Cảm giác chán chường dâng lên cổ họng, tôi mong cho ngày tháng qua đi, qua thật nhanh để thoát khỏi nơi này. Nơi tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải vào. Người ta vẫn nói kẻ phạm pháp mới phải vào “bóc lịch”. Tôi phạm điều gì mà ngồi “bóc lịch” nơi này?
Xé một mảnh áo đắp bên má tứa máu hồi chiều thằng “đại ca” tông nắm đấm rắn như thép. Tù tội cũng có “vua”, kẻ nào thế lực mạnh được suy tôn làm đại ca, tất cả phải phục dịch. Quản lý trại giam không can thiệp, chỉ những kẻ cùng kiếp tội lỗi xử với nhau. Kẻ làm đại ca có sức mạnh, hung ác, từng giết người không ghê tay, bàn tay trong đời đã rửa trong bao nhiêu lần máu. Một tên khác kể lại rằng, tên Núi từng đánh hộc máu mười bảy thằng một lúc vào ngày đầu tiên đến trại giam. Võ công của hắn lợi hại nên từ đó không ai dám gây gổ, chỉ một điều suy tôn. Trước đó, có hai kẻ mạnh nhất đứng lên làm vương làm tướng, Núi vào, hai kẻ này chịu làm… phó.
Hai tên lôi tôi đến trước mặt Núi. Hắn lấy hai ngón tay gọng kìm bóp méo mồm tôi, cười đĩ thõa: “Ngoan cố hả con, cho mày nhừ đòn. Bố đây thấy sức vóc mày không chịu được. Tướng mày chả đến nỗi. Thế sao mày bướng hả con?”. Người bạn trẻ lúc trước tâm sự, nói cho tôi về sự lợi hại của Núi, nháy mắt ý bảo ngoan ngoãn nghe theo, xin một câu cho êm chuyện.
Dạ, em không dám. Là em dại không biết, đại ca tha thứ. Em xin phục tùng.
Núi cười khoái trá, ngoan từ đầu thế có phải đỡ ăn đòn không. Nhưng không sao, mấy cú đòn đó coi như lần “ra mắt” đầu tiên, được không chú mày? Hắn hất hàm hỏi. Tôi vâng và hơi cúi. Từ đó Núi tỏ ra thân thiện, không một lời chửi rủa, không cú đòn. Một anh lớn tuổi hơn tôi bảo: Đại ca không ác độc với anh em, chỉ ác độc với kẻ nào không nghe lời. Tôi dần dần hiểu được “luật” ở trong tù, thấm thía thế nào là tù tội. Xã hội bên ngoài bon chen, trong tù cũng vậy. Cũng nịnh hót, đểu giả, cạnh tranh, khóc mếu, cười cợt, vô nhân tính… Có đêm nằm chưa ngủ, nhiều anh em thủ thỉ nói chuyện với nhau vì đâu nên nỗi vào đây. Người ngán ngẩm thở dài nói, một giây dại dột ăn hối lộ mà vào, người khác lỡ tay chém chết vợ. Anh bụng to khó thở đã gầy bớt đi nói thời gian làm công chức, tao ăn bao nhiêu xi măng cốt thép công trình. Anh nói mà như khóc, giọng bĩ cực tiếc nhớ thời hoàng kim cuộc sống vương giả bên ngoài. Nhiều lúc anh dở điên dại hò hét, lảm nhảm. Chú đầu trọc nhiều tuổi hơn tất cả, tự hào nói về cuộc sống bên ngoài của mình. Chú từng cãi nhau với anh béo, bảo thằng béo không ăn nhiều bằng tao. Tao ăn hớt của người tàn tật, trẻ em nghèo, đồng bào bão lụt. Tội của tao lớn lắm, không thằng nào bằng. Nói rồi chú chua chát cười, sau tiếng cười hàng nước mắt ròng chảy, tiếng chú rưn rứt. Thật lạ. Người ta từng cố tình phạm pháp, làm những chuyện vô sỉ, để lúc này đau khổ, cãi nhau nhận mình nhiều tội.
Tôi ngồi xa xót nhớ tháng ngày tự do bên ngoài, những cuộc vui nhậu tiệc tùng say sưa, ngày cùng sếp du lịch ngủ khách sạn chơi gái. Nếu không ngồi đây, lúc này tôi đang cùng sếp tiếp khách, vít cổ từng chai rượu ngoại nhãn mác sang trọng, phì phèo xì gà, hoặc tôi đang êm đềm đầu áp má kề bên người vợ ngoan hiền nết na trong ngôi nhà thuê. Nhà tù giàu có giây phút nhộn nhạo, hỗn độn, hàng trăm tính cách, hàng trăm loại người với những mánh khóe tội lỗi. Thế mà cũng có phút im ắng rợn người. Sếp nói sẽ cứu tôi ra sớm. Tôi được lợi lộc gì khi vào đây? Một trăm triệu đồng, cùng chức tước, sự sang trọng và lãnh nhận sự nhục nhã, vài năm mòn mỏi chịu đựng.
