Cô luôn coi chỗ đó là mùa xuân, không chỉ bởi màu xanh mướt của bãi ngô trải rộng ra mép nước của sông, kéo dài men theo bờ đê vô tận mà còn bởi đến bên nó, Ngảo thấy thanh thản và bản thân lớn hơn. Cô cũng đã thật sự lớn hơn khi khám phá nó, một thế giới có màu đo đỏ của nước sông, màu xanh của ngô, màu bồng bềnh trắng của mây và rộn rịp cánh cò, nơi cách nhà cô hơn hai cây số. Cha mẹ cô, em Vấn cũng không thể ngờ Ngảo lại có thể đi xa đến thế bằng một chiếc xe lăn. Lần đầu tiên khám phá ra thế giới màu sắc này, cô đã suýt thốt lên sung sướng.
Nhưng chẳng bao lâu, kể từ khi Ngảo đến được đó thì thế giới này đã bị cày xới. Đầu tiên là nhưng lò gạch với các ống khói đen ngòm được mọc lên. Người ta khoét dần đất để đóng gạch, những xe tải chở than, củi nườm nượp đổ về, rồi những viên gạch hồng ra lò được chở đi. Bãi sông, chân đê, cánh đồng, tất cả đang bị đầu độc, bị chém và nhận về những vết thương nham nhở. Ngảo cảm giác chính mình bị thương, trái tim non nớt mười bảy của cô bị cào tơ tướp. Cùng chung tay cày xới thế giới xanh bát ngát ấy còn có cha, chú và nhiều người thân của Ngảo. Cô biết đó là công việc, phải có vật liệu xây dựng nhà cửa, một diễn biến tự nhiên. Nhưng cô ngậm ngùi tiếc. Tại sao một nơi chốn đẹp nhường ấy lại bị xử tử, nhường chỗ cho lò gạch? Có lần, cô đem câu ấy hỏi ông nội, ông nói không đốt lò ở đấy thì ở đâu? Bãi sông là nơi xa dân nhất, nhu cầu nhà cửa ngày càng nhiều thì cũng cần rất nhiều gạch. Tự dưng Ngảo thấy ghét những người làm gạch, tất nhiên, đó chỉ là một ý nghĩ mà cô không dám thổ lộ với ai, kể cả em Vấn là người hay chơi với cô nhất.
Dẫu biết thế giới màu xanh không còn bình yên, nhưng Ngảo vẫn thường đến khi có thời gian, nhất là vào buổi chiều không phải đến trường. Cô vẫn làm một cách bí mật, bằng cách vượt qua những cánh đồng xanh trải rộng. Cô lăn bánh, leo dốc và xuống dốc, cô nhằm hướng chân đê. Một lối đi đã thành quen, một hành trình hào hứng và thích thú. Nhưng tiềm tàng nỗi xót xa cho khung cảnh mà cô thấy. Cô cứ đi, cho đến khi hồi chuông đầu nhà thờ vang lên thì về. Tiếng chuông linh diệu giúp vòng xe lăn đều, vững vàng hơn. Đến làng, cô tiến vào thánh đường đọc kinh cầu nguyện cùng giáo dân rồi trở về, kết thúc buổi viếng thăm. Cha mẹ tin tưởng Ngảo, dù có đi đâu thì cả hai cũng rất vui vẻ. Ngảo vẽ tranh và cô thường mang phông ra đồng ngồi ở đó cả tiếng đồng hồ. Cô làm điều đó vì đam mê, một thói quen và vì một tình yêu đến khó tả với cánh đồng. Cứ như cánh đồng quê, cùng với tiếng chuông đỡ nâng bao phận người quê côi cút, đã làm nên trái tim hồn hậu cô vậy. Ngay từ lúc cô cảm nhận sự thiệt thòi bởi những khiếm khuyết trên cơ thể mình, số phận đóng đinh cô vào chiếc xe lăn, thì sau khi vượt qua mặc cảm, cô đã học cách yêu bầu trời.
Một lần, cô vẫn lăn đều bánh tiến ra cánh đồng, lúc cần vượt một cái dốc nhỏ thì tự dưng thấy xe nhẹ bẫng. Thì ra là Vấn, đứa em gái tốt bụng đã đẩy.
Em theo dõi chị à? - Ngảo hỏi.
Không, em muốn theo chị. Thật ra, em biết chị yêu bãi sông đó. Chị đã vẽ rất nhiều về nó. - Giọng cái Vấn thành khẩn.
Ngảo hiểu rồi, trái tim đứa em cũng đang rung động trước màu xanh của bãi sông. Nó đã đi theo cô một lần, và lần này mới dám xuất hiện. Nó là đứa thánh thiện và thuộc nhiều thánh ca. Ngảo biết, nếu cô nhắc, nó sẽ không bao giờ tiết lộ với ai là cô đã đi đến tận bãi sông.
Chị đồng ý cho em đi cùng phải không? Em sẽ đẩy xe cho chị mà.
