Chuyện bắt đầu từ khi Lục theo bạn đến làng rắn cách nhà gần hai mươi cây số chén đặc sản. Nghe chuyện có vẻ chưa hợp tình hợp lý. Đi ăn thịt rắn, uống rượu rắn thì liên quan gì đến tính cách con người. Thế nhưng, Lục đã thay đổi từ hôm đó. Lần đầu tiên Lục đi chén đặc sản rắn. Ngày trước, đôi ba lần đánh giậm, kéo vó vớ được con rắn mồng to, Lục đem về lột da băm viên làm chả đưa cay vài chén là thường. Nhưng đó chỉ là loại rắn mồng, nhậu ở quê với rượu nút lá chuối, rất nghèo nàn bình dân. Đến Lệ Mật, hả hê chọn rắn và xem đám nhân viên biểu diễn các tiết mục chế biến. Nhìn những con rắn oằn oại trong tay những tay thợ thịt chuyên nghiệp, chờ đợi chút ít trong háo hức là ngồi vào bàn. Các món được bưng ra, rượu được bưng ra. Có cả những quả tim còn thoi thóp đập. Thực khách cứ thế gắp tim đưa vào miệng, chiêu rượu và thưởng thức. Một chút tanh tanh, cay cay và sau đấy là cảm giác mạnh mẽ, phấn chấn bừng bừng đến thổn thức. Uống tim rắn vào người, thực sự chưa có tác dụng ngay, nhưng thực khách cảm giác trong mình đã được tiếp thêm chút bản lĩnh. Năm người bạn thì có một người không dám uống tim rắn hổ mang. Lục được nhường, vì quá háo hức từ nhà, nên hắn chẳng ngần ngại chối từ, mà tợp luôn quả tim còn lại. Phía bàn bên kia, cánh mày râu cũng hò dô hai cô gái uống tim rắn với tinh thần quả thực hào sảng. Lục thấy không khí này quá… đã! Thế chứ, phải uống ở không khí này, phải ngồi ở nơi sang trọng đẹp đẽ vậy chứ.
Rượu vào lời ra, những người bạn bắt đầu khiêu khích Lục. Họ bảo Lục không có con là hoàn toàn do vợ. “Mày có thể đi tìm một đứa khác, làm nhát, nếu nó đẻ được thì vẫn chứng tỏ mày rất đàn ông. Rồi thích thì đem con về nuôi”. Một người nói vậy. Lục bắt đầu thấy nóng gáy. Đám bạn vừa chúc rượu vừa sảng khoái cười khi đầu Lục gật gù. Có người nói thêm: “Này Lục, nhà mày gần mặt đường, khi con đường mới mở ra, ô tô rầm rầm chạy qua, chỗ nhà mày thành địa thế đẹp. Cứ bán quách một phần là có tiền xây nhà cao, thế là mở cửa hàng buôn bán, sướng đời. Tội gì mà chịu khổ”. Người khác cổ xúy. Lục thấy cũng có lý, nhưng còn lo ông bố. Đã có lúc Lục bảo không bao giờ bán đất rồi, nay nói lại làm sao. Lục tu ực hết cốc rượu nữa. Hắn nghĩ đến những đồng tiền giãy đành đạch chui vào túi, nếu bán đất.
Xong bữa, cả đám say mềm, đèo nhau về chỉ muốn ngã bổ chửng.