Chú yên tâm đi. - Giọng sếp van vỉ. - Chú thay anh, dăm năm tù ngắn ngủi ấy mà. Anh sẽ chạy để rút xuống còn hai năm, thậm chí ngắn hơn. Một trăm triệu nhé, anh đưa cho vợ chú trước. Sau này ra anh vẫn “dùng” chú, cất nhắc là phó giám đốc. Đảm bảo cuộc sống của chú sẽ sung sướng.
Những lời ấy làm chân tôi mềm nhũn. Một cơ hội quá tốt với gã trai trẻ hăng hái muốn thăng tiến. Tôi nhận sẽ trung thành cả đời với sếp. Chủ gặp nạn, làm bề tôi được san bớt phần lo lắng là niềm hạnh phúc. Sếp ôm lấy tôi, bắt tay, nói ơn tôi suốt đời. Vợ sếp cũng nói thế. Hàng trăm sự gian manh xảo trá của sếp, cái nào cũng như cây kim khổng lồ nhọn hoắt giấu trong bọc vải, bưng bít mấy cũng có ngày thò đầu. Có chuyện sếp tự lo liệu được, van xin chạy chọt thoát tội, xoá nhoà, tội nặng thành tội nhẹ, tội nhẹ biến thành lời cảnh cáo sau đó cười xòa, xoa dịu bằng một vài chầu rượu, gái, và phong bì. Nhưng vụ này nếu sếp gánh thì ít nhất năm năm tù giam. Thời gian quá dài cho một người ưa phóng túng hoành hành, mà khi bị trói trong tù, sếp rất khó khăn để xoay xở. Tôi trung thành, theo sếp sáu năm, nếm nhiều vị ngọt, nên vụ việc vỡ lở này tôi là đối tượng sếp ngắm đầu tiên để nhận tội thay, cũng thử lòng trung thành của tôi.
Tôi nhận tội là do vơ vét tiền của nhà nước, nhân dân nên dự án K đến khi triển khai nửa chừng đã ngót mất nửa tiền. Tôi cũng chịu tài sếp. Làm sao tội của sếp chuyển sang cho tôi, mọi thứ đều trùng khớp và “sạch sẽ” lạ kỳ.
Thôi yên tâm đi cậu lính trung thành - Sếp nói với tôi, ánh mắt vẫn đầy ma mãnh khi tôi bị tra còng số tám vào tay, bị áp tải vào nhà tạm giam, chờ xét xử.
Tôi suýt phát khóc. Mình chịu nhục nhã thế này vì công danh ư, tiền bạc hay sự trung thành ngu dốt? Cảm giác là kẻ tội đồ thực sự, người ta nhìn tôi với thái độ khinh bỉ. Vợ tôi quằn quại. Tôi không dám nói mình nhận tội thay, an ủi vợ, nói em yên tâm sống, anh sẽ làm lại từ đầu sau khi ra tù, để cuộc sống của em được sung sướng. Cũng dặn vợ nói với bố mẹ là tôi sẽ đi nước ngoài vài năm. Trước khi nhận tội tôi về nhà từ biệt, chào quê hương. Gió đã nhớn nhác thổi, khinh bỉ việc làm của tôi. Và khi cánh cửa chiếc xe chuyên dụng lạnh lùng đóng lại, tôi biết rằng mình không còn tự do nữa. Sự sắp đặt này đã ổn thỏa rồi. Tôi là một tên tội phạm tham ô. Sẽ không bao giờ rửa sạch được nhục nhã.
Giờ là những tháng ngày chờ đợi, bao giờ sẽ thoát ra khỏi nơi này. Sếp nói sẽ cứu tôi ra. Thi thoảng vợ tôi vào thăm, hỏi tình hình thì vợ tôi lắc đầu, nói sếp đang tìm cách, còn đến bao giờ thì chưa biết. Nên có những lúc tủi thân muốn khóc. Nguyền rủa mình làm gì, tôi tự nhủ, thà tự thắp cho mình ngọn lửa hy vọng, hướng về ngày mai, để còn được giây phút cười vui.
***
Tôi có những tháng ngày nhiều người thèm muốn ở công ty. Sếp quý tôi, coi như cánh tay phải. Khi thân tôi không phải làm những việc lặt vặt như ngày mới đến. Tôi làm thư ký. Sếp không muốn thư ký nữ vì e chuyện, chẳng “kín” việc ngài. Cha mẹ tôi rưng rưng cảm động vì con trai ổn định, rổn rảng tiền lương gửi về giúp đỡ gia đình. Bao tháng năm cha mẹ vất vả nuôi con, cho học hành, cuối cùng kiếm được “cần câu cơm”. Ngày tôi mang tháng lương đầu về, cha mẹ không nỡ cầm, nói con cứ để dùng. Tôi nói con đủ dùng rồi, mẹ cảm động nhận lấy. “Tốt quá rồi ông nó ơi, tôi nở mày nở mặt rồi. Cuối cùng trồng cây có ngày hái quả.” Sếp gọi tôi có việc đột xuất. Tôi chào cha mẹ, quê hương ra phố. Đường quê chấp chới cánh cò, khói sương mịt mù tỏa bên những rặng tre.
