Hôm qua mẹ đi làm đồng, lũ bạn lẻn qua nhà nháy mắt bảo hôm nay phải có tiền đi chơi. Đến lượt Phúng chi. Trên tay chúng còn bưng mấy quả bưởi trộm được ở ngôi nhà sát mương nước cạnh đồng Bưng. Cô bạn gái ưỡn ẹo dẻo mỏ đòi thêm quà sinh nhật. Trên đó có pha trộn một ít lì lợm, chút ăn chơi và cả chút bàng bạc của những lần thâu đêm la cà quán xá. Phúng ong ong đầu từ sáng đến cuối chiều. Bí quá. Làm gì để có tiền đây? May thay đến tối, mẹ bảo hôm sau sẽ lên phố huyện gửi thư cho anh trai đang làm nhiệm vụ ngoài biển đảo và thăm người họ hàng xa. Bụng bảo dạ, đó là một dịp hiếm có để cuỗm tiền. Chỉ có mình ở lại với căn nhà, làm chủ chiếc hòm thóc, ổ khóa và gia tài của mẹ.
Đâu phải lần đầu tiên Phúng mở khóa hòm thóc móc tiền từ cái túi vải của mẹ. Phúng đã làm chuyện đó quá nhiều lần. Bao năm trời mẹ vẫn dùng ổ khóa cũ, đen kịt và nhẵn bóng. Chỉ cần dùng mũi chiếc liềm lá lúa xọc vào, ngoáy vài cái là ổ khóa kêu đến “tách”, mở ra. Mẹ cứ thận trọng ra khóa vào khóa, mà không hề biết ổ khóa đã mòn, chẳng có tác dụng giữ an toàn. Còn cậu con trai giữ bí mật về một ổ khóa vô tác dụng cho riêng mình. Mẹ an tâm những đồng tiền được dồn từ mấy đồng bán rau, ổ gà con, hay lứa lợn sẽ an tâm nằm trong đó. Những đồng tiền nhàu nhĩ ấy mẹ trang trải cuộc sống, phần còn lại tiết kiệm phòng lúc cuộc sống bất trắc. Ổ khóa, cùng với cách của mình, Phúng đã có cả một kho tàng. Cậu gọi đó là ổ khóa kỳ diệu. Nó cứu cậu bao vụ thua trông thấy trước lũ bạn. Nó cho cậu tiền thết đãi bạn bè, cùng những đêm lao đầu ra phố huyện ăn tiêu rồi sớm sau mới khật khừ trong màn sương bàng bạc, đạp xe về. Không có tiền thì quê mùa quá, lũ bạn khinh thường dè bỉu. Có tiền thì chát chúa ăn chơi, ngọt ngào khen ngợi. Không ít lần đứng bên ngoài, Phúng thấy mẹ moi chiếc túi vải ra từ hòm thóc, nhấp nước bọt từ miệng đếm đếm, rồi ngẩn ngơ suy nghĩ điều gì. Phúng nhủ lòng: “Thôi kệ, chắc mẹ không phát hiện ra đâu”. Chỉ người mẹ là khổ. Bà không hề biết có thằng con đốn mạt, phụ lòng khoai sắn quê mùa, phụ lòng người mẹ tảo tần. Lưng cậu con cứ dài ra, dài thêm như nỗi lo của mẹ chẳng bao giờ chịu ngắn lại. Độ này mẹ còn ốm nữa, tiếng ho quất vào đêm đen, tiếng ho cứ rơi rụng xuống góc vườn, lẫn vào tiếng con chim hót, tiếng nhát cuốc bập sâu xuống đất. Phúng nhận ra mẹ đã quá già để vất vả, nhưng cậu cho phép mình không được mủi lòng trước những điều ấy. Cậu tự bảo mình phải chai lì hơn. Nếu chùn tay mình sẽ khổ. Mẹ khổ rồi, khổ thêm chút có sao đâu. Mình thì được phép sướng. Mình phải thảnh thơi mà chơi. Nhiều lần mẹ bỏng họng nhắc nhở, nặng hơn là mắng nhiếc. Thế thì sao chứ? Không nghe. Cứ để tai này lọt sang tai kia. Mẹ nói lắm thì nghe nhiều. Tội gì giữ lại trong đầu cho nhọc? Nghĩ thế nên dù mẹ thức khuya dậy sớm, trong lòng Phúng chẳng biểu lộ cảm giác gì. Đúng hơn, cảm giác hay lòng thương mẹ từng nhú mầm, rồi cậu đã cố tình nhổ bỏ ra khỏi lòng, chỉ để trơ lại tảng đá ích kỷ. Để mầm thương và mầm sẻ chia sẽ không bao giờ mọc nổi trong đó nữa.