Ngảo cười, nắm chặt tay em. Hai chị em nhìn nhau, hai cặp mắt đen long lanh, gió phất phơ giỡn tóc.
Được em gái đẩy xe lăn, nó lên hay xuống dốc thật dễ dàng. Cô thấy tự tin, là nếu cả hai chị em cùng đi, mà cha mẹ có biết thì cũng chẳng hề hấn gì. Cô và em chỉ cần về đúng lúc, lúc hồi chuông nhà thờ vang lên thì sẽ chẳng có chuyện gì. Và lần này, khi có cả hai chị em, Ngảo mạnh dạn tiến đến bãi ngô. Hai cô gái dừng ở chỗ mà cả một thửa ngô lớn vừa bị san bằng để chuẩn bị dựng lò gạch mới. Ngảo bất ngờ khi nhìn thấy một đứa con gái ngồi bệt trên đất cát, ôm những thân ngô nát nhàu.
Hai chị em tiến đến gần, cách nó vài mét, Ngảo nhận ra ánh mắt của nó ném về phía hai chị em, rất gay gắt, hình như có lửa. Nó vội bỏ thứ đang ôm xuống chộp lấy chiếc liềm giơ lên như thủ thế, rồi từ từ đứng dậy. Ngảo cảm nhận đôi mắt của nó như có lửa căm thù. Nó bé hơn Ngảo và lớn hơn em Vấn một chút.
- Em làm gì ở đây thế, đi cắt cỏ à? - Ngảo hỏi. Đứa con gái im bặt, một lúc sau khuôn mặt nhem nhuốc của nó dãn ra, nó gắt:
Chẳng cỏ rả gì. Tao ghét chị em mày, ghét nhà mày. Vì nhà mày làm lò gạch mà mất cả ruộng ngô nhà tao.
Ngảo hơi điếng người. Lẽ nào cha đã thầu luôn cả chỗ này. Cô có nghe chút ít về những dự định của ông. Nhưng nếu dẹp bỏ cả mẫu ngô thế này để dựng lò thì thật phí phạm. Tự trong sâu thẳm, cô thấy có lỗi.
Chị đâu có muốn, đó chỉ là chuyện làm ăn của người lớn. Chị không biết em.
Đứa kia ngúc ngắc cái đầu, tay vung vung chiếc liềm sắc ngọt.
Nhà tao sắp hết gạo ăn rồi. Tao thích thửa ngô này, chính tay mẹ và tao đi tra. - Đứa con gái nói gần như khóc, nhưng nó cố tỏ ra cứng rắn. - Tao ghét làng mày. Làng mày toàn người phá hoại.
Cô muốn nói một lời xin lỗi. Chưa kịp nói gì thì cha cô đã đến, với ánh mắt thật khó chịu. Ông đẩy xe cho cô đi qua bãi đất lởm chởm vào lán cách đó cả trăm mét, không để cô kịp nói với đứa bé kia. Hai chị em nhìn nó, nó cũng nhìn lại vẫn một ánh mắt căm thù. Chiếc liềm lăm lăm trong tay. Nó Xe Thồ, một ngôi làng khác với làng Ngảo bởi cách tin thờ thần linh và đôi bên có rất nhiều mâu thuẫn. Làng Đại Viên của Ngảo theo đạo Công giáo, sống với đức tin và phó thác đời sống nơi Chúa, còn Xe Thồ thì không. Đại Viên luôn thể hiện sức mạnh, trai tráng ngông nghênh ném về phía làng kia sự ngạo mạn. Bên đó, đôi khi trả thù bằng cách phá hoa màu bên này, còn bên này ăn trộm hoa quả của bên kia. Mọi hành động đều dẫn đến mua thù chuốc oán.
Khoảng hơn hai chục lò đã và đang nhả khói, phải đến tận nơi thế giới của lò gạch, Ngảo mới thấy hết sự nặng nhọc mà con người nếm trải. Lần đầu tiên cô nhận ra mưu sinh khắc nghiệt thế nào và cách mà con người bán sức cho nhau để có miếng cơm. Cha và chú Ngảo đều có rất nhiều người làm công. Sự tất bật diễn ra, năng suất tăng lên thì cũng đồng nghĩa với việc nhiều thửa ngô bị ngoạm, cánh đồng cũng phải nuốt những vòi khói khổng lồ ngột ngạt. Ngảo hỏi cha về thửa ruộng mới đang san gạt kia. Ông nói đã xin phép Ủy ban và đền bù cho gia đình người ta ổn thỏa rồi.
- Con thấy đứa con gái đó đang nguyền rủa nhà ta. - Ngảo nói.
Vớ vẩn! - Cha Ngảo quắc mắt. - Hai bên thỏa thuận rõ ràng, đằng ấy đã nhận tiền đủ. Nó chỉ là đứa con gái, biết gì chuyện làm ăn của người lớn? Thôi, hai con về đi, đừng bao giờ ra đây nữa. Toàn bụi và khói, sao cứ rách việc thế nhỉ?