Từ đó Lục thay đổi. Một thay đổi không ngờ, nghiệt ngã đau đớn. Chỉ những người xung quanh mới nhận ra điều đó. Cũng giống như người điên đâu biết mình bị điên. Trước đây, hắn hiền lành cần mẫn làm ăn, thì nay trở nên cục cằn ác độc. Dù đã cưới nhau được mấy năm, vợ chồng Lục vẫn không có con. Cả hai đưa nhau chạy chữa tốn kém bạc tiền sức lực nhưng không ăn thua. Bác sĩ nói do vợ nhưng Lục cương quyết nhận là do cả mình nữa để vợ bớt tủi. Tóc Lục đã nhiều sợi bạc, đêm đêm hai vợ chồng son nằm nhìn nhau không ai nỡ trào nước mắt. Rồi có lúc Lục nhắm mắt nhắm mũi đưa mình vào hưng phấn để làm tròn trách nhiệm giường chiếu và thỏa phần nào nhu cầu mình và vợ. Biết là bố mình mong có cháu đến thế nào, Lục ngậm ngùi chạy chữa. Không hiểu Thượng đế đã làm gì với hai vợ chồng… Lục biết vợ đau lòng, càng không dám dằn vặt vợ. Đôi khi, hắn trốn đi đâu đó dằn vặt mình với cốc rượu, quên đi nguôi đi nhẹ nhõm đi. Rồi về nhà, lại tỉnh bơ như chưa hề oán trách ai. Cứ cho số phận đã treo sự nghiệt ngã đó vào mình, quăng quật rồi đánh ngã mình xuống lỗ huyệt ở sau này… Thì đã sao…
Đó là khi Lục chưa uống tim rắn. Còn giờ, hắn quay ngoắt một trăm tám mươi độ với vợ. Nói vợ là đồ gái già điếc, không biết làm vợ làm dâu. Lúc đó, chị vợ há hốc miệng ngạc nhiên trước sự thay đổi quái gở của chồng. Một lần, chị dịu dàng hỏi lúc chồng đã nguôi nguôi, bất ngờ Lục quắc mắt quát im. Chị vợ giật bắn thót tim miệng méo xệch khó hiểu. Tại sao thế nhỉ? Không giải thích được. Đêm đến, hắn lại thô bạo phũ phàng đè ngửa vợ ra thỏa mãn rồi nằm ệch khò khò ngáy mà chẳng đoái hoài đến cảm giác của vợ như trước. Vợ Lục âm thầm chịu đựng, không dám nói chuyện với bố chồng. Nhưng chị tin là ông bố có nhận ra những đổi khác của con trai. Bằng chứng là mỗi lần ông nói gì, gã con trai tỏ thái độ hằm hè tức tối. Còn mắng lại, bảo lúc nào bố cũng lải nhải thời hào sảng của bố đã tít tắp mù khơi. Hắn phũ phàng nói bây giờ là thời của đĩ điếm, rượu chè và trộm cắp. Ông Tuy bố Lục lúc ấy người khó hiểu miệng chao chát đắng. Thằng con còn phỉ nhổ vào thời của bố nó. Láo quá láo quá. Điều mà trước đây con ông không hề làm. Nhưng với cách cư xử bây giờ, Lục đã khiến ông Tuy tin là con trai mình đang hư hỏng. Mà ông nghĩ, chắc chắn nó hư hỏng vì không có con. Ông Tuy và vợ Lục không biết hắn đã nuốt tim rắn.
