạn có thể mở rộng, cường điệu hóa, gán cho mỗi sự vật một cảm xúc và thử xem trí tưởng tượng sẽ dẫn dắt bạn tới đâu.
tường - nón - thảm - hoa - xe buýt - tách - giày
Quan sát chuyện gì xảy ra khi bạn thay đổi kích thước đột ngột của các vật trong danh sách, khi bạn hoặc là phóng đại kích thước của chúng, hoặc là thu lại còn bé tí? Bạn có thêm thắt vào những chi tiết mới lạ, màu sắc, chất liệu không? Hoặc giả các đồ vật vô tri ấy bỗng nhiên biết nói chuyện với nhau, đi lại, thậm chí bay lượn,…? Hãy thỏa sức tưởng tượng và “phóng tác” cho từng từ.
Kế tiếp, bạn làm thế nào để liên kết tất cả chúng lại với nhau? Chúng được bỏ vào trong một chiếc túi khổng lồ, lơ lửng trong không gian trước mắt bạn, hay chúng là những hình thù hiện lên từ từng đợt pháo bông,… Luyện bài tập này thường xuyên và xem hiệu quả tác động lên trí nhớ của bạn. Bây giờ thì bạn nhớ được bao nhiêu từ trong danh sách rồi?
Hoán đổi cảm giác
Bài tập sau sẽ buộc bạn tưởng tượng nên những kết nối liên giác quan trong bộ não. Đây cũng là bước chuẩn bị hữu ích cho toàn bộ những phương pháp ghi nhớ đầy sáng tạo ở chương sau. Bạn cần thử thách trí não của mình qua việc vượt ra khỏi những khuôn mẫu thông thường trong tư duy. Các câu hỏi dưới đây có thể khiến bạn hơi lúng túng khi trả lời vì chúng đặt ra vấn đề có vẻ trái ngược, thậm chí phi lý nếu mang so với thực tế.
• Sợ hãi có màu gì?
• Tiếng kèn trumpet nặng và nhám ra sao?
• Vị chua có âm thanh thế nào?
• Màu xanh lá cây có vị ra sao?
• Mùi cà phê có hình thù trông như thế nào?
Không có đáp án đúng hay sai cho các câu hỏi trên, thay vào đó chúng gợi lên câu hỏi mới: Tại sao? Tại sao bạn liên tưởng tháng Hai với màu tím, tại sao cảm giác hạnh phúc có màu vàng, hay tại sao số 8 lạnh như nước đá? Một số trường hợp bạn có thể lý giải, nhưng phần lớn những liên tưởng này đến từ những kinh nghiệm bị lãng quên, sự ngẫu hứng và các liên kết khi bạn bước ra khỏi vùng an toàn và thử những cách tiếp cận mới lạ.
Kịch bản hài
Tập dựng nên một câu chuyện hài về những thông tin bạn muốn nhớ. Sử dụng khuôn mẫu của các bộ phim hài: tạo nên những tình huống gây cười bất ngờ. Tưởng tượng câu chuyện của bạn được dựng thành phim và đang được trình chiếu cho công chúng, bạn có nghe thấy những tràng cười của họ không?
Dưới đây là mười tuyến nhân vật xuất hiện trong các vở kịch của Shakespeare mà bạn cần ghi nhớ cho bài kiểm tra về văn học nước ngoài sắp tới:
chàng hề - sĩ quan - bác sĩ - kẻ đào mồ - y tá - hồn ma - mục đồng - thủy thủ - người hầu - thợ giày
Và vở kịch của bạn có thể sẽ có diễn tiến sau: Chú hề trượt vỏ chuối và tông vào một sĩ quan, khiến ông ta giận tím mặt tới nỗi bác sĩ tưởng ông bị lên cơn nhồi máu, phải tức tốc gọi kẻ đào mồ chuẩn bị. Chú hề vội trốn đằng sau chiếc tủ chén thì lại bắt gặp một cô y tá đã nấp sẵn nãy giờ vì sợ con ma Casper dễ thương…
Sử dụng những trò đùa, nghịch ngợm, trào phúng – bất cứ điều gì khiến bạn buồn cười và ghi nhớ tình tiết trong câu chuyện mình sáng tác ra. Thử xem bạn có thể nhớ hết tất cả các nhân vật của Shakespeare trong danh sách trên không. Và bạn đã sẵn sàng cho những vở hài kịch ghi nhớ tiếp theo của mình chưa?
Bài tập kết hợp bốn kỹ năng hỗ trợ việc ghi nhớ
Bài tập sau đây đòi hỏi sự kết hợp của cả bốn kỹ năng được trình bày trong chương này. Bạn cần tập trung vào toàn bộ quá trình ghi nhớ, hình dung mỗi ý tưởng thật rõ ràng, tổ chức sắp xếp thông tin cho hợp lý – và cuối cùng dùng năng lực tưởng tượng biến hóa chúng in sâu trong trí nhớ.
Chúng ta có năm khái niệm sau – vốn là một mô hình tiếp thị nổi tiếng nhằm mô tả mối tương quan giữa người mua và người bán.
Chú ý (Attention) – Quan tâm (Interest) – Mong muốn (Desire) – Hành động (Action) – Thỏa mãn nhu cầu (Satisfaction)
Chẳng hạn hình ảnh một thanh niên đứng giữa chợ với lối ăn mặc “không thể không chú ý tới” với các hành động kỳ quặc khiến đám đông quan tâm bu quanh. Anh chàng rút ra từ túi áo một cây đèn cũ kỹ và ba hoa về phép màu của nó, có thể biến mọi mong muốn thành hiện thực. Đang cao hứng, đám đông trở nên náo động bởi tiếng thét “Hành động!” từ một tên tướng cướp đang chỉ huy đồng bọn đoạt lấy cây đèn thần. Khi có trong tay cây đèn, gương mặt hắn lộ rõ vẻ thỏa mãn…
Có thể ban đầu, việc kết hợp cả bốn kỹ năng của bạn sẽ còn gượng gạo, nhưng việc bền bỉ luyện tập sẽ giúp việc phối hợp bốn kỹ năng này thuần thục hơn. Không những thế, nếu để ý bạn sẽ thấy trong bốn kỹ năng quan trọng này, hai kỹ năng là “sở trường” của não trái (tập trung và tổ chức), còn hai kỹ năng còn lại thuộc “sở trường” của não phải (hình dung và tưởng tượng). Vì thế, rõ ràng việc rèn luyện phối hợp bốn kỹ năng này còn vô cùng cần thiết để luyện cho toàn bộ não tư duy theo lối liên hợp và là tiền đề để bạn giải phóng nhiều hơn những tiềm năng của bộ não.