Lần đầu tiên Ngảo thấy cha nổi cáu với mình. Trong trái tim cô cha mẹ là người tuyệt vời, luôn dạy cô sống Phúc âm và thực hành thánh ý Chúa. Cô không biết phá ngô làm lò gạch có phạm luật Chúa hay không, nhưng thâm tâm cô xót xa.
Những thửa ngô đó có thể để thu hoạch xong hẵng phá mà cha? - Ngảo cố vớt vát.
Con thì hiểu gì chứ? Về mau đi, đây là chỗ cha làm ăn.
Ngảo thấy nhói ở tim. Khi cô và em chuẩn bị quay xe thì ở ngoài kia có tiếng nhộn nhạo. Mọi người xô cả ra đó. Là người hai làng Xe Thồ và Đại Viên đánh nhau. Họ đã tạo ra cho nhau những vết thương sâu hoắm khó lành từ nhiều năm qua, giờ chung tay mổ bụng sông, cày xới đồng và chân đê, rạch vào không gian xanh của trời những vết thương, rồi vẫn không buông tha cho nhau. Đời tréo ngoe, cứ như sự sắp đặt, một sự chơi khăm của Thượng đế là để cho cả ông chủ làng Đại Viên và Xe Thồ trúng thầu, thế là những người dân làm thuê ở đôi bên cùng lao động trong một môi trường lớn là khu lò gạch. Tai hại hơn có người ở hai làng cùng làm cho một chủ lò. Mâu thuẫn từ đó thêm dịp bùng phát. Vết thương gặp dịp lại bị khoét cho rộng ra.
Những gì Ngảo và Vấn nhìn thấy là một trận hỗn chiến đổ máu và nước mắt. Sao người ta cứ làm khổ nhau thế? Hai làng cùng uống chung một dòng nước, hít chung một bầu không khí, ruộng đồng cũng xen kẽ nhau, vậy mà chẳng bao giờ bắt tay nhau một cái thân thiện? Người Đại Viên kỳ thị người Xe Thồ, bởi họ đã không thờ cúng Đấng Toàn Năng như mình. Sự kỳ thị lớn dần, mưng mủ, hằn sâu dần theo năm tháng. Phía bên kia bầu trời mây đen kéo đến, những tia chớp nhoằng nhoằng như rạch ngang cả con sông, xé nhỏ cả các lò gạch. Ngảo rùng mình, cha cô đẩy nhanh hai con vào lán và đóng cửa lại. Ông sợ những người làng Xe Thồ đang hăng máu căm thù sẽ trút giận lên chúng. Phía Đại Viên vài người bị thương, còn phía bên kia có người bị gãy cả tay chân, vỡ toác đầu, máu me ròng ròng chảy. Nghe ngóng tình hình, Ngảo nhận ra trận ẩu đả có nguyên nhân từ mâu thuẫn làm ăn. Cô bắt đầu thấy sợ đồng tiền. Là một con chiên ngoan đạo, cô chưa bao giờ biết đến mặt trái của đồng tiền. Nay thấy cách người lớn đối xử với nhau, cô bỗng run sợ. Hôm đó, khi trời tối bịt bùng, bố mới đưa hai chị em về bằng xe máy, và những người họ hàng chở luôn cả chiếc xe lăn. Cha Ngảo lo đến tình huống người Xe Thồ sẽ chặn đường trả thù, nên để rất nhiều công nhân đi cùng. Suốt chặng đường, Ngảo thấy tưng tức ở ngực và cái run rẩy trườn ở sống lưng, không chỉ bởi cô sợ người Xe Thồ bất ngờ lao ra trả thù mà còn bởi từ nay trở đi, hận thù giữa hai làng sẽ càng bị bồi đắp, cao như con đê. Chẳng bao giờ tìm thấy cảnh thanh bình nữa.
Nhưng mọi người đã về an toàn.
***
Ngay cả ông nội cũng không giải thích nổi sự ngăn cách giữa đôi bên. Những cụ già cũng vậy họ chẳng thể làm gì được để ngăn cản thanh niên ẩu đả. Trong đôi mắt hiền từ của ông nội, Ngảo thấy sự nhân từ chất chứa, và bao giờ với mấy chị em cô, kể cả với con chó Mun của cô nữa, ông đều dành cho một tình thương đặc biệt. Ngảo đã nói với ông về ý nghĩ của mình.
Người Xe Thồ cũng biết thương yêu, cũng có các ông già, có người như cha cháu. Sao hai làng không thể hòa thuận hả ông?
Ánh mắt già nua của ông đánh về phía xa, rồi di chuyển dần vào cuốn Kinh thánh đặt ngay trên bàn, nén một tiếng thở dài.
Thật ra, đó chỉ là trò của đám thanh niên, rồi khi trưởng thành sẽ bỏ thôi. Nhưng rõ là, vẫn có sự phân biệt khó giải thích.