***
Ông Tuy mắt kèm nhèm chân chậm tính toán kém. Đúng hơn, ông đã bị tuổi già xếp gọn ghẽ vào một chỗ. Cái thời khỏe mạnh cống hiến của ông không còn. “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Thơ Quang Dũng vẫn vang lên trong đầu. Đẹp đẽ lắm và hào sảng lắm. Giờ lúc buồn, dù có lọc cọc đạp xe đi gặp mấy ông bạn cùng thời, làm ấm trà, ôn lại chuyện cũ hoặc đánh ván cờ thì cũng chỉ vui được lúc đó. Đêm về, ông lại bị những nỗi lo lắng muộn phiền hành hạ. Đã có lúc, ông mong mình lại có chiến trường để mà đi, mà đánh giặc, mà sống cho thật với mình. Thế rồi ông thấy mình lẩm cẩm thực sự. Cả dân tộc gian khổ, chỉ mong ngày thắng lợi thống nhất đất nước, cho hòa bình yên ả cả từng đám khói, lời ca tiếng hát. Thế mà ông lại mong có chiến trường. Vợ ông mất cách đây mười năm, để lại thằng con trai năm tuổi èo uột da trắng bệch. Ba tuổi mới biết đi mà khi biết đi thì cũng lạch bà lạch bạch, suốt ngày dúi dụi ngã. Đầu gối lúc nào cũng tứa máu, vết thương chồng lên vết thương do liên tục đo đất. Nó lại là thằng sở hữu mười hai ngón tay và mười hai ngón chân. Thô và kệch cỡm, sinh hoạt khó khăn. Đôi lần ông có ý định đưa con đi phẫu thuật cắt bớt ngón thừa để sinh hoạt dễ dàng, nhưng tiền bạc không ủng hộ ông. Thằng lớn là Lục thì đã lập gia đình ăn riêng nhưng kém may mắn, thi thoảng vẫn giấu vợ thở dài với bố. Ông Tuy lại phải làm chỗ dựa tinh thần cho thằng vai u thịt bắp. Nhiều lần, Lục hỏi ông: “Gia đình ta có làm gì ác độc mà trời bắt tội. Chú Lạc thì tàn tật, con thì lấy vợ mãi không sinh. Cả đời này chắc sống trong cảnh buồn”. Nhìn vào khuôn mặt bàng bạc của con, ông Tuy xa xót vô cùng. Nhưng có thể làm gì được. Mỗi người sinh ra có một số phận, ông nghĩ thế, làm sao cưỡng nổi. Bàn tay gầy guộc của ông còn chẳng đủ sức thắp lên cho mình cuộc sống bớt cay đắng, làm sao can thiệp vào chuyện sinh nở của con. Nên chỉ biết ăn ở đức độ, để hợp lòng trời và người. Hy vọng trời sẽ thương.
Trước đây khi còn sống, vợ ông nói với chồng rằng: “Sau này lấy vợ, thằng Lục có con, vợ chồng mình sẽ bớt tủi. Sẽ có động lực mà chăm sóc thằng Lạc tật nguyền”. Khổ thay, đến khi mất vợ ông cũng chưa kịp thấy đứa cháu ra đời. Sống thêm chục năm nữa ông Tuy cũng chưa được hưởng cái phúc nghe cháu gọi ông. Thương mình một thì xót vợ mười. Vì bà không một lần được mặc áo cô dâu. Sống ở quê, làm quần quật quanh năm chỉ mong dịp nào đó có tiền, hai vợ chồng ra Thủ đô vào viếng lăng Bác Hồ, ăn một bát phở gia truyền phố Bát Đàn đã được chiếu trên ti vi. Dù có dịp bán con lợn, đàn gà, hỏi bà có nguyện vọng gì, ông Tuy chỉ nghe thấy vợ trình bày hai niềm ao ước đó. Ông hứa đi hứa lại sẽ có dịp đưa vợ ra Thủ đô. Nào ngờ chưa thực hiện được thì bà đã ra đi. Sống gần hết một đời người, chưa để mất lòng ai, nhưng ông vẫn thấy day dứt vì chưa thực hiện được ước muốn đó của vợ. Sau này, ông có dịp ra Thủ đô, cũng đến viếng lăng Bác, rồi bảo con đưa đi ăn phở gia truyền. Suốt bữa ăn, ông Tuy thầm thì với vợ: “Mình ơi, tôi ăn cho mình đây. Tôi cũng viếng Bác Hồ thay mình rồi. Còn phở, ngon lắm mình ạ. Nếu mình còn sống, tôi có đưa mình đi thì mình phải ăn hết hai bát to”. Sau đó về nhà, ông Tuy nhìn lên ảnh vợ, nhắc: “Chẳng tốn kém gì đâu mình Mà phải rồi, nhưng lúc đó gia đình khó khăn quá. Mình thắt lưng buộc bụng làm cũng chỉ đủ ăn, tiền đâu mà đi”.