Cha mất khi đứa em út lên ba, bỏ ba đứa con cho mình mẹ tất tưởi làm lụng nuôi nấng. Giờ đứa em gái đã vào Nam làm công nhân, anh cả đi bộ đội. Mỗi người đều nung nấu ước vọng của riêng mình và biết thương mẹ. Chỉ Phúng, từ ngày trượt thi đại học ở nhà, đỡ đần mẹ thì ít, quậy phá phiền hà, ba trợn ba trạo thì nhiều. Mỗi lần mở khóa lấy trộm tiền, cậu vục tay xuống thóc, moi lên chiếc túi vải có dây rút và kiểm kê. Cậu không nhớ mình đã mở khóa bao nhiêu lần. Từ năm học lớp 10, trong một lần nghịch thử, cậu làm một động tác là dùng mũi liềm thử mở khóa. Quả nhiên nó đã nghe lời, từ đó đến nay đã bốn năm. Có một điều cậu để ý, chiếc túi vải đựng tiền mà mẹ tự dùng kim chỉ khâu ngày càng nhàu nhĩ, từ màu thâm nhạt đã chuyển sang màu thâm đen. Chắc mỗi lần mẹ bỏ ra, đút tiền vào đó, hay lấy tiền đi tiêu thì mồ hôi thấm thêm vào, rồi kết lại. Hay cũng có thể những đồng tiền lẻ đã cõng mồ hôi, ướp vị mặn mòi vào túi vải. Có một lần Phúng chợt rùng mình, tự cười vào mặt mình. Chưa bao giờ mình làm ra đồng tiền để góp vào chiếc túi vải đó của mẹ. Xong, cậu cười xòa: quái quỷ gì trong đầu ấy nhỉ?
***
Sáng, mẹ đóng lại bao thư tối qua tỉ mẩn viết từng chữ, cho vào chiếc túi ni lông rồi buộc vào xe đạp. Chiếc xe đạp tòng tọc trơ trơ cái khung sắt. Phúng ngồi dựa vào gốc cây sung ở mé ao. Thi thoảng những quả sung chín rơi bòm bọp, gõ mình vào mặt nước rồi nổi nênh cùng sóng nhẹ. Cậu chờ mẹ đi khỏi sẽ mở khóa. Trong phút chốc, cậu thấy mẹ sao mà nhân hậu. Mẹ cứ rù rì đi về sớm nắng chiều mưa. Mẹ làm thay phần cha, để đến nỗi có vụ mùa ê ẩm đau, mẹ toài cánh tay ra phía sau, nắm chặt bàn tay lại đấm cho bờ vai đỡ mỏi. Mẹ chẳng than phiền lấy một câu sao đời mình khổ thế. Nhưng Phúng thì than phiền cả nghìn lần. Có lần cậu phũ phàng hỏi sao chúng con khổ, mẹ chỉ có rau dưa nuôi chúng con? Mẹ đã bật khóc, rồi lại giấu dòng nước mắt để thắp xanh cho khoảnh vườn và cánh đồng. Mà mẹ đâu chỉ nhân hậu với mấy đứa con, mẹ còn nhân hậu với cả đám trẻ hàng xóm. Có lúc mẹ tốt đến phát bực. Ví như cái gã Vín, trộm của mẹ con gà mái đem thịt uống rượu, mẹ bắt được tận tay mà gã vẫn cãi. Cuối cùng vợ gã phải sang xin lỗi, đền một con gà nhép. Con gã ốm nặng, mẹ vẫn xăm xắn thăm nom, giúp đỡ tiền thuốc. Gã phó thôn ngày trước thả trâu xéo lúa để trả thù chuyện mẹ đã nói ra sự thật, là gã sàm sỡ chị Hoa hâm. Vậy mà khi gã nhờ mua thuốc lá cây chữa sỏi thận, mẹ vẫn dặn cái Xuyến, đứa em gái út vất vả gửi từ miền Nam ra qua đường bưu điện. Mẹ tốt với cả những người khinh ghét mình, nói mẹ nghèo hèn. Sao mẹ có thể như thế? Phải tay Phúng, tha đánh cho là may chứ đừng nói chuyện làm phúc.