Cháu rất sợ. - Ngảo thốt lên. - Người lớn đánh nhau sẽ ảnh hưởng đến trẻ con. Người bên làng Xe Thồ cũng có đức tin vào đấng bậc của họ mà họ thờ. Tất cả là để mỗi người biết sợ, cho cuộc sống bình yên, con người sống đạo đức. Chị Vy của con sẽ ngày càng khổ tâm mất thôi.
Câu nói của Ngảo khiến ông nội điếng người, y như người trúng một mũi tên. Đứa con gái mười bảy tuổi, học lớp mười một, luôn dành được tình yêu thương của gia đình, tưởng nó chỉ biết vẽ, chơi với mấy con chó, với lũ gấu bông và vài đứa trẻ, cùng lắm là năng đọc Kinh thánh. Ai ngờ nó đang biết đau cho mối mâu thuẫn từ nhiều đời. Vy là chị cả của Ngảo, nhà ba chị em, Ngảo thiệt thòi nhất, nhưng cả ba đều được trời ban cho khuôn mặt thánh thiện, cùng lấy thánh nữ Tê-rê-sa làm mẹ linh hồn mình, làm tên thánh. Chị Vy được gả cho anh Thuấn ở làng Xe Thồ, sau rất nhiều cấm cản không được. Chuyện của chị đã làm cả dòng họ, đặc biệt là cha đau đầu. Nhưng thương con, cuối cùng mọi người để chị làm đám cưới với người mà chị yêu cuồng nhiệt, hồn nhiên như cây cỏ ngoài đồng. Tất nhiên anh Thuấn sẽ phải theo đạo, phải học kinh bổn sáu tháng, cùng chịu phép rửa tội để nhập vào đoàn chiên của làng vợ. Anh đã làm rất tốt, khiến chị Vy hạnh phúc, dẫu những mâu thuẫn giữa hai làng vẫn như mưa bom bão đạn trút xuống. Anh Thuấn chị Vy ở giữa hai đại gia đình, khó xử vô cùng. Họ mong hòa bình trở về trên mảnh đất này.
Cha biết chuyện giữa Ngảo và ông nội đang nói tới. Ông nói như ra lệnh:
Con chỉ cần biết học hành cẩn thận, không phải để ý đến những chuyện đó.
Ngảo ngước mắt lên nhìn cha:
Mâu thuẫn giữa hai làng cũng phải đến lúc kết thúc chứ ạ. Đại gia đình mình có khả năng làm việc đó, bố chỉ cần nói với chú trưởng thôn, rồi trình với cha xứ ra một cái luật cấm mâu thuẫn, phân biệt.
Người cha há hốc mồm. Tay ông định giơ lên làm gì đó, nhưng chợt sững lại và nhận ra sự thừa thãi của cánh tay. Ông biết con gái nói quá đúng. Mặt ông trở nên đỏ nhừ.
Không thể nào. Cha làm việc đó dễ ợt, những lò gạch lớn đều thuộc sở hữu họ nhà ta, cha có thể bảo với mọi người, nhưng làng Xe Thồ có tội. Con Vy lấy chồng bên đó, Chúa phạt làm cho nó không thể sinh con là cha đã khổ tâm rồi. - Người cha quả quyết.
Ngảo nhìn thẳng vào mắt cha, giọng cô không hề nhượng bộ:
Kìa cha, chị con đã quá vất vả. Biết đâu, chính cái tâm lý nặng nề của sự phân biệt, rồi sự mệt mỏi của trách nhiệm, sự đắng đót của những lời dè bỉu đã khiến chị ấy hoang mang mà chẳng sinh con. Chúng con đều mong bình đẳng được hòa vào bầu không khí chung, để đi đến bất cứ đâu cũng được nở nụ cười chào đón, nhất là ở làng Xe Thồ, có khu Vườn Hồng tuyệt đẹp mà con muốn khám phá nhưng vẫn chưa dám đến.
Cha cấm con đến đó. - Người cha chỉ tay vào mặt Ngảo.
Cha nói rồi, chuyện của người lớn, các con không hiểu đâu. Đi học bài mau lên! Cha đã quá mệt mỏi. Đừng có gây sự thêm.
Con không gây sự. - Ngảo òa khóc, hai tay xòe che mặt. - Sao cha cứ nói chúng con không hiểu chuyện?! Rõ ràng người lớn làm sai, áp đặt và không chịu làm hòa cùng nhau.
Mày cút vào trong kia, không tao cho ăn cái bạt tai bây giờ. - Người cha thật sự nổi khùng. Tay ông giơ lên thật cao, và suýt nữa nó giáng vào má Ngảo.