Cưới Lan vào cuối năm, khi tôi làm trong công ty được sáu tháng. Người tôi yêu ngoan, học giỏi, đầy đủ khí chất một người vợ tốt. Hai đứa từng no đói có nhau trong thời sinh viên, từng đạp xe cả vòng Hà Nội không dám tạt vào quán nước, đợi về nhà uống nước đun sôi để nguội cắm bằng sục điện. Em ra trường chỉ sau tôi hai tháng, làm kế toán. Thời sinh viên mãi lùi xa với bao mơ ước và tính toán. Chúng tôi nghĩ về tương lai, cầu mong kiếm được việc để cùng ở lại thành phố. Không đứa nào muốn về quê gánh nước tưới rau, đi chợ, cày cấy chân lấm tay bùn. Tôi xin được việc ở C và sau đó Lan xin được việc ở D. Ngày đó Lan làm hợp đồng lương sáu trăm ngàn một tháng, sau tăng lên tám trăm. Tuổi trẻ, mơ ước nối tiếp mơ ước. Ước mơ kiếm việc, cưới được nhau, lại mơ mua được nhà để ổn định cuộc sống, đỡ phải bon chen thuê trả tiền hàng tháng đắt đỏ, sau đó là con ngoan, con trai đầu lòng càng tốt.
“Tiền lương của em chỉ đủ tiêu vặt, lương của anh cao hơn, anh tiết kiệm nhé.”
Lan thường dặn tôi thế. Nghĩ rằng chỉ là sự vun vén của người vợ. Người vợ là cái túi của chồng. Tôi không tỏ điều gì khó chịu. Nhìn vào mắt vợ, đầy hy vọng và sức sống, tôi yên tâm gật đầu. Trong tưởng tượng, một ngôi nhà bé nhỏ nhảy múa, tôi và em hạnh phúc sống cùng hai đứa con.
Tôi mê mải làm việc của công ty, nghe theo lời dạy bảo của sếp. Một độ, trong công ty chia làm hai phe phái. Phe phó giám đốc và giám đốc. Phó giám đốc, tuy trong công ty vai vế nhỏ hơn nhưng quyền hành chẳng kém giám đốc. Bởi vì ông ta có “vây cánh” to. Thế lực này giám đốc phải nể. Với lại ba người có uy tín trong công ty đều là thân cận phó giám đốc. Hai phe ngang ngửa một chín một mười. Hai năm trước, công ty muốn thay một số đồ cũ, mua thêm điều hòa mới về trang bị cho dãy nhà mới của công ty, và một số phòng ban chưa có điều hòa. Giám đốc quen biết với hãng của Nhật thì muốn dùng đồ Nhật. Phó giám đốc thể hiện mình bằng cách một mực đòi dùng đồ Italia. Hai người khục khặc nhau mãi không quyết được. Đằng thằng ra, giám đốc có quyền quyết tất cả. Nhưng ở công ty C, phó giám đốc và ba người có uy tín không đồng ý thì chẳng xong xuôi việc gì. Không ai chịu ai, họ liền đi đến quyết định dùng cả hai loại, mỗi loại một nửa, để xem ưu thế của loại nào hơn. Máy móc được nhập về. Điều đó làm giám đốc tức tối trong lòng không yên. Nhưng sếp luôn là người nghĩ ra được những mưu cao kế lạ. Loại Nhật sẽ ưu thế hơn, sếp khẳng định. Ngài muốn loại Italia khốn khiếp ấy mất ưu thế thì nó sẽ mất. Nhanh hỏng thôi. Cứ đợi đấy.
Bảo vệ của công ty cũng là kẻ trung thành với sếp. Không vấn đề gì nữa rồi. Sếp sai tôi ở lại, nửa đêm tháo tất cả những chiếc điều hòa loại Italia ra, chọc ngoáy vào một vài bộ phận để nó nhanh hỏng. Có bảo vệ hậu thuẫn. Tôi ngoan ngoãn làm theo. Y rằng, chỉ vài tháng sau điều hòa do phó giám đốc gọi về đã có vấn đề. Giám đốc vênh mặt tự đắc: “Tôi đã nói mà!”
Vụ máy tính điện tử cũng vậy. Mỗi người đòi mua một hãng theo ý mình. Bao giờ hai người cũng đưa nhau ra thỏa thuận “một phần hai”. Thành ra máy tính trong công ty cũng có hai loại. Tất nhiên, giám đốc lại sai tôi thực thi cái kế sách ngài chỉ dẫn lần trước. Tôi gọi đến mấy tay “ăn mòn máy tính”, chúng là những kỹ sư máy siêu sao, nên chẳng khó khăn gì làm cho những chiếc máy tính kia “dở sống dở chết”. Chỉ vài tháng máy tính do phó giám đốc chuộng có vấn đề.