Những ý nghĩ cứ rủ nhau ùa về, chợt tim Phúng đập thình thịch. Lại là tiếng mẹ. Mẹ đi rồi, về làm gì nhỉ? Hay mẹ không đi nữa. Phúng chạy vào hỏi. Mẹ bảo quên cái nón, sợ lúc về nắng vỡ đầu. Mẹ lấy cái nón mê chụp vội lên đầu rồi lại lóc cóc đạp xe. Dáng mất hút sau con ngõ dài. Phúng nhủ, mẹ đội mấy chục năm cái nắng cái mưa, chỉ lót qua cái nón, vậy mà đã bao giờ vỡ đầu đâu! Mẹ thật giỏi. Phúng lại ra dựa lưng gốc sung và chờ đợi. Phải để mẹ đi xa hẳn đã, chẳng may lúc đang mở khóa mà mẹ lại quên một cái gì đó, quay về bắt gặp thì biết trốn đằng nào. Phúng lơ mơ tính toán, sắp đến vụ gặt, phải nói dối mẹ trốn đi đâu đó ít ngày để đỡ phải làm. Hay là nói đi ôn thi nhỉ? Mẹ vẫn muốn cậu con trai thi đỗ một trường, học cho bằng bạn. Ở làng chả khối đứa học rồi có việc đấy thôi. Cứ nói đến chuyện ôn thi, mẹ ủng hộ cả hai tay.
Giờ phút chờ đợi đã đến. Phúng tìm chiếc liềm cùn giắt trên mái ngói bếp. Cậu chỉ cần lay lay mũi liềm vào lỗ khóa là nó mở ra, tách! Vục tay vào hòm thóc, quờ quạng ở vị trí quen thuộc không thấy. Phúng chuyển vùng sang chung quanh. Cũng không thấy. Tim cậu đập rộn. Chiếc túi vải biến đâu nhỉ? Hì hục quờ quạng đến cả chục phút không thấy, thất vọng, cậu tuồi ra, khóa lại ổ. Mồ hôi vã ra như tắm.
Nhảy xuống cầu ao lấy hai bàn tay múc nước tạt vào mặt cho đỡ nóng. Trong đầu Phúng vẫn một câu hỏi: “Mẹ giấu túi tiền ở đâu?”. Hòm thóc gỗ đựng được bốn tạ, là cách tính của người nông dân. Mẹ chưa bao giờ để hòm thóc cạn kiệt. Ít nhất thóc cũng đủ chiếm một nửa diện tích, không thì luôn đầy. Hỏi, mẹ bảo phải tích ở đó, có thóc mới thì thay vào đề phòng thất bát. Nghĩ ngợi một hồi, Phúng tự hỏi mình đã tìm hết, đã vục tay đủ sâu chưa? Cậu quyết định làm việc đó một lần nữa. Phúng mang chiếc ghế gỗ, kê để đặt chân. Nhờ đó cậu có thể vục tay sâu vào lòng thùng thóc. Thóc ram ráp cứa vào tay, phả hơi ấm âm ỉ của nó vào mặt. Phúng chao qua chao lại, từ tầng cao đến thấp, cố không bỏ sót góc nào. Đây rồi, một cái bọc ni lông. Phúng nhấc nó ra. Không phải là chiếc túi vải như lần trước. Phúng mau chóng tháo nút. Chiếc túi vải quen thuộc nằm trong bọc ni lông. Nó dày hơn, cũ hơn thường ngày. Mẹ mới bán ba con ngan, hẳn mới bỏ thêm tiền vào.