Vấn đẩy xe cho chị vào trong. Ông nội khuyên cha bớt nóng, bọn trẻ nói không phải không có lý. Ngảo vẫn không thôi khóc. Cô chộp lấy cuốn Kinh thánh nhỏ của riêng mình, ôm chặt vào lòng và nước mắt vẫn rơi. Cô biết chị Vy đã phải chịu cảm giác đó suốt từ ngày cưới chồng cách đây ba năm, thậm chí trước đó nhiều. Ngày chị cưới trời mưa như trút. Ngảo nghĩ chị sẽ khổ, y rằng dáng chị với dáng chồng cứ liêu xiêu trong hy vọng rồi tuyệt vọng. Ngảo nhận ra, không phải người làng Xe Thồ yếu thế, đơn giản vì họ chịu nhịn và cái vòng kim cô kỳ thị kia do người làng Đại Viên tạo nên ngày càng nặng nề. Thật ra người Xe Thồ có đức tin và cuộc sống của riêng mình. Họ cầu mong hòa bình.
Chỉ một lát sau, khi bình tâm lại, Ngảo ngồi nhẩm bài thánh ca. Một bài hát cảm giác nâng đỡ tâm hồn, xóa tan ưu phiền trong tâm hồn. Bài hát đẹp đến diệu kỳ.
***
Hôm qua, cha của cái Yến, đứa con gái mà hai chị em Ngảo gặp ngoài bãi ngô, đã đến tìm cha Ngảo. Chú ấy xin thêm tiền đền bù, vì hình như vợ chú ốm nặng, cần tiền. Hẳn là cái Yến rất đau khổ. Con bé rõ ràng xinh xắn, nhưng sẽ tai hại nếu để đôi mắt đẹp của nó nhuốm muộn phiền, tuổi thơ và tuổi xuân của nó bị chôn vùi trong thù hận. Ngảo bàn với Vấn sẽ nói chuyện thêm với chị Vy. Ba chị em phải làm một cái gì đó. Con Mun cứ quấn quýt ở chân như đòi tham gia.
Trong kế hoạch, Ngảo cùng em đi ra bãi sông tìm cái Yến, đứa con gái mà Vấn đã tìm hiểu rồi biết tên. Cô có cảm giác Yến sẽ vẫn ở đó để tiếc nuối. Quả nhiên đúng, cái Yến ngồi dưới chân đê, giữa bãi cỏ mềm mượt và xót xa nhìn máy ủi, máy xúc và bao người đang làm tan tành cả bãi. Vài chiếc lò sẽ được dựng lên. Không thể đi xe lăn đến chỗ cái Yến, Ngảo sai em đến gọi nó lại. Con Mun cũng ăng ắng lao ra. Ồ, nó đã đi theo thật. Nó vốn là con chó ương bướng nhưng rất đáng yêu.
Chị tao gọi mày lại gần. - Vấn nói với cái Yến. - Chị em tao muốn nói chuyện. Mày đừng nhầm, bọn tao không giống những người khác.
Vấn thấy mình nói rất cứng cáp. Yến ngước mắt lên, mặt lấm lem.
Chả có chuyện gì để nói. Nhà mày, làng mày vẫn đang phá ngô kìa. Để hai tháng nữa thu hoạch xong có phải đỡ phí không. Mày mà dám đánh tao, tao cũng đánh lại, tao có cái liềm rất sắc.
Vừa nói, Yến vừa bỏ chiếc liềm ra, cầm chắc ở tay. Vấn lùi lại một bước, quay lại nhìn chị, rồi thấy chị gật đầu, cô bé trở nên gan dạ hơn.
Chị em tao không thích đánh nhau. Như mày thấy kìa, chị em tao không chạy được nhanh. Mày đến chỗ chị tao đi.
Thấy Vấn có vẻ thành khẩn, Yến nhìn dò xét một hồi rồi đứng dậy. Nó từ từ tiến về phía Ngảo, vẫn có vẻ sợ. Đầu tiên Ngảo tặng nó một xấp tranh giấy nhỏ vẽ cánh đồng, hoa lá, con diều. Cô tặng thêm bức lớn hơn có mấy chị em Ngảo và có nó, rất giống. Yến thắc mắc thì Ngảo bảo, đó là sự đoàn kết. Yến biết là không có đoàn kết trong môi trường nó sống. Nhưng Ngảo khẳng định là sẽ có, ngày đó sẽ đến, như một phép lạ. Cô khẳng định thế với đứa con gái ngoại đạo. Nó không hiểu phép lạ là gì, nhưng nó biết nếu điều đó hiển hiện, thì sẽ chẳng ai phải đề phòng bị đánh đập nữa. Còn bản thân Ngảo, sau khi hứa điều đó sẽ được hiển hiện, tự dưng thấy lo lắng. Cô chắp tay cầu Chúa giữa lúc hai đứa con gái đứng nhìn mình. Ngảo hiểu, phép lạ đó phải được bắt đầu từ cha mình. Phải làm thay đổi cách nghĩ của cha. Và chắc chắn, ở trong tiền kiếp, hẳn là cuộc sống khác lúc này, sự kỳ thị, hố sâu ngăn cách đã xảy đến bởi những kẻ cố chấp. Những kẻ đó thường vẫn đọc Phúc âm, đọc kinh nhà thờ, nghe cả thánh ca. Ông nội đã nói mỗi người là một bông hoa tỏa hương, chẳng lẽ ông đã sai, bởi có bông hoa chẳng tỏa hương bao giờ.