Phải đến khi giám đốc được tặng danh hiệu Anh hùng lao động thì phó giám đốc mới ngã ngửa người. Ngài cứ im ỉm rằng danh hiệu đó thuộc về mình vì mình thâm niên điển hình tiên tiến, ai ngờ giám đốc lo lót được tự bao giờ. Một cuộc chiến đầy mệt mỏi và luôn thất bại. Phó giám đốc già hơn, nên uy lực và mưu mẹo kém hơn thì phải. Ngài quyết định rút về Bộ làm chức to hơn chức phó giám đốc này, kéo theo cả ba người có uy tín và nhiều tuổi kia. Chiến thắng giòn giã, giám đốc thưởng cho anh em nhân viên hai ngày nghỉ mát Đồ Sơn, nhưng thay nhau đi. Hất cẳng được đối thủ mạnh, giám đốc hả hê nghỉ ngơi xả láng. Giờ được tự do quyết định. Chỉ còn mỗi việc quan trọng là tạo dựng thế lực để ổn định ghế ngồi.
Tôi theo sếp đi công tác. Nơi nào sếp cũng muốn tìm cho mình một người giải khuây. Sếp bảo bây giờ tự do rồi, không sợ thằng phó nó nhòm ngó, tâu lên trên nữa, cứ việc thoải mái tiêu xài hưởng thụ đi. Phụ nữ ngày nay nửa đứng đắn nửa ngả ngớn đĩ thõa. Lắm cô vì mải mê miếng lợi sếp ném ra mà quên mất mình. Khó khăn lắm mới có cô đoan chính gìn giữ bản thân. Đặc biệt, sếp luôn tỉnh táo không bao giờ “tòm tem” ở công ty. Với cánh nữ dưới quyền sếp giữ thái độ nghiêm khắc. Ngay cả ở thành phố cũng vậy. Đố ai thấy sếp đèo một bóng hồng nào đi một mình. Sếp phải đi xa, chơi ở xa đảm bảo bí mật. Trong số những cô gái chịu số phận “làm mồi” cho sếp, cô ở miền Trung có ấn tượng nhất. Cô nói dìu dịu hồn nhiên, nụ cười cũng hồn nhiên, răng trắng, lại thật thà. Cô tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm tỉnh, chưa tìm được việc chính thức, dạy hợp đồng cho một trường cấp II trong một huyện miền núi.
Sếp vào đó vô tình gặp, ngài mê luôn. Mê luôn từ ánh mắt đến nụ cười đầu tiên thổi đến. Cô tên Nga. Nga cưới trượt anh chàng tốt nghiệp đại học ở Hà Nội, bỏ đi du học nước ngoài. Chàng chủ động chia tay. Sếp hỏi Nga có muốn về thành phố làm việc. Đó là mơ ước Nga chưa bao giờ dám nghĩ. Sếp hào phóng nói sẽ giúp được. Sếp chiếm được thân xác Nga rất dễ dàng. Tôi nghĩ rằng Nga muốn đánh đổi, chứ không phải yêu. Rất nhanh chóng, sếp đưa được Nga về thành phố, vì đây là quê hương thứ hai của ngài. Mấy tháng sau ngài trở lại Vinh công tác. Nga đến tìm, vác theo cái bụng. Điều đó làm sếp bất ngờ trước bàn dân thiên hạ. Ngài đây đẩy chối từ đứa con tội nghiệp kia. Nga khóc, khẳng định chính xác nó là con của ngài. Không thể nào chịu được. Ngài chửi thề. Đồ đĩ thõa, hí húi với thằng nào rồi đổ cho sếp. Sếp bỏ về quê, cử tôi ở lại, nói hãy “dọn” cho sạch vụ này. Tôi làm theo, tất nhiên phải sử dụng sự mềm mỏng. Tôi đưa cho Nga ít tiền, để cô phá thai, bồi dưỡng, kèm một câu: “Không nghe lời, cô sẽ mất việc”. Nga đau đớn chấp nhận.
Tôi đã tiếp tay cho sếp, nhận sự sai bảo của sếp, và chứng kiến ngài sống đồi bại thế nào. Thi thoảng sếp vẫn chửi tôi, ngu lắm, đối với thằng liều phải lựa lời ứng xử. Thằng mạnh không sợ, tìm cách túm được gáy thì nó mất giãy. Sếp dạy tôi muốn làm được việc phải biết ác, cả nể hại đến thân. Bao giờ, sếp cũng “hợp lý hoá” được tất cả mọi chi tiêu, kể cả chuyện nhiều lần bí mật dùng xe công chở vợ con đi du lịch. Trong khi sếp tuyển công nhân, vòng phỏng vấn, người đấm là tôi còn sếp sẽ xoa, như vậy để mọi người đến đây nghĩ rằng sếp luôn thoáng tính và quan tâm đến cấp dưới. Tất tần tật mọi chuyện của sếp làm tôi đều hưởng ứng và không dám can ngăn, lại chẳng dám không khen sếp dù biết rằng nhiều chuyện sai trái luân thường đạo lý. Sợ mất lòng sếp, mất việc, mất “cần câu cơm”. Sợ lắm con đường tiến thân mù mờ đâm vào ngõ cụt.