Mở chiếc túi vải, rút tiền ra, cậu thấy hoa cả mắt. Mẹ đã gói tiền bằng những mảnh giấy vở học sinh nhàu nhĩ, chằng buộc bằng dây rơm cẩn thận. Này, mẹ còn viết những chữ gì nữa đây? Gói nào mẹ cũng viết. Phúng thận trọng nhặt lên từng gói, và đọc. Gói đầu tiên mẹ viết: “Tiền này dành đảo ngói nhà”.
Đầu Phúng toát mồ hôi. Hơi nóng từ hòm thóc phả ra. Trời ơi, ngôi nhà cứ động mưa là dột. Năm trước mẹ nhờ người giúp thay những viên ngói vỡ, chỉ vài trận mưa thì những viên ngói trước xui viên ngói sau, tiếp tục bục ra. Mẹ vất vả lấy nào xô, chậu, nồi niêu giăng khắp nhà mà hứng. Ngôi nhà còn hơn tuổi mẹ, những người hàng xóm tốt bụng vẫn bảo mẹ phải xây lại nó, sống cho đỡ khổ. Hoặc ít nhất thì cũng phải cải tạo hoàn toàn phần mái. Nhưng tiền đâu mà xây với cải tạo? Nó sống đời nhọc nhằn như mẹ, và giờ nó già nua hoang hoải. Mẹ đã chu đáo tính toán cho tuổi của nó. Gói tiền này, trời ơi, làm sao mình có thể lấy được? Phúng thấy mồ hôi từ người, từ vai mình túa ra, chảy rần rần buồn buồn xuống cổ tay, bàn tay rồi thấm vào gói tiền. Gói tiền như sực lên những nỗi niềm của mùi vị lo toan.
Phúng đặt gói tiền xuống, rồi nhấc lên một gói khác, cũng bọc giấy và buộc rơm cẩn thận, nặng mùi vất vả, có viết: “Dành cho cậu cả lấy vợ”. Lấy vợ ư? Anh ấy rõ ràng là một người con ngoan, vâng lời mẹ. Ngày ở nhà, anh trai Phúng rất thương em, hay lam hay làm, đi bộ đội rồi vẫn thư từ về. Thư anh quan tâm đến cả bữa ăn giấc ngủ của mẹ, hỏi han tình hình nào em gái, em trai, ruộng vườn. Cây khế góc hè đã cao bằng chừng nào, nhiều hoa không. Con mèo mướp còn rụng lông không? Ngày anh trai ở nhà, mẹ chỉ mong anh lấy một cô vợ cùng làng để đỡ đần. Mẹ rất quý cô út con gái bác Lam. Anh trai có vẻ ưng. Rồi anh vào bộ đội, cô gái không chờ được sang sông lấy chàng trai khác. Anh trai thư về, hùi hụi tiếc. Mẹ đã khóc mấy đêm dài. Bọn trẻ có duyên mà không có phận. Mẹ khóc như thể chính mẹ và cô gái ấy lỡ đi một cái duyên gì hệ trọng. Mưa triền miên một độ, gõ những tiếng rào rạt lên mái ngói, lên cả quả tim mẹ nhạy cảm.