Đứng trong sắc diệp lục của cánh đồng, có mây hồng diễm vóc, gió ngào ngạt thơm, Ngảo thấy đứa con gái kia cười. Thầm ước nụ cười ấy sẽ nở mãi trên môi nó. Thầm ước nụ cười đoàn kết chảy tràn trên không gian bao la của cánh đồng lớn, cánh đồng chung và mỗi tâm hồn đều có quyền thả mình trên cỏ thơm, hà hít khí trời và đu theo con diều. Nhưng phải đợi đã, việc cần làm còn ở phía trước.
Hôm qua, cha đã không chấp nhận đưa thêm tiền cho cha cái Yến. Thì đây, Ngảo đã chuẩn bị một ít tiền, định đưa cho nó về giúp mẹ. Cô lấy tiền ra, nói và dúi vào tay nó. Nhưng nó từ chối, nó không lấy mà chỉ nhận xấp tranh có bức “Đoàn kết”. Ngảo thuyết phục bằng sự toàn tâm nhiệt thành của mình. Cô chỉ muốn giúp nó chút ít. Nhưng Yến giật tay ra, dứt khoát. Ngảo càng cố dúi tiền thì càng khiến nó cương quyết, sau cùng nó bỏ chạy, cùng với bức tranh. Và trong lúc chới với gọi, cô bị mất đà, chiếc xe lăn lật nhào. Cô ngã xuống, một cú rơi vừa đau vừa êm ái, cú rơi khiến cô thức tỉnh về một điều là lòng tự trọng. Trước đây, cô từng được ngồi trên cỏ, nay nằm gần trên cỏ, áp má xuống, nghe thì thầm tiếng đất, cô thấy cỏ thơm. Và cảm giác mây sà xuống, hôn lên cô và cỏ.
Trên đường trở về, Vấn mãi ân hận vì để chị ngã, lấm cả áo quần. Ngảo không trách em, lại còn cảm ơn, vì cú ngã đó cho cô thêm nghị lực, và trân trọng từng cọng cỏ bình yên. Cô càng khát khao trả lại nó về mảnh đất này, để màu xanh mãi được hiện diện, mây xanh mây trắng được trọn vẹn đời hiến dâng.
Thật tốt biết mấy, tối đó ba chị em được gặp nhau. Ngảo đã khóc trước mặt chị Vy về sự khắc nghiệt của ngăn cách. Mắt chị Vy trũng sâu, có lẽ cũng vì quá buồn phiền, nay được đánh thức bởi hai cô em gái. Ngảo nói, cả ba phải đoàn kết lại, trước hết cần sự giúp đỡ của ông nội. Ông nói với cha và các chú, các chú sẽ nói với các cậu khác để đi đến thống nhất. Ông nội đồng ý. Hoan hô, hoan hô! Ngảo biết ngay ông sẽ nhận lời, trái tim nhân hậu của ông chẳng bao giờ muốn trai tráng hai làng tiếp tục đổ máu, và hôm nay ngoài lò gạch lại diễn ra một trận kinh hoàng. Nhưng Ngảo thì không biết chuyện vừa xảy ra. Biết rồi, cô càng xót xa. Lũ quỷ đã xui khiến những bàn tay không biết nghĩ hành động dại dột. Thân xác đồng loại là cao quý và được cha mẹ dựng nên. Vậy mà phải lao vào những trận đòn thù hận...
Ông đã nói với cha, bằng sự gay gắt và hai người to tiếng, cuối cùng cha phải nhượng bộ. Một cuộc họp anh em gia tộc cùng những người thân tín làm gạch diễn ra, tất nhiên Ngảo không được tham dự. Cô ước mình có thể tham dự và trực tiếp đến từng nhà, nói với mọi người về bài học thương yêu của Chúa. Nhưng cô mặc cảm, người ta không thông cảm, sẽ nghĩ cô chỉ là một con què quặt, việc gì phải lo đến chuyện của dân làng. Cô đã cậy nhờ ông nội bằng con tim thuyết phục nhiệt thành, đồng thời để ông nhận thấy cô sẽ làm đến hơi thở cuối cùng nhằm thay đổi chuyện đó. Ông cười hiền xoa đầu cháu yêu. Mọi chuyện đang diễn ra tươi đẹp, như quyền năng của Chúa đã thấu hiểu lời cô thỉnh cầu. Hơn lúc nào hết, cô chờ đợi thanh bình tràn cả đồng quê, cô sẽ tự lăn bánh khám phá Vườn Hồng để vẽ thêm về những ước vọng. Nơi đây sẽ không còn hoang mang của đề phòng, dò xét và khép mình. Mỗi người đều có quyền tự do như một cơn gió mát. Sống hào phóng và bác ái.