Dù có thế nào tôi cũng phải lấy lòng để được cất nhắc. Tôi biến thành cây tre, gió chiều nào ngả chiều ấy. Sếp luôn vĩ đại, sếp muôn năm!
***
Đại ca Núi đôi lúc tâm lý, tụ tập hỏi chuyện từng anh em. Một chuyện lạ lùng chưa bao giờ nghe nói, là một kẻ cầm đầu, hung hãn trong tù như Núi lại vỗ về an ủi anh em. Núi bảo họ chịu khó cải tạo, sau này ra làm lại từ đầu. Một tên khóc nức nở khi được đại ca quan tâm. “Chưa bao giờ em nghĩ sẽ được nghe những lời như thế nữa, đại ca ạ. Lời của đại ca thức tỉnh em. Em sẽ làm lại từ đầu khi ra khỏi đây.”
Đại ca bảo tôi ngồi gần, hỏi chuyện:
- Tại sao mày phải vào đây?
Tôi nhìn sâu vào mắt đại ca. Đôi mắt hung ác lâu nay bỗng trở nên hiền từ.
Em đã tiêu tiền của dân của nước. - Tôi nói y như tội trạng mình ghi trong bản án. Đại ca lắc đầu.
Trông mày hiền lành, không giống một thằng tham ô.
Em tham ô đó. Ai chả có máu tham hả anh. Trông vậy thôi, em là thằng bỉ ổi đó. Thằng bỉ ổi nhất trong những thằng bỉ ổi. Em phải đồng lõa với sự đồi bại. Một kẻ làm sai mười mươi em vẫn khen làm đúng, cốt chỉ nịnh nọt hắn, mong lợi đến với mình. Bỉ ổi quá chứ anh. Trông em hiền thế thôi.
Chú đầu trọc gay gắt nói vào mặt tôi, bảo chú mới là kẻ bỉ ổi nhất chốn này. Tôi không bằng chú. Tôi cười rơi nước mắt.
Đại ca Núi kể cho tôi về quãng thời gian của hắn. Hắn nói tướng mạo dữ tợn này là đời làm nên, tạc vào. Núi từng là một nhân viên năng nổ nhiệt tình. Nghe đến đấy tôi biết rằng mình là đồng nghiệp Núi. Có lẽ đời Núi sẽ khác nếu không có những chuyện xảy ra giữa hắn và cấp trên. Vì sự thái quá, ngông cuồng của cấp trên khiến hắn không chịu được đã dùng nắm đấm. Hắn đi tù hai năm, ra tù, hắn lại đi làm. Sao đời hắn lúc nào cũng gặp rắc rối. Người ta cứ mang rắc rối đến cho hắn. Từ sự cáu giận dẫn đến ngộ sát, ông giám đốc già công ty tư nhân N. đã chết. Hắn phải vào tù. Sau đó qua bạn bè, hắn biết vợ mình theo giai. Hắn từng luyện võ nên có sức mạnh. Hắn từng nói trong cơn mê sẽ giết con vợ đầu tiên khi ra khỏi tù.
Tôi thốt lên trong vô thức:
Như vậy anh lại phải vào tù thôi.
Tao còn cái gì đâu. - Giọng Núi buồn buồn. - Đ. mẹ! Đời nó chó thế chứ. Kẻ cướp vợ tao chính là thằng bạn thân nhất của tao. Nó luôn miệng nói tao tốt. Số tao sướng lấy được vợ hiền. Ai ngờ…
Tôi thấy hai bàn tay Núi co lại thành hai nắm đấm. Gân guốc cuồn cuộn. Chiều ấy, có một tên tù mới vào, nhâng nháo tướng con nhà giàu không sợ ai. Núi tông cho mấy cú đấm thép hộc máu mồm máu miệng, gần chết, phải kêu xin rối rít. Trong Núi tồn tại hai thái cực, ôn hòa và dã man.