Không thể lấy gói tiền này. Anh trai thương Phúng. Cậu biết điều đó. Anh vẫn bảo Phúng chịu học, rồi có ngày anh làm được tiền, thay mẹ chu cấp. Dù sao anh sống có tình, không cậy anh mà đè nén em. Chẳng biết anh đã yêu được cô nào qua thư, nhưng mẹ chờ đợi ngày anh cưới lắm. Mẹ trồng cả một góc vườn toàn chuối tiêu, dự tính kiếm hai buồng để ngày anh cưới nấu canh. Góc vườn đã sinh ra cả trăm buồng chuối, vậy mà anh chưa cưới được. Phúng đặt tiếp gói tiền xuống, rồi nhấc lên một gói khác, có viết: “Phần con út đi lấy chồng”. Ôi cô em tội nghiệp, nó vì cuộc sống mà phải vào tận đẩu tận đâu làm công nhân! Từ ngày đi đâu đã được về, tủi nhất là không về quê ăn tết được. Phúng bỗng dâng lên trong lòng cảm giác gì đó, lạ lắm. Vừa thương hại vừa nể trọng. Sao em có thể sống tốt ở trong đó với công việc nặng nhọc, mà vẫn đều đặn gửi tiền về, để mẹ gói ghém, thu vén và dồn thành những gói tiền này? Vậy mà anh… anh là thằng tồi… Bỗng chốc, gói tiền nặng trĩu xuống.
Gói ghi “Cu Phúng ôn thi” mộc mạc, dày hơn những gói khác bởi gộp nhiều đồng lẻ, cong cớn. Phúng nâng lên bằng hai tay. Cả hai tay run như thể gói tiền biết giãy. Rồi toàn thân cậu run cầm cập trong khi mồ hôi vã ra, tưới toàn thân. Mẹ vẫn chờ đợi và hy vọng. Mẹ từng mắng mỏ Phúng nhiều mà cậu không nghe. Nhưng mẹ vẫn chờ cho con có điều kiện thi đỗ một trường nào đó, đi học, rồi nở mặt nở mày. Có bữa cơm trong tương cà, mẹ mỏi mệt vì các khớp xương hành hạ, mẹ nói chẳng mong gì ngoài các con được sướng. Mà điều kiện thì hạn hẹp, mẹ chỉ có thể chịu khổ hơn, để các con có điều kiện ra ngoài chờ đời con sẽ khác. Nghe thế, Phúng nuốt không trôi. Hôm sau cậu cùng nhóm bạn ra thị trấn, cắm chiếc xe đạp lấy tiền ăn chơi. Cùng lúc đó thầy giáo chủ nhiệm gửi giấy về, nói cậu đểnh đoảng học sa sút. Mẹ đau lòng, xa xăm đợi Phúng về hỏi cho rõ. Cậu hứa không tái phạm, nhưng vẫn chỉ nói để rồi quên. Lứa rau ngoài vườn bán đi, gom thêm cả chục buồng chuối mẹ mới mua nổi chiếc xe đạp cũ khác cho Phúng đi học. Nhưng chỉ một tuần sau khi nhận xe, Phúng chạy đua, đâm vào chân cột điện, vành xe cong cớn, người thì trầy xước, đầu tứa máu… Vẫn chỉ là mẹ, già hơn, đưa tay ra cưu mang con trai. Giây phút này, Phúng tự vấn: “Sao mẹ nhẫn nhịn đến thế, mình đã phá phách, ương bướng suốt mấy năm qua, mà mẹ vẫn động viên cho học?”.