Đang ngồi gác chân nhâm nhi cốc rượu trắng với mấy viên lạc rang, dăm quả khế xanh và củ tỏi thì Lục lảo đảo từ đâu đi về. Ông Tuy hỏi con uống ở đâu đến mức “quắc cần câu” thế, rồi bảo con vào giường nằm kẻo trúng gió. Lục không mấy đếm xỉa lời bố, hắn vung tay chộp một quả khế trên bàn, ném vào miệng nhai rau ráu, ra điều gắt gỏng.
“Bố già rồi, đừng uống nữa, để tôi”. Vừa nói hắn vớ luôn chai rượu của ông bố, tu ngược một hơi sạch sẽ. Ông Tuy ớ người về thái độ hỗn xược của con. “Đồ mất nết, mày làm cái gì thế? Mày dám hỗn với bố?” Sự láo hỗn này của con trước đây không hề có. Nó vốn là thằng hiền lành luôn xót bố, ông Tuy nghĩ. Sao hôm nay lại ra nông nỗi này? Điều ông hoàn toàn không ngờ. Uống xong, Lục nằm ệch ra giường, cái đầu ngếch lên, miệng phì phì. “Bố cho con bán một phần mảnh đất này nhá”. Lời đề nghị của Lục khiến ông Tuy choáng. Chỉ mấy hôm trước, miệng nó còn dẻo quẹo, nói bằng mọi giá phải giữ gìn đất đai của tổ tiên khi làng xã trở nên sốt đất. Hôm nay lại đòi bán. Ông Tuy chối từ, dù biết con đang say nhưng ông vẫn thẳng thừng nói rõ. Lục bị chạm nọc, mắt nổi vằn và miệng phun nước bọt phì phì. Hắn hét lên: “Chẳng gìn giữ làm gì nữa. Tôi làm gì có con cái, vậy giữ làm gì. Ông cũng đã già, sắp chui xuống lỗ rồi. Không bán thì để mang xuống mồ ư? Tôi không muốn sống khổ nữa. Tôi muốn cuộc sống khác”.
Vợ Lục nghe thấy tiếng chồng, sợ hắn xúc phạm đến bố liền chạy lên can. Chị bảo chồng nói nhỏ thôi, người ta cười cho, bố thì già rồi. Ngay tức khắc chị bị hắn bật dậy thụi mạnh vào bả vai kèm cái quắc mắt. Lục liêu xiêu trước mặt ông Tuy, tuyên bố xanh rờn: “Bán bớt đất đi thôi bố già ôi, cho tôi bớt khổ với. Người ta đến gạ mua đầy ra…”. Thằng Lạc từ bấy ngồi lỳ ngoài sân nhệu nhạo nói vào: “Không bán không bán”. Lục gườm gườm thằng nhỏ: “Im đi thằng què, mày thì biết cái gì”. Xong, hắn lảo đảo tha xác mình ra ngõ. Lục đi rồi, cô con dâu đắng đót nhìn bố chồng. Ông bố nhìn con dâu. Cả hai đều nhận thấy khuôn mặt của người đối diện hình thù của nỗi đau. Khi con dâu thở dài “Không biết anh ấy ăn phải cái gì mà đổ đốn…” thì bỗng dưng ông Tuy trào nước mắt.
***
Bây giờ, nhìn đâu Lục cũng thấy kẻ thù, chỉ muốn “đập cho một nhát”. Hắn cảm giác những người bên cạnh mình luôn giấu dao súng trong người, bất kể lúc nào cũng có thể lôi ra kết liễu đời hắn. Vì thế, hắn căm ghét hết thảy, kể cả những người trước đây từng chén tạc chén thù, ăn chung mâm ngủ chung giường. Trước khi người hại ta, sao ta không ra tay trước. Nghĩ thế nên lúc nào hắn cũng muốn đánh người khác. Lục không ý thức được đâu là bạn bè, tình thân, máu mủ. Càng không hề biết trong tim mình đang có một thế lực khác ngự trị sai khiến. Hắn chỉ biết mình cần phải cảnh giác để bảo vệ mình, tồn tại và phải ác độc với người khác trước khi họ làm hại mình. Có ai chấp gì hắn đâu. Nhưng hắn lại khốc liệt phản ứng với người xung quanh. Ví như đi uống rượu ở quán ngã tư làng, Lục gây gổ với một người em họ và đấm gãy mất hai răng cửa của người này. Anh Chí là bạn thân của Lục, trước đây vẫn trêu ghẹo nhau rồi cười sảng khoái. Hôm qua gặp, anh vẫn làm như những lần trước hai người gặp nhau, liền bị Lục xông vào đấm túi bụi vào ngực, ối ối kêu cứu. Đến khi mấy người chạy ra can thì Lục mới dừng tay, bỏ đi. Anh Chí ngất đi tỉnh lại vẫn không hiểu vì sao lại như thế.