***
Sếp gặp vợ tôi lần đầu tiên vào năm hai đứa mới cưới. Sếp nói vợ tôi xinh, mặn mà có da, có thịt. Lần khác trong tiệc rượu sếp nói vợ tôi tuyệt vời như hoa hậu, có khi hoa hậu không bằng. Tôi sung sướng, đêm về trân trân nhìn vợ và bóc tách hoàn toàn ngắm cho thỏa thích. Lan ngạc nhiên, tôi giải thích là mình muốn yêu vợ trọn vẹn hơn nữa, từng xen-ti-mét da thịt vợ, tôi đều phải thông thạo. Một hôm vợ tôi về, nói rằng: “Sếp anh nói anh có thuận lợi tiến thân được hay không là nhờ vợ. Em chả hiểu vì sao”. Tôi hỏi lại, vì sao nhỉ. Vợ tôi lắc đầu, anh hỏi em em biết hỏi ai. Nhiều đêm tôi nằm suy nghĩ, dám chắc tám mươi phần trăm ý đồ câu nói ấy là nhằm vào vợ tôi. Tôi ngờ nghệch tin rằng, mình trung thành hết mực, chắc sếp chẳng làm vậy đâu.
Sếp phó trước đi thì sếp phó sau về. Ông này tên Tuẫn, 42 tuổi, trước đây từng làm ở Sở Du lịch, cũng là kẻ “ba phải”. Gã còn ba phải hơn tôi. Sếp nói với tôi gã là tên sợ chết. Nhu nhược không dám cầm cái phong bì người ta dâng biếu. Sếp nói đào tạo chắc mất nhiều thời gian. Chỉ riêng ba người: sếp, gã và tôi biết chuyện “đào tạo”. Làm cái chức này không cầm phong bì thì người ta vẫn nghĩ mình cầm. Luật bất thành văn. Người ngoài có ai hiểu cho nỗi khổ ấy. Nên cứ cầm. Nhưng dù sao, khuôn mặt có vẻ hiền hiền ngơ ngác của Tuẫn khiến sếp yên tâm hơn khi Bộ về. Bộ cứ nhìn vào vẻ ăn mặc giản dị của giám đốc và phó giám đốc mà đánh giá con người họ.
Chuyện tôi nhận tội thay sếp, phó giám đốc Tuẫn chỉ mù mờ biết. Gã khuyên tôi: “Cậu nên cân nhắc kỹ, cậu còn trẻ, mà sức mạnh của tuổi trẻ thì tuyệt vời”. Tôi nói không hiểu ý gã. Gã cười: “Cậu cứ giả vờ, tớ biết tỏng. Cậu ngu lắm!”. Tôi tròn mắt: “Ông cũng đang tôn thờ sự giả dối đấy thôi. Tôi muốn thực hiện mơ ước của mình, tuy rằng hơi mạo hiểm”. Tuẫn hềnh hệch cười, bỏ đi. Tôi đồ rằng, Tuẫn “ba phải” là có ý đồ, trông gã không giống con thỏ non.
***
Chờ đợi mãi, cuối cùng cũng đến ngày sếp cứu tôi ra. Tôi sung sướng không kể hết, hét lên trong nhà giam. Nguyên do: tôi cải tạo tốt, được giảm án. Còn bên ngoài sếp lo lót, kiếm tiền đền bù vào chỗ tôi đã làm thiệt hại mà chính là sếp làm. Tôi trở về nhà với biết bao sung sướng sau hai năm ngồi tù. Giờ đây, tôi có nhà mới, đúng như mơ ước, ngôi nhà tuy nhỏ hẹp, nhưng cũng đủ để hai vợ chồng sống hạnh phúc. Số tiền hơn hai trăm triệu, trong đó là số tiền một trăm triệu sếp trả (số tiền này sếp nói với vợ tôi là cho vay), cộng với tiền những năm tôi làm việc tại công ty, thiếu chút ít nữa sếp cho vay nốt. Sếp tốt quá, đã giúp vợ tôi ở nhà hoàn thành mọi thủ tục. Đúng hơn là ngài đứng ra mua. Sếp nói: “Giờ chú với tên kia làm phó, sau này anh hót nó đi, chỉ chú mày làm phó thôi”. “Cảm ơn anh nhiều lắm!” Cuối cùng tôi được làm phó. Tất nhiên đó cũng là chuyện gian nan và phải ứng xử. Đâu dễ gì một người mới được xóa án tích có thể ngồi ở vị trí này. Con đường hoạn lộ của tôi đang rộng mở, có thể ngửa mặt nhìn trời cao.
Sếp quan tâm đến hai vợ chồng tôi. Vợ tôi vui mừng khi có sếp đến nhà. Còn chuyện ở công ty có phần không tốt, sếp và Tuẫn mất đoàn kết. Tuẫn không còn buông tay nghe theo sếp nữa. Một hôm Tuẫn rỉ tai tôi: “Mày không biết gì à? Khổ quá, ngồi tù thay nó, để nó ở nhà ve vãn vợ mày. Điên tiết nhỉ!”. Tôi hét lên:
Ông nói gì?
Chú đừng nóng. Chưa nghe rõ hả? Thằng sếp đáng kính của mày tằng tịu với vợ mày đấy.
Tôi lại vụt về nhà, đạp cửa thình thình, tra khảo vợ để rõ nguồn cơn. Vợ tôi bình tĩnh:
Anh nghe lời xằng bậy làm gì. Chúng nó ghen ghét anh, ghét giám đốc của anh nên mở lời thối tha. Em chung tình với anh.