***
Từ hôm ngã lăn trên cỏ, Ngảo không nhìn thấy cái Yến nữa. Cô vẫn đến bãi sông và nhận thấy cả một vùng rộng lớn đã dành cho lò. Tất nhiên, bờ bên kia sông vẫn còn màu xanh, cả dọc chân đê xa tít tắp. Và chắc chắn, con chim bay qua được khu lò cũng mỏi rã rượi cánh. Khói lò tràn ra cay cay. Xe tải chùng chình cào vào thân đê. Máy xúc moi cát từ những trảng cát xa bờ. Cô có cảm giác chẳng bao lâu, toàn bộ khu vực này sẽ biến thành thùng vũng, thân đê bị làm cho mỏi mòn cũng oằn mình muốn ngã, và màu xanh hoa màu cũng đang bị đầu độc bởi khói bụi than gạch. Ôi chao, đó là một tai họa!
Rồi đến một ngày, diễn biến của sự việc khiến trái tim cô gái sắp bước sang tuổi mười tám như bị dao đâm. Không thể tưởng tượng nổi, hóa ra, cha làm hòa với dân Xe Thồ chỉ là một bước lùi chuẩn bị, để bung nở ra một mâu thuẫn khác, khốc liệt hơn. Tinh thần đoàn kết thậm chí đã được cha xứ giảng trên nhà thờ, tưởng sẽ đóng đinh vào trái tim mỗi người một sự ân hận và xóa bỏ, nào ngờ người dân chỉ gật đầu giả vờ, trong sự dối trá đến khó tin. Lợi nhuận của lò gạch quá lớn, và việc tranh thị phần đã đổ thêm dầu vào lửa.
Trời nổi gió, từ hai hôm trước đài báo bão, gạch mới đóng được che chắn bằng phên nứa. Trai tráng hai làng, có cả những người lấm lem nông dân lao động chuẩn bị gậy gộc, như là một cú quyết định dằn mặt nhau. Người Đại Viên muốn người Xe Thồ phải lùi dần về phía nam eo đất, hẹp hơn, đất không tốt cho làm gạch, để mình chiếm lợi thế. Người Đại Viên phản kháng và họ hẹn sẽ thanh toán nhau.
Em Vấn bí mật nghe thấy điều đó. Nó sợ run lên, báo với chị. Ngảo lo lắng nói điều đó với ông nội. Ông cũng thấy bất ngờ. Nội muốn can chuyện đó, nhưng tai nạn hôm qua khiến ông không thể ra ngoài bãi lò. Gọi điện ra, cha không nghe máy. Ngảo và em cùng đi, cô muốn chuyển tải thông điệp của ông nội đến cha, cũng sẽ chuyển thông điệp đoàn kết của mình. Con Mun xăng xái chạy theo.
Nhưng đã quá muộn, đến nơi thì trận chiến đang diễn ra với sự khốc liệt ghê gớm. Người ta quên mất lời cha xứ và càng quên luôn mình là kẻ có đạo. Ngảo lao vào đám đông mà thét, một tiếng thét mà có lẽ, cả đời cô chưa bao giờ nghĩ nó vang đến thế. Sau tiếng thét, người làng Xe Thồ với sự yếu thế đã bỏ chạy. Gió nổi, Ngảo thấy chị Vy bị một vết thương đỏ lòm trên đầu, đang ôm nó chạy theo người Xe Thồ. Chị dừng lại chỗ Ngảo và đẩy xe để cùng chạy, trong hoảng loạn, chị nói: “Người ta nói chị là người Xe Thồ nên đánh luôn cả chị”. Ngảo tiếp tục được một cánh tay nữa, của một người lớn đẩy đi, rồi một cánh tay nữa, cả thảy bốn người đẩy xe cho cô chạy. Người Đại Viên vẫn đuổi, ở thế thượng phong, hăng máu. Rất nhiều người Xe Thồ ôm cái đầu be bét máu mà chạy. Cuộc chạy rã rời, kiệt sức nhưng không ai dám dừng lại, kể cả người vấp ngã, họ lại cố vùng lên thoát thân. Phải xa lắm, xa tít tận bãi ngô, tất cả đứng lại thở, gậy gộc vẫn lăm lăm trong tay, còn những người bị thương nặng ngã nhào. Ngảo thấy một người nặng nhất, chính là cha cái Yến. Ông thoi thóp thở, cái mũi phì máu, miệng cũng tứa máu. Bất ngờ từ đâu trong vô vàn sắc diệp lục, Yến lao ra với tiếng khóc rách trời, run cả gốc ngô. Nó đổ vào cha nó, máu ông cũng dần thấm vào mặt vào áo và trộn vào nước mắt nó. “Cha không sao, không sao đâu con. Đừng khóc nữa!” - Cha nó nói trong hơi thở yếu ớt.