Tối đó về nhà, Lục bắt vợ mua rượu và đồ nhậu để tiếp tục say sưa. Chị vợ răm rắp làm theo. Hắn thấy sảng khoái vì đang hành hạ vợ, điều mà trước đây hắn đâu nghĩ tới. Một chút đau nhức của vợ cũng khiến hắn cuống cà kê chân vắt lên cổ thuốc thang rồi. Nay mặc kệ, không cần biết. Chị vợ lo dọn dẹp giặt giũ đi đi lại lại. Lục thấy cặp mông của vợ tuy to đấy, đẩy bên nọ đẩy bên kia hấp dẫn đấy nhưng bỗng kệch cỡm đáng ghét quá. Hắn nghĩ, cứ vồng lên như thế nhưng mà lại điếc. Phỏng có tích sự gì. Người Lục bị đun lên bởi rượu. Càng uống hắn càng thấy mình khát và rất thèm chém vài mạng. Cầm cái chai rỗng giơ lên đưa vợ: “Này, mua hộ chai rượu”. Chị vợ lưỡng lự, bảo chồng uống vừa thôi. Lời vừa dứt thì chiếc chai đánh xoảng xuống nền gạch, toang vỡ. Lục chửi loạn nhà, chị vợ lum cum dọn sạch đống mảnh chai rồi cun cút tìm chai khác đi mua rượu cho chồng. Hắn đang dọa cắt cổ, không đi mua, hắn làm thật thì khổ. Mua xong chị đưa hắn, Lục chộp lấy rút nút chai tu ực. Chị vợ tránh xuống bếp ri rỉ khóc tủi thân. Cuộc đời chị đi làm dâu, không sinh được con là một nỗi nhục, tưởng rằng chồng sẽ không bao giờ đay nghiến. Sự thay đổi đến khó hiểu của chồng khiến chị càng thấy tủi buồn. Đêm đó uống say, Lục đòi vợ chiều. Xong việc hắn nằm phì phò thở rồi chìm vào giấc cùng tiếng ngáy như kéo bễ. Trong mê man hắn đạp vợ suýt lăn xuống đất. Chị vợ phải chuyển sang nằm giường bên kia cho an toàn. Chuyển giường không ngủ được, chị vợ nằm nghe miệng chồng phì phì như rắn hổ mang, sợ hãi nhưng chị không dám hé răng. Nghĩ đến những người bạn, chị không sao cầm lòng. Chị Duyên là bạn, được gọi là long đong và kém sắc hơn, nhưng sòn sòn bốn đứa, đã sắp có con rể rồi, còn mình… Sao ông trời không san sẻ. Sau khi phì phì ở miệng, gã chồng lại ú ớ kêu. Chị hiểu là hắn đang mơ. Lục thấy bóng dáng một kẻ bặm trợn, ăn mặc thùng thình, chiếc lưỡi đỏ lòm thè ra, mép còn dính máu. Tay người đó còn cầm một con gà đang giãy giụa như muốn trốn chạy. Lục hỏi:
Mày là ai?
Ngờ nghệch! Là chính mày chứ còn ai nữa! - Người vừa xuất hiện nói.
Không đúng. Tao là tao, sao lại có thể là mày được.