Tôi nghe phải, có lẽ thật. Tay Tuẫn này như con chó giãy chết, xấu xa gì cũng có thể làm. Tôi xin lỗi vợ, Lan nhìn tôi, âu yếm, khoác lên vai vòng tay yêu thương.
Một hôm, tôi đi Hải Phòng giải quyết việc của công ty theo lệnh sếp. Trở về, thấy sếp từ nhà tôi đi ra. Trước đến nay, ông ta luôn kín kẽ trong các mối quan hệ với đàn bà con gái trong thành phố để khỏi rắc rối, tại sao lại đến nhà tôi khi biết tôi đi vắng. Tôi vào nhà, vợ tôi quần áo xộc xệch mở cửa. Tôi hỏi vợ, có ai đến tìm anh không? Vợ tôi nói không có ai. Vào giường, giường chiếu xô lệch nhàu nhĩ, lại có cả tàn thuốc lá. Không cầm lòng được nữa.
Sếp anh vừa ở đây đi ra đúng không?
Không có, cả buổi chỉ mỗi mình em. - Lan không mảy may lo sợ.
Đừng vờ vĩnh nữa, tôi vừa thấy hắn đi ra từ đây. Tàn thuốc đây, giường chiếu nhăn nhúm đây, đầu tóc cô lại thế kia.
Tôi không có mà lại. - Lan hét. - Anh không tin tôi cởi quần cho anh xem.
Tôi ngăn:
Thôi đựơc rồi, không phải diễn kịch. Đàn bà các cô nhiều mưu mẹo lắm, kiểm tra cái đó thì ăn thua gì. Tôi đã điên rồ tin cô!
Mặt Lan đỏ au, nói như thể vì tôi mà cô chịu khổ.
Phải đấy, tôi đã tằng tịu với ông ấy. Nhưng anh có biết là vì anh không. Để cứu anh tôi phải cầu cạnh để anh được ra sớm, có biết tôi phải chịu nhục nhã thế nào không? Biết thì đừng có trách tôi. Phải cảm ơn tôi mới đúng, anh chồng tham của tôi ạ!
Tôi không cần cô làm vậy. - Tiếng hét của tôi váng cả căn nhà. - Chính hắn mới là kẻ tham ô, tôi phải nhận tội thay hắn để hắn cho tiền, hắn cất nhắc. Tôi đã hy sinh cả danh dự mình vì ước mơ bé nhỏ của cô, của chúng ta đấy. Tại sao cô lại làm vậy hả? Tại sao?
Tôi lao thẳng đến công ty gặp gã sếp của mình. Phải làm ra nhẽ. Hắn là kẻ khốn nạn, tại sao hắn lợi dụng cướp vợ tôi.
- Ông Tiết, tôi không ngờ… tôi không ngờ… ông… ông lại đối xử với tôi như vậy. Tôi đã giúp ông, ông còn cướp vợ tôi.
Hắn hềnh hệch cười.
Tôi không cướp vợ cậu, mà cô ấy tự nguyện đến với tôi. Nếu không có tôi, vợ cậu sẽ buồn mà chết mất. Cậu cũng đâu có ngày hôm nay.
Vừa lúc vợ tôi đến nơi. Tôi quay sang với cái nhìn căm uất. Rồi nhìn gã. Máu dồn lên đầu, toàn thân tôi nóng bừng.
Lẽ ra ông không nên làm vậy, đồ chó ạ, ông biết là tôi yêu vợ biết nhường nào mà.
Vậy thì sao chứ? Giờ mọi chuyện đã khác rồi. Cô ta tự nguyện ăn nằm với tôi. Giám đốc vênh váo.
Dồn hết sức lực vào cánh tay lao động săn chắc, tôi vung một cú đấm trời giáng vào mặt giám đốc khiến hắn ngã nhào, xác hắn đổ vào bàn ghế, cốc tách loảng xoảng. Vợ tôi đẩy tôi ra và chạy đến đỡ hắn. Với cái miệng đầy máu, hắn lúng búng nói: “Lẽ ra tao cho mày chết mọt trong tù, lôi mày ra chỉ vì mày là thằng trung thành thôi. Từ nay mày cút đi khỏi đây”. Lúc này, hai tên bảo vệ đã ập vào. Tên giám đốc bảo buông để tôi cút. Thì tôi cút.
Tôi sẽ cút khỏi nơi này… Chẳng biết vợ tôi đổ đốn từ bao giờ. Cô sà vào tay tên giám đốc khốn nạn. Tôi đã ngu muội cứu hắn, lĩnh lấy tù tội và mất danh dự, mất vợ để đổi lấy chút chức tước và ít tiền. Tôi ước mơ bay lên, leo cao lên, và tơi tả rớt xuống. Giờ tôi và vợ không nhìn mặt nhau, cô ấy chuyển ra sống với một cô bạn thuê trọ bên ngoài, thi thoảng đi với tên giám đốc. Hai người đú đởn đi qua tôi. Hạnh phúc của tôi, công việc tốt, con đường tiến thân, trong chốc lát biến thành mây khói. Giờ nhà cửa để làm gì khi tôi thất nghiệp, đơn chiếc nằm vật vã một mình và ngấu nghiến nỗi đau?