Cái Yến đưa mắt nhìn Ngảo, lại là đôi mắt có lửa hận, nó bùng cháy, rất lớn. Ngảo muốn tránh đôi mắt ấy, nhưng nó đã quây lấy cô, khiến cô bải hoải đớn đau, như một điệp khúc thê lương không thể nào xóa nổi. Hẳn cái Yến đã thất vọng ghê gớm.
Trời nổi gió to hơn, mây đen đùng đùng kéo về. Mọi người đoán đó là cơn bão, nó về sớm hơn dự báo. Phải về nhà thôi, ai đó thét lên như thế. Cùng lúc ấy, người Đại Viên xuất hiện, cách đó chừng trăm mét. Người Xe Thồ hò nhau chạy. Ngảo cũng được đẩy đi, chẳng bao lâu trong sự quýnh quáng hốt hoảng, xe lăn lật làm cô ngã sấp. Chị Vy cũng theo đó ngã nhào. Lần thứ hai Ngảo ngã lên cỏ, cỏ lởm chởm nhưng mềm mại và thơm tho. Cô thấy mình gần hơn với đất mẹ, lúc này cô mới cảm giác đau ở cánh tay, cổ và đầu. Đầu cô, toàn thân đã đập xuống cỏ. Một màu xanh êm ái. Nhưng người Đại Viên đã nhào tới. Cô nghĩ gót chân họ sẽ dày xéo cô, giẫm nát như chà xát một mớ rau. Nhưng không, họ đã tránh ra, một vài ánh mắt nhìn cô, và chẳng ai đỡ cô dậy. Họ đuổi theo người Xe Thồ, có lẽ đã vượt sang bên kia cánh đồng, rồi khuất lấp về phía làng họ.
Chị và em gái đỡ Ngảo dậy, mình mẩy lấm lem, cả ba như trúng đạn. Mưa xối xả trút xuống, tóc cô gái bết bát trong nỗi ê chề. Cô uống một ngụm mưa như muốn nuốt cả nỗi uất nghẹn, cả sự đau khổ và tuyệt vọng. Một thảm cảnh mà không bao giờ cô nghĩ sẽ xảy ra nữa, nhưng nó đã diễn ra quá nhanh giống một chớp mắt. Cả cánh đồng, dòng sông và vết thương bầu trời đang ngoác rộng...
***
Đó là một cơn bão lớn nhất viếng thăm mảnh đất này kể từ hai mươi năm qua. Cơn bão như ôm trọn mọi khắc nghiệt tích tụ vào mình rồi trút xuống nhân gian, như cơn nổi giận của thần linh, như sự trừng phạt của Chúa vì sự phá hoại bầu không khí của dân làng. Mặt đất và cây cối run rẩy.
Đê đang nứt vỡ. Một tai họa ngoài ý muốn, nhưng là một kịch bản đau lòng được báo trước do người dân trong vùng đã mổ bụng dòng sông và cày xới hủy hoại thân đê. Hoảng loạn ghê gớm nhất thuộc về hai làng Đại Viên và Xe Thồ, cũng là hai thủ phạm. Người trong vùng chắc chắn ở khả năng ấy. Người hai làng đều tổ chức các đội cứu hộ của mình. Họ đóng góp bao tải tống đất vào gia cố thân đê. Không thấy bên nào bảo bên nào, tất cả hối hả làm việc. Các dân thôn bên cạnh cũng được vời tới tiếp ứng. Người già, trẻ em trong khu vực nháo nhác được sơ tán. Ai còn sức lực đều tự nguyện hộ đê.
một gia đình sơ tán cách nhà mấy cây số, Ngảo nghe ông nói lại đê đã vỡ và đã có người chết vì nước cuốn đi. Với sức mạnh của nước thì có lẽ, mọi lò gạch đều đã bị xóa sổ, màu xanh của cánh đồng rộng lớn bị hủy hoại. Cả những ngôi nhà, nguy cơ cũng bị hất tung. Hy vọng thủy thần sẽ nương tay cho chúng, không thì đói kém sẽ ở lại với dân làng rất lâu.
Ngồi thì thầm cầu nguyện, Ngảo trôi vào một miền trong veo tĩnh lặng. Cô thấy cánh đồng xanh trải rộng và màu no ấm. Sự hủy hoại của cơn bão, sự trừng phạt của thần linh đã khiến dân hai làng đoàn kết và xây dựng lại cuộc sống, cùng thắp màu xanh cho đồng. Cô thấy Chúa nói bên tai cô, rồi Thiên thần mang cô bay vào bầu trời rộng lớn. Bên dưới, những con người lao động chăm chỉ đang chờ đợi mùa mới bội thu. Tuyệt nhiên, không thấy ai nhắc đến thù hằn. Ngảo cười, bay nhẹ nhàng như cơn gió.