Mày thì còn nhận ra được điều gì nữa. Bởi trái tim mày đã là trái tim rắn rồi. Mày đã là tay sai của cái ác và phải phục tùng nó. Cả tao và mày.
Không, tao không tin. Tao chẳng phải làm tay sai của cái gì cả. Tao làm chủ bản thân mình. - Lục gay gắt nói.
Người đối diện hềnh hệch cười kèm cái nguýt mỉa mai:
Mày đã làm rồi đó thôi. Và mày không dừng lại được, không thể. Con tim mày đã kết nạp cái ác. Không còn đường quay lại nữa, trừ phi tim mày ngừng đập. Có nghĩa là mày sẽ chết.
Không, tao không muốn thế. Tao không chịu!
…
Chị vợ nằm giường bên thấy chồng kêu oai oái, hai chân giật giật lúc lại co vào giơ lên. Chị gọi. Hắn bật tỉnh dậy, sờ đầu rồi lại nằm xuống. Bàn tay tóa mồ hôi. Ngoài trời, trăng nhẹ nhõm sáng, đêm nhẹ nhõm buồn, lòng người vợ tràn nỗi tủi thân.
***
Làng Ngọc của ông Tuy đang bị luồng gió đô thị cày nát. Nó cũng bị cày nát bởi máy ủi máy xúc và các dự án lớn nhỏ. Tệ hại hơn, tâm hồn bọn thanh thiếu niên của làng bị ngấm những luồng văn hóa “lai căng” ở đâu đó, khiến đứa nào cũng ham hố, cứng đầu khó bảo. Người lớn dễ nhận biết nhất, họ thay đổi vì các dự án lắm của nhiều tiền, lũ thanh niên đi làm cho các nhà máy ở khu công nghiệp Đồng Văn, đem tiền về ăn chơi, mua sắm quần áo bó sát, sắm điện thoại đi động. Nhiều gia đình ồ ạt bán đất, lấy mớ tiền xây nhà hoặc mua xe tậu pháo. Lòng người dân nhớn nhác hồ hởi. Thằng Lục con ông cũng thay đổi một trăm tám mươi độ. Trước hiền từ nhẫn nại bao nhiêu thì nay manh động, độc ác bấy nhiêu. Ông không rõ nguyên nhân từ đâu, điều gì đã làm gan ruột nó thay đổi, đến cả em trai không tha, cha già không thương. Tất cả những điều đó dồn tụ một mớ, chăng lên đôi mắt tuổi già, ngấm vào trái tim ông vốn đã quá mệt mỏi vì đời sống thường nhật nghèo khó. Ông mải mê nghĩ về ngày xưa, một thời bom lửa. Thế hệ thanh niên nô nức lên đường cho một lý tưởng. Dù vất vả, dù sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, nhưng tất cả đều rõ mình sống và chiến đấu vì lý tưởng, vì đất nước nên sẵn sàng hy sinh. Ôi, giá mà ông có đủ sức để gom lại những tiếng cười giòn giã trong lao động và chiến đấu của lớp thanh niên ngày đó, để làm vũ khí cho đời sau!
Nghĩ vậy, ông thấy mình lẩn thẩn. Mình già quá rồi. Nhưng không thể xua được những vẩn vơ trong đầu. Nó cứ ám ảnh, bám riết lấy ông. Vừa lúc đó thì thằng Lục con trai ông về, theo sau là hai người đàn ông ăn mặc sang trọng, chỉ đôi giày là bê bết bùn đất. Thằng Lục nói muốn đưa người về xem đất. Ông Tuy lắc đầu: “Mày không được làm vậy, tao có chết cũng phải giữ lại, để một phần cho em trai mày”. Giọng Lục bỗng trở nên cay nghiệt: “Tôi không biết, mặc xác sự đời, tôi quyết định rồi. Tôi sẽ bán một phần của tôi”.