Phúng không thể cầm lòng được. Những dòng ký ức ồ ạt túa về khiến cậu òa khóc. Dòng lệ trộn dòng ký ức, pha với ít ân hận, cộng với nỗi cay đắng vì mình đã quá ích kỷ. Mẹ ơi, mẹ đang làm gì thế? Mẹ nhịn đói nhịn khát để có gói tiền này. Em gái con viết thư về, vẫn bảo mẹ đừng hà tiện quá, chịu khó mua chất tươi mà ăn. Mẹ cũng đồng ý cho qua chuyện. Mẹ chỉ mua rồi gảy gót phụ họa, cho thằng con trai lưng dài tốn vải này ăn thôi. Mồm miệng mẹ bóp lại, thân hình mẹ khẳng khiu. Sao chẳng bao giờ mẹ nghĩ cho mình?
Hơi thở như phì ra từ hai lỗ tai chứ không phải mũi, Phúng vội lần tìm gói tiền tiếp theo, viết: “Dành cho mình chữa bệnh”. Mẹ có bệnh gì nghiêm trọng sao? Phúng tự hỏi. Mẹ vẫn có bệnh thấp khớp, sỏi thận, thoái hóa cột sống… Những bệnh đó cậu đều biết cả, mỗi khi nó tấn công khiến mẹ mỏi mệt quằn quại. Nhưng chẳng bao giờ mẹ than thân trách phận mà dũng cảm chiến đấu. Thằng con trai lưng dài là con đã đỡ đần được gì cho mẹ đâu. Vậy mà mẹ chu đáo từng đứa. Phúng thận trọng xếp lại từng gói, đưa hẳn vào chiếc túi vải, rồi lồng ni lông như trước. Cậu thận trọng nhìn nó để dòng ký ức vẫn không thôi ùa về. Như lòng thương mẹ từ mạch nước nào rỉ ra, rồi bục vỡ, để xối xả thành nguồn nước tình thương, chảy trong huyết quản đứa con vốn nhiều nghĩ suy lệch lạc.
Chưa bao giờ Phúng thấy mình hư hỏng đến thế, nhẫn tâm đến vậy. Bất thần, nước mắt cậu túa ra, rớt cả vào gói tiền. Như thể nỗi cùng cực của mẹ được chan thêm dòng nước ân hận của đứa con trai. Phúng nhớ rất rõ, chính xác là từ năm học lớp 10, từ cái ngày cậu phát hiện ra ổ khóa. Những trò tinh nghịch quậy phá đã dẫn bàn tay cậu tìm tiền. Cái nọ dắt díu cái kia. Ý nghĩ dại dột này gọi thêm việc làm hư đốn khác. Mình đã vui chơi bằng mồ hôi của người mẹ tội nghiệp và những cánh đồng tội nghiệp. Cậu nghĩ, rồi hổn hển lấp thóc lên bọc tiền. “Mình không thể sai mãi”. Cậu nói thành tiếng. Đã thành thói quen, cậu lấp cẩn thận như trí nhớ mách bảo, phải sao cho hiện trường giống như lúc đầu bị tác động, kẻo mẹ nhận ra sự thay đổi. Ổ khóa đã được khóa lại. Phúng rút êm ra vườn. Quả tim cứ rộn lên, đập thình thịch, kích thích cho dòng mồ hôi tóa ra, rụng xuống. Lúc này, sao mà Phúng muốn hòa với thiên nhiên thế. Cậu muốn thở hắt ra cho nhẹ. Lần đầu tiên ổ khóa được mở, bọc tiền bị khui, nhưng tiền không bị rút. Phúng thở phào. Mình có nên sống khác đi chăng?
***
Bà mẹ đang nhìn đứa con tội nghiệp. Bà bỗng dâng lên nỗi thổn thức. Từ xa, bà nhìn nó như cái xác không hồn, bần thần trong ân hận. Bà đang tự nghĩ, hẳn là mình đã thành công trong chuyện thử thách nó. Tiền bị ngót, vị trí cứ bị nhúc nhích một vài đốt ngón tay. Chiếc túi vải đựng tiền không thể biết chạy. Mấy tháng nay tự dưng bà nghĩ đến chuyện đánh dấu. Rằng bà dùng gang tay, đo làm sao để túi tiền cách cái thành chiếc hòm áp ở ngực bà đúng một gang. Thế mà nó đã di chuyển một chút. Nhà chỉ có hai mẹ con. Không phải Phúng thì đúng là có ma. Vậy là bà đã theo dõi. Đứng từ xa, bà biết, mỗi lần nó đều rút một trăm nghìn.