Tôi dọa sẽ phơi bày tất cả bí mật và những việc làm đồi bại của sếp. Có bằng chứng. Là tôi đã lưu lại được những hóa đơn khống, những hồ sơ liên quan đến nhiều vụ phạm pháp. May mà tôi đề phòng. Lòng người khó lường. Hắn kênh kiệu thách thức tôi. Được, hãy đợi đấy. Thời gian sau, khi tôi đang mong ngóng chờ đợi một công việc khác thì Tuẫn, phó giám đốc gọi điện nói: “Thằng Tiết sắp tiêu rồi, không ai cứu được nó nữa”. Ha, cho hắn chết. Tôi chưa kịp hạ thì hắn đã mắc cạn. Đúng rồi, chắc Tuẫn đã tìm cách hạ hắn. Sếp ơi là sếp, lần này thì toi đời rồi.
Nhưng hắn vẫn không bị bắt. Hắn nhăn răng sống và không thôi làm những chuyện đồi bại. Tuẫn và Tiết không ngừng công kích nhau, hạ bệ nhau. Vợ tôi một ngày trở về, kiệt quệ và tàn rũ như cây dưa héo. Nói xin lỗi tôi. Là thằng đàn ông, tôi rất hiểu vì sao. Hắn lợi dụng vợ tôi có chút nhan sắc, giờ thì chán ngấy, hắn cho Lan ra rìa. Tôi không chấp nhận. Có thể nào tha thứ cho người đàn bà phản bội chồng như thế. Lan quỳ thụp dưới chân tôi khóc, thảm thiết thê lương. Tôi lang thang, chìm đắm trong rượu chè và ê chề thất vọng, cuộc sống triền miên những cơn say. Kẻ tội đồ nhởn nhơ sống, còn tôi, tôi nhàu nhĩ sau rất nhiều mơ ước. Tôi đã nghĩ hạnh phúc mãi trong tầm tay của mình. Một chàng trai, có vợ đẹp ngoan, công việc tốt, có nhà riêng ngoài phố. Chẳng quá thành đạt hay sao?
Chẳng bao lâu công an và cán bộ cấp trên đã “dọn” sạch “đế chế” và tất cả những tay chân của Tiết. Chiếc còng số tám lạnh lùng đeo vào tay Tiết làm tôi thực sự bất ngờ. Tôi thấy Núi xuất hiện. Đại ca Núi ra tù. Thì ra chính Tiết là kẻ đầu tiên khiến Núi vào tù. Núi từng là cấp dưới của Tiết. Núi tìm chứng cứ tố cáo Tiết. Kẻ khôn ngoan cáo già là Tiết hết đường thanh minh. Tiết bị “chui đầu vào rọ”. Tài sản của Tiết bị niêm phong. Cả ngôi nhà bé nhỏ của tôi do Tiết đứng ra mua, lấy tên Lan vợ tôi cũng bị điều tra, tịch thu, niêm phong. Thế là hết. Tôi không có cách nào khác để giữ nó lại cho mình. Tôi muốn khóc lên, hét lên. Tôi chả còn gì. Một kẻ trắng tay. Núi tìm thấy tôi trong quán khi tôi đang ngật ngưỡng với rượu. Không hiểu vì sao hắn tìm được. Núi hỏi tại sao? Tôi khóc, nói mình tay trắng. Núi khuyên tôi nên làm lại từ đầu. Kẻ làm ăn bất chính mưu mô đã bị bắt rồi. Núi nói mình đang làm lại, và đòi về những gì đáng phải có. Tôi sẽ làm lại bằng cái gì, khi giờ là con số không tròn trĩnh?
Tôi ngồi trong phòng. Lan ngật ngưỡng bước vào, sặc mùi rượu, đôi mắt van vỉ. Cô khóc nấc, đột nhiên tôi cũng khóc. Lan bò đến sát bên cạnh tôi, nói: “Em xin lỗi anh. Vợ chồng mình làm lại nhé, đã lỡ. Bỏ qua đi, sắp mùa xuân rồi. Chúng ta phải kiếm ít tiền để ăn Tết. Bố mẹ vẫn nghĩ vợ chồng mình làm ăn phát đạt”.
Đặt tay lên vai vợ, tôi kéo cô ấy vào lòng. Không thể phũ phàng mãi với cô ấy. Tôi là đàn ông, còn bị đồng tiền và mấy thứ chức tước của tên giám đốc nhử, huống chi cô ấy là đàn bà. Hai vợ chồng lại vật lộn với bon chen và tấp nập phố xá, lại dè xẻn chi tiêu, đo đếm từng đồng.