Ông Tuy ho khù khụ, vợ Lục biết bố chồng không được khỏe, vội chạy ra đỡ ông vào. Lục ra hiệu cho mấy người kia đo đất. Ông Lục vẫn tiếp tục cản và miệng không ngừng ho. Chị con dâu van nài, khuyên cha vào nhà nghỉ ngơi. Mấy người đo xong đất, bỏ đi. Lục gằm ghè rũ áo cũng bỏ đi nốt. Khuôn mặt hắn bỗng dãn ra, ngấm ngầm một niềm vui mới.
Một tuần sau, khi bệnh tình của ông Lục chẳng những không giảm, mà còn nặng thêm, những người mua được đất của Lục đến nhận và chuẩn bị cho xây dựng. Họ đánh hai cỗ máy tiến về phía vườn, húc đổ đoạn tường bao, sục vào giữa vườn. Ông Lục đang nằm bệt trên giường, thấy vậy chạy ra. Lúc đó, Lục từ chiếc máy xúc ngó đầu ra:
Ấy, bố cứ nghỉ bên trong thôi. Ông Lục hỏi:
Thế này là thế nào?
Lục cười khè khè:
Con nhận tiền của người ta rồi, chỉ bán một nửa đáng thuộc về phần con thôi.
Trời ơi, mày bán đất đi thì mày sẽ ở đâu? - Mặt ông già vằn lên những vết răn reo tuổi già.
Lo gì, con sẽ làm tạm lên đất của em con.
Không được, các người không được làm thế.
Những người ngồi trên cỗ máy nói: “Con trai ông đã cầm hết tiền rồi, chúng tôi cũng chỉ được người ta thuê làm thôi”.
Sau hồi co kéo của bố con ông Tuy, cũng là lúc cánh xây dựng cho máy xúc, máy gạt tiến vào khu vườn. Ông Tuy hét lên: “Các người không được làm thế, không được!”. Ông lao về phía cỗ máy đang gạt những luống hoa màu. Lục ngăn ông lại, ông Tuy giãy ra. Hai bố con giằng co nhau. Ông Tuy dứt khoát không chịu, còn Lục đã sôi máu. Hắn vung tay, đẩy bố ngã nhào. Ông Tuy ngã chúi người, đập đầu vào cạnh một cỗ máy đang hoạt động. Cỗ máy đứng khựng. Ông già yếu ớt nằm sõng soài dưới đất, miệng ú ớ kêu. Chị con dâu - vợ Lục lao đến đỡ lấy bố. Khi chị đỡ bố lên thì thấy đầu ông tóe máu. Ngay tức khắc, ông được đưa đi bệnh viện cấp cứu.
***
Chị con dâu hớt hải lao vào phòng bệnh. Ông Tuy vừa ăn sáng, uống hộp sữa vinamilk nhờ người mua hộ, gà gà ngủ mở mắt. Chị con dâu thông báo:
Bố ơi, gay rồi, nhà con bị mất sạch tiền bán đất rồi.
Làm sao? - Ông Tuy hỏi.
Anh ấy nhận tiền xong, gửi ở nhà gã bạn nhậu, để hắn cuỗm mất và trốn đi rồi. Giờ nhà con đang kêu gào ở nhà kia kìa. Khổ quá bố ơi.
Ông Tuy thều thào, ứa nước mắt.
Thì ra, chính Lục đã gửi tiền ở nhà một trong số những người đã rủ anh đi uống rượu, chén đặc sản rắn. Còn xúi giục hắn bán đất nữa. Giờ thì Lục chuốc lấy tai họa, hắn lùng sục khắp nơi để tìm cho ra kẻ đã cuỗm tiền trốn và dọa, nếu tóm được sẽ chém không tha.
Vợ Lục cũng tiếc ngẩn ngơ. Đó là số tiền lớn mà chồng chị dại dột bán đất đi. Nó phải thuộc về chị và chồng. Miếng đất đó, phải được giữ lại để có đất dung thân, còn là nơi “hái ra tiền” chăm sóc cho cậu em chồng tàn tật tội nghiệp. Nhưng giờ đất là của người ta rồi, tiền thì bị cướp mất. Phải làm sao bây giờ?