Theo dõi, bà biết Phúng đã làm gì với ổ khóa, cất chiếc liềm nhỏ ở đâu, tiêu tiền thế nào. Đúng là đồ ranh mãnh. Đẻ mày thà đẻ cái trứng mà ăn! Bà đã trách con như thế, âm thầm. Những lần hai mẹ con to tiếng, đều là những lần bà không chịu nổi tiếng ngang ngược và sự lười nhác của nó. Bà thậm chí còn sợ to tiếng, thằng con bạt cho một cái thì khổ. Nên bà đã lựa cách tránh lúc nó nóng nảy. Khi nó nổi khùng thì bà dịu xuống. Bà đã không nói thẳng với nó về vấn đề này. Bà cũng không chịu thay ổ khóa khác.
Nhưng không thể để nó hư thêm, trượt dài trong lầm lạc mà cần động não. Nó lấy của mình được thì nó cũng lấy được của người. Rồi sự thể đi đến đâu, ai biết được? Nên cần phải ngăn chặn sự việc này bằng cách tế nhị nhất. Nó bỏ đi, bà thậm chí còn khổ hơn. Tất cả nhờ nghĩ suy từ những bài học bà xem được trên ti vi. Người ta xử lý tình huống khéo thế, người ta ứng xử với nhau sao mà giỏi? Cả đời bà nông dân, làm sao tính toán vẹn đôi đường được. Bà cứ lựa theo người ta mà học.
Từ mấy hôm trước, bà quyết định làm theo cách của mình, và để sao cho buổi sáng nay, con trai rơi vào cuộc thử thách. Bà đã làm y như mình đi lên phố huyện gửi thư và thăm họ hàng. Thật ra bà ra gửi xe ở đầu làng, rồi đi đường tắt, vòng về khu vườn nhà cốt làm sao không để con trai biết. Qua lỗ thủng ô cửa sổ, bà nhìn thấy hành động của con, thậm chí rõ cả những giọt mồ hôi lăn trên trán nó. Những cái nhăn trán, sự thất thần hiển hiện ở khuôn mặt, cho phép bà tin rằng con bà sẽ nghĩ lại. Mỗi lần thấy con cầm một gói tiền lên, đăm chiêu nghĩ ngợi, bà biết con sẽ hồi tâm. Giả dụ nó lấy, bà sẽ xông vào chặn cửa, nó bất ngờ, sẽ không tài nào cãi được. Nhưng nó đã cất lại bọc tiền, đã khóa vào. Và khi ấy, bà nghe rất rõ, thằng con nói với bản thân: “Mình không thể sai mãi”, tim bà đã trở nên náo nức một niềm tin đến òa vỡ vì sung sướng. Phải thế chứ. Nó biết thương bà. Giờ đây, bà ngồi nhìn nó, lòng bà dâng lên một tình thương vô hạn. Nó to xác nhưng chưa khôn, tại bị lũ bạn không tốt dụ dỗ, lợi dụng và cùng chung sự lêu lổng.
Ôi kìa, nó còn khóc nữa. Nó khóc nức nở và chẳng hay biết mẹ đang dõi theo nó. Nó khóc trong ân hận, như thể gửi gắm tất cả tâm sự với những cái cây trong vườn. Nó càng khóc thì lòng người mẹ càng vơi đi gánh nặng. Con người ăn nhau ý chí. Nó đã hứa, đã quyết tâm học để làm mẹ vui, chắc sẽ làm được. Bà nghe thấy tiếng cây nói, như tiếng quả tim của cậu con trai, rõ mồn một.