Chị cố nén xúc động, tận tình chăm sóc bố chồng qua cơn nguy kịch. Nhưng chị biết, ông cần phải được tĩnh dưỡng và tránh xúc động. Chị muốn ông ở lại viện thêm hai ngày điều trị. Nhưng ông sốt ruột đòi về.
***
Ngươi phải giết ông cụ - Kẻ có khuôn mặt giống Lục hôm trước lại xuất hiện, hắn nói.
Lục lắc đầu:
Tại sao tao phải làm thế? Tao không giết bố tao đâu!
Mày phải làm điều đó.
Tại sao?
Vì mày đã uống tim rắn. Mày phải nghe lệnh của tao. Lục cãi:
Mày có khuôn mặt giống tao, mày bảo mày là tao. Nhưng sao cứ bắt tao giết bố?
Gã kia cười khanh khách:
Chỉ vì mày không thể làm người bình thường được nữa. Bây giờ mày phải làm những gì tao nói. Hãy cầm dao đi!
Không, tao không làm. Tao không làm. Tao phải chém mày thì có.
Lục đang ngủ, bật dậy hét lên. Hắn vụt dậy, lao ra ngoài.
Vừa lao vừa hét. Hắn lao vào bụi chuối cuối cùng trong vườn, chưa bị máy móc động tới, đấm đá túi bụi. Vừa đấm đá vừa gào lên như một con thú lâm vào đường cùng. “Tao phải giết chúng mày!” Lục hét đến cháy họng. Rồi hắn lại chạy, mắt mũi tối sầm. Hắn đâm vào cỗ máy xúc đang hoạt động ngoài đường cái đánh rầm. Thân xác hắn đổ gục, bất tỉnh.
Trước khi xảy ra sự việc, ông Tuy và vợ Lục ngồi bên Lục trong khi hắn mệt rũ muốn lăn ra ngủ. Cả hai nghe thấy hết những gì Lục lảm nhảm. Khi thấy Lục vùng dậy, họ đuổi theo ngăn Lục lại nhưng không kịp.
Lúc này, ông Tuy kéo con ra lề đường, ôm con vào lòng, òa khóc. Ông vừa lay người con vừa khóc. Ông cố gắng tìm vết thương trên người Lục. Không thấy. Cho đến khi ông xoa xoa vào vết tím bầm giữa trán Lục thì hắn tỉnh dậy. Hẳn thấy bố và vợ đang ở bên.
Bố, con xin lỗi bố. Con đã sai, giờ con rất ân hận. Ông Tuy hỏi:
Lúc ngủ, con lảm nhảm gì vậy? Con đã mơ, bố ạ, thấy ác mộng.
Nói xong, Lục òa khóc. Tiếng khóc nức nở, tràn trề, như thể hắn chưa từng biết làm gì ác, chưa từng nhúng tay vào cái ác.
Ông Tuy hiểu ra, nói: “Được rồi, bố biết là cần phải cho con một liều vac-xin phòng ngừa cái ác. Ngay cả những người hiền lành cũng cần loại vac-xin này để ngăn cái ác du nhập vào con tim”. Ông Tuy lại nói với mình: “Ừ, để phòng ngừa cho con mình, mình phải lấy bản lĩnh của người lính và kinh nghiệm sống cả đời người, đó là liều vaccin hữu hiệu nhất”.
Nhưng mà con rất ân hận. Bố và nhà con hãy tha thứ cho con.
Ông Tuy bảo:
Được rồi, con tỉnh là tốt rồi. Bố tin con sẽ sửa chữa được lỗi lầm. Từ lần sau đừng bao giờ động đến tim rắn, nghe chưa?
***
Đêm đó, hễ đặt mình là Lục thấy đầu óc âm u. Gã giống y hệt hắn lại hiện lên dụ dỗ giết bố đẻ, nhưng Lục đều cố gắng mở mắt. Mỗi lần mở mắt thì người kia biến mất. Lục nghĩ, phải loại bỏ kẻ đó khỏi tâm hồn.